Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27/01/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27/01/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Năm, 27 Tháng 1 Năm 2011 10:12

Hàng ngàn hình người tí hon đang tìm cách lật đổ một chiếc kim tự tháp khổng lồ.



Khát vọng tự do : mẫu số chung của các cuộc nổi dậy

      Biểu tình trên đường phố Cairo (Ai Cập) (Reuters)

Hàng ngàn hình người tí hon đang tìm cách lật đổ một chiếc kim tự tháp khổng lồ. Bức hí họa với nội dung như trên đủ để độc giả của báo Libération tóm gọn tình hình nóng bỏng đang diễn ra tại quê hương của nữ hoàng Cleopatre.

Ai Cập hôm nay thay thế Tunisia để chiếm trang nhất của nhiều tờ báo. Tổng thống « Moubarak đem dùi cui ra đàn áp » người biểu tình, tựa lớn của Libération. Báo công giáo La Croix cũng đưa hàng tít tương tự : « Ai Cập tìm cách bịt miệng các thành phần chống đối trên đường phố ».

Khát vọng tự do

Trong bài xã luận mang tựa đề « Khát vọng tự do », Libération nhắc lời một bản nhạc từng đi vào huyền thoại qua tiếng hát thiên phú của nữ danh ca Oum Kalsoum, hơn nửa thế kỷ về trước, để ca ngợi một dân tộc đang vùng lên chống ách đô hộ : « Người dân tiến bước như sấm chớp, quần chúng là núi rừng và biển cả, là ngọn lửa hồng âm ỉ trong lòng đất, là bão tố làm long trời lở đất ». Giờ đây, những lời hát đã đi vào huyền thoại đó còn mang tính thời sự hơn bao giờ hết. Thắng lợi của những người anh em Tunisia đã đánh thức người dân Ai Cập sau một giấc ngủ dài.

Những biến cố gần đây ở bên kia bờ Địa Trung Hải khiến tác giả bài báo liên tưởng đến những cuộc cách mạng từ Bucarest đến Vacxava, nơi mà những thành trì kiên cố của các chế độ độc tài đã sụp đổ dưới áp lực của đường phố. Mẫu số chung của tất cả các cuộc nổi dậy đó là « sự khát khao tự do ».

Trong ba thập niên qua, tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak đã cai trị đất nước với bàn tay sắt. Ông không ngần ngại đặt đất nước này trong tình trạng khẩn cấp triền miên, tống giam hàng loạt những thành phần bất đồng chính kiến. Ông cũng đã bốn lần tái đắc cử với tỷ lệ phiếu tối thiểu là 80% … Câu hỏi đặt ra là liệu chính sách đó còn kéo dài được bao lâu ?

Phần lớn các tờ báo khác của Paris chú trọng vào việc chính quyền Cairo thẳng tay đàn áp biểu tình và không quên nhắc đến tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng Tunisia đối với những gì đang diễn ra tại Ai Cập.

Riêng Le Figaro chạy tít : « Làn sóng biểu tình ở Ai Cập nhận được sự ủng hộ của Obama ». Tờ báo muốn nhấn mạnh đến việc Nhà Trắng kêu gọi chính quyền Cairo bãi bỏ lệnh cấm biểu tình, tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tiến hành công cuộc dân chủ hóa đất nước.

Ở trang trong tờ báo tỏ ra công bằng hơn : bên cạnh lời kêu gọi trên, ngoại trưởng Mỹ cũng mong mỏi là đồng minh Ả Rập này của Hoa Kỳ duy trì được « ổn định ». Tuy nhiên theo quan điểm của Le Figaro trên bàn cờ ngoại giao, Washington đang đi trước Paris mấy bước và tờ báo thiên hữu này không quên nhắc lại thái độ « quá thận trọng » chính phủ Pháp trong cuộc cách mạng Hoa Lài Tunisia vừa qua.

Từ Tunisia đến Ai Cập ?

Nhìn từ góc độ của báo Libération, trên hồ sơ Ai Cập, Nhà Trắng đang trong tư thế của « một nhà làm xiếc đi dây » : tổng thống Obama đã tuyên bố là Hoa Kỳ đứng về phía « nhân dân Tunisia », nhưng Washington lại thận trọng hơn nhiều trong trường hợp của Cairo.

Bởi lẽ, Ai Cập là một đồng minh quý giá của Mỹ trong đối thoại với Israel, và chính quyền của ông Moubarak dù thế nào đi chăng nữa cũng là một lá chắn, một con đê ngăn cản làn sóng Hồi giáo cực đoan. Phong trào này luôn bị đàn áp và chỉ chờ cơ hội để bùng lên. Một chuyên gia được Libération trích dẫn còn đi xa hơn khi cho rằng, thực tế mà nói, Washington chưa biết phải xử lý vấn đề Ai Cập ra sao !

Pierre Rousselin, tác giả bài xã luận trên Le Figaro mở đầu bài viết như sau : Ai Cập không phải là Tunisia. Vậy thì đâu là những khác biệt giữa hai quốc gia này ?

