Home Tin Tức Thời Sự Tổng thống Mubarak cam kết không tái tranh cử

Tổng thống Mubarak cam kết không tái tranh cử PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Ba, 01 Tháng 2 Năm 2011 14:11

Tổng thống Ai Cập Mubarak cho biết không dự kiến tranh cử nhiệm kỳ sau.

 

Tổng thống Ai Cập, Hosni Mubarak vừa xuất hiện trên truyền hình nhà nước lúc 23h00 giờ địa phương (21:00 giờ London), trong một tuyên bố quan trọng đặc biệt, tuyên bố ông không dự định tiếp tục ứng cử cho nhiệm kỳ tiếp theo vốn bắt đầu vào tháng 9/2011.


Tuy nhiên vị tổng thống năm nay 83 tuổi với 30 năm liên tục nắm giữ ghế quyền lực cao nhất ở quốc gia hồi giáo Bắc Phi khẳng định ông sẽ không rời chức vụ ngay lập tức.

"Tôi sẽ đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình," vị tổng thống thứ tư trong lịch sử đương đại Ai Cập cho hay về ưu tiên cao nhất của ông trong những tháng mà ông cho là còn lại trong nhiệm kỳ hiện nay.

Người bước lên ghế quyền lực tối cao hồi năm 1981 cho biết ông sẽ kêu gọi quốc hội nước này thay đổi hiến pháp, tiến hành điều tra tham nhũng, như những ưu tiên khác.

Thông điệp ngắn vài chục phút của ông Mubarak được truyền đi trực tiếp trong lúc hàng chục nghìn người biểu tình phản đối ông tập hợp ở trung tâm thủ đô Ai Cập, đòi ông từ chức ngay lập tức.

Cuộc biểu tình ngày thứ Ba được cho là cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất kể từ khi các cuộc xuống đường mạnh mẽ nổ ra từ tuần trước với ước tính tới không dưới một triệu người tham gia trong ngày gần nhất.

"Tôi là một quân nhân và tôi sẽ không bao giờ phản lại quyền lợi của nhân dân," nhà lãnh đạo cao tuổi nói.

Ông cũng 'quả quyết' sẽ làm việc trong chừng mực những quyền mà quốc hội cho phép để "đảm bảo một sự chuyển giao quyền lực hòa bình" tới bất kỳ người kế nhiệm nào có trách nhiệm.

Tổng thống Ai Cập cũng chỉ trích các cuộc biểu tình và gọi đây là một biến cố bạo lực được giật dây điều khiển bởi những người mà ông gọi là "những phần tử chính trị hèn hạ" vốn tận dụng tình thế của một hiện tượng xã hội bình thường dân sự.

Các phóng viên BBC có mặt tại quảng trường Tahrir trực tiếp tường thuật qua điện thoại viễn liên tới chương trình đặc biệt truyền hình trực tiếp của BBC News cho hay hàng chục nghìn người có mặt tại chỗ đã 'ồ lên' giận giữ và phản đối khi biết ý định của ông Mubarak tiếp tục tại vị.

Phái viên của BBC tại Washington, Kim Ghattas, tường thuật từ Hoa Kỳ cho hay:

"Hiện vẫn chưa có phản ứng nào chính thức từ Nhà Trắng, tuy nhiên có vẻ thiếu sự rõ ràng trong lập trường của Hoa Kỳ,"

"Hiện chưa rõ Hoa Kỳ sẽ quyết định lên tiếng ra sao, chẳng hạn sẽ nói với ông Mubarak rằng ông đã hiểu nhầm thông điệp mà lẽ ra theo đó ông phải ra đi," phái viên nữ cho biết từ thủ đô Hoa Kỳ.

Diến biến trước đó

Hàng chục ngàn người tụ tập tại quảng trường Tahrir ở trung tâm Cairo trước lời kêu gọi hãy biểu tình ủng hộ cho cuộc đấu tranh đòi chấm dứt 30 năm cầm quyền của Tổng thống Hosni Mubarak.

Người dân đã tụ tập với số lượng đông đảo nhất kể từ khi thời gian bảy ngày qua.

Quảng trường rộng lớn đông cứng người, và người ta vẫn tiếp tục đổ về từ các ngả phố.

