Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18/01/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18/01/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Tư, 19 Tháng 1 Năm 2011 11:33

 Bởi vì bất cứ một nhượng bộ lớn nào, được thể hiện ra trước công chúng, đều sẽ trở thành một thảm họa đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, trong bối cảnh đang diễn ra giai đoạn chuyển đổi lãnh đạo.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong tình thế phải cứng rắn với Mỹ

Một người đàn ông lướt qua ảnh các lãnh đạo Trung Quốc,
Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Giang Trạch Dân và Mao Trạch Đông
(từ phải qua trái), Bắc Kinh, 18/01/2011. REUTERS/Jason Lee

So với những người tiền nhiệm, giới cầm quyền Trung Quốc hiện nay có ít tính chính đáng hơn, và như vậy, có thể nói là họ ở thế yếu hơn. Do vậy, lãnh đạo Trung Quốc hiện nay khó lòng có thể đưa ra những nhân nhượng, nhất là nhân nhượng trong quan hệ với Hoa Kỳ.

Nhật báo Le Figaro hôm nay dành sự chú ý đặc biệt cho chủ đề quan hệ Mỹ - Trung nhân chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Dưới tựa đề « Một chủ tịch Trung Quốc bị buộc phải cứng rắn với Mỹ », đặc phái viên của Le Figaro từ Bắc Kinh nhận xét một cách hài hước : không nghi ngờ gì nữa « chủ trương ngoại giao nụ cười » của Bắc Kinh sẽ tiếp tục được áp dụng trong chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc.

Người ta sẽ lại nghe thấy những tuyên bố về quan hệ Mỹ - Trung là « quan hệ quan trọng nhất thế giới » cũng như khẩu hiệu « sự hợp tác chiến lược » giữa hai nước sẽ được mở rộng. Chủ tịch Trung Quốc, theo nhật báo Wall Street Journal, đã đưa ra các lĩnh vực mà hai phía có thể cùng khai thác, như : năng lượng, hàng không hay không gian, … và kêu gọi chấm dứt thái độ đối đầu của thời kỳ « chiến tranh lạnh ». Tuy nhiên, về căn bản, chuyến công du này sẽ diễn ra tương tự như chuyến đi Bắc Kinh của tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2009.

Có nghĩa là trên bề mặt, đó sẽ là những tuyên bố hùng hồn mang tính « tổng thể và tích cực » về quan hệ song phương, nhưng thực tế sẽ không có bất cứ bước tiến nào trên các hồ sơ bất đồng. Mỗi phía đều sẽ giữ nguyên lập trường của mình.

Kết quả một cuộc điều tra dư luận được China Daily xuất bản hôm qua cho thấy bầu không khí nghi ngờ hiện nay tại Trung Quốc : hơn một nửa số người được phỏng vấn cho rằng quan hệ Trung – Mỹ năm vừa qua đã trở nên tồi tệ hơn.

Theo một số nhà phân tích, chủ tịch Hồ Cẩm Đào, bất luận quan điểm riêng như thế nào, cũng sẽ không thể tự do phát biểu. Người đứng đầu chính quyền Bắc Kinh có rất ít khả năng lựa chọn do lịch trình hoạt động cũng như cấu trúc quyền lực tại Trung Quốc. Theo nhận xét của một nhà ngoại giao Anh, mục tiêu cơ bản của ông Hồ Cẩm Đào trong chuyến công du lần này là, không tỏ ra là một đối tác tồi trong các tiếp xúc tay đôi với tổng thống Mỹ, nhưng cũng không được nhân nhượng một chút nào. Bởi vì bất cứ một nhượng bộ lớn nào, được thể hiện ra trước công chúng, đều sẽ trở thành một thảm họa đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, trong bối cảnh đang diễn ra giai đoạn chuyển đổi lãnh đạo. Sau một thập niên nắm quyền, cặp Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo sẽ được thay thế vào năm tới 2012.

Le Figaro nhận xét, bối cảnh chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc hiện nay cản trở quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Đây cũng là nhận định của bộ trưởng Tài chính Mỹ, Timothy Geithner : cuộc chuyển giao quyền lực làm giảm nhịp độ cải cách, bởi vì nó khiến cho các bên đều thận trọng hơn.

Từ bên trong hệ thống, một giảng viên của một trường Đảng Trung Quốc, được Le Figaro trích dẫn, giải thích rằng, chính trị Trung Quốc hiện nay rất phụ thuộc vào sức ép của « các nhóm lợi ích », là nơi, các quan chức trong chính quyền liên kết mật thiết với các doanh nhân. Sự thay đổi và cởi mở trong chính trị đòi hỏi phải có sự phân chia lại quyền lực và lợi ích, trong khi đó, các nhóm lợi ích chỉ muốn ngăn lại quá trình này.

