Tiết lộ chấn động về phe Palestine |
Tác Giả: BBC |
Thứ Ba, 25 Tháng 1 Năm 2011 10:33 |
Đông Jerusalem là điểm bế tắc chính trong tiến trình hòa bình Giới chức hàng đầu người Palestine chất vấn để xác định các văn bản bị tiết lộ có nội dung đề nghị nhân nhượng lớn cho Israel. Các văn bản này được al-Jazeera giữ, cho rằng phe Palestine đồng ý cho Israel nắm giữ nhiều phần đất chiếm trái phép ở mạn đông Jerusalem, một đề nghị mà có vẻ Israel khước từ. Nhưng trưởng nhóm đàm phán Saeb Erekat nói các tiết lộ đó là "một mớ lừa đảo". BBC không thể độc lập kiểm chứng các văn bản này. Al-Jazeera nói có trong tay 16.076 tài liệu mật ghi các cuộc gặp, điện thư, liên lạc giữa phe Palestine, Israel và các lãnh đạo Hoa Kỳ, trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2010. Phe Palestine theo tin đã đề nghị một ủy ban quốc tế giữ quyền kiểm soát các thánh tích ở Jerusalem, và giới hạn con số người tị nạn trở về đến 100.000 trong vòng 10 năm. Người ta cho rằng các giấy tờ bị tiết lộ từ phía người Palestine. Nhưng ông Erekat dường như thách thức độ chân thật của các tài liệu này, nói rằng giới lãnh đạo người Palestine không có gì để giấu. "Chúng tôi không thoái lui trong quan điểm của mình," ông nói với al-Jazeera. "Nếu chúng tôi đã đặt nền cho chuyện người tị nạn và rút lui đến như vậy, tại sao Israel không đồng ý ký hiệp ước hòa bình?" Chủ tịch chính quyền của người Palestine Mahmoud Abbas dự kiến sẽ có các cuộc họp về tiến trình hòa bình Trung Đông hôm thứ Hai với tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cũng nghi ngờ về các tài liệu này. "Tôi không biết al-Jazeera lấy đâu ra các tài liệu bí mật đó," ông được trích lời nói với các biên tập báo Ai Cập ở Cairo như vậy. Nhưng một phát ngôn nhân cho phe vũ trang Hamas, vốn kiểm soát Dài Gaza và là đối thủ của lực lượng Fatah của ông Abbas, nói các tài liệu này cho thấy "bộ mặt xấu của Chính quyền, và mức độ hợp tác với quân chiếm đóng". Tài liệu cho thấy "mức độ liên quan của Chính quyền Fatah trong phép thử loại trừ chính nghĩa của người Palestine, đặc biệt là về vấn đề Jerusalem và người tị nạn, và mức can thiệp chống lại kháng chiến ở Tây Ngạn và Dải Gaza," lời Sami Abu Zuhri, được hãng tin AFP trích lời. Các cuộc đàm phán hòa bình gần đây giữa Israel và người Palestine bị ngưng trệ nhiều tháng, có vẻ như là do Israel không chịu ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái trên đất chiếm đóng của người Palestine. Phóng viên BBC ở Jerusalem Wyre Davies nói bất mãn và biểu tình gia tăng trong cộng đồng người Palestine về điều mà họ coi là sự bành trướng của Israel và sự yếu kém của các lãnh đạo bên phía họ - một quan điểm sẽ được củng cố thêm sau chuyện tiết lộ các hồ sơ này. 'Yerushalayim to nhất' Trong số các giấy tờ bị tiết lộ, mà các đề nghị về Đông Jerusalem là gây nhiều tranh cãi nhất, vấn đề vẫn luôn cản trở cuộc đàm phán Trung Đông giữa Israel và người Palestine là cả hai bên đều coi Jerusalem là thủ đô. Israel chiếm vùng Tây Ngạn, bao gồm Đông Jerusalem, từ năm 1967, và triển khai gần 500.000 người Do Thái trong hơn 100 khu định cư. Theo al-Jazeera, hồi tháng Năm 2008, lãnh đạo đàm phán của người Palestine lúc đó là Ahmed Qurei đề nghị nối hết các khu định cư Do Thái ở Đông Jerusalem trừ Har Homa (Jabal Abu Ghniem) nhằm đạt thỏa thuận cuối cùng. "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng tôi đề nghị như vậy," theo tin thì ông đã nói như vậy, giải thích rằng đây là nhượng bộ lớn hơn từng có trong cuộc đàm phán ở Trại David hồi 2000. Các lãnh đạo của Phong trào tự do cho người Palestine - PLO từng đề nghị ở chốn riêng tư về chuyện đổi đất khu Sheikh Jarrah thuộc khu nhiều người Ả-rập sống ở Đông Jerusalem để sử dụng đất ở nơi khác, theo tin tiết lộ. Thêm vào đó, các nhà thương thuyết của người Palestine được cho là đề nghị một ủy ban quốc tế quản lý ngôi đền Núi ở Jerusalem, nơi có chứa di vật Rome of the Rock và đền thờ al-Aqsa, tức là di tích quan trọng thứ ba của Hồi giáo. Và cũng theo tin thì họ muốn thảo luận chuyện giới hạn người tị nạn Palestine quay về đến mức 100.000 trong vòng 10 năm. Các tin tức tiết lộ cũng đưa ra nội dung rằng các lãnh đạo Palestine đã được "nói riêng cho biết" về cuộc chiến của Israel hồi 2008-2009 ở Gaza, điều mà ông Abbas phủ nhận trong quá khứ. Hoa Kỳ 'thiên lệch'? Các vấn đề nhạy cảm này trước đây không thể đàm phán. Phe Israel dường như đã bác bỏ các nhượng bộ và không đưa lại đề nghị gì. Cũng có tin về các bác bỏ ngắn gọn từ một số chính trị gia Hoa Kỳ vì liên quan tới phát biểu Cairo 2009 của tổng thống Obama, theo phóng viên BBC ở Washington Jonny Dymond. Đại sứ của người Palestine ở Anh, Manuel Hassassian nói nếu tin được xác nhận thì các văn bản đó thể hiện rằng "các nhượng bộ lớn" được đề nghị. "Nhưng tôi nghĩ chúng ta cần xét trong bối cảnh," ông nói với chương trình World Today của BBC World Service. "Bên phía Israel đưa lại đề nghị gì từ các nhượng bố đó? Không ai nói gì về phía bên kia."
|