Home Tin Tức Thời Sự Dự luật mới tại Hạ Viện Hoa Kỳ

Dự luật mới tại Hạ Viện Hoa Kỳ PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Hai, 10 Tháng 1 Năm 2011 12:54

dự luật cấm các quan chức Cộng Sản Việt Nam bước chân đến Mỹ nếu họ bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

WASHINGTON DC (NV) - Nếu lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua và Tổng Thống Barack Obama ban hành, rất nhiều quan chức cao cấp của đảng Cộng Sản và nhà nước Việt Nam sẽ không có cơ hội đặt chân tới Mỹ.

Hai người ngồi với mồm bị dán băng, tượng trưng cho tình trạng mất nhân quyền ở Việt Nam, biểu tình trước Tòa Bạch Ốc khi Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đến đây ngày 24 tháng, 2008. (Hình: Karen Bleier/AFP/Getty Images)

Ngày đầu tiên của khóa họp Quốc Hội Hoa Kỳ, Khóa thứ 112, diễn ra hôm Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011, Dân Biểu Ed Royce đã đệ trình dự luật cấm các quan chức Cộng Sản Việt Nam bước chân đến Mỹ nếu họ bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Ðạo luật có tên là “Vietnam Human Rights Sanctions Act” nhằm vừa giới hạn viên chức chính phủ, công an cảnh sát và những người khác, đặt chân đến Hoa Kỳ, vừa cấm những người đó liên hệ đến các hoạt động tài chính ra vào Hoa Kỳ.

Dự luật nói trên được đệ trình vào đúng ngày tùy viên chính trị và nhân quyền của Tòa Ðại Sứ Mỹ, ông Christian Marchant, bị công an Huế chận trước cổng Nhà Chung Tổng Giáo Phận Huế, vật ông xuống đường hành hung, bất chấp các thông lệ ngoại giao quốc tế, khi ông đến đây thăm tù nhân lương tâm Linh Mục Nguyễn Văn Lý, được tạm tha tù để chữa bệnh.

“Với nhà cầm quyền cộng sản ở Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền, Quốc Hội cần phải phản ứng. Những kẻ bóp nghẹt quyền tự do của người dân phải trả giá.” Ông Royce nói.

Dự luật này từng mang danh số HR 6433 và đã từng được đệ nạp ngày 18 tháng 11, 2010 của Quốc Hội Khóa 111 với sự bảo trợ của 6 dân biểu gồm Loretta Sanchez (Dân Chủ, quận Cam Calif.), Ánh Cao (Cộng Hòa, Lousiana), Iliana Ros-Lehtinen (Cộng Hòa, Florida), Frank Wolf (Cộng Hòa, Virginia), Chris Smith (Cộng Hòa, New Jersey), và Ed Royce (Cộng Hòa, California).

Cùng với dự luật đệ trình ở Hạ Viện hồi tháng 11, một dự luật tương tự do ba nghị sĩ Sam Brownback (R-Kansas), John Cornyn (R-Texas) và Richard Burr (R-NC) cũng đã được đệ trình ở Thượng Viện.

Ðược đệ nạp lại lần nữa, dự luật này hiện mang danh số HR 156.

Dự luật nêu ra 28 lý do chứng minh cho thấy cần phải có các biện pháp chế tài với các quan chức CSVN để hy vọng chế độ Hà Nội bớt đàn áp nhân quyền hơn.

Hàng chục người lên tiếng đòi hỏi tự do báo chí thông tin, đòi tự do chính trị, tự do tôn giáo đã bị cầm tù thời gian gần đây. Các tổ chức và giáo hội tôn giáo vẫn bị đàn áp. Quyền tự do nghiệp đoàn không có, ai vận động công đoàn độc lập đều bị tù.

Sau khi chế độ Hà Nội được Hoa Kỳ bỏ tên ra khỏi danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt” từ cuối năm 2006, chế độ Hà Nội gia tăng đàn áp các tôn giáo, dự luật nói trên cáo buộc. Hà Nội cũng kết án tù những người đấu tranh dân chủ hóa đất nước với những điều luật mơ hồ như Ðiều 88 của Luật Hình sự phản ngược lại bản Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà chế độ Hà Nội đã đặt bút ký cam kết tôn trọng.

Quốc Hội Hoa Kỳ từng ra rất nhiều nghị quyết cũng như đưa ra một số dự luật nhưng tình trạng nhân quyền ở Vệt Nam vẫn không thấy tiến bộ. Bởi vậy, dự luật nói trên đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải buộc Hà Nội cải thiện nhân quyền mới tăng cường quan hệ mọi mặt.

Theo bản dự luật “Vietnam Human Rights Sanction Act,” trong vòng 90 ngày, nếu đạo luật được ban hành, chính phủ Hoa Kỳ phải thiết lập một danh sách nộp cho Quốc Hội những cá nhân người Việt Nam nào bị xác định là đàn áp nhân quyền. Danh sách này cũng được phổ biến công khai trên trang nhà của Bộ Ngoại Giao và Bộ Tài Chính Hoa Kỳ.

Những năm qua, một số dự luật về nhân quyền Việt Nam tuy được thông qua ở Hạ viện nhưng đã bị chận lại ở Thượng Viện.

Ngày 17 tháng 12, 2010, Hạ Viện đã thông qua một nghị quyết do DB Royce đệ nạp, kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ xếp tên nước Việt Nam trở lại danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt” (CPC).

Hiện đang có các cuộc vận động của một số tổ chức cộng đồng người Việt yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ đưa tên nước Việt Nam vào trở lại danh sách CPC vì đàn áp tự do tôn giáo vẫn còn tiếp diễn.