Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09/02/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09/02/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Năm, 10 Tháng 2 Năm 2011 09:06

‘Trong phim Chơi Vơi của Bùi Thạc Chuyên, một phụ nữ đẩy bạn gái của mình vào vòng tay người đàn ông mình yêu’.

 Phim Chơi Vơi của đạo diễn Việt Nam Bùi Thạc Chuyên ra mắt khán giả Pháp

Áp phích phim Chơi Vơi được trình chiếu tại Pháp từ ngày 09/02/2011.
© Floris Films

Tại Pháp, thứ tư hàng tuần là ngày mà các rạp chiếu bóng giới thiêu phim ‘mới’ cho công chúng. Đây cũng là dịp để báo chí giới thiệu hay phê bình những bộ phim được chiếu. Trong số phim ra mắt khán giả kể từ hôm nay, 09/02/2011, hai nhật báo lớn ở Pháp là Libération và Le Monde đã có bài giới thiệu phim Chơi Vơi của đạo diễn Việt Nam Bùi Thạc Chuyên, mang tựa đề tiếng Pháp là Vertiges.

Libération giói thiệu bộ phim qua hàng tựa ‘Hà Nội và những trái tim’, và tóm lược ngay bên dưới : ‘Trong phim Chơi Vơi của Bùi Thạc Chuyên, một phụ nữ đẩy bạn gái của mình vào vòng tay người đàn ông mình yêu’.

Theo Libération, ngành điện ảnh Việt Nam không mấy khoẻ mạnh, nhưng cuốn phim với hào quan mang từ bên ngoài về, đã gây được một ít tiếng vang trong nước. Và khán giả cũng đã đánh nhau vì bộ phim. Tờ báo trích lời đạo diễn : « Một nửa chờ đợi súng nổ và máu rơi, nhưng một số người thấy chán lại bắt đầu gọi điện thoại hay nói chuyện với nhau, làm cho những khán giả thích bộ phim. Cảnh tượng rốt cuộc cũng khá khôi hài. »

Dưới mắt Libération, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chắc chắn là đã học qua thủ pháp quay phim gọi là quay liền một mạch, mang lại cho câu chuyện của anh vẻ tự nhiên được dàn dựng, đặc trưng của phim truyện hay, đánh vào trực giác, lôi cuốn khán giả vào không gian của phim, họ không thấy chủ đích, không thấy đi đâu nhưng cứ để phim dẫn dắt.

Libération còn ghi nhân vị trí quan trọng của phụ nữ trong Chơi Vơi, tất cả đều được nhìn qua con mắt của nhân vật nữ, trong lúc mà vai trò đàn ông trong phim bị giảm xuống vị trí ‘đồ vật’. Cho nên tờ báo noi đến một nhà đạo diễn đấu tranh cho phụ nữ, thậm chí cũng có thể gọi là đạo diễn ‘nữ’.

Về phần mình, báo Le Monde, nhìn thấy chủ đề bộ phim của đạo diễn trẻ Bùi Thác Chuyên là cuộc sống tình dục của phụ nữ Việt Nam bị truyền thống ức chế. Cho nên mở đầu bài báo, tác giả Jean Luc Douin tự hỏi là phải chăng chế độ kiểm duyệt áp đặt từ bấy lâu nay đang được nới lỏng ?

Bằng chứng là phim Chơi Vơi của Bùi Thạc Chuyên, được tuyển chọn trình chiếu ở Liên Hoan Venise (Ý) vào năm 2009, đã gợi lên những chủ đề có thể làm chính quyền bực dọc, nhất là vấn đề đồng tính luyến ái.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Người Việt tại Pháp bị phát hiện trồng cần sa

Liên quan đến người Việt Nam, Le Figaro hôm nay có bài báo về vụ trồng cần sa ở vùng ngoại ô Paris, và có dính líu đến một số người Việt Nam. Dưới tựa đề ‘’Mafia Châu Á chiếm lĩnh thị trường ma túy’’, tờ báo nêu bật sự kiện một khu trồng cần sa, trong tay người Việt, vừa bị khám phá hôm qua, 08/02/2011 ở La Courneuve, vùng ngoại ô Bắc Paris.

