Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07/02/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07/02/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Ba, 08 Tháng 2 Năm 2011 08:52

 Phải chăng cách mạng ở Ai Cập chỉ sẽ nửa vời và đang đến hồi kết thúc ?

Cách mạng Ai Cập sẽ chỉ nửa vời ?

Vẫn còn người biểu tình trên quảng trường Tahrir ở thủ đô
Ai Cập ngày 07/02/2011. (Reuters)

Phải chăng cách mạng ở Ai Cập chỉ sẽ nửa vời và đang đến hồi kết thúc ? Đây là câu hỏi được nêu lên qua các hàng tít lớn trang nhất cũng như tựa trang trong của báo giới Pháp ngày 07/02/2011, sau cuộc đối thoại cuối tuần giữa chính quyền Cairo và phe đối lập.

Báo les Echos nhìn 'thấy lối ra khỏi khủng hoảng đang ló dạng sau khi chính quyền mở đối thoại'. Báo La Croix tuy ghi nhận là người biểu tình phe đối lập vẫn bám trụ ở quảng trường Tahrir, nhưng điều mà tờ báo nêu bật ở trang nhất là việc tổ chức 'Huynh đệ Hồi giáo tham dự cuộc đối thoại' với chính quyền và đây là lần đầu tiên từ khi phong trào đươc thành lập. Trong bài xã luận tờ báo hoan nghênh diễn tiến trước mắt, giúp tránh được điều 'tai hại nhất' xẩy ra.

Le Figaro, nêu tình hình Ai Cập ở trang trong, cũng nhấn mạnh trọng hàng tít : 'Đối thoại bắt đầu giữa chính quyền và Huynh đệ Hồi giáo'. Tờ báo xem đây là giây phút lịch sử, vì là lần đầu tiên phong trào Hồi giáo, chính thức bị cấm đoán từ năm 1954, lại chính thức ngồi thương lượng với chế độ đã trong nhiều năm truy bắt, bỏ tù, tra tấn họ.

Riêng Libération nói đến 'cuộc cách mạnh dở dang', tít đập mắt trang nhất, với dòng chú thích ngắn gọn : 'Đối thoại mở ra giữa chinh quyền và đối lập, đất nước trở lại làm việc'. Tờ báo đăng ảnh nhìn nghiêng của một thanh niên biểu tình, vẻ mặt đăm chiêu. Ở trang trong, Libération cho thấy ảnh cuộc biểu tình thưa thớt hơn những ngày trước ở quảng trường Tahrir, ghi nhận 'chung quanh quảng trường Tahrir vẫn nổi dậy, Cairo đã trở lại với cuộc sống bình thường'.

Libération mô tả cảnh như có hai Ai Cập, một bên là quảng trường Tahrir nơi người biểu tình vẫn đòi Mubarak từ chức và bên kia là sau gần hai tuần lễ biểu tình, bạo động, công chức đã trở lại công sở, cảnh sát xuất hiện trở lại nơi đường phố sau hơn một tuần vắng bóng. Các cửa hiệu mở cửa trở lại, như trên đường Qasr al- Aini, dẫn đến quảng trường Tahrir. Trong suốt tuần lễ qua, có đến 9 trên 10 cửa hiệu đóng cửa. Kể từ hôm qua, sinh hoạt tấp nập trở lại, trong lúc mà chính quyền tiếp xúc với phe đối lập để bàn về tương lai đất nước.

Hosni Mubarak ra đi như thế nào ?

Trong diễn tiến hiện nay vị trí tổng thống Mubarak ra sao ? Ông đã cho biết không tái ứng cử vào tháng 9 này, nhưng như báo Le Monde tự hỏi trên trang nhất : Hosni Mubarak ra đi như thế nào đây ? Đánh giá của báo giới Pháp là có lẽ ông tiếp tục ở lại chiếc ghế, nhưng chẳng còn quyền hạn gì.

