Home Tin Tức Thời Sự Đại dịch lở mồm long móng kinh hoàng nhất trong lịch sử Hàn Quốc

Đại dịch lở mồm long móng kinh hoàng nhất trong lịch sử Hàn Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Năm, 13 Tháng 1 Năm 2011 09:51

Về mặt tâm lý, tác động của đại dịch này cũng rất ghê gớm

 Le Monde hôm nay, với tựa đề «Cơn sốt lở mồm long móng tàn phá Hàn Quốc », hướng cái nhìn đến đại dịch (được gọi tắt là FMD) kinh hoàng nhất từ trước đến nay tại miền Nam bán đảo Triều Tiên.

 Bất chấp các biện pháp mạnh được triển khai, trận dịch thế kỷ vẫn tiếp tục tấn công đàn gia súc của Hàn Quốc. Hiện tại đã có hơn 1,4 triệu bò, lợn đã bị giết, chiếm 8% tổng số đàn gia súc. Đại dịch này làm Hàn Quốc thêm khó khăn, đúng vào lúc nước này cũng đang phải đối mặt với nạn cúm gia cầm H5N1, với hơn 400 nghìn gia cầm bị tiêu hủy.

Triệu chứng bên ngoài của bệnh lở mồm long móng (FMD)

Le Monde điểm lại quá trình phát triển của đại dịch gia súc. Vào ngày 28/11, ổ bệnh đầu tiên đã được phát hiện. Tính đến ngày hôm qua, số lượng ổ dịch đã lên đến 114, trải rộng khắp trên hơn một nửa diện tích Hàn Quốc.

Các biện pháp mà chính phủ Hàn Quốc tiến hành là đóng cửa các chợ bán gia súc, và một số vườn bách thú, cũng như hạn chế việc di chuyển. Sáu mươi tám ngàn binh sĩ đã được triển khai để hỗ trợ các địa phương trong các hoạt động giết mổ. Hơn hai triệu thú nuôi đã được tiêm chủng kể từ ngày 25/12.

Trong cuộc họp ngày 6/1, Tổng thống Lee Myung Bak đã tuyên bố chuẩn bị các biện pháp quy mô lớn để đối phó với đại dịch, đặc biệt là mua đủ vắc xin cho 6,5 triệu thú nuôi. Kể từ giờ trở đi, những nhà nông khi xuất ngoại phải thông báo với chính quyền. Ngoài ra chính phủ Hàn Quốc cũng đã chuẩn bị một dự luật buộc các nhà chăn nuôi phải cho qua đào tạo về vệ sinh dịch tễ.

Le Monde điểm lại các hậu quả kinh tế của đại dịch đang diễn ra. Thiệt hại về tiền ước tính khoảng 1.400 tỷ won (tương đương gần 1 tỷ euro). Giá thịt cũng tăng rất mạnh, trong khi giá cả thực phẩm vốn đã tăng nhiều, khi càng gần đến ngày Tết âm lịch (3/2). Thêm vào đó, Tổ chức Thú y Thế giới đã đặt Hàn Quốc vào danh sách các nước có nguy cơ, khiến cho việc xuất khẩu thịt của nước này bị ảnh hưởng.

Về mặt tâm lý, tác động của đại dịch này cũng rất ghê gớm. Đối với một nước có truyền thống chăn nuôi theo kiểu cổ, những chủ trại thường rất khổ sở vì bị mất những con vật mà họ gắn bó và dày công nuôi nấng. Việc chính phủ bồi thường quá ít cũng khiến họ bất bình. Còn những người chịu trách nhiệm đi giết mổ hàng loạt để ngăn chặn bệnh dịch, theo các chuyên gia y tế, có thể sẽ gặp phải các chấn thương tâm lý, xảy ra tiếp theo một cú sốc bạo liệt về cảm xúc, giống như binh lính từ chiến tranh trở về.

Nhật báo Joong Ang cho biết, thậm chí những nhân viên giết mổ không còn chịu đựng nổi trước những nỗi đau của súc vật bị giết, trong tình trạng không có đủ thuốc độc, mà người ta buộc phải chôn sống chúng để bảo đảm tốc độ. Ba tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch đã thành lập các cơ sở hỗ trợ tâm lý để giải quyết các vấn đề này.

Đại dịch gia súc tại Hàn Quốc cũng xới lên các bất bình, chỉ trích chính phủ đã phản ứng quá chậm và không rút ra các bài học gì từ quá khứ mới đây, khi chính quyền đã buộc phải hạ sát 50.000 thú nuôi vào tháng giêng và tháng tư năm ngoái 2010, để ngăn dịch.

Trên Internet, nhiều ý kiến cho rằng chính phủ đã cố tình thụ động vào giai đoạn đầu của đại dịch nhằm tạo ra một không khí thiếu trật tự trên phương diện an ninh thực phẩm, và nhờ vậy mà họ có cớ dỡ bỏ các hạn chế trong việc nhập khẩu thịt bò từ Mỹ, vốn vẫn bị ngăn cản từ trước đến nay do nỗi sợ bệnh bò điên. Ngày thứ ba (11/1), người phát ngôn của chính phủ Hàn Quốc đã buộc phải lên tiếng để bác bỏ cáo buộc này.

Đại dịch lở mồm long móng cũng khiến Nhật Bản lo ngại. Cách đây mấy tháng, chính quyền nước này đã buộc phải giết gần 300.000 con bò, thuộc tỉnh Miyazaki, nơi nổi tiếng về giống bò quý wagyu.