Phóng viên của Le Figaro không giấu vẻ kinh ngạc khi mô tả cảnh hơn 700 cây cần sa được trồng dưói ánh sáng đèn trong những gian phòng được thiết kế lại cho việc trồng trọt này. Theo bài báo, đây là lần đầu tiên có một cơ sở trồng cần sa quan trọng như vậy ở trong thành phố, lượng cần sa sản xuất ra có thể đạt một tấn mỗi năm. Tờ báo cho biết thêm là 11 người đã bị tạm giam.

Khởi đầu vụ việc này là sự kiện một thẩm phán thành phố Lille (miền Bắc nước Pháp) điều tra về một đường dây buôn người, liên can đến cộng đồng người Châu Á. Cảnh sát Pháp đã ‘có trong tầm nhắm của mình’ một tổ chức người Việt mà họ nghi là muốn phát triển việc trồng cần sa trong nhà, theo kiểu ở Anh Quốc mà người Việt tại đấy đã thực hiện.

Giới chức Pháp đặc trách công tác chống ma túy cho là 60% cần sa tiêu thụ ở Anh được là trồng ngay tại chỗ. Theo Le Figaro, đánh giá này cho thấy là có lẽ các tổ chức tội phạm từ Anh Quốc muốn xuất khẩu kinh nghiệm của họ sang Pháp.

Theo bài báo một nửa số cây cần sa tịch thu hôm qua đã được thu hoạch xong, đươc đóng gói để chuyển đến những kẻ bán sĩ. Người canh giữ cơ sở này là một người Việt Nam.

Le Figaro ước tính lượng cần sa trổng trong nhà thu hoạch được ở Châu Âu lên đến hàng trăm tấn. Riêng tại Hà Lan, doanh số hàng năm loại cần sa này lên đến hơn 2 tỷ euros.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Pháp : giới thẩm phán ngày càng phẫn nộ

Báo giới Pháp hôm nay tập trung chủ yếu trên thời sự của chính nước Pháp : trước tiên là thái độ bực tức của các thẩm phán, trước lời chỉ trích của tổng thống Pháp. Le Monde ngay trên trang nhất thông báo : « Sự chống đối các thẩm phán toả ra khắp nước Pháp ». Tờ báo giải thích là phong trào phản đối có thể lan rộng ở tất cả các toà án ở Pháp. Hai công đoàn cảnh sát, tham gia cuộc biểu tình vào hôm nay ở Nantes của giới thẩm phán. Họ cũng đươc hậu thuẫn của viên chức cao cấp ngành Tư pháp.

La Croix cũng dành tựa và bài xã luận cho tâm trạng bất bình của giới thẩm phán. Trong bài bình luận, tờ báo nêu câu hỏi sự phản đối của các quan tòa có quá đáng hay không ? Thế nhũng tờ báo nhận thấy trước tiên là phong trào rất ngoạn mục và quá quan trọng làm cho chính quyền không thể phớt lờ.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Thủ tướng Pháp cũng được chính phủ ngoại quốc đài thọ chi phí nghỉ lễ

Chủ đề khác được quan tâm hôm nay, nổi bật trên trang nhất của Libération, là sau vụ bộ trưởng ngoại giao bà Alliot Marie đi nghỉ ở Tunisia, nay đến vụ thủ tướng Pháp và gia đình được tổng thống Ai Cập mời và đài thọ trong chuyến đi nghĩ lễ Giáng Sinh, được tiét lộ hôm qua.

Libération đăng ảnh 2 ngưòi trên trang nhất, và chú thích thủ tướng Pháp công nhận đã được ông Moubarak đài thọ trong chuyến đi nghỉ Noel.

Theo tờ báo, các trường hợp lãnh đạo Pháp đi nghỉ ở nước ngoài khá thường xẩy ra. Tờ báo nhìn lại thời gian trước đây thì cố tổng thống Mitterrand, hầu như mỗi năm đều đi nghỉ Noel ở Ai Cập và nếu không xuống khách sạn Old Catarcat, thì ông đến một dinh thự mà tổng thống Mubarak dành cho ông. Cựu tổng thống Chirac thì rất thích đến đảo Maurice.

