Chuyển tiền về Việt Nam: Đường đi của đồng đô la |
Tác Giả: Jane Le Skaife & Hà Giang/Người Việt |
Thứ Sáu, 28 Tháng 1 Năm 2011 08:43 |
Nhu cầu gửi tiền về cho người thân tại quê nhà là một nhu cầu lớn trong hầu hết mọi cộng đồng di dân của mọi sắc dân. Quảng cáo cho dịch vụ gửi tiền về Việt Nam online của một nhà băng. (Hình minh họa, đến từ website www.vctv.vn) Ðối với cộng đồng chúng ta, việc gửi tiền về Việt Nam cho người thân, là một điều người Việt hải ngoại ai cũng quan tâm, nhất là vào dịp năm hết Tết đến. Tiếp xúc với phóng viên Jane Le Skaife của nhật báo Người Việt, ông Phú Nguyễn, phó giám đốc công ty Hoa Phát, một công ty chuyển tiền có trụ sở tại Westminster, Nam California, cho biết, vào dịp Tết người ta gửi tiền “cao nhiều gấp bốn, năm lần” số tiền gửi trong năm. Khởi nguồn từ việc phải gửi từng thùng quà qua hãng Air France vào thập niên 80s, người Việt giờ đây có thể gửi tiền về Việt Nam một cách dễ dàng, và người thân của họ tại Việt Nam, có thể nhận tiền từ trong vòng vài phút đến vài ngày, tùy theo cách gửi. Sự dễ dàng khiến số tiền được gửi về Việt Nam ngày càng tăng. Nhiều nhà phân tích ước lượng là hàng năm người Việt hải ngoại ở khắp thế giới gửi khoảng 7, 8 tỉ đô la về Việt Nam cho người thân. Phần lớn tiền này được gửi từ Hoa Kỳ, nhưng không ai rõ được con số này là bao nhiêu. Nói về con số 7, 8 tỉ được ước lượng, ông Phú Nguyễn phát biểu: “Thật ra con số này có thể cao hơn nhiều, vì không ai có thể tính được lượng tiền gửi qua nhưng ngả đường không chính thức.” Gửi tiền “không chính thức” là gửi qua những nơi không có giấy phép hoạt động. Ngược lại, gửi tiền “chính thức,” là gửi tiền qua các công ty có giấy phép hoạt động được do chính quyền tiểu bang Hoa Kỳ cấp. Riêng tại California, cơ quan cấp giấy phép cho các công ty chuyển tiền tên là Department of Financial Institutions. Người Việt cư ngụ tại Hoa Kỳ có thể gửi tiền về Việt Nam cho gia đình và người thân một cách chính thức, qua nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như qua các công ty chuyển tiền như Hoa Phát, Lê Gửi Tiền Lẹ, hay qua nhà băng như Wells Fargo, hoặc qua dịch vụ của Western Union. Chân dung một người gửi tiền Khách hàng tiêu biểu của công ty Hoa Phát, đa số là những người gửi thường xuyên (có khi hàng tháng) gửi tiền về Việt Nam, và là những người “có công ăn việc làm ổn định,” nhất là “trong giới lao động.” “Họ gửi có khi 3, 4 hay 5 trăm đồng một tháng về để giúp nuôi gia đình.” Ông Phú Nguyễn cho biết. Bà Katie Ngô, đại diện của công ty “Lê Gửi Tiền Lẹ,” cho biết khách hàng của LGTL đa số là các cá nhân gửi tiền về “giúp thân nhân có tiền sinh sống,” trung bình gửi mỗi lần 300, và cũng giống như khách hàng của Hoa Phát, đa số có việc làm ổn định. Ngoài cá nhân, các hội từ thiện, hội cựu quân nhân, hội ái hữu, chùa, nhà thờ là những khách hàng thường xuyên của cả Hoa Phát lẫn Lê Gửi Tiền Lẹ. Khách hàng của Wells Fargo thì đa số là những người có tài khoản với nhà băng này, còn khách hàng của Western Union, thì đa số là những ai có nhu cầu gửi tiền gấp, vì người nhà của họ có thể nhận tiền trong vòng vài phút, thay vì vài tiếng hay vài ngày. Sự khác biệt giữa các công ty chuyển tiền? Tuy cùng làm một dịch vụ chuyển tiền, và cùng được cấp giấy phép để làm việc một cách hợp pháp, nhưng các công ty nói trên thỏa đáng nhu cầu của khách hàng một cách khác nhau, vì cách làm việc của họ. Theo