Home Tin Tức Thời Sự Nga hiện đại hóa hạm đội Thái Bình Dương

Nga hiện đại hóa hạm đội Thái Bình Dương PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Tư, 09 Tháng 2 Năm 2011 10:07

Nga muốn hiện đại hóa hạm đội Thái Bình Dương trong 10 năm tới.

 

Nga sẽ bỏ ra khoảng 678 tỷ USD để hiện đại hóa năng lực tác chiến của quân đội trong thập niên tới.

Trọng tâm của chương trình mua sắm vũ khí sẽ dồn vào hải quân, không quân và kỹ thuật vũ trụ.

Chương trình hiện đại hóa quốc phòng vừa được thủ tướng Vladimir Putin loan báo, với một phần tư ngân sách mua sắm thiết bị được dành cho hạm đội Thái Bình Dương.

Hiện Nga đang để ý mua khoảng 20 chiến hạm, trong đó có đội tàu ngầm tấn công, tàu ngầm phóng hỏa tiễn, một số khu trục hạm và hàng không mẫu hạm.

Hạm đội Hắc Hải cũng sẽ được hiện đại hóa, với việc đóng mới tàu ngầm hạng Yasen và Borei, tàu ngầm trang bị hỏa tiễn loại Bulava, ba tàu khu trục hạng Talwar, và bốn tàu đổ bộ tấn công loại Mistral.

Một trong những lý do Nga bỏ tiền hiện đại hóa hạm đội Thái Bình Dương, theo phân tích gia, Moscow muốn cho Trung Quốc thấy họ vẫn có quyền lợi ở các vùng chiến lược thuộc Á châu.

Ngoài việc nâng đỡ công nghiệp quốc phòng nội địa, chương trình sắm sửa vũ khí của Nga lần này sẽ có nhiều dự án mua vũ khí từ nước ngoài.

Năm ngoái Nga thu được khoảng 10 tỷ USD tiền bán vũ khí, tuy nhiên công nghiệp quốc phòng của Nga đang ở trạng thái “già nua, cổ lỗ sĩ”, theo định của Newsweek.

Chiến tranh quy ước

Tạp chí hàng đầu tại Mỹ viết rằng phần lớn vũ khí xuất khẩu của Nga dùng cho chiến tranh quy ước. Đã vậy chúng được bán ra với giá thấp, khách có thể mặc cả được.

Một số hợp đồng thực hiện với qua hình thức trả chậm, hoặc cho vay tín dụng ưu đãi.

Trong khi đó phân tích gia nhấn mạnh, lần đầu tiên kể từ thế chiến thứ hai, Nga đi mua vũ khí từ nước ngoài.

Hợp đồng gây sự chú ý của dư luận gần đây nhất là Nga mua hai tàu đổ bộ chở trực thăng loại Mistral của Pháp. Giá mỗi chiếc khoảng 1 tỷ euro.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov cho hay chương trình mua sắm vũ khí khổng lồ của Nga trong thập niên tới không loại trừ khả năng mua vũ khí từ Mỹ.

Do Nga chưa phải thành viên khối Nato, và chưa phải đồng minh của Mỹ cho nên việc mua vũ khí từ Mỹ sẽ gặp một số khó khăn.

Tuy nhiên trước đây Liên Xô (cũ) từng mua thiết bị bán quân sự từ Mỹ, có thể kể đến hệ thống bộ đàm cá nhân loại Motorola dùng cho Thế vận hội Olympic Moscow 1980.

Đài truyền hình quốc tế Russia Today của Nga thậm chí nói rằng cơ quan an ninh FSB (hậu thân của KGB) hiện đang dùng một số thiết bị của Mỹ trong chiến dịch chống các thành phần quá khích tại Chechnya.

Về mặt chính thức Nga chưa mua vũ khí từ Mỹ. Tuy nhiên hệ thống kiểm soát xuất khẩu vũ khí của Mỹ đang thay đổi, và trước nhu cầu cần thị trường thời suy thoái kinh tế, một số nhà chế tạo vũ khí của Hoa Kỳ đang vận động tổng thống Obama nới lỏng điều kiện xuất khẩu vũ khí sang Nga, kênh truyền hình RT nói.