Gián điệp công nghiệp : Renault khó kiện vì tội này nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc |
Tác Giả: Thụy My |
Thứ Hai, 10 Tháng 1 Năm 2011 15:32 |
Nước Pháp đang ở tuyến đầu trước nạn khủng bố Cái chết tức tưởi của hai thanh niên Pháp bị bắt làm con tin tại Niger và vụ gián điệp công nghiệp ở tập đoàn xe hơi Renault thu hút báo chí xuất bản tại Paris. Tờ báo nhắc lại lời tuyên bố của Tổng thống Sarkozy hôm qua, ông lên án hành động man rợ trên và đảm bảo rằng Paris sẽ không bao giờ chấp nhận những điều kiện do bọn khủng bố muốn áp đặt. Nhật báo thiên tả Libération đưa tít : « Các con tin bị sát hại tại Niger. Chiến tranh với nước Pháp » và nhấn mạnh, vụ bắt cóc và giết hại hai thanh niên Pháp hôm thứ bảy đã xác định việc người Pháp là mục tiêu hàng đầu của bọn khủng bố tại Sahel. Tương tự, đối với La Croix « Pháp bị coi là mục tiêu ở Sahel ». Tờ báo công giáo khi nhắc đến việc Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đến Niger hôm nay, đã cho rằng thử thách hiện nay là đẩy lùi mối đe dọa khủng bố. Còn tờ báo cộng sản L’Humanité đi tìm « Các lý do của một thất bại quân sự » vì hai con tin Pháp đã bị giết chết khi đang diễn ra cuộc hành quân có lực lượng Pháp tham gia. Vụ gián điệp công nghiệp Renault Vụ gián điệp công nghiệp ở tập đoàn xe hơi Renault tiếp tục là đề tài được các báo Pháp bàn luận. Lần đầu tiên trả lời phỏng vấn, Tổng giám đốc điều hành Patrick Pélata của hãng này khẳng định với nhật báo Le Monde, « Renault là nạn nhân của một đường dây quốc tế có tổ chức ». Le Monde cho biết, hệ thống gián điệp này rất tinh vi, qua việc thành lập những công ty bình phong và mở các tài khoản ở nước ngoài để chuyển tiền thường xuyên khi cần. Một công ty chuyên gia công có thể đã làm trung gian với những người chủ mưu Trung Quốc. Dân biểu Bernard Carayon, chuyên gia về gián điệp kinh tế hồi tuần rồi đã khẳng định rất có thể Bắc Kinh đứng đằng sau vụ này. Còn một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về tình báo Trung Quốc, ông Roger Faligot, đã giải thích cho hãng thông tấn AFP là, « Các tập đoàn Trung Quốc có ngân sách nghiên cứu phát triển rất lớn, một phần trong đó dùng để dọ thám, và sẵn sàng mua chuộc người khác với số tiền rất lớn ». Nhật báo kinh tế Les Echos trích một nguồn tin thông thạo nói thêm, trong vụ này đã có những món tiền được chuyển thông qua các trương mục ngân hàng Thụy Sĩ, và một hãng xe hơi Trung Quốc là người giựt dây để hưởng lợi qua những thông tin đánh cắp này. Theo nhân vật số hai của Renault thì có thể các dữ liệu về giá thành và kết cấu của mẫu xe chạy bằng điện, và mẫu xe bình dân của hãng đã bị rò rỉ. Ông Patrick Pélata, theo nhật báo kinh tế Les Echos, đã cố giảm nhẹ hậu quả khi cho biết các thông tin chiến lược không hề bị thất thoát, kể cả 200 bằng sáng chế của Renault. Nhưng tờ báo cho rằng nếu bí mật về kỹ thuật bình điện của Renault bị đánh cắp, thì nhãn hiệu Nissan – đối tác liên kểt với nhãn hiệu Renault – sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì đang dẫn đầu về kỹ thuật này. Le Monde chú ý đến việc cho đến nay tập đoàn Renault vẫn chưa khởi kiện, và nhận xét như vậy hãng xe hơi hàng đầu của Pháp đang nghiên cứu xem cần phải kiện theo tội danh nào, để khỏi phải cung cấp các tài liệu mật mang tính chiến lược cần thiết cho cuộc điều tra. Nhưng một khi chưa nhận được đơn thưa, thì Cơ quan Tình báo Quốc nội chưa thể vào cuộc. Cụ thể hơn, nhật báo Les Echos đã phân tích, liệu Renault sẽ đâm đơn kiện vì tội gián điệp, hay vì trộm cắp và lạm dụng tín nhiệm ? Đây là một chủ đề mà theo tờ báo là hết sức tế nhị, đặc biệt là nếu Renault tấn công vào góc độ « tình báo do cường quốc nước ngoài ». Đó là vì Renault là một trong những tập đoàn xe hơi hiếm hoi còn chưa hiện diện tại Trung Quốc, thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Thế nên người ta khó có thể hình dung được việc ông Carlos Ghosn, Tổng giám đốc Renault đi điều đình với chính quyền Bắc Kinh nhằm đặt chân vào thị trường khổng lồ này trong khi đang kiện Trung Quốc về tội gián điệp. Trả lời phỏng vấn của Les Echos, một luật sư cho biết, các luật lệ của nước Pháp hiện nay có thể được vận dụng để bảo đảm trừng trị được 95% số trường hợp làm gián điệp công nghiệp, tuy nhiên vẫn còn những lỗ hổng đáng kể. Các biện pháp trừng phạt của Pháp hãy còn rất nhẹ nếu so với luật lệ của Hoa Kỳ, nhưng so với các nước châu Âu khác thì ở mức trung bình. Trong trường hợp của Renault, có thể vận dụng các đạo luật về bí mật quốc phòng để có những hình phạt đích đáng hơn, nhưng cho đến nay vẫn chưa có án lệ. Trong bài xã luận, Les Echos cho rằng tuy hãy còn quá sớm để khẳng định, nhưng cũng chưa quá trễ để cảnh giác. Các công ty phương Tây lâu nay vẫn biết lâu nay việc chuyển giao kỹ thuật Bắc Kinh mà vẫn áp đặt khi muốn đặt chân vào thị trường nội địa nước này, là một con dao hai lưỡi. Nhưng cũng cần chấm dứt ngay sự ngây thơ, coi Trung Quốc là một người khổng lồ về thương mại nhưng là một chú lùn về kỹ thuật. Theo Les Echos, lâu nay Bắc Kinh cố tình làm cho người ta nghĩ rằng chỉ làm công việc lắp ráp đơn thuần, là công xưởng của thế giới mà thôi. Nhưng ngày nay hỏa tiễn Trung Quốc có thể đưa người vào không gian, tàu cao tốc cũng chạy nhanh gần bằng của Alstom…còn trong kỹ nghệ xe hơi, Bắc Kinh đang muốn nhanh chóng rút ngắn khoảng cách. Tác giả kết luận, ngay cả khi chưa dọ thám Renault, Trung Quốc cũng đã là một người cạnh tranh vô cùng đáng ngại.
|