Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc: bùng nổ hay vỡ nợ?

Trung Quốc: bùng nổ hay vỡ nợ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Robert Peston / Chủ biên kinh doanh BBC   
Chúa Nhật, 06 Tháng 2 Năm 2011 15:38

Di cư từ nông thôn vào thành thị tiếp tục là nhu cầu kinh tế và xã hội ở Trung Quốc

Vậy là chuyến đi Trung Quốc thêm một ngày và tôi ở cái trạng thái là không biết nghĩ chuyện gì, có lẽ một phần là vì cơn mưa bom thông tin trái ngược và mê mẩn, và một phần cũng là vì tình trạng thay đổi múi giờ.

Cho nên có lẽ cách hay nhất là mô tả chuyện gì đang xảy ra, hơn là ra kết luận vội vàng.


Giữa quảng trường là Thành Cát Tư Hãn

Và tiếp theo là những gì tôi nghe và thấy, không theo thứ tự cụ thể nào cả.

Lưỡi vịt và sứa

Tôi đã đến thành phố mới tên là Kangbashi ở Ordos, Nội Mông được vài giờ đồng hồ, có thể coi là ví dụ của việc đầu tư dài hạn đáng nể hay biểu hiện của cơn say đầu tư bất động sản.

Tôi chưa bao giờ chứng kiến điều gì tương tự như Kangbashi, một khu đô thị rộng lớn được xây trong vòng 5 năm qua trên một mảnh đất khô cằn nằm giữa một nơi chả có gì liên kết.

Quan chức địa phương của đảng cộng sản phụ trách lôi kéo đầu tư vào khu vực là bà Wang Linxiang nói với tôi rằng thành phố này được xây lên để làm chỗ ở cho một triệu người trong vòng 10 năm.

Công trình tốn kém mỗi năm chừng 15 tỷ USD cho các khoản đầu tư vào vùng Ordos, bà nói trong bữa trưa có món lưỡi vịt và sứa.

Và có vẻ như là Kangbashi sẽ chứa đủ một triệu người đến nơi, vì cứ một đoạn lại có một khu căn hộ đã xong hoặc sắp xây xong, nhà văn phòng và chính quyền.

Những khu vực công cộng là điểm ấn tượng nhất, đáng làm các quy hoạch thị trấn ở Anh phải xấu hổ.

Trung tâm thị trấn có một nhà hát opera, một bảo tàng, một thư viện và một sân vận động, mà bất kỳ công trình nào cũng lớn hơn các công trình tương tự ở Anh.

Và mặc dù các thiết kế không theo gu của bất kỳ ai - nhà trông giống một cái nón Mông Cổ truyền thống khổng lồ, bảo tàng là một hạt cà phê màu nâu to khổng lồ - cũng không thiếu các đường nét mạnh bạo trong kiến trúc.

Còn có cả một quảng trường chắc không nhỏ hơn ở khu Thiên An Môn hay Place de La Concorde ở Paris, nơi một bức tượng khổng lồ đứng làm Thành Cát Tư Hãn, người Mông Cổ đi chinh phục thế giới.

Voi trắng hay nhìn xa?

Đây là sự kiêu hãnh hay kế hoạch dài hạn?

Bà Linxiang nói thành phố hôm nay chỉ có 20-30.000 cư dân.

Điều đó khiến đại lộ rộng trống vắng và hơi ma quái, đặc biệt là buổi tối.

Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không được lấp đầy theo thời gian - mặc dù tất cả các lịch sử thương mại đều cho rằng người đầu tư bất động sản hay xây dựng có thể lỗ cho đến khi nào thành phố hoạt động toàn bộ (quý vị hãy nghĩ đến khu Canary Wharf ở nước Anh mà nhân lên 20 lần).

Di cư từ nông thôn vào thành thị tiếp tục là nhu cầu kinh tế và xã hội ở Trung Quốc, nếu muốn GDP trên đầu người tăng đáng kể từ mức khoảng 2.500 bảng Anh như hiện nay.

Và Ordos là khu vực bùng nổ, nhờ nguồn dự trữ than khổng lồ và các mỏ khí đốt đáng kể.

Cho nên, như tôi đã nói từ ban đầu, tôi thực sự không biết nên coi Kangbashi như một công trình tốn kém hay một thể hiện đáng nể của sự hợp tác giữa doanh nghiệp và kế hoạch hóa nhà nước.