Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21/01/2011 |
Tác Giả: Anh Vũ | ||
Thứ Sáu, 21 Tháng 1 Năm 2011 09:41 | ||
Quan hệ Trung - Mỹ không thể không có xung khắc.
Đối thoại Mỹ - Trung : một giọng điệu mới ?
Mở đầu bài xã luận Le Monde khẳng định : Quan hệ Trung - Mỹ không thể không có xung khắc. Theo tờ báo, đây là lần đầu tiên, nước Mỹ phải đối mặt với một cường quốc muốn cạnh tranh với họ trên mọi mặt trận từ kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật và cả văn hóa nữa. Trung Quốc giờ đây cho thấy họ muốn trở thành một nước lớn có vai trò chiến lược, không chỉ giới hạn trong khu vực. Sau khi điểm lại hàng lọat các bất đồng, xung khắc giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây từ bình diện kinh tế cho đến địa chính trị mà báo chí đã không ít lần nhắc tới trong thời gian qua, bài báo nhận thấy, trong cuộc gặp cấp cao chính thức Trung Mỹ lần này, tổng thống Mỹ không giấu diếm gì những điểm xung khắc, bất hòa đôi khi dẫn đến căng thẳng trong quan hệ hai nước- từ quan hệ buôn bán thương mại quốc tế cho đến những căng thẳng trên biển nam Trung Hoa, Biển Đông hay vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Tất cả những hồ sơ đó đã được tổng thống Mỹ nói ra một cách thẳng thắn, bình đẳng với lãnh đạo Trung Quốc, không che đậy bằng những thứ ngôn ngữ ngọai giao. Xã luận bài báo kết luận trong đối thọai với Trung Quốc thì châu Âu nên lấy đó mà làm gương. Tuy nhiên, Le Monde cũng nhận xét thấy « tại Washington, Hồ Cẩm Đào và Barack Obama cũng cố gắng không chỉ trích nhau ». Theo tờ báo thì các lãnh đạo Hoa Kỳ muốn khẳng định mục tiêu lâu dài cho mối quan hệ Trung-Mỹ. Tổng thống Mỹ đã tuyên bố tại Nhà Trắng « với chuyến viếng thăm này chúng ta có thể đặt nền tảng cho ba mươi năm tới ». Trước chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào tới Mỹ, tổng thống Barack Obma đã phải chịu sức ép từ nhiều phía ở trong nước. Dư luận Mỹ yêu cầu ông phải cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Bà chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Mỹ, mới đây khi chủ trì một phiên điều trần đã lên tiếng tố cáo rằng « 7 triệu người Trung Quốc còn đang ở trong các trại lao động khổ sai ». Tại Thượng viện, phe Dân chủ cũng nhắc lại dự luật trừng phạt Trung Quốc về tỷ giá đồng tiền Trung Quốc nhân dân tệ. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Harry Reid còn từ chối tham dự bữa tiệc khỏan đãi ông Hồ Cẩm Đào sau khi coi chủ tịch Trung Quốc la một nhà « độc tài ». Tất cả những vấn đề đó đều đã được đề cập đến một cách khéo léo, và đã có những tiến triển từng bước. Tổng thống Obama cũng không quên nhắc đến vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc tuy nhiên ông nhấn mạnh vấn đề này không ngăn cản hai nước hợp tác với nhau và bản thân Hoa Kỳ cũng có những lo lắng về vấn đề nhân quyền. Ông nói một cách chung chung rằng « Lịch sử chứng minh rằng những xã hội hài hòa hơn, những quốc gia phồn thịnh hơn và thế giới công bằng hơn khi mà quyền lợi và trách nhiệm của tất cả các quốc gia và của mọi dân tộc được tôn trọng ». Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đáp lại bằng việc thừa nhận « còn nhiều việc phải làm » trên vấn đề nhân quyền và Trung Quốc và Bắc Kinh vẫn « mong muốn học hỏi thêm » về vấn đề này. Câu nói này đã được dư luận mỹ đánh giá là một thái độ mềm dịu của Bắc Kinh. Tóm lại đây là chuyến đi chưa thể giải quyết hết được ngay các bất đồng giữa hai nước nhưng hiệu qủa kinh tế đã chứng minh cho nhu cầu cần có nhau của hai cường quốc thế giới này. Bước nhảy vọt của kinh tế Trung Quốc Bên cạnh chuyến viếng thăm chuyến viếng thăm Mỹ của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, trên bình diện kinh tế, các báo đều chú ý đến bước nhảy vọt của kinh tế Trung Quốc với mức tăng trưởng 10,3% trong năm 2010. Trong lĩnh vực tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc rõ ràng đang ở trên « mái nhà thế giới », tựa trang nhất của tờ báo kinh tế Les Echos. Xã luận tờ báo kinh tế les Echos đưa ra nhận xét về mức tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc như sau : Nếu cứ tiếp tục theo nhịp độ này thì ngay sau năm 2016, kinh tế Trung Quốc sẽ sản xuất ra nhiều của cải vật chất hơn cả Hoa Kỳ ». Trong khi đó, trang kinh tế của Le Figaro lại nhìn nhận mức tăng trưởng quá nóng của kinh tế Trung Quốc làm cho thị trường thế giới lo ngại. Lý do là vì song song với đà tăng trưởng đó lạm phát ở Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng lên trên 4% cuối năm nay. Vì thế mà các nhà đầu tư nghi ngại Trung Quốc sẽ phải siết chặt lại chính sách tiền tệ. ********************************************************************************* Tunisia : dân chúng tiếp tục đòi thay đổi triệt để Một thời sự quốc tế khác vẫn còn nóng trên các báo ra hôm nay đó là tình hình Tunisia. Cách mạng hoa lài thành công nhưng dân chúng Tunisia vẫn chưa thấy sự thay đổi triệt để. Hàng tựa trên trang nhất báo Le Figaro : "Tunisia : chính quyền định vị, phản kháng tiếp diễn" đã nói lên cơ bản tình hình chính trị ở Tunisia sau cuộc cách mạng hoa lài của người dân lật đổ chế độ độc tài Ben Ali. Báo Liberation chạy tựa : "Tunisia: tấn công vào đảng của Ben Ali". Trong khi đó báo Công giáo La Croix thì lo ngại biến động ở Tunisia đang có nguy cơ lan sang các nước láng giềng Ả Rập bằng cuộc khủng hoảng lương thực. Theo Le Figaro, chính phủ chuyển tiếp đã họp ngày hôm qua và thông qua dự luật tổng ân xá liên quan đến tất cả các thành phần Hồi giáo đồng thời tất cả các bộ trưởng trong chính phủ thông báo rời khỏi RCD, đảng của cựu tổng thống bị lật đổ Ben Ali. Thế nhưng những quyết định đó cũng vẫn không làm dịu được cơn giận dữ của người dân ngoài đường phố. Hàng ngàn người vẫn xuống đường biểu tình đòi giải tán toàn bộ chính phủ chuyển tiếp và các thành viên của đảng RCD không được tham gia chính phủ. Một người trong đoàn biểu tình nói “Tòan bộ chính phủ mới phải từ chức. Chúng tôi muốn những nhân vật trung lập cho phép chúng tôi bắt đầu từ con số không, không được có các gương mặt gợi nhắc lại chế độ độc tài”. Theo ghi nhận của Liberation thì thực tế, đằng sau vấn đề đảng của cựu tổng thống Ben Ali còn là vấn đề bản thân thủ tướng Mohamd Ghannouchi đã từng phục vụ trong chế độ của Ben Ali hàng chục năm, nay lại đại diện cho chính phủ chuyển tiếp thì là điều mà người dân khó chấp nhận được. Mỗi ngày chính phủ lại lùi thêm một bước hòng cố vớt vát được cái gì hay cái ấy, nhưng người dân vẫn tỏ ra kiên quyết vì khọ không