Home Tin Tức Thời Sự Biến động chính trị Ai Cập và thế khó xử của Hoa Kỳ

Biến động chính trị Ai Cập và thế khó xử của Hoa Kỳ PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Tường Cát / Người Việt   
Thứ Ba, 01 Tháng 2 Năm 2011 13:51

 Ngân hàng, trường học và thị trường chứng khoán ở Cairo tiếp tục đóng cửa

Cho đến bây giờ vụ khủng hoảng chính trị Ai Cập chỉ còn hai cách kết thúc: Hoặc là hàng trăm ngàn dân chúng biểu tình chống đối dữ dội từ hơn một tuần lễ sẽ thành công lật đổ Tổng Thống Hosni Mubarak, hoặc là quân đội sẽ giúp tái lập được trật tự an ninh.


Quân đội không muốn can thiệp

 Cách thứ nhì có lẽ không còn là triển vọng khi quân đội hôm Thứ Hai đã hứa sẽ không bắn vào những người biểu tình.

 Một phát ngôn viên đọc bản tuyên cáo của quân đội nói rằng họ “công nhận sự chính đáng trong các đòi hỏi của người dân và muốn thi hành bổn phận bảo vệ đất nước cũng như dân chúng”, chỉ thêm lời cảnh cáo những người biểu tình không nên có hành động gì “gây nguy hại cho an ninh quốc gia hay hư hại tài sản”.

Ðiều ấy cho thấy quân đội sẽ không muốn dùng vũ lực để bảo vệ sự tồn tại của Tổng Thống Mubarak và mất sự hậu thuẫn của quân đội là một đòn trí mạng cho chế độ của ông.

Nỗ lực làm dịu tình hình của Tổng Thống Mubarak bằng việc giải tán chính phủ, sa thải bộ trưởng nội vụ, người chỉ huy lực lượng cảnh sát đàn áp làm thiệt mạng ít nhất 100 người và hàng ngàn người khác bị thương, đã không có kết quả gì. Những người biểu tình khẳng định “không chấp nhận đời sống trở lại như cũ cho tới khi ông Mubarak ra đi”.

Hôm Thứ Hai tại công trường Giải Phóng (Tahrir) ở trung tâm thủ đô Cairo, hơn 10,000 người tụ tập đánh trống, chơi nhạc và hô khẩu hiệu đòi Tổng Thống Hosni Mubarak từ nhiệm.

 Nhiều người biểu tình leo lên các chiến xa đã được điều động đến công trường nhưng các binh sĩ không tỏ ra có ý định hành động can thiệp nào.

Những lãnh tụ biểu tình kêu gọi một cuộc tập họp 1 triệu người vào ngày Thứ Ba mặc dầu Tổng Thống Mubarak bày tỏ thái độ hòa giải bằng việc chỉ định Phó Tổng Thống Omar Suleiman điều đình với phía đối lập về việc sửa đổi Hiến Pháp.

Lên đài truyền hình tối Thứ Hai, ông Suleiman không cho biết chi tiết cũng như thời điểm trù liệu khởi đầu những cuộc thương thảo.

 Trong khi đó các lãnh tụ đối lập - trong số có ông Mohamed ElBaradei, nhà bênh vực dân chủ, cựu giám đốc cơ quan nguyên tử quốc tế và được giải Hòa Bình Nobel - nói rằng chưa sẵn sàng với cuộc đối thoại. Ngoài ra những người biểu tình xác định không lãnh tụ đối lập nào là đại diện của họ trong mục tiêu cuối cùng và duy nhất là Tổng Thống Mubarak từ chức.

Nan đề đạo lý của Hoa Kỳ ở Ai Cập

Giống như hơn 30 năm trước đây với Iran, những giới lãnh đạo ở Washington đang phải chật vật đương đầu với tình thế tại Ai Cập.

Cuộc cách mạng Hồi Giáo Iran tháng 2 năm 1979 đã lật đổ quốc vương Mohammad Rez Sh h Pahlavi, một chế độ đã nhận hàng tỷ dollars viện trợ của Hoa Kỳ, cũng như chế độ của Tổng Thống Hosni Mubarak ở Ai Cập từ 29 năm qua sắp đi đến chỗ kết thúc.

Hoa Kỳ luôn luôn thể hiện mâu thuẫn về mặt đạo lý khi một mặt cổ vũ dân chủ nhân quyền ở mọi quốc gia, mặt khác vẫn tán trợ các chế độ độc tài được coi là đồng minh chủ yếu trong sự ổn định chiến lược phức tạp trên thế giới.

Ðây là hậu quả của đường lối chính trị thực dụng (realpolitik) mà Hoa Kỳ đã theo đuổi từ trước đến nay ở Nam Mỹ, Á Châu và Trung Ðông, trong đó an ninh và lợi ích quốc gia là yếu tố hàng đầu.

