Hoa Kỳ đẩy nhanh sự chuyển quyền ở Ai Cập |
Tác Giả: V.Giang |
Thứ Sáu, 04 Tháng 2 Năm 2011 22:27 |
Hoa Kỳ đã chính thức can thiệp vào nội bộ Ai Cập. CAIRO (AP) - Ba ngày sau khi tổng thống Ai Cập loan báo sẽ không từ nhiệm mà chỉ thôi tái ứng cử, và với tình hình trở nên nguy hiểm khi hai phe biểu tình chống và bênh chính quyền bắt đầu xung đột với nhau, Hoa Kỳ không còn che giấu sự can thiệp trực tiếp vào Ai Cập - khác với tuyên bố trước kia là để dân chúng Ai Cập quyết định. Biểu tình chống Tổng Thống Hosni Mubarak ở công trường Tahrir, Cairo, ngày Thứ Sáu 4 tháng 2, 2010. (Hình: Peter Macdiamid/Getty Images) Hôm Thứ Sáu, hàng trăm ngàn người dân Ai Cập kéo đến tụ tập biểu tình tại trung tâm thủ đô Cairo, vẫy cờ và hát quốc ca, quyết tâm hơn trong nỗ lực tranh đấu nhằm buộc Tổng Thống Mubarak phải ra đi. Phe dân chúng biểu tình chống Mubarak đã đẩy lui được các cuộc tấn công của phía thân chính phủ qua hai ngày giao tranh đẫm máu trên đường phố. Ðông đảo người dân Ai Cập, kể cả các gia đình có con nhỏ, lũ lượt đi qua các cây cầu bắc ngang sông Nile để tiến vào công trường Tahrir, một chỉ dấu cho thấy họ không sợ hãi sau khi phải đối phó với các cuộc tấn công của thành phần thân Tổng Thống Mubarak. Người biểu tình đưa cao các tấm bảng có hàng chữ “Ngay Bây Giờ!” để cho thấy đòi hỏi của họ là Tổng Thống Mubarak phải ra đi ngay lập tức. Họ gọi cuộc biểu tình hôm Thứ Sáu là “Ngày ra đi,” với hy vọng là ông Mubarak sẽ phải chấp nhận đòi hỏi của quần chúng. Những người đến dự cuộc biểu tình phải đi ngang qua các nút chặn do các đơn vị nhảy dù canh gác và ban tổ chức biểu tình cũng thành lập các toán bảo vệ của chính họ bên trong công trường. Ðến trưa, một nhóm ủng hộ ông Mubarak tụ tập ở một nơi cách đó vài khu phố và dự định tiến về phía công trường Tahrir nhưng bị phía biểu tình ném đá đẩy lui. Trong khi đó, chính phủ Mỹ tiếp tục áp lực Ai Cập để đòi Tổng Thống Mubarak phải ngay lập tức rời khỏi vị trí lãnh đạo. Những áp lực này không chỉ trên nguyên tắc mà bằng hành động cụ thể qua sự vận động trao đổi trực tiếp với các giới chức then chốt trong chính quyền Mubarak, đặc biệt là quân đội. Hoa Kỳ và các giới ngoại giao Á Rập cho biết đã thảo luận về đề án để Tổng Thống Mubarak từ chức, trao quyền hành cho một chính phủ chuyển tiếp do Phó Tổng Thống Omar Suleiman lãnh đạo có sự hậu thuẫn của quân đội bao gồm Trung Tướng Sami Enan, tư lệnh quân đội Ai Cập và Thống Chế Mohamed Tantawi, bộ trưởng quốc phòng. Theo đề án này, chính quyền chuyển tiếp sẽ kêu gọi sự hợp tác rộng rãi của các tổ chức đối lập kể cả nhóm Huynh Ðệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood) là tổ chức đã coi là khủng bố và bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Tuy nhiên theo lời một số giới chức cao cấp ở Tòa Bạch Ốc thì vẫn chưa rõ Suleiman hay các tướng lãnh Ai Cập có chịu loại bỏ Mubarak ngay lúc này không và bằng cách gì để Mubarak rút lui. Nhìn lại lịch sử, những khó khăn thúc bách và chiều hướng giải quyết vấn đề Ai Cập rất giống nhiều trường hợp mà Hoa Kỳ đã từng phải đương đầu ở các nước đồng minh như Việt Nam thời thập kỷ 1960. Một số viên chức vẫn còn ủng hộ Mubarak cho rằng đường lối của Hoa Kỳ là một sự can thiệp trực tiếp vào vấn đề nội bộ Ai Cập. Một viên chức cao cấp tuyên bố: “Ðiều mà họ (người Mỹ) đòi hỏi chúng