Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26/01/2011 |
Tác Giả: Trọng Thành | ||
Thứ Năm, 27 Tháng 1 Năm 2011 10:04 | ||
Trả lời câu hỏi có nên duy trì chủ nghĩa tư bản không ? 65% người Trung Quốc trả lời đồng ý, trong khi tỉ lệ này ở người Pháp chỉ có 15%.
Với tựa đề, « Người Trung Quốc tin vào chủ nghĩa tư bản hơn cả các nước Phương Tây », La Croix cho biết : 33% người Pháp cho rằng cần phải từ bỏ chủ nghĩa tư bản, trong khi đó, chỉ có 3% người Trung Quốc đồng ý với điều này. Trả lời câu hỏi có nên duy trì chủ nghĩa tư bản không ? 65% người Trung Quốc trả lời đồng ý, trong khi tỉ lệ này ở người Pháp chỉ có 15%. Đúng vào ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Toàn cầu lần thứ 41 tại Davos (Thụy Sĩ), nhật báo Công giáo La Croix đặt hàng với viện điều tra dư luận Ifop để tiến hành về thái độ đối với chủ nghĩa tư bản tại 10 quốc gia. Với tựa đề, « Người Trung Quốc tin vào chủ nghĩa tư bản hơn cả các nước Phương Tây », La Croix cho biết : 33% người Pháp cho rằng cần phải từ bỏ chủ nghĩa tư bản, trong khi đó, chỉ có 3% người Trung Quốc đồng ý với điều này. Trả lời câu hỏi : có nên duy trì chủ nghĩa tư bản không ? 65% người Trung Quốc trả lời đồng ý, trong khi tỉ lệ này ở người Pháp chỉ có 15%. Pháp, như vậy, là nước có ít người ủng hộ chủ nghĩa tư bản nhất. Cuộc điều tra của Ifop cho thấy khoảng cách rất lớn giữa các nước công nghiệp phát triển cũ và các nước đang trỗi dậy, như Trung Quốc và Brazil. Khoảng cách lớn này còn hiện diện ngay cả trong lòng các nước Châu Âu, giữa các nước kinh tế đang phục hồi, như Đức, Hà Lan, Ba Lan và các nước đang lúng túng trong vòng thất nghiệp và thâm hụt ngân sách, như Pháp, Ý. Về khả năng cạnh tranh, các nước Úc, Đức, Brazil, Trung Quốc đứng đầu với hơn 70% người trả lời : rất tự tin vào năng lực của quốc gia mình. Pháp, Ý, Hoa Kỳ đều có tỷ lệ người tin tưởng thấp nhất, từ 40% trở xuống. Mặc dù tin tưởng vào chủ nghĩa tư bản nhiều hơn, về thái độ bi quan với tình hình hiện nay trên nhiều điểm, người Mỹ cũng rất giống người Pháp. Theo La Croix, một điểm chung được các nước cùng chia sẻ, đó là khả năng một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới sẽ bùng nổ trong những năm tới, với 9/10 người Pháp, 3/4 người Trung Quốc và 2/3 người Hà Lan. Đó cũng là lý do, đa số người được hỏi cho rằng, cần phải có nhiều biện pháp điều chỉnh hơn nữa đối với nền kinh tế toàn cầu, để chống lại việc bán phá giá, phá hoại môi trường, gian lận tài chính. Về sự kiện Diễn đàn Kinh tế Toàn cầu đang diễn ra, bài viết do phóng viên La Croix gửi về từ Davos nhận định : Diễn đàn Davos đang tìm kiếm các bài thuốc để giúp cho quá trình toàn cầu hóa đang hụt hơi có thể hồi phục lại. Theo La Croix, các chủ đề chính được quan tâm tại Diễn đàn Kinh tế lần này là mâu thuẫn giữa quá trình phát triển của thế giới ngày càng trở nên phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, với sự tan vỡ của các giá trị chung. Đây chính là nghịch lý được nêu ra trong một bản báo cáo chính thức của Diễn đàn : quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra vào đầu thế kỷ XXI có thể được hình dung như một thế giới đang cùng nhau lớn lên, nhưng chính thế giới đó cũng đồng thời lại chia rẽ với nhau. Cũng bản báo cáo này khẳng định, cái có thể trở thành