Home Tin Tức Thời Sự Quan hệ phức tạp Hoa Kỳ-Trung Quốc

Quan hệ phức tạp Hoa Kỳ-Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Tường Cát/Người Việt   
Thứ Tư, 19 Tháng 1 Năm 2011 10:11

Không ai biết Trung Quốc chờ mong gì ở chuyến công du Hoa Kỳ của Hồ Cẩm Ðào.

 Các giới chức tại Bắc Kinh không muốn tỏ rõ điều này và Cui Tiankai, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc trong buổi họp báo hôm Thứ Hai để trình bày về chuyến công du, chỉ dùng những lời lẽ mơ hồ về nhu cầu “phát triển vững chắc và lành mạnh mối bang giao giữa hai quốc gia.”

 Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào được Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden đón ở phi trường căn cứ quân sự Andrews, Maryland, hôm Thứ Ba, 18 tháng 1, 2010, và cùng đứng trên thảm đỏ chào quốc kỳ hai nước. (Hình: Alex Wong/Getty Images)
 

Năm vừa qua quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc có nhiều khó khăn và trở ngại, từ mậu dịch, tiền tệ ganh đua quân sự đến việc thiếu cộng tác trên lãnh vực ngoại giao.

Một cách chung thì tất cả mọi người đều dự đoán kinh tế sẽ là vấn đề hàng đầu trong cuộc hội đàm Obama-Hồ Cẩm Ðào, được coi là “cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Hoa Kỳ-Trung Quốc quan trọng nhất từ hơn ba thập niên kể từ chuyến thăm viếng lịch sử của Ðặng Tiểu Bình năm 1979,” theo nhận định của Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia thời Tổng Thống Jimmy Carter.

Theo ông ý nghĩa của cuộc hội kiến này, lần thứ tám giữa Hồ Cẩm Ðào và Barack Obama, “vượt trên chức nghiệp cũng như nghi thức bình thường trong những chuyến công du của các nhà lãnh đạo quốc gia và sẽ xác định quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới ở thế kỷ 21.”

Hồ Cẩm Ðào đến Washington lần này có lẽ là lần cuối cùng với cương vị Chủ tịch nhà nước Trung Quốc, với dự kiến nhiệm kỳ sẽ mãn vào năm 2012.

 Ông sẽ được dành cho một vinh dự mà trước đây 5 năm đã không có: bữa quốc yến do Tổng Thống Barack Obama và Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle khoản đãi tại tòa Bạch Ốc tối Thứ Tư, 19 tháng 1.

 Các quan sát viên cho rằng biểu tượng và nghi lễ vốn là những yếu tố rất quan hệ đối với người Hoa và hình thức trang trọng này sẽ hoàn toàn làm hài lòng Hồ Cẩm Ðào, giúp gia tăng tình thân thiện giữa cá nhân hai nhà lãnh đạo. Ðây cũng là sự đáp lễ của Tổng Thống Obama đã được tiếp đãi bằng hình thức như vậy ở Bắc Kinh tháng 11 năm 2009.

Tổng Thống Obama trước đây đã hai lần tổ chức quốc yến ở tòa Bạch Ốc đãi thủ tướng Ấn Ðộ và tổng thống Mexico. Người tiền nhiệm, Tổng Thống George W. Bush, ít ưa chuộng lễ nghi này, qua 8 năm ông thường chỉ tiếp các nhà lãnh đạo nước ngoài bằng những bữa tiệc với nghi thức vừa phải hay những buổi ăn chung để làm việc.

 Tháng 4 năm 2006 khi Hồ Cẩm Ðào đến Washington lần đầu tiên, Tổng Thống Bush dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc sự đón tiếp sơ sài dù vẫn đủ thủ tục có đội quân danh dự dàn chào và bắn 21 phát súng đại bác, nhưng chỉ đãi cơm trưa thay vì dạ yến ở tòa Bạch Ốc.

Chiếc máy bay Boeing 747 của Air China chở Hồ Cẩm Ðào và phái đoàn Trung Quốc đáp xuống phi trường quân sự Andrews trưa Thứ Ba. Phi trường của căn cứ hỗn hợp Không và Hải quân này ở phía Ðông Nam Washington D.C. vẫn là nơi sử dụng cho máy bay Air Force One của các tổng thống Hoa Kỳ.

