Home Tin Tức Thời Sự Quân đội Ai Cập quyết không dùng vũ khí

Quân đội Ai Cập quyết không dùng vũ khí PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Tư, 02 Tháng 2 Năm 2011 09:10

Phe đối lập đã kêu gọi hàng triệu người xuống đường tại Cairo.

 

Quân đội Ai Cập tuyên bố sẽ khôngsử dụng vũ khí chống lại người biểu tình, trong khi chính phủ nói chuẩn bị đàm phán với phe đối lập.

Một thông cáo của quân đội bày tỏ lòng kính trọng với "quyền hợp pháp của người dân".

Thông cáo này được đưa ra ngay trước cuộc biểu tình rầm rộ tại Cairo hôm thứ Ba, trong khi có kêu gọi tổng đình công toàn quốc.

Biên tập viên chuyên trách Trung Đông của đài BBC, Jeremy Bowen, nói thông cáo này rất quan trọng bởi vì nó giúp xóa tan sự nghi ngại của người biểu tình.

Tân Phó tổng thống Omar Suleiman cho hay ông Mubarak đã yêu cầu ông mở đối thoại với các đảng phái chính trị để bàn về cải cách hiến pháp.

Trước đó, ông Mubarak loan báo việc cải tổ nội các nhằm ngăn chặn biểu tình, bắt đầu bằng việc thay thế Bộ trưởng Nội vụ Habib al-Adly, người vốn bị dân căm ghét.

Phe đối lập đã kêu gọi hàng triệu người xuống đường tại Cairo.

Một cuộc tuần hành tương tự cũng đang được tổ chức ở Alexandria.

Dịch vụ xe lửa ở Ai Cập ngừng hoạt động trong giờ giới nghiêm từ 1500 tới 0800 sáng hôm sau và hãng hàng không quốc gia EgyptAir tuyên bố hủy toàn bộ các chuyến bay trong và ngoài nước trong khoảng thời gian này.

Tuy nhiên hàng nghìn người biểu tình vẫn trụ lại quảng trường Tahrir, cho dù có lệnh cấm đi lại.

Truyền đơn được phân phát tới đám đông, kêu gọi quân đội đứng về phía nhân dân và không làm gì chống lại họ.

Hãng thông tấn AFP nói công ty cung cấp dịch vụ internet cuối cùng là Noor Group đã ngừng hoạt động hôm thứ Hai, khiến liên lạc với bên ngoài gián đoạn.

Áp lực nước ngoài

Trong thông cáo của mình, Phó Tổng thống Suleiman nói tổng thống sẽ đưa ra chính sách mới trong một vài ngày tới.

"Trong đó sẽ có các chủ trương rõ ràng và dứt khoát về việc thực thi các cam kết của tổng thống trong một thời hạn nhất định để khôi phục niềm tin vào nền kinh tế Ai Cập... và đối phó với các trọng tâm như khắc phục tình trạng thất nghiệp, chống đói nghèo và tham nhũng, đạt quân bình giữa tiền lương và giá cả."

Ông Suleiman cũng nói rằng bầu cử thêm sẽ được tổ chức tại các địa phương từng xảy ra gian lận trong kỳ bầu cử quốc hội tháng 11 năm ngoái, trong đó đảng của ông Mubarak giành 83% số ghế.

Thông cáo của phó tổng thống được đưa ra trong bối cảnh áp lực từ bên ngoài ngày càng nhiều.

Bộ ngoại giao Mỹ đã cử đặc phái viên tới Cairo, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ai Cập Frank Wisner, để kêu gọi lãnh đạo nước này thay đổi chính trị.

Trước đó, ông Mubarak đưa ra một số thay đổi quan trọng trong nội các. Ngoại trưởng Ahmed Aboul Gheit và Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Mohamed Hussein Tantawi - người nay giữ thêm chức phó thủ tướng - đều tại vị.

Bộ trưởng Nội vụ Adly được thay bằng một tướng quân đội, Mahmud Wagdi.

Việc thay đổi nội các cho thấy sự ra đi của nhiều nhân vật từng tiến hành tự do hóa kinh tế ở Ai Cập và việc hình thành một chính phủ nhiều thành phần quân sự.

Một số doanh nhân từng giữ các vị trí về kinh tế cũng bị thay thế.

Quan ngại về kinh tế gia tăng sau một tuần biểu tình. Giá dầu lửa hôm thứ Hai tăng lên tới 100 đôla/thùng trong khi có lo ngại rằng bất ổn sẽ còn tiếp tục.

Israel đồng ý cho Ai Cập điều thêm 800 quân tới bán đảo Sinai, lần đầu tiên kể từ khi hai nước ký hòa ước năm 1979. Số quân này sẽ bảo vệ khu nghỉ mát quan trọng trên bờ Hồng Hải, Sharm el-Sheikh.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo nguy cơ Ai Cập sẽ lọt vào tay một tổ chức Hồi giáo như việc từng xảy ra ở Iran.

Con số người chết trong các cuộc biểu tình tới nay khoảng 100. Theo tổ chức Human Rights Watch ở Cairo, con số này có thể lên tới 174.

Nhiều nước đang tìm cách sơ tán công dân của mình trong tình trạng các sân bay quá tải và hỗn độn.