đối trọng lại quá trình mâu thuẫn và đầy kịch tính này, chính là sự hình thành một công luận toàn cầu, được thông tin tốt và có khả năng huy động tốt, chia sẻ các chuẩn mực và giá trị chung của tinh thần công dân toàn cầu. Tuy nhiên, một công luận như vậy, theo bản báo cáo, vẫn còn chưa hình thành một cách đầy đủ. *Lần đầu tiên một doanh nghiệp làm hàng giả Trung Quốc buộc phải đóng cửa Nhật báo La Croix hôm nay chú ý đến sự kiện mới đây cho thấy nạn hàng giả tại Trung Quốc có thể được ngăn chặn, với tựa đề : « Nhà sản xuất giày Pháp J. M. Weston thắng kiện trong việc đòi đóng cửa một xí nghiệp hàng giả tại Trung Quốc ». Nếu như chúng ta biết rằng, hơn 80% hàng giả toàn cầu đến từ Trung Quốc, việc công ty Weston của Pháp thắng kiện là một biến cố quan trọng. Hôm thứ hai vừa qua, Hiệp hội các nhà công nghiệp Pháp Unifab đã hoan nghênh quyết định của tòa án Trung Quốc, đóng cửa xí nghiệp làm giày Weston giả vào cuối tháng 12. Weston là hiệu giày hạng sang của Pháp, hoạt động từ năm 1.891, với tổng sản lượng 100.000 đôi/năm. Hàng của Weston được bán tại 20 nước, trong đó có Trung Quốc. Xí nghiệp làm nhái hàng Weston, có trụ sở tại Quảng Đông, sản xuất 300 đôi giày giả/ngày. Vụ án hàng nhái Weston kéo dài trong vài tuần thì kết thúc. Theo phó giám đốc Weston Philippe Lacoste, đây là lần đầu tiên một xí nghiệp hàng giả Trung Quốc bị kết án phải đóng cửa và những người chủ bị bắt, điều đó cho thấy chính quyền Trung Quốc đã bước đầu có thiện chí hợp tác với các doanh nghiệp để chống nạn hàng giả. Ước tính sơ bộ, hàng giả chiếm từ 15-30% sản lượng công nghiệp, 8% GDP của Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Kinh tế Pháp, hàng giả khiến nền kinh tế Pháp bị thiệt hại khoảng 30 000 đến 40 000 chỗ làm một năm, với lượng tiền tương đương 6 tỷ euro. Hiện tại, có khoảng 1/2 các doanh nghiệp Pháp bị nạn hàng giả ảnh hưởng. Về thời sự quốc tế, nhật báo Les Echos hôm nay, loan trên trang nhất hàng tựa « Các thị trường đổ về mua công trái Châu Âu ». Les Echos cho biết, tổng số công trái gần 45 tỷ euro đã được các nhà đầu tư, đến từ khắp thế giới, mua hết chỉ trong vòng 15 phút đồng hồ của buổi sáng. Sự kiện này được giám đốc Quỹ ổn định Châu Âu (FESF) nhận xét là một « bước ngoặt lịch sử », trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ của các quốc gia trong khu vực euro đang hồi căng thẳng. Cũng về kinh tế quốc tế, nhật báo Le Monde chú ý đến dự báo lạc quan của FMI về khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ là 3% trong năm 2011, dự báo được đưa ra ngay trước giờ tổng thống Obama đọc thông điệp liên bang. « Chủ nghĩa tư bản và toàn cầu hóa. Người Pháp phản đối, người Trung Quốc ủng hộ »… là hàng tựa trên trang nhất La Croix. L’Humanité tiếp tục chú ý đến quan hệ giữa Paris và Tunis. « Tại sao phải thay đổi hoàn toàn các quan hệ của chúng ta ? », l’Humanité công bố phóng sự điều tra về một doanh nghiệp Tunisia dưới quyền kiểm soát của người Pháp, với nhận định cần phải chấm dứt các mối quan hệ nguy hiểm với cựu tổng thống Ben Ali. Le Figaro thì chú ý đến thời sự nước Pháp. «Những người tái phạm : Sarkozy muốn siết luật». Sau vụ cô gái Laetitia mất tích tuần trước, đến nay vẫn chưa tìm ra, mà nghi phạm là một người đã từng 13 lần ngồi tù, tổng thống Pháp hết sức phẫn