 Phó Tổng Thống Joe Biden đón Hồ Cẩm Ðào tại sân bay và cùng đứng trên thảm đỏ chào quốc kỳ hai nước trước khi lên đoàn xe về thủ đô.

Trong thời gian 4 ngày ở Hoa Kỳ từ Thứ Ba đến Thứ Sáu, Hồ Cẩm Ðào sẽ được tiếp đón với nghi lễ quốc khách tại tòa Bạch Ốc ngày Thứ Tư trước khi bước vào cuộc hội đàm với Tổng Thống Obama, và sẽ ghé thăm thành phố Chicago trước khi về nước.

 Ngoài buổi quốc yến tối Thứ Tư, ngay tối Thứ Ba ông cùng một số phụ tá còn có một bữa ăn tối thân mật trong tòa Bạch Ốc với Tổng Thống Obama, có mặt Ngoại Trưởng Hillary Clinton, và Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon.

Người tiền nhiệm của Hồ Cẩm Ðào, Chủ Tịch Giang Trach Dân và phu nhân cũng đã được Tổng Thống Bill Clinton và Ðệ Nhất Phu Nhân Hillary long trọng thết đãi quốc yến cùng với 230 khách hồi tháng 10 năm 1997.

 Trước đó mấy năm, Tổng Thống Clinton đã từ chối cuộc thăm viếng chính thức của nhà lãnh đạo Trung Quốc và chỉ đề nghị gặp gỡ ở Lincoln Center, thành phố new York, vào dịp các nhà lãnh đạo thế giới đến tham dự Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc.

Tổng Thống Obama rõ ràng bày tỏ một thái độ hòa hoãn và thực dụng hơn, dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc sự tiếp đón trang trọng như muốn có, lần đầu tiên từ sau 13 năm. Theo tin của thông tấn xã AP, cho đến bây giờ chưa thấy dựng lều ngoài sân cỏ như hai lần đón thủ tướng Ấn Ðộ và tổng thống Mexico, có nghĩa là bữa tiệc sẽ được tổ chức trong tòa Bạch Ốc. Mỗi lần đãi quốc khách đều có một đầu bếp riêng nhưng cũng chưa biết lần này sẽ là ai.

Trước và khi đến Hoa Kỳ, lời lẽ của Hồ Cẩm Ðào đều tỏ ra hòa nhã, cho rằng sự phát triển mối quan hệ vững chắc và lành mạnh trong ba thập niên vừa qua đã chứng tỏ là có lợi ích cho dân chúng cả hai nước và nền hòa bình thế giới.

Các công ty Hoa Kỳ từ lâu vẫn đòi hỏi Trung Quốc nâng giá đồng Nhân Dân tệ để cho hàng xuất cảng của Hoa Kỳ được rẻ hơn. Nhưng ở chuyến thăm của Hồ Cẩm Ðào lần này, họ sẽ chú trọng vào những mục tiêu khác như chặn đứng sự đánh cắp bản quyền trí tuệ và giành điều kiện công bằng hơn trong việc ký kết hợp đồng với nhà nước Trung Quốc.

 Không ai đặt nhiều hy vọng là sẽ có được những khai thông quan trọng ngay bây giờ nhưng mong là hai nhà lãnh đạo thỏa hiệp được căn bản cho những giải pháp lâu dài về tranh chấp mậu dịch giữa hai cường quốc kinh tế.

Trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street Journal và Washington Post, Hồ Cẩm Ðào nói rằng: “Cả hai nước chúng ta đều thắng với quan hệ lành mạnh và thua bằng sự đối đầu.” Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh “tình trạng đồng dollar ngự trị trên thị trường tài chánh là một sản phẩm của quá khứ” và gợi ý Trung Quốc sẽ tìm cách để đồng Nhân Dân tệ có một vai trò cân xứng trong tương lai. Ðiều ấy cho thấy Trung Quốc không sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi thay đổi tỷ giá giữa hai đồng tiền.

Myron Brilliant, phó giám đốc quốc tế vụ của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ cho rằng: “Chúng ta nên hy vọng rằng qua thời gian sẽ có những tiến triển về mọi vấn đề.”

Thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ với thế giới khoảng $500 tỷ năm ngoái, sẽ giảm được $120 tỷ nếu Trung Quốc nâng giá đồng Nhân Dân tệ lên 20% trong vòng ba năm tới, theo tính toán của Peterson Institute for International Economics, một cơ quan nghiên cứu chiến lược ở Washington. Và biến chuyển ấy sẽ tạo ra khoảng 1/2 triệu việc làm cho công nhân Hoa Kỳ trong ngành sản xuất.

Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới lên án Trung Quốc làm giá đồng tiền của họ, giữ cho trị giá đồng Nhân Dân tệ thấp một cách giả tạo và do đó hàng xuất cảng của Trung Quốc hưởng lợi không công bằng. Căng thẳng về tiền tệ trong ít tuần lễ gần đây đã giảm bớt vì nhiều nguyên nhân trong đó có biện pháp QE-2 của Fed tung thêm ra thị trường $6 tỷ, từ tháng 6 đến nay đồng Nhân Dân tệ đã lên giá 3.5% so với đồng dollar và có thể còn tới 5% nếu tính đến mức lạm phát.

Hôm Thứ Ba, Bắc Kinh cho biết một phái đoàn thương mại của họ đã ký hợp đồng $600 triệu với các công ty Hoa Kỳ ở Houston về thương vụ nhập cảng đồ sứ và bông cùng với hợp tác phát triển trang bị điện mặt trời. Bộ Trưởng Ngân Khố Timothy Geithner trong một bài phát biểu ở Ðại Học John Hopkins tuần trước đưa ra một hình ảnh lạc quan hơn về quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia, Theo ông, cái lợi trong quan hệ này khó có thể nhận định qua một thống kê đơn giản. Ông cho biết trong năm 2011, Hoa Kỳ sẽ có thể xuất cảng $100 tỷ hàng hóa và dịch vụ sang Trung Quốc và giúp cho dân Mỹ có hàng trăm ngàn công việc làm.

Nhưng không chỉ riêng kinh tế, va chạm Hoa Kỳ-Trung Quốc còn có từ nhân quyền đến vấn đề bán vũ khí cho Ðài Loan, chính sách đối với Bắc Hàn và Iran, cùng nhiều lãnh vực khác. Khi Hồ Cẩm Ðào đến Washington hôm Thứ Ba đã có những nhóm Tây Tạng và nhân quyền biểu tình ở công viên La Fayette gần tòa Bạch Ốc.

Ngược lại, Trung Quốc cũng có không ít những bất mãn với Hoa Kỳ. Thứ Trưởng Ngoại Giao Cui Tiankai cho rằng Bắc Kinh và Washington cần phải tìm ra hướng giải quyết mới trong mối quan hệ. Ông nói: “Sức mạnh của Trung Quốc và vai trò của chúng tôi trên thế giới là một thực tế. Trong khi chúng tôi hiểu biết và tôn trọng những quyền lợi của Hoa Kỳ thì chúng tôi cũng hy vọng là Hoa Kỳ tôn trọng và hiểu biết vị trí của Trung Quốc.” Ðiều ấy cho thấy sự lo ngại về việc Hoa Kỳ có thể là một trở ngại cho những ý đồ chiến lược lâu dài của Trung Quốc.

Bắc Kinh luôn luôn xác định là “không có xung đột giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc” và sự lớn mạnh của Trung Quốc là hòa bình không đe dọa ai. Tuy nhiên những năm gần đây nhu cầu nguyên liệu và năng lượng khiến Trung Quốc gia tăng sự hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới và đặc biệt ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nơi mà tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và biển đôi lúc đã có dấu hiệu vượt xa hơn những lời tuyên bố cường điệu. Dù cho đến bây giờ sự xung đột với Hoa Kỳ chưa xảy ra nhưng địa bàn này vẫn là một tiềm năng tranh chấp về quyền lợi.

Theo lời cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon thì, để có thể đạt tới kết quả thiết thực, hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-Trung Quốc sẽ thảo luận các vấn đề gom vào 4 gói riêng biệt: quan hệ toàn bộ Mỹ-Trung, an ninh và chính trị, kinh tế và nhân quyền. (HC)