lời ông Phú Nguyễn, công ty Hoa Phát dựa vào một hệ thống giao tiền gồm đa số người đại diện là “người nhà” hoặc là “những người tín cẩn,” và giao tiền tận nhà cho người nhận. Tương tự như vậy, bà Katie Ngô cho biết công ty Lê Gửi Tiền Lẹ, “tìm được một hệ thống giao tiền tận nhà, và làm việc với một số nhà băng để gửi tiền.” Bà Jenny Briggs, đại diện cho hãng Western Union, công ty đã hoạt động trong ngành chuyển tiền hơn 150 năm, và chuyển tiền đi đến khắp nơi trên thế giới, nhờ vào hệ thống phát hành hùng hậu, có thể giao tiền cho người nhận “trong vòng vài phút.” “Chúng tôi có hơn 46 ngàn văn phòng gửi tiền ở khắp Hoa Kỳ, và con số phòng giao tiền tại Việt Nam hiện giờ là 800 địa điểm, nhưng con số này còn đang gia tăng.” Bà Jenny Briggs nói. Western Union không có dịch vụ giao tiền tận nhà, mà người nhận phải đến một trong địa điểm của Western Union, thường là các bưu điện hay nhà băng để nhận tiền. Bà Jenny cho biết thường thì người gửi tiền thường báo cho người nhà đến đợi sẵn ở một địa điểm của Western Union tại Việt Nam, và chỉ vài phút sau khi người gửi trao tiền cho Western Union và điền xong đơn, thì người nhận được lãnh tiền. Ðại diện của nhà băng Wells Fargo, ông Nam Hoàng cho nhật báo Người Việt biết là Wells Fargo bắt đầu cung cấp dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam từ năm 2006. Theo ông Nam Hoàng, đối tác của Wells Fargo là một nhà băng có hơn 800 chi nhánh và hơn 1000 ATM tại Việt Nam, có tên là Vietnam Bank for Industry and Trade. Người gửi tiền trước kia có thể đến tận nhà băng, hay gọi phôn, nếu có tài khoản với Wells Fargo, nhưng giờ đây “có thể gửi tiền online, từ máy điện toán ở bất cứ đâu, vào bất cứ giờ nào,” cũng theo lời ông Nam Hoàng. Cũng như Western Union, Wells Fargo không có dịch vụ giao tiền tận nhà, tuy nhiên người gửi có thể gửi thẳng tiền từ tài khoản của họ (tại Wells Fargo) vào tài khoản của người thân (tại Vietnam Bank for Industry and Trade), hoặc người nhận có thể đến chi nhánh của nhà băng Vietnam Bank for Industry and Trade để nhận tiền. Tiền di chuyển từ Hoa Kỳ về Việt Nam ra sao? Làn sóng di dân đến Hoa Kỳ càng dâng cao, nhu cầu chuyển những đồng tiền dành dụm về cho người thân ở quê nhà càng gia tăng. Theo thống kê của Bộ Tài Chánh California, năm 2001, số tiền di dân chuyển ra khỏi tiểu bang này đến các nước khác lên đến hơn $5 tỉ, qua tổng số 14 triệu lần chuyển (transactions). Trong một bài thuyết trình tại một buổi hội thảo của Hiệp Hội Quản Lý Thương Vụ Chuyển Tiền, được tổ chức tại San Diego, California năm 2002, ông Donald Meyer, lúc đó là Bộ Trưởng đặc trách Ban Ðịnh Chế Tài Chánh, phát biểu: “Chuyển tiền là dịch vụ then chốt ở bất cứ nơi nào tập trung nhiều di dân, vì thế chính quyền California rất quan tâm đến các dịch vụ này, và đã phân phối nhiều tài liệu chỉ dẫn người tiêu dùng làm cách nào để tránh bị lừa đảo và không phải trả lệ phí quá cao khi gửi tiền về quê nhà cho người thân.” Cũng theo lời ông Donald Meyer, kể từ sau biến cố 11 tháng 9 tại New York, chính phủ Hoa Kỳ tăng cường biện pháp kiểm soát các công ty chuyển tiền chặt chẽ hơn, để ngăn ngừa việc “rửa tiền” hay “giật tiền của khách hàng.” Trách nhiệm kiểm soát và thanh tra các công ty chuyển tiền tại California thuộc thẩm quyền của Ban Ðịnh Chế Tài Chánh, và cũng như nhiều tiểu bang khác, Ban Ðịnh Chế Tài Chánh đòi hỏi các công ty chuyển tiền hợp pháp, tức có