TS Nguyễn Ðình Thắng nói về Giáo dân Cồn Dầu tị nạn tại Thái Lan |
Tác Giả: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt |
Thứ Bảy, 29 Tháng 1 Năm 2011 13:50 |
Cao Ủy Tị Nạn bảo vệ, nhưng cảnh sát vẫn có thể bắt Vụ Cồn Dầu, mang tên một giáo xứ Công Giáo tại Ðà Nẵng, là một cuộc đàn áp mạnh bạo của công an Việt Nam, diễn ra ngày 4 tháng 5 năm 2010. Vào ngày đó, nhân đám tang bà Ðặng Thị Tân bị nhà cầm quyền Ðà Nẵng cấm chôn cất, công an đã thẳng tay đàn áp gây thương tích cho trên 100 người đưa đám và bắt giam 62 người. -Ðinh Quang Anh Thái (NV): Tiến sĩ có tiếp xúc được với những nạn nhân vụ đàn áp Cồn Dầu chạy từ Việt Nam sang Thái Lan không, nếu có, tình cảnh của những đồng bào này ra sao? - TS Nguyễn Ðình Thắng: Thưa có. Trong chuyến đi vừa qua, tôi tiếp xúc với tất cả các giáo dân Cồn Dầu, cả người lớn lẫn trẻ em, hiện đang lánh nạn ở Thái Lan. Tôi phỏng vấn từng người một và trong nhiều trường hợp có thu hình để rồi đưa tiếng nói của họ trực tiếp đến với đồng bào ở hải ngoại. Ðời sống của họ rất cơ cực, tù túng và đầy sợ hãi. Hiện nay ở Thái Lan không có trại tị nạn, cho nên đồng bào của chúng ta phải sống lẩn lút giữa những người dân bản xứ và luôn luôn phải đề phòng. Tuy được cấp văn thư bảo vệ của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, cảnh sát Thái Lan có thể bắt họ bất cứ lúc nào. Chính phủ Thái không chính thức thừa nhận người tị nạn mặc dù cho phép Cao Ủy Tị Nạn hoạt động. Có một số người dân Cồn Dầu đã từng bị cảnh sát bắt nhưng chúng tôi kịp thời can thiệp và họ được thả. Ngay từ khi đợt giáo dân Cồn Dầu đầu tiên đặt chân đến Thái Lan, chỉ vài tuần sau cuộc đàn áp đẫm máu ngày 4 tháng 5 năm ngoái, họ liên lạc với chúng tôi. Và chúng tôi đã đưa họ đến một nơi sống tạm. Sau đó di chuyển họ dần ra những chung cư ở rải rác trong thành phố Bangkok. Vì khả năng tài chánh của chúng tôi rất eo hẹp, nhiều gia đình sống chen chúc trong những căn phòng một gian chật hẹp. Ở nhà thì người lớn và trẻ em luôn luôn phải nói khẽ để tránh thu hút sự chú ý, nhòm ngó của hàng xóm người Thái. Mỗi khi đi ra ngoài họ phải đề phòng vì có thể có người theo dõi. Năm ngoái, chính quyền Ðã Nẵng đã công khai tuyên bố gởi người sang Thái Lan để truy lùng họ. Hoàn cảnh sống tù túng, trốn tránh rất dễ ảnh hưởng tai hại đến tinh thần của người lớn và trẻ em, nhất là đối với các giáo dân Công Giáo quen sáng lễ chiều kinh, nay họ không dám đi nhà thờ kể cả ngày Chủ Nhật. Còn trẻ em thì rất tội; tất cả đều trở thành thất học từ 9 tháng qua. Trong số 55 người Cồn Dầu lánh nạn ở Thái Lan, có 21 là trẻ em dưới 18 tuổi. -NV: Trong hoàn cảnh đó, BPSOS có thể làm gì để trợ giúp về đời sống cho số 55 người này. - TS Nguyễn Ðình Thắng: Với những đóng góp tài chánh của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, chúng tôi tài trợ cho số đồng bào này về ăn, ở, vận chuyển, thông tin, liên lạc. Việc này nói thì nghe đơn giản nhưng thực tế nhiều khi khá phức tạp. Chẳng hạn, có một dạo người dân Cồn Dầu và cả người của chúng tôi ở Thái Lan đã bị những người lạ mặt theo dõi rất sát. Mỗi khi tình nghi là bị phát hiện, các gia đình lánh nạn phải di chuyển đi nơi khác ngay. Có gia đình chúng tôi đã phải di chuyển 7 lần trong 2 tháng. Ðiều này rất tốn kém vì mỗi khi di chuyển thì mất tiền đặt cọc mướn phòng. Trong chuyến đi vừa qua, tôi khá vui vì thực hiện được hai việc. Thứ nhất là di chuyển được một số gia đình có con nhỏ ra khỏi Bangkok, đến một khu thôn dã. Nơi đây an toàn hơn và trẻ em có môi trường để nô đùa ngoài trời và lại còn có thầy, cô giáo tình nguyện đến dạy học mỗi ngày. Chúng tôi đang tiếp tục công tác này cho đến khi tất cả 21 trẻ em đều được cơ hội ăn học. Việc thứ hai là thiết lập hệ thống computer với Internet để làm phương tiện truyền thông tiện lợi giữa những người dân Cồn Dầu với thân nhân của họ và với chúng tôi. Sự liên lạc thường xuyên rất cần thiết cho việc lập hồ sơ xin tị nạn. -NV: Chiếu theo quy định của Liên Hiệp Quốc về Quyền Tỵ Nạn, thì những đồng bào này liệu có được cứu xét quy chế tỵ nạn không? - TS Nguyễn Ðình Thắng: Thái Lan không thừa