Home Tin Tức Thời Sự Hỏa tiễn Trung Quốc làm thay đổi hẳn cục diện châu Á

Hỏa tiễn Trung Quốc làm thay đổi hẳn cục diện châu Á PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Bảy, 15 Tháng 1 Năm 2011 20:02

 Bắc Kinh muốn dập tắt mọi ý đồ chống cự của các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Chương trình hỏa tiễn đạn đạo chống hàng không mẫu hạm của Bắc Kinh đã vượt khỏi tầm vóc vấn đề Đài Loan, để bao trùm cả vùng Đông Á. Nó hỗ trợ cho tham vọng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp. Bằng việc gây ấn tượng với các thành tựu kỹ thuật quân sự dù vẫn khẳng định chủ trương hòa bình, Bắc Kinh muốn dập tắt mọi ý đồ chống cự của các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Xe chở tên lửa Trung Quốc DF-21A tại Bảo tàng Bắc Kinh (wikipedia.org)

Bài viết của hai nhà nghiên cứu Pháp Mathieu Duchâtel và Alexandre Sheldon-du-Plaix, thuộc Asia Centre và ban nghiên cứu lịch sử quốc phòng, đăng trên mục Ý kiến của tờ Le Figaro hôm nay, đã phân tích ý nghĩa các nỗ lực hiện đại hóa quân đội gần đây của Trung Quốc.

 Theo hai tác giả, loại hỏa tiễn mới của Trung Quốc đã làm thay đổi cục diện tại châu Á.

Bài báo mở đầu bằng nhận định, chuyến viếng thăm Bắc Kinh tuần này của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Robert Gates đã tái lập lại quan hệ quân sự giữa hai nước, vốn bị Bắc Kinh cắt đứt cách đây một năm để phản đối việc Washington bán vũ khí cho Đài Loan.

Việc ông Gates được Bộ tham mưu lực lượng đặc biệt Trung Quốc đón tiếp cho thấy sự trọng thị của chủ nhà, nhưng điều này cũng chưa đủ để làm xoa dịu nỗi lo ngại của Washington trước các tham vọng khu vực của Bắc Kinh.

Đó là vì Trung Quốc xưa nay vẫn giữ bí mật, nhưng nhân dịp này đã úp mở cho thấy các tin tức về các phương tiện quân sự mới của mình.

Từ ảnh chụp các chuyến bay thử của loại chiến đấu cơ tàng hình J-20, mà chưa có nhà quan sát nước ngoài nào nghĩ là Trung Quốc đã chế tạo được, cho đến một hàng không mẫu hạm sẽ được hạ thủy vào năm 2012. Bên cạnh đó là các bài báo và lời tuyên bố liên quan đến một loại hỏa tiễn đạn đạo chống tàu thủy, có thể đe dọa việc triển khai các hàng không mẫu hạm Mỹ tại Thái Bình Dương, có nghĩa là đe dọa khả năng bảo vệ các đồng minh Nhật Bản hay Đài Loan của Hoa Kỳ.

Việc sử dụng hỏa tiễn đạn đạo chống lại các hàng không mẫu hạm có vẻ như không tưởng trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Matxcơva đã khai thác hướng này trong thập niên 70 với hỏa tiễn R27K được phóng đi từ tàu ngầm, có thể bay xa hàng trăm cây số, nhưng rồi đã bỏ cuộc vì loại tên lửa này không được chính xác.

Ngày nay, trong khi nhiều nước vẫn chuộng sử dụng loại hỏa tiễn tầm xa để bắn hạ tàu chiến của kẻ địch, chương trình hỏa tiễn mới của Trung Quốc tỏ ra mang tính cách mạng.

Bắc Kinh vào thời trước cũng đã có cùng toan tính với Matxcơva, nhưng chính cuộc khủng hoảng tháng ba năm 1996 ở eo biển Formosa đã thúc đẩy cường quốc châu Á này tăng tốc.

Vào năm đó, khi Trung Quốc bắn hỏa tiễn vào Đài Loan, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ra lệnh đưa hai hàng không mẫu hạm nguyên tử đến để hỗ trợ cho đảo quốc này, trong thời điểm diễn ra cuộc phổ thông đầu phiếu đầu tiên để bầu Tổng thống Đài Loan. Lo ngại chính quyền Đài Bắc, với sự ủng hộ của Mỹ, sẽ đòi độc lập, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã quyết định dành ưu tiên cho chương trình hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm.

Việc Trung Quốc chế tạo được hỏa tiễn đạn đạo có vận tốc trên 70km/h, tấn công được mục tiêu cách xa 2.500km, thật khó tưởng tượng.

 Loại hỏa tiễn này cần có phương tiện điều chỉnh đường bay của nó lúc sắp đáp xuống mục tiêu, để các bộ phận cảm ứng tìm ra được chiếc tàu địch.

 Hỏa tiễn này có thể tung ra những loạt bom chùm quy ước, không phải để bắn chìm hàng không mẫu hạm, mà để làm tê liệt đường băng không cho máy bay trên tàu cất cánh.

Theo bài báo, việc công bố thông tin của chương trình trên có vẻ nhằm mục đích hù dọa. Cho dù chưa thành hiện thực, nhưng loại hỏa tiễn trên đã làm thay đổi luật chơi, trước hết là giúp áp đảo tinh thần.

Do chưa có đối đầu thực sự, nên còn tùy thuộc vào quyết tâm của Washington có chấp nhận rủi ro khi triển khai các hàng không mẫu hạm trong trường hợp có xung đột khu vực hay không, trong lúc mà vùng biển châu Á đang căng thẳng với các hoạt động quân sự.

Các tác giả nhận định, chương trình hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm của Bắc Kinh đã vượt khỏi tầm vóc vấn đề Đài Loan, để bao trùm cả vùng Đông Á.

Nó hỗ trợ cho tham vọng của Trung Quốc, tại vùng biển giữa duyên hải nước này và chuỗi quần đảo gần Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Indonesia – toàn là các đối tác của Hoa Kỳ. Mọi tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh đều ở đây : từ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vùng mỏ khí Xuân Hiêu tranh chấp với Nhật, cho đến quần đảo Trường Sa đang mà Việt Nam, Malaisia và Philippines đòi chủ quyền.

Bài báo kết luận, bằng việc gây ấn tượng với các thành tựu kỹ thuật quân sự dù vẫn khẳng định chủ trương hòa bình, Bắc Kinh muốn dập tắt mọi ý đồ chống cự của các quốc gia láng giềng trong khu vực.