Đồng bằng sông Hồng bị ô nhiễm nặng chất thạch tín |
Tác Giả: Tú Anh |
Thứ Ba, 18 Tháng 1 Năm 2011 13:58 |
Nguyên nhân bắt nguồn từ lịch sử khai thác nước ngầm tại địa phương. Một bản báo cáo của báo Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ được Reuters trích dẫn cho biết thì tình trạng nước uống bị nhiễm hóa chất độc hại cho sức khỏe cao hơn nhiều so với quy định của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Hoàng hôn trên sông Hồng (ảnh: Rungbachduong-wikipedia) Khoảng 44% giếng nước ở vùng châu thổ sông Hồng bị nhiễm manganese và hơn một phần tư bị nhiễm thạch tín, một hóa chất làm hại cho hệ thần kinh và gây bệnh ung thư. Tác giả bản nghiên cứu, nhà khoa học Michael Berg cho biết thêm là khoảng 7 triệu người dân Việt Nam tại châu thổ sông Hồng đang đứng trước rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe. Một phần là do mạch nước ngầm bị ô nhiễm nặng, mặt khác, người dân địa phương chỉ dùng nước giếng vì không có nguồn nước nào khác. Châu thổ sông Hồng gồm 8 tỉnh và hai thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng. Trong số 16,6 triệu dân, hơn 11 triệu người không có nước máy. Chuyên gia Michael Berg cùng với các đồng nghiệp đã khảo sát 512 giếng nước trong vùng. Kết quả cho thấy là 65% giếng bị ô nhiễm hóa chất độc hại. Nguy hiểm hơn hết là thạch tín (arsenic) và managnèse. Nguyên nhân bắt nguồn từ lịch sử khai thác nước ngầm tại địa phương. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nước chứa 10 microgram thạch tín trong mỗi lít được xem là nước độc. Dùng thường xuyên, arsenic tích tụ trong da, móng tay, móng chân và tóc. Cuối cùng là gây bệnh sậm da, huyết áp cao và tổn hại hệ thần kinh, ung thư phổi, da, thận và bàng quang. Còn manganese làm trẻ con chậm lớn. Giới khoa học Việt Nam cũng nhiều lần lên tiếng báo động tình trạng ô nhiễm này. Trả lời báo chí trong nước , Ông Nguyễn Duy Bảo , Viện trưởng Viện Lao động và Vệ sinh Môi trường ngày 17/12 năm ngoái, cho biết là tình trạng ô nhiễm thạch tín tại Việt Nam vẫn ở mức báo động tại đồng bằng sông Hồng và ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông xác nhận là mức ô nhiễm tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tây , Nam Định , tỷ lệ arsenic trong nước giếng cao từ 100 đến 500 lần tiêu chuẩn giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới. Tại miền nam, tỷ lệ thạch tín khá cao ở Đồng Tháp, Long An và An Giang, nhưng chuyên gia Nguyễn Duy Bảo không cho biết là bao nhiêu.
|