Nhìn một vòng Châu Âu, Liberation ghi nhận là ngoài thủ tướng Ý, các lãnh đạo quốc gia Châu Âu khác, thường đi nghỉ một cách bình dị, và ít khi ra nước ngoài. Thủ tướng Tây Ban Nha Zapatero, năm ngoái đã đi về miền quê của ông và đi câu cá, thủ tướng Đức Merkel cũng đi không xa, đến vùng biển Ban Tíc gần nhà bố mẹ, và nếu có xuất ngoại thì chỉ đến vùng núi Tyrol phiá Ý, hay xa hơn nữa là ở đảo Ischia phiá Bắc vịnh Napoli. Đương kim thủ tướng Anh, David Cameron, mùa hè vừa qua cũng quanh quẩn trong nước, không đi chơi hoang phí khi mà ngân sách bị cắt giảm nghiêm trọng.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ai Cập chuẩn bị thời hậu Mubarak

Về thời sự quốc tế, tình hình Ai Cập vẫn chiếm ưu tiên. Le Figaro nhìn thấy trong hàng tít lớn trang đầu : Ai Cập chuẩn bị thời hậu Mubarak, trong khi cũng trong một tựa trang nhất, Libération chú ý đến sự kiện người dân đã xuống đường trở lại. Le Monde thì nhìn thấy các đồng nghiệp Ai Cập, bấy lâu nay bị chế độ kiểm soát, giờ đang ‘vùng lên’

Lối thoát cho tình hình hiện nay và cho ông Mubarak sẽ như thế nào ? Le Figaro ở trang trong nêu bật những kịch bản thời hậu Mubarak.

Kich bản đầu tiên dĩ nhiên là việc chuyển quyền cho phó tổng thống Ai Cập, ông Suleiman. Le Figaro nhận thấy là trong việc này, tổng thống Mubarak đã tháo bỏ một trở ngại lớn : ông đã ký một sắc luật hôm qua ‘thành lập một ủy ban có nhiệm vụ tu chính hiến pháp’. Theo tờ báo đây là hành động duy nhất trước mắt có thể làm diụ đi cơn tức giận người biểu tình.

Trong bối cảnh này, người ta nêu lên kịch bản ông Mubarak rời Cairo đi chữa bệnh ở Đức. Cách đây một năm, tổng thống Ai Cập đã đến Đức, đến vùng Bayer, cắt túi mật và mổ khối u ở ruột. Tình trạng sức khoẻ ông được theo dõi kỹ, và nếu giờ đây ông Mubarak lại trở lại Đức khám bệnh, và tịnh dưỡng thì rất tốt.

Le Figaro trích lời một nhà đấu tranh cho nhân quyền, Hossam Bahgar, giải thích là nếu trong thời gian tịnh dưỡng này, ông Mubarak chuyển giao quyền hạn cho phó tổng thống, như ông đã từng làm trước đây vào năm 2004 và 2009, khi ông đi chữa bệnh nước ngoài, thì phó tổng thống Suleiman có thể tiến hành cải tổ. Phương thức này có điểm lợi là ông Mubarak không bị ép buộc ra đi, ông có thể giữ chiếc ghế đến hết nhiệm kỳ, nhưng trên thực tế thì ông đã bị loại qua một bên.

Hiện nay ngay cả trong phe đối lập, mọi người cũng đánh giá là việc ông Mubarak ra đi ngay bây giờ, khi hiến pháp chưa được tu chính, sẽ không có lợi cho Ai Cập mà còn tác hại đến tiến trình dân chủ nữa là khác.

Riêng tại Đức cũng đang nổ ra tranh luận về khả năng ông Mubarak đến đây chữa bệnh. Tuy chưa có yêu cầu gì từ phiá Ai Cập, nhưng theo báo chí Đức, chính quyền Berlin đang chuẩn bị để không bị hụt hẫng.

Trong giới chính khách có người tán đồng giải pháp chữa bệnh, có người chống đối, như đảng Xanh, cho là Đức không nên trở thành nơi ẩn náu của những kẻ độc tài. Một số tổ chức bảo vệ nhân quyền cho biết ý định đưa ra một loạt đơn kiện tổng thống Mubarak nếu ông đến Đức.