nộ và muốn thúc đẩy việc siết chặt các quy định đối với những kẻ nhiều lần phạm pháp. Cũng về thời sự nước Pháp, Libération đặc biệt quan tâm đến cuộc cạnh tranh vừa mới bắt đầu sôi nổi trong nội bộ đảng Xã hội, với tựa đề « Mélanchon : Người muốn làm DSK thua cuộc ». Jean-Luc Melanchon là ứng cử viên tổng thống của Front de Gauche, một liên minh chính trị thuộc cánh tả hình thành từ năm 2009, bắt đầu từ cuộc bầu cử Châu Âu ; còn DSK là tên gọi tắt của Dominique Strauss-Kahn, một ứng cử viên tiềm năng nặng ký của đảng Xã hội trong cuộc tranh cử Tổng thống 2012. *Đức tìm kiếm một "chỉ báo thịnh vượng toàn diện" mới Để kết thúc mục điểm báo, chúng tôi xin giới thiệu cuộc tìm kiếm một cách đo lường khác về sự thịnh vượng của Đức, được Le Monde phân tích dưới tựa đề « Nước Đức muốn đo mức độ giàu có theo các tiêu chuẩn khác». Mặc dù, theo Le Monde, ngày nào cũng vậy, Đức là nước luôn tự biểu dương, đã trở lại được vị trí chiếc đầu máy của nền kinh tế Châu Âu, những nhà lãnh đạo nước này vẫn chưa hết lo lắng về tính bền vững của mô hình Đức. Tiếp theo Anh, Ý và Pháp, ba nước đã tham gia vào cuộc tìm kiếm các chỉ số mới để đánh giá sự thịnh vượng, nước Đức, bắt đầu từ thứ hai tuần trước, đã lập ra một ủy ban phụ trách nghiên cứu các giới hạn của các phương pháp đo lường hiện nay. Như có một sự tương phản đầy trùng hợp, thành phần của Ủy ban này chỉ gồm toàn người Đức, còn Ủy ban đo lường hiệu quả kinh tế và tiến bộ xã hội do giải Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz phụ trách, theo sáng kiến của chính phủ Pháp, thì lại không có một người Đức nào. Trên thực tế, cho dù đã có sự trao đổi Pháp – Đức trong cuộc họp các bộ trưởng 10/12/2010, sáng kiến này của Đức bắt nguồn từ Quốc hội Đức. Chủ trì Ủy ban này là một nữ nghị sĩ đảng Xã hội – Dân chủ, một nhà vật lý học xuất thân từ Đông Đức, và bao gồm 17 nghị sĩ và 17 chuyên gia. Nhiệm vụ của Ủy ban này là phát triển một chỉ báo tổng thể về hạnh phúc và tiến bộ, và thăm dò những khả năng và các giới hạn của từng lĩnh vực riêng rẽ sau đây : tăng trưởng, tiêu thụ các nguồn tài nguyên và tiến bộ kỹ thuật. Bên cạnh mục tiêu phát triển một nền kinh tế bền vững và tiến bộ xã hội, hai mục tiêu quan trọng khác được đặt ra đối với Ủy ban là xem xem : (1) tác động của chính trị và (2) những ảnh hưởng của giới lao động, của cách tiêu thụ và cách sống đến mô hình phát triển kinh tế bền vững này. « Chỉ báo thịnh vượng toàn diện » là một nội dung quan trọng rất được quan tâm, bên cạnh mức sống vật chất, sẽ bao gồm một loạt các yếu tố quan trọng khác, như : khả năng có việc làm, chất lượng việc làm, sự gắn bó xã hội, môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên có giới hạn, khả năng được đào tạo, sức khỏe, tuổi thọ, chất lượng các dịch vụ công, … Một trong các chuyên gia của Ủy ban này, nhà kinh tế học Đức Henrik Enderlein cho rằng, Ủy ban Stiglitz-Sen-Fitoussi của Pháp (gồm hai giải Nobel kinh tế và nhà kinh tế Pháp Jean-Paul Fitoussi) đã làm ra được một nghiên cứu rất tốt về chủ đề này, tuy nhiên, vì thành phần của Ủy ban này quá rộng, nên các biện pháp cụ thể đã không được đề cập đến. Nhà kinh tế Đức ví von : mục đích của Đức không phải là sáng tạo ra "một chiếc bánh xe mới", mà là làm sao để "chiếc bánh xe này có thể quay được". |