còn muốn nhìn thấy sự tồn tại của chế độ cũ dù chỉ là tàn dư. Trong khi đó ở bên ngoài. Gọng kìm cũng siết dần từng ngày xung quanh cuộc truy tìm tài sản của gia đình nhà Ben Ali. Báo Le Figaro cho biết, sau Thụy Sĩ, ngày hôm qua Liên Hiệp Châu Âu thông báo sẽ cho tiến hành phong tỏa tài sản của cựu tổng thống Tunisia, hiện đang lưu vong tại Ả Rập Xê-út. Lúc này, Tunisia đang mở điều tra về tài sản của gia đình nhà Ben Ali. Ngay lập tức Paris cho biết đã có những biện pháp cần thiết để phong tỏa tài sản của gia đình Ben Ali và Trabelsi tại Pháp. Lo ngại sẽ làm đổ thêm dầu vào ngọn lửa tức giận của người dân đường phố, chính quyền Tunisia hôm qua cũng thông báo cho biết 33 người thân cận trong gia đình Ben Ali đã bị thẩm vấn, lục soát tài sản kể từ khi nhà độc tài bỏ trốn. Lực lượng điều tra đã thu giữ nhiều đồ trang sức quý giá và thẻ tín dụng của những người bị thẩm vấn. Từ giờ trở đi, các chính phủ châu Âu sẽ tập trung chú ý khoanh vùng phát hiện và phong tỏa những tài sản liên quan đến phe cánh nhà Ben Ali. ******************************************************************************** Thủ tướng Ý lại rơi vào vụ bê bối tình dục mới Thủ tướng Ý Silvio Berluconi vẫn không giấu diếm sở thích của mình với các cô gái trẻ, thậm chí có khi còn là quá trẻ. Ở tuổi 74, ông Berlusconi lại bị tư pháp Ý điều tra về những quan hệ với các cô gái điếm còn ở tuổi vị thành niên. Trang giải mã điều tra của báo Le Monde đến với hồ sơ này bằng bài viết có tựa đề “Tình dục, dối trá và Silvio”. Hôm 16 tháng giêng vừa qua thủ tướng Ý Silvio Berlusconi lại phải đối mặt với những cáo giác mới của tư pháp gây chấn động chính trường Ý. Các thẩm phán khẳng định họ có đầy đủ bằng chứng cho thấy không ít các cô gái trẻ đã quan hệ tình dục với ông Berlusconi tại tư dinh để đổi lại lấy tiền. Đây không phải là lần đầu tiên ông thủ tướng Ý giàu có và hào hoa này bị dính vào những cáo giác như vậy. Nhưng lần này thì vụ việc nghiệm trọng hơn. Dù chưa rõ ngọn ngành nhưng đảng Dân chủ trung tả đòi ông từ chức để cứu vớt danh dự cho nước Ý. Cô gái làm lung lay Silvio Berlusconi và chính trường Ý lúc này có tên gọi Karima, biệt danh là Rugby, con một gia đình nghèo gốc Maroc di cư đến Sicile. Tác giả bài báo kể lại rằng hồi tháng 5 năm ngoái, khi mới 17 tuổi cô bị cảnh sát Milan bắt giữ thẩm vấn vì tội trộm cắp. Được tin, ông Berlusconi đã đích thân gọi điện thọai đến sở cảnh sát yêu cầu thả cô với lý do đó là cháu của Moubarak (tổng thống Ai Cập). Ngày hôm đó, thẩm phán thụ lý vụ án đã phải nhận hàng chục cú điện thoại gây sức ép từ những người thân cận của thủ tướng đòi thả cô ra. Theo điều tra của báo chí Ý thì cô gái này đã nhiều lần đến ăn tối, vui chơi và ngủ lại với thủ tướng Ý tại tư dinh đổi lại cô đã được ông Berlusconi bao cho đầy đủ về tiền bạc. Báo chí còn tiết lộ các thông tin cho thấy thủ tướng Ý còn sẵn sàng bỏ ra tới 6 triệu euros để đổi lấy sự im lặng của Rugby. Hiện giờ, các thẩm phán của Việt kiểm sát Milan nắm trong tay một hệ thống rộng lớn trong hồ sơ ăn chơi trác táng của tổng thống Ý qua 390 trang “báo cáo”. Đó là những chứng cớ để có thể tạo dựng lên lên một bức chân dung của người đàn ông 74 tuổi đã ở đỉnh cao quyền lực và tiền bạc nhưng lại rất ham chơi này. |