Libération phân tích : với những diễn tiến hiện nay, như việc thay đổi nhân sự trong guồng máy chính quyền, cảnh sát, kể cả trong hàng ngũ đảng cầm quyền, cũng như đối thoại với phe đối lập, người nắm quyền lực hiện nay là phó tổng thống Omar Souleiman và tân thủ tướng Ahmed Chafik. Chính quyền đang nắm lại tình hình.

Ông Souleiman đã đạt được mục tiêu trong việc đối thoại : chia rẽ và làm suy yếu phong trào phản kháng.

Thời gian càng trôi qua thì ông Mubarak càng trở nên một tổng thống bù nhìn và ông càng không có lý do từ chức, và nhất là khi Washington không thấy họ được lắng nghe, đã bắt đầu dịu giọng.

Le Monde nhận định gần như tương tự, nhưng thấy tình hình khá rối ren. Theo tờ báo, phe của ông Mubarak nghĩ là đa số thầm lặng ở Ai cập ủng hộ họ, cho nên họ siết chặt hàng ngũ chung quanh tổng thống Ai Cập. Những người thân cận này cũng đang khai thác phản ứng lo sợ cũng như sự phẫn nộ của một thành phần dân chúng, cảm động trước nhũng lời nói của ông Mubarak, như câu ông "muốn chết trên đất nước Ai Cập".

Le Monde trích dẫn phân tích của Amr Hamwazi, cho là có một thành phần khá rộng rãi trong dân chúng không muốn thấy tổng thống bị lăng nhục, hay bị ngược đãi. Theo một nhà nghiên cứu chính trị Ai cập, Dia Rashwan, đã từng ra tranh cử Quốc hội năm ngoái, suy nghĩ hiện nay là muốn đương kim tổng thống giữ chiếc ghế, nhưng trao quyền hành cho phó tổng thống. Có như thế vừa giữ được danh dự cho ông Mubarak, vừa rảnh tay tiến hành cải tổ. Kịch bản này cũng được một Ủy ban Nhân sĩ, tập hợp giới trí thức, doanh nhân ủng hộ.

Có điều theo Le Monde, viễn cảnh này gặp một số giới hạn : không phải ai cũng sẽ tán đồng, trong phe đối lập cũng như phe người biểu tình trên quảng trường Tahrir. Vả lại theo hiến pháp, tổng thống có thể giao quyền cho phó tổng tống trong trường hợp không đảm nhiệm được trọng trách, nhưng vị phó tổng thống có thể sửa đổi hiến pháp, sửa đổi luật bầu cử nhằm tổ chức bầu cử đa nguyên hay không lại là một chuyện khác.

Còn ông Mubarak ra đi thì cũng sẽ tạo ra bế tắc, vì ông sẽ được chủ tịch Quốc hội, Fathi Srour, một nhân vật thủ cựu trong đảng cầm quyền thay thế, với nhiệm vụ bất khả thi : tổ chức bầu cử trong thời hạn 60 ngày sau đó.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Miến Điện : thường phục của tổng thống không che dấu được quân phục bên trong

Về thời sự Châu Á, báo La Croix nhìn sang Miến Điện, chú ý đến nhân vật vừa được quốc hội bầu vào chiếc ghế tổng thống, ông Thein Sein.Tên chức vụ thì mới nhưng thự tế sẽ không có gì thay đổi cả, và tờ báo chạy tựa : 'Một tướng lãnh nối tiếp một tướng lãnh khác ở Miến Điện'.

Bài báo cố phác hoạ chân dung và tìm hiểu quá trình của vị quân nhân, chỉ mới giải ngũ vào tháng 4 năm ngoái. Ông nằm trong nhóm quân nhân đầu tiên, cởi bỏ quân phục để ra tranh cử.

