Phim Harry Brown, một vai diễn bằng vàng |
Tác Giả: Tuấn Thảo | ||
Thứ Ba, 08 Tháng 2 Năm 2011 02:11 | ||
Trong phim, Michael Caine thủ vai Harry Brown, một ông lão bất cần đời đã ngoài 70 tuổi
Hận thù là một món ăn nguội, càng lạnh chừng nào, càng ngon chừng nấy. Thành ngữ của người Âu Mỹ rất thích hợp với bộ phim hình sự Harry Brown. Trong tác phẩm đầu tay, đạo diễn Daniel Barber đã tìm cách vạch trần thực tế cuộc sống vùng ngoại ô nghèo ở Anh và trao cho Michael Caine một vai diễn bằng vàng. Trong phim, Michael Caine thủ vai Harry Brown, một ông lão bất cần đời đã ngoài 70 tuổi. Thời thanh niên, ông đã từng đi lính thủy quân lục chiến, tham gia vào cuộc xung đột ở miền bắc Ailen. Một khi về hưu, Harry coi như là đã an phận với cuộc sống đơn điệu tẻ nhạt. Con gái ông đã qua đời lúc còn trẻ. Vợ ông thì hấp hối chờ chết trên giường bệnh. Phim không nói rõ vợ ông bị bệnh gì, chỉ thấy bà nằm ở bệnh viện trong trạng thái hôn mê bất tỉnh. Người đàn ông già cô đơn mỗi ngày đi thăm vợ, cầm tay vuốt má người bạn đời cho dù ông không biết vợ mình có nghe được những lời vỗ về an ủi hay không. Đến ngày vợ ông qua đời, cuộc đời của Harry coi như là đã mất thêm một lẽ sống. Niềm vui duy nhất trong ngày là khi Harry gặp mặt người bạn già thân thiết tên là Len (cách gọi thân mật của nhân vật Leonard). Hai người sống cùng một xóm, họ thường rủ nhau đi uống bia, đánh cờ. Cuộc sống ở dãy phố ngoại ô chẳng có gì là yên bình, kể từ khi một băng đảng du côn nắm lấy quyền kiểm soát các lối đi, canh chừng các ngỏ ra vào. Từ căn hộ ngăn nắp của mình, Harry vẫn thường xuyên chứng kiến bọn lưu manh hành hung khách qua đường, các trò buôn ma túy trong đường hầm dành cho người bộ hành. Láng giềng hàng xóm đều sống trong nỗi sợ hãi, kể từ khi có vụ giết người vô cớ. Các tên đu đãng lái xe gắn máy, rồi nã súng bắn bừa vào người đi bộ. Một người phụ nữ dẫn con nhỏ đi dạo, vì thế mà chết một cách oan uổng. Tuy biết vậy, nhưng cảnh sát chỉ can thiệp để lấy lệ. Khu phố nghèo trở thành lãnh thổ của băng đảng tội phạm, công lý tư pháp nhường chỗ lại cho luật rừng, cá lớn nuốt chửng cá bé, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu. Cũng như bao người khác trong xóm, ông Harry vẫn mặc kệ làm ngơ, không muốn chuốc lấy tai họa vào thân. Cho đến một ngày kia, cảnh sát điều tra (nhân vật Frampton) đến nhà ông gõ cửa, báo cho Harry là Len người bạn thân của ông đã bị sát hại. Trước mặt nhân viên cảnh sát, Harry vẫn trầm tĩnh từ tốn, nhưng khi họ đi rồi, thì Harry lại vỡ òa nước mắt, một mình trong tiếng khóc. Sau vụ án mạng, cảnh sát bắt giữ tạm giam 4 nghi can, nhưng các cuộc thẩm vấn vẫn không đem lại kết quả. Do không có bằng chứng, nên rốt cuộc các tên lưu manh lại được thả về nhà. Hận thù trong tim, hung thần máu lạnh Nhân vật Harry chỉ thật sự quyết định trả thù, một mình ra tay thực thi công lý khi tính mạng của ông bị đe dọa trực tiếp. Vào một buổi tối, trên đường về nhà, ông bị kẻ lạ mặt dí dao vào cổ, hăm dọa đòi tiền. Trong phút chốc, Harry bỗng tìm lại phản xạ tự vệ của một người lính thủy quân lục chiến, quay ngược lưỡi dao đâm chết tên côn đồ. Cuối cùng, chiếc hộp pandora đã mở. Harry Brown trở thành một hung thần giết người không gớm tay, trả thù không nháy mắt. Ông lần tìm những manh mối để truy ra các thủ phạm, trong khi cuộc điều tra cảnh sát vẫn dậm chân tại chỗ. Vụ sát hại Leonard, người bạn thân của Harry, đã bị bọn lưu manh thu hình vào điện thoại di động. Nhưng thay vì giao lại bằng chứng này cho cảnh sát để bắt giữ thủ phạm, Harry nhất quyết giết từng người một. Bộ phim kết thúc với một cuộc thanh toán đẫm máu tại một quán rượu. Ngay cả tên trùm băng đảng không ngờ là dù bị trọng thương, ông lão lại liều mạng quyết tử đến như thế. Hận thù : một món ăn nguội. Trong tim Harry, chỉ toàn là máu lạnh. Cuộn phim Harry Brown tựa như một cái tát vỗ vào mặt, một cú đấm huých vào bụng. Có lẽ cũng vì thế mà khi xem xong, khán giả không khỏi sững sờ chết điếng trong lòng. Đây không phải là lần đầu tiên nam diễn viên Michael Caine đóng phim hành động, vì ông đã từng thủ vai một cách xuất sắc trong các tác phẩm với nội dung tương tự như Get Carter của đạo diễn Mike Hodges (phim này sau đó được quay lại với Stallone trong vai chính), Ipcress