Home Tin Tức Thời Sự Tin Vắn Lượm Lặt 10.02.2011

Tin Vắn Lượm Lặt 10.02.2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Bích Vân   
Thứ Sáu, 11 Tháng 2 Năm 2011 05:11

Tổng thống Obama cũng cho biết vẫn giữ lập trường rút quân về dần dần bắt đầu từ tháng Bảy năm nay

Obama quả quyết Al-Qaeda sẽ thua

Trong một cuộc phỏng vấn được đài truyền hình trích đoạn và phát ra hôm 07/02, Tổng thống Hoa kỳ lại thêm một lần nữa khẳng định  các lực lượng của Nato đang thắng thế và tổ chức khủng bố Al-Qaeda sẽ bị đánh bại, quân phiến loạn Taliban chắc chắn sẽ không còn (có thể) nắm quyền hành tại Afghanistan. Tổng thống Obama cũng cho biết vẫn giữ lập trường rút quân về dần dần bắt đầu từ tháng Bảy năm nay. 

Khối NATO cũng công bố ngày 07/02 rằng chương trình chuyển giao trách nhiệm an ninh của các lực lượng quốc tế cho quân đội Afghanistan bản xứ sẽ được thông báo vào tháng Ba sắp tới và bắt đầu tiến hành vào cuối tháng Sáu, tuần tự huyện theo huyện và tỉnh theo tỉnh. Khi chương trình chuyển giao được hoàn tất, lực lượng Afghan bản xứ sẽ phải đủ sức để tự bảo vệ an ninh cho đất nước của họ.   

Tài sản của Moubarak ước tính khoảng 70 tỷ mỹ kim?

Trong khi 40% trong số 80 triệu dân Ai-cập sống dưới mức 3 mỹ kim mỗi ngày thì các chuyên gia tường trình, trên báo The Guardian của Anh quốc, cho biết tài sản của Tổng thống Hosni Mubarak (cho đến thời điểm này vẫn tại vị) ước tính phải lên đến 70 tỷ mỹ kim. Tài sản khổng lồ này được hình thành từ những vụ "làm ăn" với các công ty ngoại quốc và được cất giữ tại ngân hàng (phân chia ra: 15 tỷ mỹ kim cho riêng Tt Mubarak; 1 tỷ cho bà Suzanne vợ của Tt; 8 tỷ là của riêng người con cả tên Alaa; người con thứ tên Gamal sở hữu 17 tỷ) hoặc đầu tư vào các bất động sản ở Hoa kỳ, bên Anh quốc (bà vợ và hai người con của ông Tt đều có quốc tịch Anh), ở Tây-ban-nha, ở Pháp, ở Thụy-sĩ, bên Đức và ở Dubai. Ngoài ra hai người con của Tt Mubarak đều là giám đốc hoặc có cổ phần trong nhiều công ty tại Âu châu và Hoa kỳ. Nếu làm thử một so sánh căn cứ theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes của Mỹ: ông vua vi tính Bill Gates có 54 tỷ mỹ kim (đã được cho là người giầu nhất của Hoa kỳ và thế giới), còn vợ chồng của Tổng thống Ben Ali vừa mới phải chạy trốn khỏi Tunisie (chỉ) sở hữu 5 tỷ mỹ kim!

Phe đối lập vẫn yêu cầu Moubarak phải từ chức

Sau hai tuần sôi động vì những cuộc biểu tình chống đối chính phủ, một cuộc đàm phán rồi cũng đã diễn ra ngày 06/02 vừa qua giữa phó tổng thống Omar Suleiman của phe đối lập và đại diện chính phủ. Cuộc đàm phán với chính phủ Ai-cập dường như đi đến chỗ bế tắc vì sau đó phe đối lập vẫn đòi hỏi Tổng thống Hosni Moubarak phải từ chức và vẫn tiếp tục biểu tình chống đối chính phủ Ai-cập tại quãng trường Tahir ở trung tâm thủ đô Cairo. Lác đác vẫn có những tiếng súng nổ tại quãng trường Tahir.

Tổng thống Obama bày tỏ, một cách thận trọng, rằng Hoa kỳ tin tưởng chính phủ mới trong tương lai của Ai-cập là một "đối tác" tốt của Hoa kỳ.

Ông Ban Ki-moon nói gì về những biến động tại thế giới Ả-rập?

