Khổng lồ sợ ma |
Tác Giả: Linh Tiến Khải |
Chúa Nhật, 09 Tháng 1 Năm 2011 09:18 |
Tuy là người khổng lồ khó có ai địch nổi, nhưng chính quyền Trung Quốc lại tỏ ra rất sợ ma Ngày mùng 5-1-2011 ông Lý Khắc Cường, Phó thủ tướng Trung Quốc, đã viếng thăm vua Juan Carlos, sau khi ký 16 hợp đồng thương mại với thủ tướng José Luiz Zapatero của Tây Ban Nha, tổng cộng lên tới 5,65 tỷ Euros. Hợp đồng quan trọng nhất gồm 5,36 tỷ Euros, liên quan tới việc khai thác dầu hỏa giữa hãng Repsol của Tây Ban Nha và hãng Sinopec của Trung Quốc. Hãng Sinopec đồng ý mua một số cổ phần của hãng Repsol bên Brasil. Với hợp đồng nói trên hãng Repsol của Tây Ban Nha có thêm số vốn rất lớn để tài trợ cho việc khai thác các mỏ dầu hỏa khám phá ra ngoài khơi bờ biển Brasil. Bên cạnh đó có một hợp đồng 19 triệu Euros của hãng Indra liên quan tới việc cung cấp các căn cứ quản trị lưu thông hàng không cho hai trung tâm kiểm soát hàng không của Trung Quốc và ngân hàng BBVA sẽ cộng tác với ngân hàng Citic bên châu Mỹ Latinh. Phó thủ tướng Lý Khắc Cường nêu bật các hợp đồng thực phẩm nông nghiệp khiến cho sản phẩm của Tây Ban Nha được người đân Trung Quốc biết tới. Trung Quốc sẽ nhập cảng từ Tây Ban Nha 10 triệu Euros nhiều loại thịt khác nhau, cũng như 7 triệu euros dầu ô liu, 4,5 triệu Euros các thứ rượu và 200 ngàn Euros thịt jambon. Tuy không nói ra, nhưng chính quyền Tây Ban Nha rất mong muốn Trung Quốc cho vay tiền để trả món nợ lớn của mình. Thế là trong thời gian qua người ta đang chứng kiến cảnh cán cân sức mạnh kinh tế thế giới nghiêng về phía Trung quốc. Trung Quốc có mức độ tăng trưởng kinh tế cao nhất, lượng xuất cảng nhiều nhất, tới 1.200 tỷ mỹ kim, và một khối dự trữ tiền tệ dồi dào nhất thế giới. Nền kinh tế của Trung Quốc đã vượt qua nền kinh tế của Nhật Bản để đứng hàng thứ nhì, chỉ sau nền kinh tế Hoa Kỳ. Đây là lý do khiến cho trong thời gian qua, theo gương Tây Ban Nha, các nước thuộc Liên Hiệp Âu châu, kẻ trước người sau, đã tổ chức tiếp rước hàng lãnh đạo Trung Quốc một cách rất sang trọng và ký nhiều hợp đồng làm ăn với Trung Quốc. Với 2.600 tỷ mỹ kim dự trữ cho các trao đổi thương mại, Trung Quốc không còn là xưởng thợ kỹ nghệ, mà thế giới đã nhìn với con mắt khinh thường như cho tới cách đây ít lâu nữa. Với khả năng mua lại các hãng xưởng kỹ nghệ xe hơi và nhiều loại hãng xưởng khác của các quốc gia tây âu gặp khủng hoảng kinh tế tài chánh, và với khả năng cho các nước tây Âu, kể cả Hoa Kỳ, vay kho tiền dự trữ của mình, Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành người khổng lồ kinh tế đáng kính nể nhất thế giới. Chả thế mà trong thời gian qua chủ tịch Hồ Cẩm Đào cùng với thủ tướng, phó thủ tướng và các phái đoàn kinh tế Trung Quốc đã được tiếp đón rất chu đáo và hậu hĩnh tại khắp nơi: Athènes, Lisboa, Madrid, Bonn, Paris vv.... Song song với các chuyến công du kinh tế thương mại ấy, nhiều cơ cấu hạ tầng của các xí nghiệp, và các kỹ thuật tân tiến đã lọt vào tầm kiểm soất của Trung Quốc. Cũng có những lực lượng chính trị nhận thấy nguy cơ tùy thuộc Trung Quốc và lên tiếng phản đối, nhưng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh kéo dài hiện nay, các quốc gia có số nợ lớn đều hồi sinh một phần nhờ dưỡng khí mà kho tiền tệ của Trung Quốc mang tới cho họ. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc qúa lớn và qúa lý tưởng để các chính quyền đang cần Trung Quốc yểm trợ quay ra cắn vào tay người trợ giúp mình. Ngày nay hàng hóa của Trung Quốc tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Để bành trướng nền kinh tế của mình Trung Quốc cần có nhiều nhiên liệu. Đậy đã là lý do khiến cho từ bao thập niên qua Trung Quốc đã giao thương với 50 trên tổng số 53 quốc gia Phi châu. Theo sách lược ”Bỏ con tép bắt con tôm” Trung Quốc rộng tay trợ giúp xây cất các cơ cấu hạ tầng cho nhiều nước Phi châu. Điển hình là việc thiết lập và tặng không cho nhân dân Tanzania nguyên cả một hệ thống đường rầy xe lửa. Chính quyền Bắc Kinh cũng cấp hàng chục ngàn học bổng cho sinh viên các nước Phi châu sang du học tại Trung Quốc. Và trong thời gian qua Trung Quốc đã mua của Cộng hòa dân chủ Congo tới 9 triệu mẫu tây đất để trồng ngũ cốc hầu cung cấp thực phẩm cho quốc gia đông dân nhất thế giới này. Tất cả chỉ nhằm triệt để khai thác các tài nguyên của Phi châu rất cần thiết cho sức lớn mạnh của nền kỹ nghệ Trung Quốc. Tuy là người khổng lồ khó có ai địch nổi, nhưng chính quyền Trung Quốc lại tỏ ra rất sợ ma. Cứ nói tới tự do, dân chủ và nhân quyền là người khổng lồ Trung Quốc lại ”tru tréo” và dẫy nảy lên như ”đỉa phải vôi”. Điển hình nhất là vụ ông Lưu Hiểu Ba, một người bất đồng chính kiến chuyên tranh đấu bất bạo động cho tự do dân chủ và nhân quyền, được giải thưởng Nobel Hòa Bình. Ông là một người ốm yếu, tranh đấu ôn hòa, không hận thù, mà chỉ ước mong cho nhân dân Trung Quốc được tự do dân chủ và quyền con người của họ được tôn trọng. Ngày 11 tháng 12 vừa qua ông Lưu Hiểu Ba đã không thể đến Oslo nhận giải thưởng Nobel Hòa bình, vì đang bị cầm tù. Dưới các áp lực và đe dọa trả thù của Nhà Nước Trung Quốc, đại diện của 12 nước trên thế giới cũng đã không dám hiện diện tại buổi lễ trao giải. Đó là các nước Nga, Kazakhstan, Tunisie, Arập Sauđi, Pakistan, Irak, Iran, Việt Nam, Afghanistan, Venuzuela, Ai Cập, Marốc, Algerie, Sudan, Cuba và Palestine. Thế mới biết Nhà Nước Trung Quốc là người khổng lồ có dư đầy mọi thứ khí giới lớn nhỏ và các lực lượng quân đội công an, nhưng lại sợ ma dân chủ. |