Khác biệt thứ nhất nằm ở vai trò của quân đội : khác với trường hợp Tunisia, quân đội Ai Cập (bao gồm đến hơn 500 000 người) đóng một vai trò cực mạnh đối với đời sống chính trị và kinh tế. Quân đội cũng là nền tảng của một chế độ chưa từng biết đến hai chữ mở cửa là gì.

Khác biệt thứ hai và cũng là điều giải thích vì sao trong 30 năm qua cộng đồng quốc tế đã để cho tổng thống Moubarak cai trị đất nước với một bàn tay sắt, đó là nguy cơ các phong trào hồi giáo cực đoan tại Ai Cập bùng lên, và khi đó thì mô hình một nhà nước thế tục và ôn hòa coi như tiêu tan. Le Figaro nhắc lại không phải ngẩu nhiên mà khoản viện trợ quân sự của Washington cho Cairo hàng năm vẫn lên tới khoảng trên dưới 1,5 tỷ đô la.

Hiện tại cả Mỹ lẫn Liên Hiệp Châu Âu cùng kêu gọi chính quyền Moubarak quan tâm đến « nguyện vọng của người dân » và kịch bản tối ưu đối với quốc gia châu Phi này là « mở cửa từng bước và trong dự kiểm soát » tránh để lại xảy ra một cuộc cách mạng như vừa mới đây ở Tunis.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Khodorkovski, kẻ thù không đội trời chung của Putine

Bên cạnh những bài phân tích về tình hình Ai Cập, cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí Ioukos, ông Mikhail Khodorkovski dành riêng một bài phỏng vấn cho báo Le Monde cũng rất đáng được chú ý.

Ngày 30/12/2010 ông vừa bị tuyên thêm một bản án 14 năm tù và đây là lần đầu tiên ông trở lại với phiên xử cuối năm ngoái vừa qua, với tình hình nước Nga trong tay thủ tướng Putine.

Mikhail Khodorkovski tin rằng ngày nào mà quyền lực còn nằm trong tay Putine, thì ông không có hy vọng được trả tự do. Cựu lãnh đạo tập đoàn Ioukos không ngần ngại tố cáo thủ tướng Nga đã ra lệnh cho Tư pháp giữ ông trong tù. Theo ông Khodorkovski, thậm chí Vladimir Putine còn nói thẳng là, cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí Ioukos có liên quan đến các vụ ám sát để cầm chân ông trong tù và lệnh trên đã được tuân theo.

Nước Nga ngày nay trong mắt của nhà đối lập Khodorkovski là nơi mà « nền Tư pháp không được độc lập, là nơi không có tự do ngôn luận, là nơi gian lận bầu cử, là nơi mà các hoạt động phạm pháp trong guồng máy lãnh đạo hoành hành »

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

2010 thất nghiệp phá kỷ lục

Nhìn đến phần tin kinh tế, bên cạnh sự kiện diễn đàn kinh tế thế giới Davos khai mạc tại một địa điểm trượt tuyết nổi tiếng của Thụy Sĩ, thì các báo trong ngày chú ý hơn cả đến tình trạng thất nghiệp tràn lan trong năm qua :

« Thất nghiệp, nước Pháp chưa thoát khỏi khủng hoảng », tựa trên trang nhất báo Les Echos. Le Figaro đưa ra con số cụ thể : trong năm qua, có thêm 80 000  người bị mất việc tại Pháp.

Hồ sơ lớn của Le Monde xoay quanh câu hỏi : tại Pháp có bao nhiêu người không có việc làm ? Theo các thống kê chính thức của nhà nước,ì ở Pháp có 2,7 triệu người bị gạt ra ngoài thị trường lao động. Còn theo thống kê của một cơ quan trực thuộc bộ Lao động thì số này lên đến 4,2 triệu và bên cạnh đó thì có từ 1,2 đến 1,4 người có việc làm nhưng đấy là những công việc bấp bênh, đồng lương không đủ sống.

Vẫn theo Le Monde, cho dù mô hình an sinh xã hội của Pháp nổi tiếng là « hào phóng » nhưng trên thực tế 40% những người bị mất việc không được trợ cấp thất nghiệp !

Trước khi kết thúc mục điểm báo, xin lưu ý quý thính giả say mê với nghệ thuật thứ 9 : liên hoan quốc tế tranh hoạt họa tại thành phố Angoulème vừa khai mạc hôm nay và sẽ khép lại vào ngày 30/01/11.

Libération và L'Humanité đã dành nhiều trang để giới thiệu về một nền nghệ thuật ngày càng thu hút nhiều độc giả này. Libération đã có sáng kiến mời nhiều họa sĩ tham gia vào số báo đặc biệt hôm nay để đánh dấu sự kiện nói trên. Trong số đó phải kể đến đóng góp của họa sĩ gốc Việt Nam, Marcelino Trương. Ông tham gia tờ báo với một bức tranh nói về thời sự Ai Cập : một bên là đoàn người biểu tình, và bên kia là lực lượng an ninh được trang bị mũ bảo hộ, dùi cui … trong tư thế sẵn sàng can thiệp.