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon, trong kỳ hội nghị thượng đỉnh thường niên về an ninh thế giới lần thứ 47, kéo dài ba ngày từ mùng 4 đến mùng 6/02 và được tổ chức tại Munich, cũng phát biểu rằng: "Những biến chuyển đang xảy ra tại Tunisie và Ai-cập là một bài học cho những chế độ độc tài của nhiều quốc gia khác nữa. Các nhà lãnh đạo phải hiểu rằng trong một chế độ không có dân chủ, khi mà nhu cầu và nhân quyền của người dân không được đáp ứng thoả đáng, thì sẽ dẫn đến hoang mang và sự hỗn loạn là lẽ tất nhiên".

Bà Angela Merkel nói gì về những biến động tại thế giới Ả-rập?

Thủ tướng của Đức, hôm cuối tuần vừa qua bên lề cuộc hội nghị thượng đỉnh quốc tế về an ninh được tổ chức tại Munich, tiên đoán: "Sẽ có những thay đổi ở Ai-cập". Bà Merkel đề cập cả đến những cuộc biểu tình hiện nay đang làm rung chuyển một số quốc gia Ả-rập, và ngụ ý so sánh với các sự kiện đã dẫn đến sự sụp đổ của khối cộng-sản tại Đông Âu hơn 20 năm trước. Bà Angela Merkel, là một người lớn lên tại Đông Đức, cho biết những hình ảnh của cuộc nổi dậy tại Tunisie và Ai-cập đã "đánh thức những kỷ niệm mà chúng tôi đã trải qua tại châu Âu. Lẽ dĩ nhiên chúng tôi đứng về phía những người bày tỏ đòi hỏi và nguyện vọng của họ, tiếc rằng các quốc gia Tây phương không thể xuất cảng mô hình của nền dân chủ cho họ! Nhưng chúng tôi ủng hộ một sự thay đổi một cách hoà bình tại Ai-cập!"

Ngày 07/02, ông Bộ trưởng Kinh tế của Đức cũng cho biết đã đình chỉ ngưng cung cấp vũ khí cho Ai cập sau đúng hai tuần lễ xảy ra những cuộc nổi dậy bạo động chống Tổng thống Hosni Mubarrak: "Vì tình hình lộn xộn hiện nay ở Ai-cập, các hợp đồng bán vũ khí cho Ai-cập phải ngưng lại. Những hợp đồng đã được chấp thuận trước đây cũng sẽ được duyệt xét lại" (bộ Kinh tế của Đức có trách nhiệm cấp giấy phép cho tất cả những hàng hoá thuộc loại vũ khí được xuất cảng).

Trong năm 2010, nước Đức đã bán cho Ai-cập một số vũ khí trị giá 22 triệu euros. Trong năm 2009, Đức đã bán khoảng 77.5 triệu euros; một phần trong số vũ khí cung cấp cho Ai-cập là những khẩu tiểu liên dành cho giới nhân viên công lực (từ ngày 25/01 bắt đầu cuộc nổi dậy tại Ai-cập, theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc đã có khoảng 300 người bị thiệt mạng).      

Lại có người định tự thiêu ở Algeria

Các cuộc biểu tình nổi dậy để lật đổ Tổng thống Zine Ben Ali của nước Tunisie, phải cuốn gói bỏ trốn ngày 14/01, đã khơi mào cho những cuộc tự thiêu bắt chước chàng sinh viên bán rau Bouazizi đã quá cố. Kể từ sự kiện lịch sử ấy có rất nhiều những vụ cố tình tự thiêu tại khắp các xứ Ả-rập được ghi nhận. Ví dụ như tại Algeria trong một cuộc biểu tình nhỏ gồm khoảng vài chục người tụ tập trước toà nhà của Sở Lao Động để chống nạn thất nghiệp, một người Algeria hôm chủ nhật 06/02 đã tự mình tẩm xăng đầy người rồi bật hộp quẹt định tự thiêu. Rất may một phóng viên đứng gần đó đã kịp thời đẩy nạn nhân nằm lăn ra đường và ngăn chận được ngọn lửa chưa kịp bùng lên!   