nhận người tị nạn nhưng cho phép Cao Ủy Tị Nạn hoạt động. Toàn bộ số người dân Cồn Dầu ở Thái Lan đã được chúng tôi hướng dẫn để ghi danh với Cao Ủy Tị Nạn và được cấp văn thư “bảo vệ” - văn thư này, có hiệu lực 6 tháng và có thể gia hạn, khẳng định rằng người cầm văn thư được sự bảo vệ của Cao Ủy Tị Nạn. Tuy vậy, Thái Lan cũng đã từng bắt giam và trục xuất ngay cả những người được Cao Ủy Tị Nạn bảo vệ. Phần lớn người dân Cồn Dầu cũng đã vào phỏng vấn với Cao Ủy Tị Nạn để xin quy chế tị nạn. Ðây là phần rất gay go, nếu không có sự hướng dẫn và lập hồ sơ của luật sư chuyên về luật tị nạn. Trong chuyến đi vừa qua, tôi phỏng vấn hầu hết các người dần Cồn Dầu và hỏi xem họ đã khai báo như thế nào với Cao Ủy Tị Nạn. Theo câu trả lời của họ, tôi thấy phần lớn nêu lên nỗi bức xúc và nhắc rất nhiều đến nguyên nhân gần của sự đàn áp: lệnh tịch thu đất đai. Trong khi đó, nguyên nhân sâu xa là chính sách đàn áp tôn giáo, cũng như tính cách chính trị mà nhà nước gán ghép cho sự chống đối mãnh liệt của cả xứ đạo thì lại không được nêu ra một cách rõ ràng. Sau khi tiếp xúc với các giáo dân Cồn Dầu ở Thái Lan, tôi đã gặp vị Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Tị Nạn và giải thích điều này. Tôi xin Cao Ủy Tị Nạn hoãn lại quyết định để đồng bào có thời gian bổ túc lời khai báo. Hiện nay chúng tôi đang sắp xếp để gửi một luật sư sang Thái Lan dài hạn, nhằm giúp hồ sơ tị nạn cho đồng bào. Một khi được xét là tị nạn rồi, thì các đồng bào này mới có hy vọng được đi định cư ở một quốc gia thứ ba, như Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu. -NV: Thái độ của chính quyền Thái Lan ra sao đối với sự hiện diện của những đồng bào này? - TS Nguyễn Ðình Thắng: Như đã trình bày, chính quyền Thái Lan tạm thời chấp nhận sự hiện diện của Cao Ủy Tị Nạn. Tuy nhiên chính sách của Thái Lan là không muốn ngày càng đông người đến Thái Lan xin tị nạn. Không những vậy, đôi khi chính phủ Thái Lan đã nhượng bộ trước áp lực của quốc gia lân bang. Vào cuối năm 2009, Thái Lan đã giao trả gần 160 người Hmong về Lào theo yêu cầu của chính phủ Lào. Toàn bộ số người này đều đã được Cao Ủy Tị Nạn thừa nhận tư cách tị nạn. Chính phủ Việt Nam cũng đã chính thức yêu cầu Thái Lan và Cao Ủy Tị Nạn không thừa nhận những người Cồn Dầu là tị nạn và giao trả họ về Việt Nam. Có một dạo, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, chính quyền Ðã Nẵng đã cử công an sang Bangkok để theo dõi và tìm cách nhận diện những người Cồn Dầu đang lánh nạn. Ðó là thời gian hết sức căng thẳng cho đồng bào của chúng ta. Họ phải di dời chỗ ở thường xuyên là vậy. -NV: Làm sao để giúp những nạn nhân vụ Cồn Dầu đang sống trốn tránh ở Thái Lan. -TS Nguyễn Ðình Thắng: Những đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan đến từ Cồn Dầu đang cần sự trợ giúp về đời sống và bảo vệ về pháp lý. Họ hoàn toàn trông nhờ vào lòng hào hiệp của đồng bào ở hải ngoại về cả hai mặt này. Ngoài ra chúng tôi còn phải vận động về chính sách đối với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, chính phủ Thái Lan và cả Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ nữa. Hiện nay chúng tôi đang gây quỹ tại các hội chợ Tết ở nhiều nơi trên nước Mỹ, đặc biệt ở Quận Cam. Mục tiêu của chúng tôi là gây quỹ $90,000. Ðó là tài khoản cần thiết để tiếp tục 3 công tác kể trên trong 12 tháng. Về đời sống, các đồng bào Cồn Dầu cần khoảng $45,000 một năm, nghĩa là chưa đến $1,000 cho mỗi đầu người. Còn việc gởi một luật sư làm việc dài hạn, cộng với một số phái đoàn đến Thái Lan vận động về chính sách, ước lượng sẽ tốn kém khoảng $45,000 trong 12 tháng tới. Ở nhiều nơi trên nước Mỹ, một số người tình nguyện đứng ra gây quỹ ở các hội chợ Tết năm nay. Ở Quận Cam cũng vậy. Tôi cũng sẽ có mặt tại Hội Chợ Tết ở Quận Cam ngày Thứ Sáu để trình bày và trả lời những câu hỏi về nỗ lực bảo vệ và giải cứu đồng bào. Sau đó tôi sẽ đi Seattle để tham dự buổi gây quỹ tại hội chợ Tết ở thành phố mưa quanh năm này. Qua cuối tuần sau thì tôi sẽ đi Portland và sau đó sẽ đi Houston, cũng để gây quỹ cho các công tác cứu đồng bào kể trên. |