Đàm phán Việt Trung về biển Đông: quan điểm của Bắc Kinh đã thắng thế ? |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Bảy, 29 Tháng 1 Năm 2011 14:12 |
Tranh chấp biển Đông là một trong những vấn đề gai góc nhất trong bang giao giữa Việtnam và Trung quốc Vào hôm qua 28/01/2011, một đoạn tin ngắn trên nhật báo Mỹ The New York Times cho biết : Trung Quốc và Việt Nam sẽ tổ chức một vòng đàm phán mới về tranh chấp lãnh thổ trong biển Đông trong năm nay. Nhưng giới quan sát tự hỏi là phải chăng quan điểm của Trung Quốc đang thắng thế. Trung Quốc và Việt Nam sẽ mở đàm phán mới về biển Đông (Reuters) Tin này được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh cho đến nay vẫn chủ trương đàm phán tay đôi với từng nước có tranh chấp với họ tại Biển Đông thay vì mở đàm phán đa phương như mong muốn của Hà Nội và một vài đồng minh Đông Nam Á, nguồn tin này đã khiến giới quan sát tự hỏi là phải chăng quan điểm của Trung Quốc đang thắng thế. Theo Edward Wong, thông tín viên New York Times tại Bắc Kinh, thì nguồn tin về vòng thương thảo đã được chính ông Nguyễn Văn Thơ, Đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc, tiết lộ với các phóng viên Trung Quốc hôm thứ năm 27/01, và được báo chí nước này loan tải một hôm sau. Đại sứ Việt Nam, tuy nhiên không cho biết thời điểm cụ thể của vòng đàm phán, chỉ xác định rằng ông "lạc quan về vấn đề này". Nhật báo Mỹ nhắc lại rằng Biển Đông, một khu vực được cho là dồi dào tiềm năng dầu khí, hiện đang có nhiều nước tranh chấp. Ngoài Trung Quốc và Việt Nam, một số nước châu Á khác cũng đòi chủ quyền trên một phần của vùng này. Riêng đối với Việt Nam và Trung Quốc, tranh chấp biển Đông là một trong những vấn đề gai góc nhất trong bang giao giữa hai bên. Cho đến nay, Việt Nam chủ trương các cuộc đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp, với tất cả các nước cùng ngồi vào bàn thương thảo. Trong khi đó thì Trung Quốc lại đòi hỏi đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp với họ, cụ thể là với Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei. Giới phân tích từng thẩm định là sở dĩ Bắc Kinh chủ trương như vậy, đó là vì giải pháp này sẽ giúp một nước lớn như họ phát huy được sức ép trên các nước Đông Nam Á nhỏ hơn. Mặc dù đã ký kết vào năm 2002 với khối ASEAN một bản tuyên bố về các quy tắc ứng xử tại Biển Đông, gọi tắt theo tiếng Anh là DOC, cho đến nay, Trung Quốc vẫn không áp dụng những gì đã hứa. Không những thế, mọi nỗ lực của Hiệp hội Đông Nam Á nhằm thúc đẩy Bắc Kinh thực thi lời cam kết đều bị gạt bỏ, đúng theo lập trường không thương thuyết đa phương của mình. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không ngần ngại dùng uy thế của mình để tạo ra tình trạng chia rẽ trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông, giữa các nước có tranh chấp với Trung Quốc và các nước không dính dáng gì đến hồ sơ này. Nhóm nước thứ hai này được coi là dễ dàng chiều ý Bắc Kinh hơn vì không muốn mất quyền lợi kinh tế thương mại. Thí dụ mới nhất cho thấy điều này là thất bại gần đây của cuộc họp ASEAN-Trung Quốc tại Côn Minh cho dù mục tiêu đề ra được cho là rất khiêm tốn : thông qua dự thảo bản hướng dẫn thực hiện Bản Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông DOC. Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo ngày 22/01 vừa qua, thì nhân một cuộc họp kín của các Ngoại trưởng ASEAN trên đảo Lombok của Indonesia vào trung tuần tháng này, ba nước Việt Nam, Malaysia và Philippines đã bày tỏ thái độ quan ngại trước việc không được hậu thuẫn của nhiều nước khác trong khối trong đàm phán với Trung Quốc. Theo một nhà ngoại giao ASEAN được Kyodo trích dẫn, Việt Nam, Malaysia và Philippines đều muốn áp dụng một điều khoản thiết yếu trong dự thảo bản hướng dẫn thực hiện DOC. Điều khoản này quy đinh rằng ASEAN “sẽ tiếp tục thông lệ hiện hành là họp lại tham khảo ý kiến lẫn nhau trước khi họp với Trung Quốc”. Phía Bắc Kinh đã chống lại lập trường của ASEAN, và có dấu hiệu chỉ muốn đàm phán song phương vì điều này giúp họ có ưu thế nhiều hơn. Theo nhận định của nhà ngoại giao ASEAN : “Bất đồng trên điều khoản đó đã khiến cho thương thuyết về bản hướng dẫn thực hiện COC bị bế tấc trong nhiều năm nữa. Đối với nhân vật này, nguyên nhân khiến cho đàm phán ASEAN-Trung Quốc thất bại nằm ở chỗ cho dù Bắc Kinh đã công nhận Hiệp Hội Đông Nam Á là một tác nhân trong vấn đề Biển Đông, nhưng họ vẫn không muốn là khối này họp lại với nhau trước các hội nghị với các đối tác, trong đó có Trung Quốc.
|