Home Tin Tức Thời Sự Google muốn mở rộng làm ăn với TQ?

Google muốn mở rộng làm ăn với TQ? PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Sáu, 28 Tháng 1 Năm 2011 09:04

Google hiện vẫn đang bị giới chức Bắc Kinh kiểm duyệt

Eric Schmidt - người từ chức là giám đốc điều hành Google - mới chia sẻ với BBC về mong muốn thúc đẩy việc kinh doanh của trang mạng này tại Trung Quốc.

Ông Eric Schmidt nói ông luôn tin tưởng vào việc mở rộng làm ăn với TQ

Trong số các nhiệm vụ, ông Schmidt hi vọng sẽ tìm được đối tác Trung Quốc cho hệ điều hành Android trên điện thoại di động của Google.

Ông cũng nói rằng ông là người thân Trung Quốc nhất trong bộ ba lãnh đạo Google.

Tháng Ba năm ngoái, Google ngừng hợp tác với Trung Quốc quanh vấn đề kiểm duyệt - là quyết định chung mà ông Schmidt nói ông hài lòng.

Nói với phóng viên kinh tế của BBC, Stephanie Flanders, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Eric Schmidt cho biết:

 “Về lâu dài, tôi hi vọng - đặc biệt với vai trò mới của tôi tập trung nhiều vào đối ngoại - sẽ tìm cách phát triển hơn Google tại Trung Quốc một cách thích đáng và phù hợp với chính sách của chúng tôi”.

Thay đổi

Người ta tiết lộ đầu tháng này là ông Schmidt, 55 tuổi, sẽ nhường chức giám đốc điều hành cho Larry Page, 37 tuổi, người đồng sáng lập Google với Sergey Brin.

Ông nói: “Trong số ba người chúng tôi, tôi luôn là người tin tưởng nhất vào chuyện mở rộng sang Trung Quốc”.

Ông Schmidt sẽ vẫn là “chủ tịch điều hành”, vai trò mà ông nói gồm 2/3 đối ngoại và 1/3 đối nội, với đa phần thời gian dành cho khách hàng và đối tác.

Quan hệ của Google với TQ vốn không mấy suôn sẻ vào năm ngoái


Nhận xét về diễn đàn Davos, ông nói: “điều đáng tiếc nhất là không có thêm lãnh đạo Trung Quốc tại đây - cả lãnh đạo chính trị lẫn kinh doanh”, đối ngược lại số lượng đại biểu Ấn Độ tham dự.

Ông nói sự thay đổi lãnh đạo trong Google là để “làm rõ vai trò” nhằm “đơn giản để chúng tôi có thể đưa ra quyết định nhanh chóng hơn”.

Ông bác bỏ tin nói thay đổi này là vì thiếu sự đổi mới trong công ty, mặc dù ông thừa nhận rằng người ta cảm thấy qua trình ra quyết định mất quá nhiều thời gian.

Nhạy cảm về văn hóa

Ông Schmidt nói Google nhận thấy tầm quan trọng của việc tính đến sự nhạy cảm về văn hóa của các quốc gia khác nhau.

Ông trích dẫn Đức làm ví dụ, nơi người ta đặc biệt quan ngại về kế hoạch chụp ảnh đường xá có mặt tiền của mọi ngôi nhà tại nước này cho cơ sở dữ liệu Streetview của Google.

Google đã đưa ra đề nghị với những người sở hữu nhà tại Đức là chọn không tham gia trước khi công ty chụp ảnh, và có 3% người dân làm điều này.

Tuy nhiên, ông cho biết: “Đức là nước có tỉ lệ phần trăm người sử dụng Streetview cao hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Chúng tôi biết rằng người tiêu dùng Đức rất thích sản phẩm của chúng tôi”.

Về Wikileaks, ông Schmidt nói công ty đã quyết định cho phép người dùng tìm kiếm được các tài liệu bị rò rỉ qua trang mạng của họ, bất kể quan điểm của chính phủ Mỹ, vì họ tin rằng việc này không tạo ra đe dọa về pháp lý theo luật Mỹ.

Còn về Trung Quốc, ông nói “chúng tôi đơn giản không thích luật kiểm duyệt”, khiến cho Google phải chuyển địa điểm sang Hong Kong vào năm ngoái.

Google hiện vẫn đang bị giới chức Bắc Kinh kiểm duyệt, mà không có sự hợp tác của Google, qua “Đại Tường lửa Trung Quốc”.