'Thất vọng' về hội đàm hạt nhân với Iran |
Tác Giả: BBC |
Thứ Bảy, 22 Tháng 1 Năm 2011 18:05 |
Liên Hiệp Quốc đã áp đặt bốn đợt trừng phạt lên Iran trong những năm qua. Các cường quốc tham gia thương thuyết với Tehran về chương trình nguyên tử của nước này nói họ cảm thấy “thất vọng” sau một vòng đàm phán mà không đạt được tiến bộ nào tại Istanbul. Iran nói quyền được phát triển hạt nhân của họ nên được tôn trọng Người phụ trách về ngoại giao của Liên hiệp châu Âu, Baroness Ashton, dẫn đầu phái đoàn quốc tế, nói Iran đã tìm cách áp đặt các điều kiện tiên quyết lên bất cứ thỏa thuận nào. Trong khi chưa có lịch cho vòng đàm phán tới, bà Ashton nói “cánh cửa vẫn rộng mở”. Một quan chức Iran nói với hãng Reuters rằng sẽ có thêm hội đàm, nhưng người ta chưa quyết định được thời gian và địa điểm. Nhóm quốc tế đưa ra bản đề xuất mới về trao đổi nhiên liệu hạt nhân, nhưng Iran tìm cách thảo luận thêm về vấn đề giải giáp. Các nguồn tin ngoại giao phương Tây đã nói về sự bực dọc và thất vọng trước thái độ của Iran tại vòng đàm phán. Bà Ashton dẫn đầu một phái đoàn gồm các đại biểu từ Pháp, Đức, Nga, Anh, Mỹ và Trung Quốc tại cuộc đàm phán kéo dài hai ngày. Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây nói Iran đang tìm cách phát triển vũ khí nguyên tử - là cáo buộc mà Iran luôn bác bỏ. Sửa đổi Bà Ashton nói các điều kiện tiên quyết của Iran “không phải là cách thức để tiến hành”. Bà nói với các phóng viên là nhóm của bà đã đề nghị Iran “các bước đi thực tiễn để phát triển”. Một trong những biện pháp là kế hoạch đã được sửa đổi về việc trao đổi nhiên liệu. Người ta chưa cho biết chi tiết kế hoạch này - vốn bị Iran bác bỏ năm 2009 - được sửa đổi những gì. Đề xuất ban đầu - do cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) thuộc Liên Hiệp Quốc đứng ra làm trung gian - muốn Iran chuyển 70% lượng uranium được làm giàu thấp (ở mức 3.5%) tới Nga để tái chế thành các thanh nhiên liệu loại cao hơn (lên mức 20%) . Các thanh nhiên liệu này sau đó sẽ được chuyển về Iran để sử dụng trong các lò phản ứng nghiên cứu. Kế hoạch này là để ngăn chặn Iran thực hiện các bước làm giàu uranium xa hơn, hoặc làm giàu tới mức độ cần thiết (90%) để chế tạo bom. Iran đưa ra đề xuất ngược lại là đổi lượng uranium làm giàu thấp lấy các thanh nhiên liệu nhưng ở ngay trên đất Iran. Giới phóng viên nhận định Iran lo ngại sẽ không thu về được lượng uranium và kết cục là không có thanh nhiên liệu nào. Liên Hiệp Quốc đã áp đặt bốn đợt trừng phạt lên Iran trong những năm qua.
|