Home Tin Tức Thời Sự TT Obama đọc Thông Ðiệp Liên Bang 2011: Nước Mỹ phải canh tân, vì tương lai

TT Obama đọc Thông Ðiệp Liên Bang 2011: Nước Mỹ phải canh tân, vì tương lai PDF Print E-mail
Tác Giả: SE sưu tầm   
Thứ Sáu, 28 Tháng 1 Năm 2011 17:57

WASHINGTON (NV) - Tối 25 Tháng Giêng, Tổng Thống Obama đến trụ sở Hạ Viện đọc bản Thông Ðiệp Liên Bang thứ nhì trong nhiệm kỳ của ông.

Qua khoảng 10 phút với các thủ tục chào hỏi, bắt tay như thông lệ, ông bắt đầu phát biểu sau một câu giới thiệu ngắn ngủi của Dân Biểu John Boehner, tân chủ tịch Hạ Viện và là chủ tọa buổi lễ này, ngồi bên Phó Tổng Thống Joe Biden, chủ tịch Thượng Viện, trên bàn chủ tọa cao phía sau bục phát biểu của tổng thống.

 

 

Tổng thống Obama đọc thông điệp liên bang hàng năm
 trước lưỡng viện quốc hội. (Hình: Brendan Smialowski/Getty Images)

 

 Bằng lời lẽ chậm rãi và thái độ hòa nhã nhưng nghiêm nghị khi đề cập đến các vấn đề phức tạp và thiết yếu, Tổng Thống Obama xen vào trong bài phát biểu của mình những đoạn nói lên sự lạc quan về tương lai nước Mỹ.

Ông nói: “Không che đậy là chúng ta ở đây đêm nay đã từng khác biệt nhau rất nhiều trong hai năm qua. Chúng ta đã tranh luận, đã mạnh mẽ bênh vực niềm tin của mình. Ðó là sự kiện tốt, điều mà một nền dân chủ lành mạnh đòi hỏi và là sự minh định cho đất nước chúng ta.” Bằng những lời xác nhận ấy, Tổng Thống Obama khéo léo đề cập đến thảm kịch ở Tucson, Arizona, để kêu gọi sự hợp tác, chia sẻ trách nhiệm trong lãnh đạo và nói: “Chúng ta sẽ cùng nhau tiến lên hoặc hoàn toàn không đi tới.”

Về tình trạng khó khăn để mọi người có đủ công ăn việc làm, ông lập luận rằng thế giới ngày nay đã biến chuyển. Chỉ trong một thế hệ tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đem lại nhiều điều tốt đẹp cùng lúc với nhiều khó khăn vất vả cho mọi người. Nước Mỹ cần phải hướng đến chiến thắng tương lai chứ không thể dừng lại, như câu nói của cố Thượng Nghị Sĩ Robert Kennedy: “Tương lai không phải là quà tặng mà là sự thành tựu.” Và bước đầu để chiến thắng tương lai là canh tân và sáng tạo.

Tổng Thống Obama đề nghị gia tăng chi tiêu trên một số lãnh vực căn bản trong khi quyết tâm kiềm chế số tiền nợ của quốc gia. Ông cam kết sẽ phủ quyết bất cứ đạo luật nào chỉ có tính cách ưu đãi. Ông yêu cầu Quốc Hội đơn giản hóa hệ thống thuế vụ và tiêu trừ sự trốn thuế. Ông cũng đưa kế hoạch tiết giảm chi tiêu của chính quyền không thuộc phạm vi an ninh quốc gia trong 5 năm tới và như vậy có thể tiết kiệm được $400 tỷ như là bước đầu tiên giảm các khoản nợ chồng chất của quốc gia.

Cho rằng thách thức với nước Mỹ bây giờ giống như thời kỳ chạy đua không gian khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên, Sputnik, năm 1957, ông thúc đẩy gia tăng nỗ lực để đi đến một đợt canh tân, tạo ra công việc làm và làm cho nền kinh tế trỗi dậy. Tổng Thống Obama cổ vũ sự cải tiến giáo dục, gia tăng nghiên cứu khoa học, hoàn thiện và phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở mà theo ông đầu tư vào những lãnh vực này chỉ có thể tăng chứ không giảm.