Sắp có một bộ phim về "người hùng" Mohamed Bouazizi

Nhà sản xuất phim Tarak Ben Ammar người Tunisie, theo tin của thông tấn xã AFP, hôm cuối tuần vừa qua cho biết đang chuẩn bị một bộ phim về chàng trẻ tuổi Mohamed Bouazizi 26 tuổi, người đã tự thiêu và gây ra sự sụp đổ nhanh chóng chế độ độc tài của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali: "Đây sẽ là một bộ phim do nhà sản xuất người Tunisie, với đạo diễn Mohamed Zran là người Tunisie, nói về một người Tunisie. Không ai có thể thay thế chúng tôi, những người Tunisie, để thực hiện bộ phim này. Kịch bản đang được viết. Phim sẽ quay bằng tiếng Ả-rập, tuy nhiên tựa đề của phim chưa có, và ngày ra mắt cuộn phim rất có thể sẽ vào tháng Năm tới đây tại nhiều vùng của xứ Tunisie, chủ yếu là tại Sidi Bouzid" [Tỉnh Sidi Bouzid được xem là cái nôi của cuộc cách mạng, là nơi đã xảy ra cuộc tự thiêu của Mohamed Bouazizi ngày 17/12/2010, một người bán rau quả thường xuyên bị cảnh sát ức hiếp chỉ vì cái tội nghèo, không có tiền hối lộ nên đã tự thiêu vì quá phẫn uất. Cái chết bi thảm của Bouazizi hai tuần lễ sau đó đã khơi mào cho những cuộc biểu tình tỏ sự căm hận chế độ độc tài gia đình trị đã âm ỉ từ lâu của dân chúng Tunisie. Các cuộc biểu tình liên tiếp đã khiến Tổng thống Ben Ali cùng gia đình phải bỏ trốn ngày 14/01].
"Tất cả doanh thu từ bộ phim sẽ được dành để lo cho gia đình Bouazizi. Bộ phim là một cách để tên tuổi của Bouazizi được thế giới biết đến, là một biểu tượng anh hùng vì mặc dù không cố ý, Bouazizi đã trở thành linh hồn và đại diện cho người dân Tunisie. Chúng tôi mong mỏi qua bộ phim, thế hệ con em chúng tôi đừng quên rằng biểu tượng của cuộc cách mạng không phải là một nhà trí thức, cũng chẳng phải một chính trị gia, mà chỉ giản dị là một người dân bình thường..."

Thụy-sĩ huỷ bỏ cuộc viếng thăm của cựu Tổng thống Bush

Lẽ ra cựu Tổng thống Bush được Tổ chức Keren Hayessod (một tổ chức của Do Thái có văn phòng tại 60 quốc gia trên thế giới) mời dự buổi dạ tiệc ngày 12/02 tại Thuỵ-sĩ, nhưng có nhiều nguồn tin cho biết sẽ có những cuộc biểu tình chống đối nên ban tổ chức, thận trọng, đành phải huỷ bỏ lời mời: "Chúng tôi có đội ngũ nhân viên gữ trật tự riêng, nhưng họ không thể bảo đảm sẽ giữ được trách nhiệm an ninh nếu xảy ra những cuộc biểu tình bạo động!"

Đòi biểu tình chống đối ông Bush là vì hồi cuối tuần vừa qua Tổ chức Thế giới chống Tra tấn (OMCT = World Organisation Against Torture) vừa yêu cầu Thuỵ-sĩ phải mở cuộc điều tra hình sự để kiện ông Bush đã vi phạm công ước của Liên Hiệp Quốc về việc tra tấn các tù nhân. Sự xuất hiện của cựu Tổng thống Hoa kỳ sẽ "làm sôi máu" nhiều tổ chức phi chính phủ khác (ONG = Non-Governmental Organization) đang hiệp cùng nhau đệ đơn khiếu nại tập thể lên toà án ở Thuỵ-sĩ, đòi đưa ông George W. Bush ra toà vì những tội ác chiến tranh và tội ác đối với nhân loại ở Iraq.  

Hàng ngàn người chạy trốn xa biên giới giữa Campuchia và Thái Lan

Từ nhiều năm nay cả hai nước láng giềng Campuchia và Thái Lan cùng tranh cãi về đường ranh giới trong vùng lân cận của một ngôi đền cổ (năm 2008, xứ Campuchia đã đề nghị UNESCO (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization) xem ngôi đền cổ như một di sản văn hoá của thế giới). Thỉnh thoảng quân đội hai bên lại đụng độ, nổ súng bắn lẫn nhau.

Chiến tranh lại một lần nữa bùng nổ ở biên giới từ cuối tuần vừa qua khiến hàng ngàn người dân của cả hai phe phải chạy lánh nạn. Theo tin của chính phủ Thái, khoảng 15 000 cư dân đã phải bỏ làng bỏ xóm ở khu vực gần biên giới, cách thủ đô Bangkok 450 cây số về hướng đông bắc. Chỉ trong hai ngày cuối tuần đã có ít nhất 5 người bị thiệt mạng ở cả hai phe, và hàng chục người bị thương. Và tiếng súng của quân đội ở hai bên biên giới vẫn nổ liên tiếp chưa ngừng từ 4 ngày qua. Thủ tướng Hunsen của Campuchia vừa lên tiếng, trên đài truyền hình quốc gia, kêu gọi ông Tổng thư ký Ban Ki-moon phải triệu tập một phiên họp bất thường của Liên Hiệp Quốc để buộc Thái Lan phải ngưng các cuộc tấn công.