Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, lực lượng đối lập chính tại Ai Cập |
Tác Giả: Đức Tâm | ||
Thứ Năm, 10 Tháng 2 Năm 2011 09:10 | ||
Trong tiến trình « chuyển giao quyền lực có trật tự », theo như lời kêu gọi của Hoa Kỳ và phương Tây, thì tổ chức Huynh đệ Hồi giáo chắc chắn là một trong những đối tác chính.
Chủ nhật, 06/02 vừa qua, trong lúc những người chống tổng thống Hosni Mubarak vẫn chiếm giữ quảng trường Tahrir, ở thủ đô Cairo, thì tổ chức Huynh đệ Hồi giáo thông báo đã tiến hành đối thoại với các quan chức chính quyền. Trong tiến trình « chuyển giao quyền lực có trật tự », theo như lời kêu gọi của Hoa Kỳ và phương Tây, thì tổ chức Huynh đệ Hồi giáo chắc chắn là một trong những đối tác chính. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ai Cập, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo chẳng có gì để mất, hoặc là họ sẽ được củng cố, vững mạnh hoặc họ sẽ lại bị chính quyền trấn áp. Đó là nhận định của giới quan sát về thách thức chính đối với tổ chức này. Chủ nhật, 06/02 vừa qua, trong lúc những người chống tổng thống Hosni Mubarak vẫn chiếm giữ quảng trường Tahrir, ở thủ đô Cairo, thì tổ chức Huynh đệ Hồi giáo thông báo đã tiến hành đối thoại với các quan chức chính quyền. Trong tiến trình « chuyển giao quyền lực có trật tự », theo như lời kêu gọi của Hoa Kỳ và phương Tây, thì tổ chức Huynh đệ Hồi giáo chắc chắn là một trong những đối tác chính. Đương nhiên, vai trò hàng đầu vẫn thuộc về quân đội : tại Ai Cập, kể từ năm 1952 và cuộc đảo chính của « các sĩ quan tự do » chống lại vua Farouk, mọi thay đổi chính trị không thể diễn ra, nếu không có sự ủng hộ của quân đội. Vậy, các thành viên tổ chức Huynh đệ Hồi giáo là ai ? Chủ đề này ám ảnh mọi cuộc thảo luận, tạo ra cùng một lúc hy vọng và lo lắng tại Ai Cập và ở nước ngoài. Huynh đệ Hồi giáo là phong trào Hồi giáo đầu tiên trong lịch sử đương đại, được thành lập năm 1928 tại Ismailia, bên bờ kênh Suez. Sáng lập viên là Hassan el Banna, một giảng viên Hồi giáo chủ trương, kêu gọi quay về cội nguồn. Ông tin rằng tổ chức cuộc sống xã hội cần phải dựa trên những nguyên tắc của Kinh Coran và truyền thống Hồi giáo. Ông tuyên bố : « Hồi giáo là tôn giáo và Nhà nước ». Năm 1948, nhiều thành viên của tổ chức này tự nguyện tham gia cuộc chiến tranh đầu tiên giữa Irael và các nước Ả Rập. Sau thất bại trong cuộc chiến, đồng thời lại bị chính quyền Nasser trấn áp, một xu hướng triệt để hình thành trong tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Sáng lập viên Hassan el Banna tìm cách chống lại, nhưng không thành và ông bị ám sát tại Cairo, ngày 12/02/1949. Tư tưởng triệt để này được đưa lên thành lý thuyết bởi một giảng viên Hồi giáo khác là Sayyed Qotb, được coi là « cha đẻ » của chủ thuyết Hồi giáo cách mạng. Gia nhập Huynh đệ Hồi giáo năm 1951, nhân vật này đã nhanh chóng tham gia hàng ngũ lãnh đạo của tổ chức. Bị bắt năm 1954, rồi bị kết án tử hình, Sayyed Qotb bị treo cổ năm 1966. Luận điểm của Qotb như sau : các xã hội Hồi giáo hiện đại đang bị rơi vào tình trạng « man rợ » - thuật ngữ trong đạo Hồi là Jahiliyya. Do vậy, cần phải tiến hành thánh chiến chống lại những người lãnh đạo của các xã hội « man rợ », nhằm mở đường cho sự lên ngôi của Nhà nước Hồi giáo có đặc trưng là « chủ quyền chính trị tuyệt đối của Thượng Đế ». Thế nhưng, khác với các phong trào Hồi giáo khác như Jamaa Islamiya chủ trương bạo lực và là tác giả của nhiều vụ khủng bố trong trong những năm 90 nhắm vào du khách ngoại quốc, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo lại cấm dùng bạo lực, kể từ những năm 70, sau khi ông Anouar el Sadate trở thành tổng thống Ai Cập. Thái độ ôn hòa đã giúp cho tổ chức này tạo dựng được uy tín và được lòng dân. Về mặt chính thức, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo bị cấm hoạt động, nhưng chính quyền Ai Cập lại có những châm chước, nhắm mắt làm ngơ trước các hoạt động xã hội, giúp đỡ người nghèo của tổ chức này. Trong kịch bản quá độ, chuyển giao quyền lực hiện nay tại Ai Cập, lần đầu tiên, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo có được một vị trí xứng đáng với tầm cỡ của nó trên chính trường Ai Cập. Thế nhưng, giới quan sát lại nhấn mạnh, trong tiến trình dân chủ hóa, chưa chắc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2005, được coi là cuộc bầu cử ít gian lận nhất trong lịch sử Ai Cập, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo có được 88 ghế. Thế nhưng, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu lại quá thấp, dưới 10%, do vậy, khó có thể dùng kết quả bầu nói trên để diễn giải. Đa số các nhà phân tích cho rằng, hiện nay, có từ 20 đến 30% dân chúng Ai Cập ủng hộ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo nhưng cương lĩnh của tổ chức này không rõ ràng, dường như vẫn coi « Hồi giáo là giải pháp ». Một trong những vấn đề nhậy cảm nhất là quan hệ với Israel thì lãnh đạo tổ chức Huynh đệ Hồi giáo lại có thái độ mập mờ nước đôi, khi tuyên bố rằng nếu lên nắm quyền, họ vẫn bảo vệ quyền đấu tranh, « kháng chiến », nhưng không có bạo lực, đồng thời vẫn tôn trọng các hiệp ước quốc tế mà Ai Cập đã ký. Xin nhắc lại, cho đến nay, tại Trung Đông, chỉ có Ai Cập và Jordani ký kết hiệp định hòa bình với Israel. Trước các thay đổi trong thế giới Ả Rập, hầu như tất cả các tổ chức chính trị Hồi giáo đều tuyên bố tiến hành các hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và các định chế hiện có, theo mô hình đảng Công lý và Phát triển – AKP, đang cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, họ còn lấy lại những yêu sách của các tổ chức dân chủ thế tục : bảo vệ các quyền tự do, bảo vệ nhân quyền, quản lý lãnh đạo đất nước tốt. Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ đã thận trọng khuyến khích đối thoại giữa chính quyền Cairo và tổ chức Huynh đệ Hồi giáo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Ai Cập. |