Dân chúng hô vang các khẩu hiệu và vẫy những tấm biểu ngữ không ai từng dám thể hiện từ suốt 30 năm qua.

Quảng trường bị xe tăng vây quanh từ mấy ngày qua, nhưng binh lính tỏ ra thân thiện với những người biểu tình và không gây bất kỳ trở ngại nào.

Với người dân, thì điều quan trọng là phải tập hợp được lượng lớn người tham dự, bất kể tình hình có thể thay đổi theo chiều hướng nào.

Có vẻ như họ đang đạt được mục đích. Hàng nghìn người, cả nam giới lẫn phụ nữ, người lớn lẫn trẻ em, thuộc mọi thành phần trong xã hội Ai cập, đã có mặt.

Bầu không khí thậm chí còn mang màu sắc lễ hội, chứ không căng thẳng, với việc người biểu tình ca hát và hô vang.

Một cuộc tuần hành theo dự kiến cũng sẽ diễn ra tại Alexandria.

Tổ chức lỏng lẻo

Có một số lãnh tụ quân đội đã tới gặp tôi để nói rằng họ thấy buồn cho người dân Ai Cập, rằng họ đang ở trong tình thế khó khăn khi phải chứng kiến cảnh người Ai Cập chết trong các cuộc biểu tình. /Mohamed El Baradei, một lãnh tụ đối lập

Vào lúc này thì rất khó ước tính được con số người tham dự, bởi công tác tổ chức dường như không chặt chẽ.

Người ta không thấy có điểm trọng tâm nào, và cũng không có một nhân vật lãnh đạo nào đứng lên dẫn dắt đám đông, khiến có cảm giác như đang có hàng ngàn nhóm biểu tình đơn lẻ đang đổ dồn vào với nhau.

Tuy nhiên, có tin nói là các nhóm chính trị đối lập đã tuyên bố với chính phủ Ai cập rằng họ sẽ chỉ bắt đầu nói chuyện sau khi Tổng thống Mubarak từ chức.

Ông Mohamed El Baradei, một trong các nhân vật đối lập có tiếng, nói rằng ông hy vọng cuộc biểu tình hôm nay sẽ là cuộc biểu tình cuối cùng, và rằng ông Hosni Mubarak sẽ nhận thức được rằng đã đến lúc phải ra đi để tránh gây đổ máu.

Hiện chưa rõ là chính quyền ông Mubarak định đưa ra lời đề nghị gì đối với người dân.

Kiểm soát thông tin

Thế nhưng, có một điều rõ ràng là giới chức nước này đã nỗ lực kiểm soát và hạn chế việc đưa tin.

Đa số trong 20 triệu người dùng internet đã mất dịch vụ từ đâu giờ sáng hôm thứ Sáu tới giờ.

Các mạng điện thoại di động thì bị gián đoạn, còn dịch vụ nhắn tin thì bị chặn. Việc tác nghiệp của phóng viên quốc tế cũng bị phong tỏa.


Xe tăng đậu quanh quảng trường Tahrir từ mấy ngày qua, nhưng binh lính tỏ thái độ thân thiện và không cản trở người biểu tình.

Phóng viên Magdi Abdelhadi của BBC mới tới Ai cập và cho biết khi tới sân bay Cairo, anh cùng toàn bộ các phóng viên quốc tế khác đã bị tịch thu toàn bộ các thiết bị truyền thông.

Phía hải quan thông báo là có lệnh cấm phóng viên nước ngoài mang vào Ai cập các thiết bị gồm đĩa vệ tinh, camera, và thậm chí cả điện thoại vệ tinh nữa. Tất cả những gì có thể dùng để gửi âm thanh, hình ảnh về các cuộc biểu tình phản đối chính phủ của ông Mubarak.

Các phóng viên được cho biết việc thu giữ thiết bị là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia của Ai cập, và rằng truyền thông nước ngoài đã phóng đại quá mức những gì diễn ra trên các đường phố ở nơi đây.

Tuy nhiên, các nhân viên công quyền trẻ tuổi tỏ ra không mấy thiết cốt trong việc áp dụng lệnh thu giữ.

Thậm chí có một người còn nói nhỏ với phóng viên BBC rằng nếu nhà nước không có gì cần giấu diếm thì không việc gì phải lo lắng về hình ảnh của mình ở nước ngoài.