Bài nói chuyện của ông ít đề cập đến vấn đề an ninh quốc gia và chú trọng vào sự hồi phục kinh tế và viễn kiến của ông về tương lai. Tiết giảm ngân sách không phương hại đến an ninh và quốc phòng cũng như những chương trình cần thiết khác nhưng thiệt thòi nhiều cho Medicare, Medicaid và an sinh xã hội.

Kết luận bài phát biểu theo một công thức quen thuộc, Tổng Thống Obama nhắc lại thời kỳ lập quốc và nói rằng nước Mỹ có thể làm được việc lớn, “Lý tưởng Mỹ vẫn tồn tại. Tương lai vẫn do chúng ta lựa chọn và tình trạng của liên bang là vững mạnh.”

Khác biệt quan điểm và chủ trương giữa hai chính đảng hãy còn sâu sắc và những bất đồng ý kiến như giảm chi những gì, thế nào và bao nhiêu, sẽ còn là tranh cãi lâu dài trong những tháng tới, như người ta có thể thấy qua bài phát biểu của Dân Biểu Paul Ryan tiểu bang Wisconsin, chủ tịch Ủy Ban Ngân Sách Hạ Viện, được chỉ định để trình bày nhận định của đảng Cộng Hòa về bản Thông Ðiệp Liên Bang vừa đọc xong. (HC)

 



Bên lề Thông Ðiệp Liên Bang,
 Hình Smialowski/Getty Images)


Dù mục tiêu là trình bày với Quốc Hội, việc đọc bản Thông Ðiệp Liên Bang ngoài nội dung của nó còn có nhiều khía cạnh quan trọng khác.

 Một năm mới có một lần


Tổng Thống Bill Clinton trong cuốn hồi ký của ông đã nhận định: “Mỗi năm chỉ có một lần tổng thống được nói với dân chúng Hoa Kỳ, đầy đủ không chỉ là trích đoạn hay bị ngắt quãng, trong suốt một tiếng đồng hồ, và tôi tận dụng cơ hội ấy.”


Giữ ghế


Nhiều giờ trước khi tổng thống đến hội trường Hạ Viện, một số thượng nghị sĩ và dân biểu đã chiếm những ghế dọc theo hai bên lối đi giữa. Nếu cần phải tạm thời đi ra ngoài, họ sẽ khoác lên lưng ghế chiếc áo choàng hay tờ báo của địa phương mình để đánh dấu giữ chỗ. Mục tiêu giành vị trí này là một cái bắt tay tổng thống khi được chủ tịch Hạ Viện và chủ tịch Thượng Viện đón từ cửa đi vào, cũng có thể xin chữ ký tổng thống trên bản văn thông điệp được phát trước. Nhưng kết quả quan trọng nhất là hình ảnh của mình sẽ chắc chắn được xuất hiện ít giây đồng hồ trên màn ảnh truyền hình trước một số khán giả toàn quốc vào khoảng phân nửa Super Bowl.


Hai lời đối đáp từ Cộng Hòa


Có lẽ để làm nổi trên truyền hình không ai bằng nữ Dân Biểu Cộng Hòa Michelle Bachman, tiểu bang Minnesota, năm 2007 khi mới đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên, đã chặn Tổng Thống Bush giữa hội trường lúc đọc xong bản thông điệp và ôm hôn trong 30 giây ông mới gỡ ra về được. Năm nay vừa tái cử nhiệm kỳ thứ ba và trở thành một ngôi sao của phong trào bảo thủ Tea Party, bà Bachmann sẽ có bài nhận định, không chính thức, tiếp theo lời phản biện chính thức của phía Cộng Hòa về bản thông điệp do Dân Biểu Ryan đọc trên hệ thống truyền thanh.