File của Sidney J Furie, hay Play Dirty của André De Toth. Nhưng nếu như trong phim Get Carter, ông vào vai một tên tội phạm, sau khi ra tù tìm cách trả thù cái chết của người anh, thì ngược lại nhân vật Harry Brown là một người lương thiện, thời đi lính ông trực diện với cái chết và giết người trong hoàn cảnh chiến tranh xung đột. Ăn miếng trả miếng, dùng độc trị độc Xem phim Harry Brown, người ta liên tưởng đến nhân vật Paul Kersey do Charles Bronson thủ vai trong loạt phim Death Wish. Trong phim này, Charles Bronson vào vai một kiến trúc sư, trả thù cái chết của vợ con. Người ta cũng nghĩ đến viên thanh tra Harry Callahan trong loạt phim Dirty Harry. Điểm chung của các nhân vật này là họ dùng độc trị độc, dùng sức mạnh để giải quyết bạo lực. Họ không có bạn thân nào khác ngoài cái tên của những khẩu súng lục Magnum, Colt hay Walter PKK. Nhưng sự so sánh sẽ dừng lại ở đó, vì Harry Brown là mẫu người mà ta có thể bắt gặp trong đời thường, trong khi các nhân vật mà Hollywood chuyên tạo dựng thường là những anh hùng trừ gian diệt bạo. Thật ra, Harry Brown gần giống hơn với mô típ nhân vật William Munny, mà đạo diễn Clint Eastwood đã quay cho bộ phim Unforgiven (Không thể tha thứ). Trong cả hai bộ phim này, màn cuối khá giống nhau với cảnh thanh toán đẫm máu trong quán rượu, chỉ có điều một bên là phim cao bồi, còn bên kia là phim hình sự. Harry Brown không phải là hạng người anh hùng cứng cựa gân cốt. Bằng chứng là vì rượt đuổi kẻ gian mà ông lên cơn đau tim, phải đưa vào bệnh viện. Ông cũng chẳng phải là tay súng thiện xạ, bắn phát nào trúng phát nấy. Nơi nhân vật này chỉ còn một trái tim sỏi đá chai lỳ, điếc không sợ súng, già không sợ chết. Một khi vợ ông đã từ trần và người bạn thân qua đời, Harry đă mất đi những điểm tựa cuối cùng, mất luôn cái bản tính tốt còn sót lại trong tâm hồn. Suy cho cùng, Harry Brown trả thù không phải vì tâm hồn hào hiệp, mà thật ra ông chẳng còn thiết tha với cuộc sống. Trong màn cuối, khi bị dí súng vào mặt, ông không sợ mà lại xem đó là cách cuối cùng để giải thoát nỗi khổ đau. Tuy gọi là phim hành động, nhưng Harry Brown lại thiên về mạch phim tâm lý xã hội nhiều hơn. Trong tác phẩm đầu tay của mình, đạo diễn Daniel Barber quay nhiều đoạn như phim tài liệu, diễn đạt cao độ tính chất hiện thực khi mô tả thế giới thu nhỏ của các băng đảng tội ác, thành phần thiếu niên ở những khu phố nghèo nghĩ rằng họ dễ kiếm tiền bằng con đường bất chính hơn là làm ăn lương thiện. Thời thanh niên, Harry Brown cầm lấy vũ khí để đấu tranh cho một chính nghĩa. Thanh niên ở các khu phố nghèo thời nay không còn lý tưởng để đeo đuổi. Đạo diễn Daniel Barber buộc người xem phải suy ngẫm trước câu hỏi : trong một chính sách phát triển xã hội, việc bỏ rơi những khu phố nghèo, rồi để cho các băng đảng kiểm soát thao túng, phải chăng là trách nhiệm của một nhà nước pháp quyền. Xa hơn nữa, phải chăng đó là trách nhiệm của cộng đồng tập thể, khi mỗi người chỉ lo cho chuyện của mình, dù ý thức những gì đang xảy ra ở xung quanh nhưng vẫn khoanh tay đứng nhìn hay mặc kệ làm thinh. Đường xuống địa ngục, ngưỡng cửa cuối cùng Trong phim Harry Brown, mạch phim xã hội tràn ngập trên màn ảnh, không khí căng thẳng, tăm tối, càng đến gần đoạn kết càng sặc mùi bạo lực. Đặc biệt là trong màn quay tại căn nhà trồng cần sa, dưới ống kính của Daniel Barber, nhân vật Harry Bown càng không nhân nhượng, không thỏa hiệp. Có lẽ cũng vì thế mà bộ phim bị nhiều nhà phê bình chỉ trích là cực đoan, quá khích khi đẩy bạo lực leo thang đến tột cùng. Cách mô tả xã hội đen của đạo diễn do thiếu phân tích nên chỉ dừng lại ở mức phác họa, với những đường nét thô thiển chứ chưa thể là tinh tế. Đó là khuyết điểm chính của bộ phim. Ngược lại, ưu điểm của tác phẩm là tạo cơ hội ngàn vàng cho Michael Caine thi thố tài năng diễn xuất. Nơi Harry Bown không có chuyện tức nước vỡ bờ, giọt nước tràn ly. Toàn bộ phim được quay với nhịp điệu khá chậm, quyết định thanh toán kẻ thù dần dần chín mùi trong tư tưởng của nhân vật chứ không đột ngột nảy sinh trong tâm trí. Sự trả thù của Harry Bown là hành động của một kẻ không còn gì để mất. Trong cuộc hành trình dẫn xuống chín tầng địa ngục, hung thần Harry Brown không còn sợ khi phải vượt qua ngưỡng cửa cuối cùng. |