 Không vị tổng thống Hoa Kỳ nào bước vào Tòa Bạch Ốc với quyết tâm bênh vực nhân quyền hơn Jimmy Carter, nhưng ông phải chấp nhận chế độ vương quốc Iran đã là một đồng minh trọng yếu từ lâu, cho đến khi Hoa Kỳ không thể làm gì để bảo vệ trước phong trào nổi dậy của quần chúng, Tổng Thống Richard Nixon và cố vấn Henry Kissinger thể hiện đường lối chính trị thực dụng rõ ràng nhất trong những vấn đề Liên Xô, Trung Cộng, Việt Nam và Israel.

Tình thế Ai Cập không phải là mới, 5 tổng thống Hoa Kỳ từ Ronald Reagan qua George Bush, Bill Clinton, George W. Bush đến Barack Obama vẫn coi Tổng Thống Hosni Mubarak là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ có vai trò quan trọng nhất ở Trung Ðông.

 Ông là người đã duy trì và thực thi bản hiệp ước hòa bình với Israel do người tiền nhiệm, Tổng Thống Anwar Sadat, ký kết năm 1979. Mubarak cũng đóng góp rất nhiều vào sự ổn định hòa bình, dù chưa là bền vững, giữa Israel và thế giới Á Rập.

  Những tiết lộ gần đây của WikiLeaks cho thấy các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã báo cáo về Washington cho biết Ai Cập ngày càng bất ổn với nhiều vấn đề khó khăn do vị tổng thống đã nắm giữ chính quyền suốt 30 năm và cai trị theo cách một nhà độc tài quân phiệt.

Trong bài nói chuyện lịch sử năm 2009 ở Cairo với ý hướng Hoa Kỳ mở rộng tiếp cận đến thế giới Hồi Giáo, Tổng Thống Obama xác định tình hữu nghị của Hoa Kỳ với Ai Cập nhưng không thiếu lời nhắc nhở mạnh mẽ về xây dựng dân chủ.

Tuy nhiên Hoa Kỳ không thể có biện pháp gì để thúc ép Mubarak cải cách theo tiến trình dân chủ hóa chế độ mặc dầu hằng năm đã viện trợ quân sự và kinh tế cho Ai Cập khoảng $1.5 tỷ.

Và ngày nay khi dân chúng Ai Cập nổi dậy, Hoa Kỳ cũng không có giải pháp trợ lực lật đổ Mubarak vì ít nhất hãy còn hai đồng minh quan trọng khác ở Trung Ðông trong tình thế tiềm tàng đi tới bất ổn: Saudi Arabia và Jordan.

Thế khó xử của Hoa Kỳ luôn luôn là phải cân bằng lợi ích an ninh quốc gia với cổ vũ nguyên tắc dân chủ. Cho đến bây giờ ở Ai Cập chưa có phong trào bài Mỹ mạnh mẽ như tại Iran năm 1979, tuy vậy nếu Washington trực tiếp can thiệp tìm một đường lối giải quyết thì hậu quả có thể đi tới chỗ đó.

Dù sao sau thái độ im lặng và một vài biểu hiện vụng về ban đầu, trước tình hình biến chuyển nhanh ở Ai Cập, đến nay chính quyền Obama đã mặc nhiên thừa nhận, dù không chính thức lên tiếng, sự chuyển đổi lãnh đạo ở Ai Cập là kết luận không thể khác.

 Tại Washington, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, ông Robert Gibbs bác bỏ việc Tổng Thống Mubarak loan báo tân chính phủ, nói rằng tình hình hiện nay ở Ai Cập đòi hỏi phải có hành động cải cách thật sự chứ không phải những bổ nhiệm mới.

Ngân hàng, trường học và thị trường chứng khoán ở Cairo tiếp tục đóng cửa, hệ thống Internet vẫn bị ngăn chặn. Tại phi trường quốc tế Cairo, cảnh tượng hỗn loạn vẫn tiếp diễn khi hàng ngàn người ngoại quốc tìm cách ra khỏi quốc gia này và các quốc gia trên khắp thế giới vội vã gửi phi cơ đến đón kiều dân của họ về.

Tòa Bạch Ốc nói Tổng Thống Barack Obama đã gọi điện thoại cho các nhà lãnh đạo Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Saudi Arabia hồi cuối tuần qua để cho hay rằng Mỹ muốn có sự kềm chế và một sự chuyển tiếp có trật tự sang một chính phủ mới. Ngoại trưởng các quốc gia trong khối EU kêu gọi có sự chuyển tiếp ôn hòa và cảnh cáo về sự chiếm giữ quyền lực của thành phần tôn giáo quá khích.

Ðối với Israel, sự lo lắng là phe Hồi Giáo cực đoan Muslim Brotherhood có thể sẽ nắm được vai trò trọng yếu trong chính quyền Ai Cập tương lai và hiệp ước hòa bình Israel-Ai Cập không còn được duy trì.

Tờ nhật báo bảo thủ Haaretz của người Do Thái, bằng nhận định bi quan viết trong một bài xã luận: “Jimmy Carter đi vào lịch sử Hoa Kỳ như ‘vị tổng thống để mất Iran’. Barack Obama sẽ là vị tổng thống ‘đánh mất Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Ai Cập’ và tuyến đồng minh của Mỹ ở Trung Ðông sụp đổ.