Theo các nhà quan sát, bất cứ tuyên bố nào của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc thay đổi tỷ giá đồng nhân dân tệ một cách tự do hơn, đều bị phản ứng quyết liệt từ phía các bộ trưởng hay các chuyên gia tư vấn. Giới quân sự Trung Quốc có một tiếng nói khá độc lập với giới lãnh đạo dân sự, và họ có ảnh hưởng nhiều trong thái độ cứng rắn của Bắc Kinh trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, hay trong các tranh chấp biển đảo với Nhật Bản, cũng như tranh chấp tại vùng biển Đông Nam Á.

Để kết luận, Le Figaro đưa ra nhận xét của một nhà quan sát : So với những người tiền nhiệm, giới cầm quyền Trung Quốc hiện nay có ít tính chính đáng hơn, và như vậy, có thể nói là họ ở thế yếu hơn. Do vậy, lãnh đạo Trung Quốc hiện nay khó lòng có thể đưa ra những nhân nhượng, nhất là nhân nhượng trong quan hệ với Hoa Kỳ.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Cuộc chuyển biến dân chủ tại Tunisia thiếu các nhà chính trị xuất sắc

Sự thay đổi quyền lực đang diễn ra hiện nay tại Tunisa thu hút mối quan tâm của nhiều nhật báo chính tại Pháp. « Xây dựng một chính phủ đoàn kết quốc gia để đưa Tunisia ra khỏi hỗn loạn » là tựa đề trên tranh nhất của Le Monde. La Croix thì quan tâm đến quyền tự do ngôn luận được phục hồi tại Tunisia và đưa ra danh sách các tài sản của gia tộc của tổng thống Ben Ali. L’Humanité mạnh mẽ khẳng định : « Không có án treo cho nhà nước của Ben Ali ». Nhật báo Libération chạy tít « Tunisia: Các thách thức của tự do » với nhận định sáu cựu thành viên đứng đầu trong chính quyền cũ có mặt trong chính phủ chuyển tiếp được thành lập ngày hôm qua.

Libération đặc biệt chú ý đến những bất trắc trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay tại Tunisia, với chùm bài phân tích và phỏng vấn.

Bài « Tunisia, một cuộc chuyển tiếp đầy bất trắc » đặt vấn đề, tại Tunisia, người ta chọn giải pháp thay đổi nào ? Triệt để chuyển hóa thành chế độ dân chủ hay chuyển hóa từ từ. Thành phần mới trong chính phủ chuyển tiếp, với tất cả các vị trí chủ chốt đều được nắm giữ bởi các thành viên của đảng cầm quyền cũ, đảng Tập hợp Dân chủ Lập hiến (RCD). Chỉ có ba thành viên của đối lập tham gia phụ trách các bộ Phát triển vùng, Đại học và Y tế. Thực tế này cho thấy, giải pháp chuyển tiếp được lựa chọn tại Tunisia là giải pháp chuyển hóa từ từ. Điều này được khẳng định với tuyên bố của thủ tướng Tunisia : Các cuộc bầu cử sẽ chỉ được tổ chức trong vòng 6 tháng tới, chứ không phải trong vòng hai tháng, như Hiến pháp quy định.

Rất nhiều vấn đề hóc hiểm được đặt ra trong giai đoạn chuyển tiếp trước mắt. Ví dụ như, đối xử như thế nào đối với đảng RCD của cựu tổng thống Ben Ali, đảng chính trị có khoảng 1 triệu thành viên, trên tổng số hơn 10 triệu dân Tunisia ? Làm thế nào để thanh lọc được bộ máy hành chính và Bộ Nội vụ, vốn đã tham gia vào đàn áp dân chúng trước đây ? Làm thế nào để trả lại công lý cho những nạn nhân của chế độ độc tài ? Đối xử như thế nào với các thủ phạm ? Không kể đến một vấn đề « tầm cỡ » khác : làm thế nào để giải thoát được nền kinh tế Tunisa ra khỏi bàn tay của phe cánh cựu tổng thống Ben Ali.

Trả lời phỏng vấn Libération, nhà văn và nhà phê bình Abdelwahab Meddeb, người gốc Tunisia, giảng viên văn học tại Đại học Paris X, nhận xét, cuộc chuyển hóa chính trị hiện nay tại Tunisia cần nhiều thời gian, và « chúng ta vẫn còn chưa có các nhà lãnh đạo tầm cỡ như Lech Walesa hay Vaclav Havel ».

Theo ông Abdelwahab Meddeb, các ưu tiên trước mắt của quá trình chuyển tiếp hiện nay là tôn trọng Hiến pháp hiện hành của Tunisia. Bất chấp những điều sai lầm trong Hiến pháp, những nguyên tắc căn bản đã hiện diện, ví dụ như nguyên tắc thể chế thế tục, sự bình đẳng của công dân trên phương diện giới tính, tôn giáo, tộc người. Chính vì vậy, điều quan trọng là một Hiến pháp mới cần được thảo ra, thông qua các thảo luận rộng rãi. Và quá trình này có thể kéo dài nhiều năm.