giấy phép, phải mua “surety bond” (một loại bảo hiểm an toàn cho khách hàng) trị giá từ $25 ngàn đến $1 triệu, tùy theo tổng số thương vụ (trade volume). Các công ty chuyển tiền phải mua “surety bond” cho từng tiểu bang họ hoạt động. Surety bond là gì? Theo lời ông Phú Nguyễn, phó giám đốc công ty Hoa Phát, surety bond “bảo đảm” cho người gửi tiền là nếu tiền của họ gửi cho người thân bị một công ty lừa đảo “giật mất” thì chính phủ sẽ lấy tiền bảo hiểm này để đền cho khách hàng. Dĩ nhiên, khách hàng của những công ty chuyển tiền không có giấy phép sẽ không được sự bảo vệ của surety bond. Ngoài việc phải mua surety bond, các công ty chuyển tiền chính thức còn bị chính ngân hàng của họ kiểm toán hàng năm, và Ban Ðịnh Chế Tài Chánh kiểm toán mỗi hai năm một lần. Ngân hàng phải kiểm toán công ty chuyển tiền vì sau biến cố 11 tháng 9, luật liên bang đòi hỏi mọi ngân hàng phải “biết khách hàng của họ là ai.” Và theo định nghĩa của Bộ Tài Chánh, “khách hàng” của ngân hàng không chỉ là những công ty chuyển tiền có tài khoản với họ, mà còn là người nhận tiền ở các quốc gia khác. “Trong các vụ kiểm toán của ngân hàng, chúng tôi phải cho họ xem sổ sách hàng ngày, để họ xem tiền được gửi đi đâu, họ cũng cần xem danh sách và địa chỉ của khách hàng, văn phòng giao tiền, cũng như người nhận tiền.” Ông Phú Nguyễn nói. Khác với các cuộc kiểm toán của ngân hàng, mục đích của Ban Ðịnh Chế Tài Chánh khi thanh tra các công ty chuyển tiền là để xác định số thương vụ (trade volume) của họ, để tìm ra “nợ chuyển tiền trung bình hàng ngày” (Average Daily Transmission Liability). Theo website của Ban Ðịnh Chế Tài Chánh, “nợ chuyển tiền trung bình hàng ngày” là sự khác biệt giữa tiền nhận được từ người gửi và tiền trao cho người nhận.” Sở dĩ đối với Ban Ðịnh Chế Tài Chánh, “nợ chuyển tiền trung bình hàng ngày” là con số quan trọng là vì nếu một công ty gửi tiền thường xuyên giữ tiền của khách hàng (chưa kịp gửi đi) là $1 triệu, mà chỉ mua surety bond có $500 ngàn, thì nếu công ty này giật tiền của khách hàng, chính phủ sẽ không có đủ tiền bồi thường cho khách hàng bị mất tiền. Theo lời ông Donald Meyer, những biện pháp kiểm toán gắt gao này “tuy có vẻ chặt chẽ” trên nguyên tắc, vẫn “chỉ kiểm soát được những công ty chuyển tiền hoạt động chính thức.” “Vấn nạn “rửa tiền” hay “giật tiền” nằm ở những tổ chức chuyển tiền làm ăn không có giấy phép!” Ông nói. Như vậy tiền được chuyển từ Hoa Kỳ qua Việt Nam như thế nào? Câu trả lời còn tùy vào việc công ty chuyển tiền có là một công ty chuyển tiền chính thức không? Trong trường hợp các công ty chuyển tiền chính thức như Hoa Phát, Lê Gửi Tiền Lẹ, Wells Fargo và Western Union,... theo luật định, họ phải “wire” tiền hàng ngày qua (những) ngân hàng đối tác tại Việt Nam, và sổ sách của họ bị cả ngân hàng tại Hoa Kỳ lẫn Ban Ðịnh Chế Tài Chánh kiểm toán kỹ càng, đòi hỏi sổ sách của họ phải minh bạch. Sau đó, tiền mới “thực sự” được chuyển từ Hoa Kỳ về Việt Nam. Trong trường hợp các công ty chuyển tiền không có giấy phép chính thức, giới phân tích cho rằng những đồng tiền được “gửi đi” không bao giờ rời khỏi Hoa Kỳ, vì dịch vụ chính của các công ty này là chuyển tiền từ Việt Nam ngược qua Hoa Kỳ; và dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam chỉ là phương pháp để những công ty này thu đủ tiền, trao cho đối tác của người cần chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài. |