Home Tin Tức Thời Sự Người mẫu bức họa Mona Lisa là đàn ông

Người mẫu bức họa Mona Lisa là đàn ông PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Hai, 03 Tháng 1 Năm 2011 13:52

Tin hay không tin?

ROME (AP) - Một nhà khảo cứu người Ý vừa đưa ra nhận định, rằng một người đàn ông, vừa là đệ tử, bạn đồng hành, vừa có thể là người tình của danh họa Leonardo da Vinci, là nguồn cảm hứng và làm người mẫu để họa sĩ vẽ bức “Mona Lisa.”

 
Bức danh họa nàng Mona Lisa (trái) và bức vẽ Gian Giacomo Caprotti (phải), đệ tử, phụ tá vừa là người tình của danh họa Leonardo da Vinci, nay được cho là người mẫu của bức “Mona Lisa.” (Hình: Louvre Museum và Alois Foundation)


 Gian Giacomo Caprotti, còn được quen gọi là Salai, từng làm việc cho Leonardo trong hơn hai thập niên, bắt đầu từ năm 1490. Các sử gia về nghệ thuật đều đồng ý ông này là người tình của họa sĩ Leonardo.

Nhà khảo cứu Silvano Vinceti nói, nhiều tác phẩm khác của Leonardo trong đó có “St. John the Baptist” và “Angel Incarnate,” đều do Salai làm mẫu. Các bức vẽ này cho thấy một người thanh niên có nhân dáng ẻo lả, mảnh khảnh, với mái tóc uốn quăn màu nâu vàng.

Ông Vinceti thêm rằng cả mũi lẫn miệng của “Mona Lisa” đều giống ông ta một cách đáng kinh ngạc. Theo ông Vinceti, Salai là người mẫu được Leonardo ưa chuộng nhất, cho nên chắc chắn ông đã thêm những đặc tính nơi Salai vào giai đoạn cuối của bức “Mona Lisa.”

Tuy nhiên nhà khảo cứu Silvano Vinceti nói bức chân dung này cũng tượng trưng cho sự tổng hợp các niềm tin về khoa học, nghệ thuật và triết lý của Leonardo. Vì rằng tác phẩm này của nhà họa sĩ được thực hiện ở nhiều thời kỳ khác nhau trong suốt nhiều năm, ông bị chi phối bởi nhiều ảnh hưởng lẫn nhiều nguồn cảm hứng, và bức tranh chất chứa nhiều biểu tượng mang nhiều ý nghĩa tiềm ẩn.

Ông Vinceti nói bức “Mona Lisa” phải được diễn giải dưới nhiều cấp độ khác nhau, chứ không đơn thuần chỉ là một bức chân dung.

Ðây là một trong nhiều thuyết từng được lưu truyền trong nhiều thập niên về cái bản lai diện mục của “Mona Lisa” cũng như ý nghĩa của nụ cười nổi danh và đầy bí ẩn của nàng.

Nhiều người cho bức họa chính là bức tự họa giả hình của nhà họa sĩ, nhưng cũng là để mô phỏng người vợ của một thương gia thành Florentine, và giả thuyết này được nhiều học giả tán đồng hơn cả.

Không phải lần đầu tiên tên của Salai được nhắc nhở đi liền với “Mona Lisa,” tuy thế nhiều học giả vẫn còn hoài nghi. Pietro Marni, sử gia nghệ thuật và cũng là chuyên gia về họa sư Leonardo, cho rằng thuyết này là “vô căn cứ.”

Ông Vinceti cho rằng có nhiều khuynh hướng ảnh hưởng đến Leonardo. Ông cũng không loại bỏ giả thuyết Lisa Gherardini, vợ của lái buôn thành Florentine, Francesco del Giocondo có thể đã mang lại cho Leonardo những cảm hứng lúc ban sơ.

Theo ông Vinceti, cảm hứng khác có thể cũng đến từ Beatrice D'Este, người phụ nữ quí phái cưới quận công thành Milan, Ludovico Sforza, mà ở đây Leonardo từng làm việc hồi cuối thế kỷ thứ 15. Ông Vinceti nói Leonardo thường xuyên thấy phụ nữ này khi ông đang vẽ bức “Buổi Tiệc Cuối Cùng của Chúa Jesus” cho tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milan, nơi bà này hay đến cầu nguyện.

Xưa nay các sử gia về nghệ thuật đều cho rằng Leonardo bắt đầu vẽ bức “Mona Lisa” vào năm 1503, khi ông từ Milan trở về. Nhưng ông Vinceti nói có thể ông ta đã khởi sự từ cuối thập niên 1490 ở Milan.

Silvano Vinceti là một cây viết về truyền thông có hiểu biết, vừa là nhà điều tra về nghệ thuật, ông tạo tiếng tăm hồi năm ngoái nhờ xác định được những phần xương của Caravaggio vốn bị thất lạc từ lâu. Nghiên cứu của ông kết hợp kỹ thuật hiện đại với kỹ thuật tương tự CSI, cộng với phương pháp cổ điển qua việc tìm tòi trong thư viện.

Qua phân tích hình ảnh scan lại bức “Mona Lisa” ở độ phân giải cao, cách đây vài tuần ông Vinceti cho hay khám phá thấy hai chữ cái “S” và “L” trong đôi mắt người trong tranh, và số 72 nằm bên dưới chiếc cầu vòm ở hậu cảnh bức tranh.

Ông Vinceti gắn liền nhiều ý nghĩa biểu tượng với các chữ cái như: “S” để chỉ Salai và triều đại Sforza trị vì ở Milan, trong khi chữ “L” ám chỉ chính bản thân người nghệ sĩ và nàng Lisa Gherardini.

Marani, chuyên gia về Leonardo và là giáo sư về nghệ thuật tại Politechnico ở Milan cho hay, ít nhất cũng có ba tài liệu lịch sử chứng minh được Gherardini là người mẫu chính gốc. Ông Marani nói: “Mọi nhân vật của Leonardo đều trông giống nhau vì ông tiêu biểu cho lý tưởng trừu tượng về vẻ đẹp. Bởi thế các chân dung đều có chất chứa lưỡng tính của nam lẫn nữ.”

Ông Marani tiếp: “Tác phẩm khởi đầu là bức chân dung của Lisa Gherardini, nhưng qua nhiều năm trong tay Leonardo, nó dần dần chuyển đổi: một chân dung lý tưởng, không nhắm vào một ai đặc biệt. Ðó là lý do tại sao ta có được một khuôn mặt tuyệt vời vượt thời gian, vượt qua cả bất kỳ một khuôn mặt đặc thù nào, và đó là lý do tại sao ngày mỗi thêm nhiều thuyết được đưa ra.”

Bức họa chân dung nổi tiếng thế giới này hiện được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Louvre ở Paris. (TP)