Home Tin Tức Thời Sự Vài nét về nền kinh tế Ai Cập

Vài nét về nền kinh tế Ai Cập PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 11 Tháng 2 Năm 2011 22:47

Kinh tế Ai Cập chủ yếu là một nền kinh tế nông nghiệp nhưng lương thực sản xuất không đủ nhu cầu

Cộng Hòa Á Rập Ai Cập dân số 80 triệu là quốc gia Bắc Phi nhưng có một phần nhỏ ở Châu Á (bán đảo Sinai), diện tích 1 triệu cây số vuông, đất đai phần lớn là sa mạc chỉ có thung lũng và châu thổ sông Nile là nơi đã được khai thác trồng trọt từ ít nhất 8,000 năm trước.

 
Chủ tiệm bánh mì đẩy bánh tới tiệm ở Cairo, hình chụp đầu tháng 2. Trái phiếu Ai Cập bị đánh sụt hạng nhiều lần. (Hình: AP Photo/Victoria Hazou)

Kinh tế Ai Cập chủ yếu là một nền kinh tế nông nghiệp nhưng lương thực sản xuất không đủ nhu cầu, phải nhập cảng bột mì, ngô từ Hoa Kỳ và gạo từ các nước Châu Á trong đó có Việt Nam.

Giá lương thực đang lên cao trên thị trường thế giới hiện nay gây khó khăn thiếu thốn cho đời sống dân chúng là một trong những nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy cuộc nổi dậy ở Ai Cập.

Ai Cập không có nhiều tài nguyên dầu lửa nhưng có một trữ lượng lớn khí đốt được khai thác bán qua các nước Âu Châu. Nhờ kênh Suez, một hải lộ quan trọng cho các tàu dầu, Ai Cập chiếm được một vị trí có ảnh hưởng đáng kể trong thị trường năng lượng thế giới.

Những đền đài và di tích cổ, đặc biệt là các Kim Tự Tháp, cũng như gần đây việc mở mang các khu nghỉ mát bên bờ biển Hồng Hải đã giúp du lịch phát triển mạnh và là một lợi tức rất quan trọng, mỗi năm có trên 10 triệu du khách đem lại thu nhập $11 tỷ mỗi năm.

Kinh tế Ai Cập sau một thời gian dài ngưng trệ đã phát triển nhanh từ đầu thiên kỷ này và theo IMF (Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế), Ai Cập là một trong những nước trên thế giới đạt thành công tốt đẹp nhất về cải cách kinh tế. Tuy nhiên do chế độ ưu đãi một thành phần có liên hệ đến giới lãnh đạo và đảng cầm quyền, cộng thêm với tình trạng tham nhũng lan tràn, lợi tức hầu hết chỉ tập trung vào tay một thiểu số, không được phân phối rộng rãi tới quảng đại quần chúng. 40% dân chúng Ai Cập sống với mức thu nhập dưới $2 mỗi ngày.

Khoảng 3 triệu công nhân xuất khẩu Ai Cập đi làm việc ở nước ngoài, hầu hết là tại Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Á Rập (UAE) và kiều hối do những người Ai Cập sống ở nước ngoài gởi về khoảng $8 tỷ mỗi năm.

Một trong những nhiệm vụ mà chính quyền quân đội cần gấp rút thực hiện là gỡ bỏ những chướng ngại cho lãnh vực đầu tư tư nhân, trong đó có hệ thống hành chánh quan liêu và những giới hạn bất công, nói cách khác “lãnh vực tư doanh cũng cần được giải phóng như dân chúng ngày hôm nay,” như lời một chuyên gia kinh tế Ai Cập sau khi Tổng Thống Mubarak từ chức. (HC)