Nhưng trong một đất nước khép kín như Miến Điện, tác giả có rất ít thông tin về nhân vật lãnh đạo mới, chỉ biết là ông cũng như các đồng nghiệp, đã qua trường quân sự, từng chỉ huy vùng Đông Bắc Kyaing Tong, khu Tam giác vàng. Và từ năm 2004, ông Thein Sein bắt đầu có một tầm cỡ chính trị thật sự với việc soạn thảo hiến pháp mới và lộ trình chuyển chế độ quân sự sang chế độ dân sự. Thế nhưng chỉ đến năm 2007 ông mới lên giữ ghế thủ tướng, thay thế ông Soe Win qua đời.

Theo tác giả bài báo, ông Thein Sein là một nhân vật sẵn sàng đứng ra phiá trước : trong cơn bão Nargis, ông là nguời xuất hiện nhiều nhất trên báo chí, đứng ra chỉ đạo công việc cứu trợ. Trên mặt trận ngoại giao, ông cũng là người thường xuất hiện trước diễn đàn quốc tế.

Bài báo cũng nhắc lại ông Thein Sein và phu nhân nằm trong danh sách các nhân vật Miến Điện bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt.

Như nói trên, cho đến tháng 4 năm ngoái ông Thein Sein mới rời quân phục, cho nên La Croix vẫn nhìn thấy là đằng sau bộ com-lê cà vạt hôm nay, vẫn còn bộ quân phục của vị tướng lãnh.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Al Qaeda, mối đe doạ không nên xem thường ở Pháp và Châu Âu

Trên bình diện xã hội và an ninh, Le Figaro hôm nay quan tâm đến mối đe doạ Al Qaeda, đặc biệt đối với Pháp và Châu Âu. Trong hàng tit lớn trang nhất, tờ báo cho biết có 14 người Pháp tập luyện trong các trại của Al Qaeda. Le Figaro trích dẫn một phúc trình của tình báo Pháp mà tờ báo có được, nêu bật mối đe doạ đến từ vùng Pakistan- Afghanistan. 14 người Pháp được phát hiện trong vùng này vào năm ngoái.

Điều đáng ngại là nơi này thu hút ngày càng nhiều người tình nguyện đãu tranh vũ trang, trong giới này, ngày càng đông người đến từ Châu Âu : từ vài trường hợp đơn lẻ cách đây 3 năm, hiện đã lên đến hàng trăm người, sẵn sàng tiến hành khủng bố một khi trở về nước.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Hải quân Ấn Độ trị hải tặc Somalia

Cũng trên bình diện an ninh, Le Figaro chú ý đến sự kiện Hải quân Ấn Độ vừa bắt 28 tên hải tặc Somalia. Họ bị bắt cùng một lúc, Le Figaro tỏ vẻ thán phục : đây là vụ bắt hải tặc quan trọng nhất từ khi hải quân Ân Độ họat động ở Ấn Độ Dương.

Bài báo kể lại là sau khi một thương thuyền Hy Lạp bị tấn công ngoài khơi bang Kerala của Ấn Độ, hải quân nước này đã đuổi theo đến tận 'tàu mẹ', một tàu đánh cá Thái Lan bị cướp cách đây 6 tháng. Và như thông lệ của họ, hải quân Ấn Độ nổ súng ngay. Tờ báo trích bộ quốc phòng Ấn cho là 'Cuộc đọ súng rất ngắn, và hải tặc đã nhanh chóng đầu hàng'.

Trên chiếc tàu Thái Lan có 52 người. Ngoài số hải tặc nói trên, 24 người còn lại là thủy thủ đoàn bị bắt làm con tin. Le Figaro nhắc lại là Ấn Độ thông báo ý định đưa số hải tặc ra xét xử, trong khi đó theo tờ báo, thì hải quân phương Tây thuờng trả tự do cho những kẻ bị bắt, bắt đuợc 10 người thì họ thả đi đến 9 người. Sự khác biệt đối xử này giữa Ấn Độ và phương Tây, theo Le Figaro, đó là vì phương Tây thiếu toà án xét xử hải tặc.