Nhà văn và nhà phê bình cũng lo ngại về việc các trào lưu Hồi giáo cực đoan, nhân cơ hội chuyển giao, có thể trỗi dậy. Trước nguy cơ này, theo ông Abdelwahab Meddeb, không nên đáp lại bằng bạo lực. Không thể cấm đoán các trào lưu cực đoan, ngược lại, phải tạo điều kiện cho họ tham gia vào các cuộc trao đổi chung. Ông hy vọng các trào lưu Hồi giáo cực đoan, trên thực tế, có thể thay đổi đáng kể và chấp nhận nền dân chủ, giống như lực lượng Hồi giáo AKP của Thổ Nhĩ Kỳ. Nền dân chủ và một thể chế thế tục không thể là những thứ mà người ta có thể áp đặt từ trên xuống.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tại sao lực lượng đối lập với chế độ hiện hành tại Nga không được dân chúng ủng hộ ?

Về các chuyển hóa dân chủ tại Nga, nhật báo Libération hôm nay giới thiệu với độc giả cách nhìn của nhà xã hội học Denis Volkov, thuộc một trung tâm nghiên cứu độc lập về dư luận tại Nga, để trả lời cho một câu hỏi thường được đặt ra : Tại sao đối lập chính trị Nga lại không được dân chúng ủng hộ. Đối lập Nga tồn tại với các tên tuổi được công chúng biết đến như Boris Nemtsov, Mikhail Kassianov, nhưng lực lượng này không hề có trọng lượng gì trong đời sống chính trị tại Nga. Nguyên nhân đầu tiên khiến đối lập không chinh phục được dân chúng, chính là do chính quyền Matxcơva kiểm soát được phương tiện truyền thông chủ yếu, là truyền hình.

Tiếp theo đó, những chỉ trích mang tính chung chung đối với chế độ hiện hành của đối lập Nga không làm cho ai quan tâm cả. Người dân Nga sẵn sàng tham gia vào các hoạt động cụ thể để đấu tranh vì các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ, chứ không phải chống lại chế độ, trong khi đó, lực lượng đối lập lại không sẵn sàng để tập hợp dân chúng.

Hình ảnh của đối lập Nga cũng rất yếu trong con mắt của đa số người Nga với sự bất lực, mâu thuẫn nội bộ và cuộc đấu tranh chống lại cối xay gió, chưa đánh đã thua, không thể nào hiểu được trong con mắt của những công dân Nga bình thường.

Theo nhà phân tích, trong hoàn cảnh hiện nay tại Nga, khi người Nga đang nhìn thấy cuộc sống không đến nỗi tụt dốc thê thảm như trước, nhiều người có quan điểm lạc quan, thì điều quan trọng là cần phải có những nghiên cứu khách quan để chỉ ra vai trò cụ thể của chính quyền trong sự rã rượi của nền hành chính. Tuy nhiên, điều cơ bản là giới cầm quyền hiện tại ở Nga không chấp nhận bất cứ một kiểm soát nào từ bên ngoài.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Mạng Sina Weibo được khoảng 50 triệu người sử dụng tại Trung Quốc

Phần cuối mục điểm báo, chúng tôi xin giới thiệu với quý thính giả về đề tài « Sina Weibo thay thế Twiter, với khoảng 50 triệu khách hàng tại Trung Quốc », được Le Monde đăng tải. Ra đời chỉ mới hơn một năm, Sina Weibo (tạm dịch là web Làn sóng mới) hiện nay đã đứng đầu thị trường các trang mạng tại Trung Quốc, sau khi Twitter bị loại ra khỏi thị trường này vào năm 2009. web Làn sóng mới được 50 triệu người sử dụng. Cứ mỗi hai tháng một lần, mục trao đổi các thông điệp ngắn của website này lại nhận thêm 20 triệu lượt ghi danh.

Sự thành công của các trang mạng Trung Quốc có nhiều nguyên nhân, do việc các nhà kinh doanh nước ngoài bị loại ra, do lợi thế ngôn ngữ và đặc biệt là do việc các trang mạng Trung Quốc hiểu tốt hơn các nhu cầu của cư dân tại chỗ, đặc biệt là sự tò mò của công chúng đối với các diễn biến xung quanh các nhân vật Trung Quốc nối tiếng, như các diễn viên hay những người dẫn chương trình truyền hình. Đơn cử như nữ nghệ sĩ Diêu Thần (Yao Chen) đã thu hút tới 4,7 triệu người hâm mộ vào sử dụng web Làn sóng mới. Sắp tới số người quan tâm đến Diêu Thần sẽ đạt xấp xỉ con số 7,7 triệu, có nghĩa là vượt cả lượng người theo dõi ca sĩ Mỹ Lady Gaga trên Twitter hay Barack Obama.

Bên cạnh các nhân vật nổi tiếng, trang mạng Làn sóng mới còn là một công cụ tìm tin có ích, trong bối cảnh uy tín của báo chí chính thống suy giảm. Theo một điều tra, hơn 70% người dùng Internet tin vào các trang blog, hơn 50% tin vào thông tin của các trang này, và đặc biệt là khoảng 20% các sự kiện quan trọng trong thời sự của năm 2010 là bắt nguồn từ các trang blog.