Tiên đoán kinh tế: Mỹ đi xuống, Trung Quốc đi lên |
Tác Giả: V.Giang |
Thứ Hai, 10 Tháng 1 Năm 2011 21:45 |
“Ðồng yuan sẽ là đồng tiền được thế giới giữ trong quỹ dự trữ trong hai thập niên tới.” DENVER (Reuters) - Những gì các nhà kinh tế nổi tiếng tiên đoán mới đây không sáng sủa cho lắm đối với nền kinh tế Mỹ, không chỉ trong năm nay, không chỉ trong 10 năm tới. Một người dân Trung Quốc quang gánh lên xe lửa về quê ăn Tết. Trung Quốc được tiên đoán sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới nội trong 10 năm tới. (Hình: Str/AFP/Getty Images) Các nhà kinh tế này cho biết nhận định của họ trong một hội nghị thường niên, đưa ra những hình ảnh khác nhau về sự suy thoái của kinh tế Mỹ, trong giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ðối với họ, sự phục hồi kinh tế năm nay có thể bị trì trệ vì các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ hết hạn. Trên đường dài, Hoa Kỳ sẽ phải đối diện với điều không thể tránh khỏi là bị Trung Quốc vượt mặt để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và Hoa Kỳ cũng có thể đã bỏ lỡ cơ hội để kiểm soát chặt chẽ hơn các đại công ty tài chánh của mình, nay trở nên to lớn hơn và không thể nào để bị đóng cửa cho dù có thua lỗ nặng nề tới đâu. Giáo Sư Martin Feldstein ở Ðại Học Harvard nói rằng ông tin là tình hình phát triển kinh tế Mỹ trong năm 2011 không lạc quan như nhiều người nghĩ. Ðiều đầu tiên, theo Giáo Sư Feldstein, là vì sức đẩy kinh tế từ các chi tiêu của chính phủ sẽ chấm dứt trong năm nay. Việc gia hạn biện pháp giảm thuế chỉ là một hình thức không tăng mức thuế hiện nay, và ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế sổ lương trong một năm chỉ có ảnh hưởng khiêm nhường, ông cho hay. “Thật sự là không có nhiều sự trợ giúp về chính sách tài chánh trong năm tới,” Giáo Sư Feldstein nói. Các khó khăn tài chánh mà chính quyền tiểu bang và địa phương nay phải đương đầu có thể làm trì trệ sự phát triển. Giáo Sư Feldstein nói thêm rằng sự phát triển nhờ vào mức tiết kiệm thấp của năm 2010, nghĩa là có nhiều người chi tiêu hơn, sẽ có thể không thấy được trong năm 2011 khi các gia đình lo ngại về tương lai không rõ ràng sẽ tiếp tục quay lại để dành tiền hay trả bớt tiền nợ. Mặt khác, hiện đang có cuộc chạy đua với Trung Quốc và các nền kinh tế khác ở Á Châu, kể cả Ấn Ðộ. Phần lớn các ước tính đều nói rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn ngang bằng với Mỹ vào đầu thập niên 2020, theo lời Giáo Sư Dale Jorgenson, cũng từ Ðại Học Harvard. Giáo Sư Jorgenson nói rằng Hoa Kỳ phải chấp nhận sự thật rằng vai trò kinh tế quan trọng của mình trên thế giới rồi sẽ chấm dứt. Giáo Sư Simon Johnson ở đại học MIT nói rõ ràng hơn là các thiệt hại từ cuộc khủng hoảng tài chánh và thời gian sau đó đã làm Hoa Kỳ mất đi vị thế của mình. “Thời đại của Hoa Kỳ nay đã qua,” ông nói trong cuộc hội thảo. “Ðồng yuan sẽ là đồng tiền được thế giới giữ trong quỹ dự trữ trong hai thập niên tới.” Giáo Sư Johnson cũng nói rằng ông tin là Hoa Kỳ không học được bài học trong vụ khủng hoảng tài chánh vừa qua và tiếp tụt hậu thuẫn các đại công ty tài chánh của mình. Giáo Sư Raghuram Rajan, một cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), nay là giáo sư khoa Thương Mại ở đại học University of Chicago, nói rằng Hoa Kỳ trong tương lai vẫn có thể còn có một vai trò lãnh đạo. Theo ông, không có gì đi tới theo đường thẳng và ngay cả các nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ ở Á Châu vẫn có thể vấp ngã. “Tôi nghĩ rằng thời đại thống trị của Hoa Kỳ nay có thể sắp chấm dứt. Nhưng vị trí của Hoa Kỳ như một quốc gia có ảnh hưởng nhiều nhất sẽ còn tiếp tục trong thời gian dài,” ông cho hay.
|