Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10/02/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10/02/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Sáu, 11 Tháng 2 Năm 2011 08:53

 

Động đến những sai trái ở cấp trung ương, đánh động dự luận về những vụ tai tiếng liên quan đến các vị lãnh đạo cao cấp thì lập tức báo chí Việt Nam sẽ bị kỷ luật.

Báo chí và chính quyền Việt Nam

Một người bán báo trước Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội.
AFP /Hoang Dinh Nam

Asia Times : sự « cởi trói » đối với những nhà báo ở Việt Nam như ông Hoàng Hùng cũng có những giới hạn. Họ có thể nói lên sự thật, với điều kiện họ chỉ dừng lại ở cấp lãnh đạo địa phương. Đánh động dự luận về những tai tiếng liên quan đến các vị lãnh đạo cao cấp, báo chí Việt Nam sẽ bị kỷ luật.

Bạo loạn Ai Cập : Áp lực kéo dài của đường phố, « chính quyền bắt đầu mất kiên nhẫn », phó tổng thống Souleyman lên tiếng hù dọa người biểu tình. Tổng thống Sarkozy nói chuyện vào tối nay  (10/2) trên đài truyền hình để trấn an dư luận Pháp. Đó là hai đề tài lớn chiếm nhiều trang báo Paris trong ngày.

Tự do báo chí tại Việt Nam

Liên quan đến Việt Nam, án bản của báo trên mạng Asia Times số đề ngày 11/02/11 nhìn lại quan hệ giữa các tờ báo trong nước với chính quyền sau cái chết mờ ám của nhà báo Hoàng Hùng hồi tháng trước.

Tác giả bài viết, David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ đã về hưu. Brown giới thiệu qua với độc giả Asia Times về thân thế và sự nghiệp của nhà báo Việt Nam Lê Hoàng Hùng, về công việc của ông này tại các tờ báo lớn trong nước từ tờ Tuổi Trẻ đến Pháp Luật TPHCM cũng như Người Lao Động.

Đôi khi những bài viết của nhà báo Hoàng Hùng đã chĩa mũi dùi vào những nhân vật có chức có quyền. Ông cũng đã viết bài tố cáo tham nhũng, hay các hành vi lạm dụng quyền lực của một số các viên chức trong chính quyền địa phương, tùy tiện cấp giấy phép xây dụng sân golf tại các khu đất canh tác.

Những bài phóng sự « nói thẳng nói thật » như của nhà báo Hoàng Hùng vạch trần một số khía cạnh tiêu cực trong xã hội Việt Nam ngày nay. Các bài viết như vậy có sức thu hút độc giả cao đối với các tờ báo trong nước vốn ngày càng phải cạnh tranh lẫn với nhau trong một nền kinh tế thị trường.

Tuy vậy, theo ông David Brown, sự « cởi trói » đối với những nhà báo như ông Hoàng Hùng cũng có những giới hạn của nó. Báo chí Việt Nam có thể nói lên sự thật, với điều kiện những gì họ nói lên chỉ dừng lại ở cấp chính quyền địa phương. Động đến những sai trái ở cấp trung ương, đánh động dự luận về những vụ tai tiếng liên quan đến các vị lãnh đạo cao cấp thì lập tức báo chí Việt Nam sẽ bị kỷ luật.

Tác giả bài viết trên tờ Asia Times châm biếm đưa ra nhận xét : « Báo chí Việt Nam trong nhãn quan của các nhà quan sát Tây phương bị coi là những công cụ để phục vụ cho guồng máy chính quyền, bị đảng và nhà nước kiểm soát quá chặt chẽ. Thực tế không hoàn toàn như vậy : với thời gian, giới làm báo ở Việt Nam đã hiểu rằng với một số đề tài, trong một số trường hợp họ có thể viết thoải mái ; bên cạnh đó thì có những chủ đề họ chỉ nên nói phớt qua, không nên đi xâu vào vấn đề và cũng có những đề tài cấm ky, họ không được phép đả động đến »

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Trung Quốc : đợt hạn hán lịch sử ở Sơn Đông

Nhìn sang thời sự Trung Quốc đợt hạn hán lịch sử tại tình Sơn Đông tạo nên cơn sốt lúa mì trên thị trường quốc tế.

Phụ trang kinh tế báo Le Figaro gián tiếp cảnh báo độc giả Pháp:  trong những ngày tới có lẽ giá mỗi ổ bánh mì sẽ tăng thêm vài xu.