Ngồi chung


Với ước vọng sinh hoạt chính trị mang tính “văn minh” hơn, nhất là sau vụ nổ súng mưu sát bà Dân Biểu Gabrielle Giffords ở Tucson, Arizona, Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Mark Udall, Colorado, đề xuất sáng kiến hai đảng không ngồi riêng thành hai bên mà ngồi lẫn với nhau. Nhiều nhà lập pháp thuộc hai đảng khác nhau đã cùng nhau bước vào hội trường và ngồi bên nhau. Các Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Schummer; Kirsten Gillibrand, New York; John Kerry, Massachusetts và Cộng Hòa Tom Coburn, Oklahoma; John Thune, South Dakota; John McCain, Arizona cùng nhiều cặp tương tự khác đồng ý ngồi cạnh nhau. Nhưng bà Dân Biểu Nancy Pelosi, California, cựu Chủ tịch Hạ Viện, không còn ngồi trên bàn chủ tọa như 4 năm trước, bây giờ do Dân Biểu John Boehner, Ohio, thế chỗ, và bà cũng từ chối đề nghị ngồi cạnh trưởng khối đa số Cộng Hòa Eric Cantor.

Một ghế được để trống tượng trưng chỗ của bà Dân Biểu Giffords đang được điều trị tại một bệnh viện ở Houston.

Phía trước giữa hội trường vẫn là khu vực dành cho Hội Ðồng Bộ Trưởng, Tối Cao Pháp Viện, Ủy Ban Tham Mưu Hỗn Hợp Quân Ðội, Ngoại Giao Ðoàn và khách mời đặc biệt.


Tương đối văn minh


Theo truyền thống, bản thông điệp luôn luôn bị ngắt quãng nhiều lần vì những tràng pháo tay tán thưởng. Nhưng do tính cách phe đảng, với lối ngồi phân chia hai bên, nhiều khi chỉ một nửa hội trường đứng dậy vỗ tay còn phía bên kia ngồi yên.

Ðề nghị không đứng lên khi vỗ tay của Thượng Nghị Sĩ Udall không được hoàn toàn đáp ứng, Có lúc tất cả mọi người đứng lên vỗ tay, có lúc một số đứng một số ngồi hay tất cả ngồi. Nói chung sự tán thưởng nhiệt tình bên phía Dân Chủ hơn là Cộng Hòa; nhìn qua nét mặt của Dân Biểu John Boehner và Phó Tổng Thống Joe Biden hay những người Cộng Hòa và Dân Chủ khác, có thể thấy rõ những bất đồng xung đột hãy còn tiềm tàng.


Dài ngắn


Ðộ dài trung bình của các bản Thông Ðiệp Liên Bang là trên dưới 4,000 chữ. Bản thông điệp của Tổng Thống Obama năm nay dài 6,800 chữ đọc trong đúng 1 giờ, năm ngoái 7,300 chữ. Ông nổi tiếng là người có tài hùng biện và luôn luôn biết linh động hợp với từng tình huống nên bài viết sẵn và lời phát biểu có những đoạn khác nhau. Trong nửa thế kỷ qua, người nói dài nhất là Tổng Thống Harry Truman năm 1947, gần 10,000 chữ và ngắn nhất là Lyndon Johnson 2,500 chữ năm 1963.

Tổng Thống Bill Clinton khi ngồi trên xe tới Quốc Hội còn chưa viết xong và khi đọc bản thông điệp mới 4 chữ đầu ông đã tỏ ra hơi lúng túng. Tổng Thống Bush trái lại, theo lời phụ tá Dana Perino, đòi hỏi tất cả bài đọc phải hoàn tất trước 48 giờ và không có thay đổi gì nữa.


Phòng hờ


Theo luật, để phòng ngừa một tai họa xảy ra khiến toàn thể các nhà lãnh đạo cao cấp đều tử nạn hay bị thương, một bộ trưởng cấp cao được chỉ định làm người sẽ tiếp nối nhiệm vụ liên tục của chính quyền, không có mặt tại Hạ Viện trong buổi đọc Thông Ðiệp Liên Bang mà ở một nơi an toàn bí mật. Ngoại Trưởng Hillary Clinton không là người được chỉ định vai trò này năm nay.

Sau vụ 9/11, Quốc Hội cũng chỉ định 2 thượng nghị sĩ và 2 dân biểu - mỗi đảng 2 người - vào vai trò phòng hờ như vậy. (HC)