Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc áp thuế bất động sản

Trung Quốc áp thuế bất động sản PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Sáu, 28 Tháng 1 Năm 2011 08:55

Lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra thuế bất động sản áp với người mua

để cố gắng kiềm chế giá nhà tăng kỷ lục và chống lạm phát.

Thuế được áp dụng tại Thượng Hải (ảnh) và Trùng Khánh.

Biện pháp có hiệu lực từ ngày thứ Sáu 28/01 áp dụng cho những người mua căn nhà thứ hai ở Thượng Hải và Trùng Khánh.

Thuế, phải nộp hàng năm, là khoảng 0,4% và 1,2% giá nhà khi mua, tùy thuộc vào giá khi so sánh với mức trung bình của thị trường.

Giá bất động sản là một trong những yếu tố chính đẩy lạm phát của Trung Quốc tăng.

Bắc Kinh rất quan tâm khống chế lạm phát.

Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với bất kỳ nước lớn nào. GDP của Trung Quốc tăng trưởng 10,3% vào năm ngoái - là mức cao nhất hàng năm kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên cái giá phải trả từ tăng trưởng mạnh là nỗi lo lắng về lạm phát. Giá cả tăng đẩy lạm phát lên mức 4,6% trong tháng 12, tăng cao hơn so với mục tiêu của chính phủ.

'Chống đầu cơ'

Thuế bất động sản sẽ có "một hiệu ứng lớn về tâm lý đối với người sắp mua nhà," Cát Hải Phong, Giám đốc Ban nghiên cứu tại Cơ quan Theo dõi Chỉ số Bất động sản tại Bắc Kinh dự đoán.

"Thị trường nhà đất Trung Quốc có thể sẽ thực sự kém sôi động trong những tháng tới," ông nói thêm.

Tại Thượng Hải, người mua nhà sẽ phải trả từ 0,4% và 0,6% thuế đối với nhà thứ hai mới.

Tại thành phố Trùng Khánh phía tây nam, thuế ở mức cao hơn từ 0,5% đến 1,2%.

Hoàng Cơ Phàm, Thị trưởng thành phố Trùng Khánh, nói rằng trong khi "không thể chỉ vì thuế bất động sản làm mà giá nhà giảm ngay lập tức", thì thuế này sẽ "giúp hạn chế đầu cơ trong thị trường nhà ở".

Đầu tuần này, tập đoàn kinh doanh bất động sản Shui On Group nói không có bong bóng bất động sản tại Trung Quốc, và rằng chính phủ kiềm chế ngân hàng cho vay đã làm khó khăn hơn về tài chính cho ngành kinh doanh bất động sản tại Trung Quốc.

'Thay đổi nhận thức'

Mục đích cuối cùng của thuế này là để ngăn ngừa tích trữ ôm bất động sản hơn là để kiềm chế giá, theo Michael Klibaner, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu tại Trung Quốc cho công ty bất động sản Jones Lang LaSalle.

"Trước đây có rất ít chi phí nắm giữ nhà ở vì nhiều người trả 100% tiền mặt khu mua. Giờ đây, chi phí mua nắm giữ nhà không còn ở mức 0% nữa," ông Klibaner nói.

"Khi chi phí ở mức con số không thì người ta rất dễ mua nhà để đấy. Tức là không mất khoản tiền gì khi nhà bỏ không.

"Nay có chi phí nắm giữ - hy vọng là sẽ thay đổi cách mọi người nhìn nhận bất động sản như là một loại tài sản."