Hai phần ba các thửa ruộng trồng lúa mì tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc bị hư hại do vùng đất này đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất kể từ 200 năm qua. Thiên tai đe dọa trực tiếp đến vụ thu hoạch đông xuân. Hậu quả trực tiếp là giá lúa mì tại thị trường Chicago lên cao tới mức nhất từ 29 tháng qua. Trung Quốc là nhà cung cấp lúa mì số 1 thế giới và cũng là nguồn tiêu thụ hàng đầu trên hành tình.

Để khắc phục thiên tai, chính quyền Bắc Kinh vừa cho biết sẽ chi ra hơn 700 triệu đô la để dẫn nước về các vùng đang bị nắng nóng thiêu đốt, đồng thời chính quyền tỉnh cũng cho hay sẽ khơi lại hoặc đào thêm 30 000 giếng nước để phục vụ nhu cầu nông nghiệp.

Đào thêm giếng, khơi lại giếng là một chuyện. Tìm thấy nước hay không đó lại là một việc khác.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bí mật bên trong của WikiLeaks

Báo Libération độc quyền tiết lộ những bí mật trong hậu trường của mạng thông tin WikiLeaks : người từng là cánh tay phải Julian Assange, và cũng được coi là nhân vật số hai của WikiLeaks, Daniel Domscheit-Berg chuẩn bị cho ra mắt công chúng cuốn « Inside WikiLeaks », với hàng loạt các tiết lộ không hay ho trong hậu trường của mạng thông tin đã trở thành « cơn ác mộng của Nhà Trắng ». Libération đã độc quyền đọc cuốn sách này trước tất cả mọi người.

Tác giả cuốn Inside WikiLeaks kể lại những bước đầu anh đã cộng tác với Assange kể từ năm 2008 và cho đến ngày Daniel nhận được tin nhắn của Julian cho hay anh phari rời khỏi con tàu WikiLeaks ngày 15/9/2010.
Assange, Domscheit Berg cùng chung chí hướng. Cả hai cùng chủ trương « công khai hóa » mọi thông tin, nhưng họ lại có lối làm việc và suy nghĩ rất khác nhau.

Theo quan điểm của Daniel, WikiLeaks càng nổi tiếng chừng nào thì quan hệ giữa hai đồng sáng lập viên càng xấu đi chừng nấy. Đành rằng Daniel là người quản lý toàn bộ phần kỹ thuật của trang mạng, nhưng WikiLeaks không thể là một tổ chức đặt dưới sự điều hành của hai bộ óc vô cùng thông minh. Hơn thế nữa Julian muốn « độc quyền kiểm soát » WikiLeaks.

Để biết thêm về con người của Julian Assange và những động cơ khiến ông lao vào cuộc đọ sức chưa từng thấy với ngành Ngoại giao Hoa Kỳ, độc giả Pháp phải đợi đến ngày 16/2 khi cuốn "Inside  WikiLeaks" , nhà xuất bản Grassset của Daniel Domscheit-Berg chính thức được trình làng. Nhưng tại Đức thì Inside WikiLeaks bắt đầu xuất hiện trên các quầy sách kể từ hôm nay.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ai Cập cuộc trường kỳ kháng chiến

Trở lại với tình hình Ai Cập báo công giáo La Croix nói đến cuộc trường kỳ kháng chiến của cả hai phía chính quyền và đường phố. Tổng thống Mubarak chờ đợi phong trào nổi dậy tại Cairo bị hụt hơi, nhưng trên đường phố, đoàn người biểu dương lực lượng ngày càng đông.

Trong cái nhìn của các đặc phái viên báo L'Humanité và Le Monde, « Quảng trường Giải phóng Tahrir, càng lúc càng đông người ». Le Figaro lo ngại « chính quyền Ai Cập bắt đầu mất kiên nhẫn » phó tổng thống Souleyman đe dọa cuộc đọ sức với đường phố không thể tiếp tục kéo dài. Le Figaro không loại trừ khả năng Ai Cập sử dụng một « giải pháp mạnh » để thoát khỏi bế tắc.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

125 tuổi vẫn còn xuân

Hãng nước ngọt Coca Cola của Mỹ vừa tròn 125 tuổi. Tập đoàn số một trong ngành này tỏ ra sung sức và hơn bao giờ hết : năm ngoái Coca Cola thu vào gân 12 tỷ đô la tiền lãi, tăng 73% so với tài khóa 2009. Doanh thu của tập đoàn tăng thêm 13%, lên tới trên 35 tỷ đô la. Trên thị trường chứng khoán, cổ hiếu của nhãn hiệu có chai nước màu đỏ này tăng 40% trong vỏn vẹn một năm ! Phải nói là Coca Cola đang thống lĩnh 90% thị trường nước ngọt Bắc Mỹ.