tôi không thể nào làm được”. Ông giải thích rằng Hiến pháp Ai Cập không cho phép phó tổng thống nắm chính quyền mà phải là chủ tịch Quốc Hội mới có quyền thay thế tổng thống. Theo lời ông: “Ðó là câu trả lời của tôi về mặt kỹ thuật. Còn về mặt chính trị họ hãy nên lo việc của họ”. Tối Thứ Tư, trả lời phỏng vấn của truyền hình ABC, ông Mubarak nói rằng không còn muốn bám lấy chính quyền làm gì nữa nhưng ông phải chịu trách nhiệm về sự an ninh của dân chúng. Ông Mubarak cho hệ thống truyền hình ABC hay là ông đã nói với Tổng Thống Obama rằng: “Ông không hiểu gì về văn hóa Ai Cập và những gì sẽ xảy ra nếu tôi bước xuống vào lúc này.” Ông Mubarak cảnh cáo rằng hỗn loạn sẽ xảy ra nếu ông đột ngột rời khỏi chức vụ. Ðiều ấy cho thấy Tổng Thống Hosni Mubarak, năm nay 82 tuổi, đến lúc này vẫn giữ nguyên lập trường là ông sẽ ở lại chức vụ cho đến khi mãn nhiệm kỳ trong vòng 7 tháng tới đây để bảo đảm có sự chuyển tiếp ổn định. Một viên chức ở Washington nhấn mạnh rằng Mỹ không có ý áp đặt một giải pháp nào lên người dân Ai Cập nhưng cũng cho biết Washington đã quyết định là ông Mubarak phải sớm ra đi để có một giải pháp ôn hòa cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Phó Tổng Thống Joe Biden nói chuyện với Phó Tổng Thống Ai Cập Omar Suleiman hôm Thứ Năm, một ngày sau khi có cuộc nói chuyện tương tự giữa ông Suleiman và Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton. Tại Quốc Hội Hoa Kỳ, vào chiều tối ngày Thứ Năm, Thượng Viện Mỹ thông qua một nghị quyết theo đó kêu gọi ông Mubarak hãy trao quyền lại cho một chính phủ lâm thời và khởi sự việc chuyển tiếp sang một xã hội dân chủ. Người ta chờ đợi tình thế biến chuyển ra sao qua cuộc biểu tình ngày Thứ Sáu sau hành động đã rất dữ dội của phía ủng hộ ông Mubarak trong hai ngày trước. Hôm Thứ Năm, hệ thống truyền hình tiếng Ả Rập Al-Jazeera cho hay “một nhóm côn đồ” tràn vào văn phòng của họ, đánh đập nhân viên, phá phách máy móc rồi phóng hỏa đốt nơi này. Chủ biên trang web của Muslim Brotherhood, tổ chức đối lập lớn nhất Ai Cập, cho hay cảnh sát ập vào văn phòng của họ vào sáng ngày Thứ Sáu, bắt giữ từ 10 đến 15 nhân viên làm việc nơi đây. Tại hai thành phố khác ở về phía Nam Ai Cập cũng có các cuộc đụng độ bằng gậy gộc và đấm đá giữa các nhóm thân và chống chính phủ. Các quan sát viên nhận xét là đã có những dấu hiệu rạn nứt trong thành phần ủng hộ ông Mubarak trong khi hàng trăm ngàn người biểu tình ngày Thứ Sáu ở công trường Tahrir không còn đụng độ với cảnh sát mật vụ cũng như những nhóm bênh vực chính quyền. Nhưng một vấn đề gây thắc mắc cho những giới lãnh tụ đối lập là phải chăng tương lai sẽ lập lại lịch sử về sự trao quyền cho một nhà lãnh đạo độc tài khác được quân đội hậu thuẫn. Hiện có nhiều đề nghị đưa ra về một chính phủ chuyển tiếp, từ phía Mỹ, phía chính phủ Ai Cập và thành phần tổ chức biểu tình, tuy nhiên phía biểu tình cho hay họ đòi hỏi ông Mubarak phải ra đi trước khi bàn đến các vấn đề này. Tại Washington hôm Thứ Sáu, Tổng Thống Obama nói rằng ông cảm thấy khích lệ về sự kềm chế bạo lực ở công trường Tahrir nhưng một lần nữa nhấn mạnh rằng “cần thiết phải chuyển quyền ngay bây giờ”. Theo lời ông chi tiết về sự chuyển quyền là do người Ai Cập quyết định nhưng nói thêm rằng theo sự hiểu biết của ông thì “đã bắt đầu có những cuộc thảo luận”. |