Home Tin Tức Thời Sự Đại học Việt: Nửa trường, nửa chợ

Đại học Việt: Nửa trường, nửa chợ PDF Print E-mail
Tác Giả: Blog Hồ Bất Khuất   
Chúa Nhật, 09 Tháng 1 Năm 2011 04:13
Hiện nay hầu hết các trường đại học vủa Việt Nam trong tình trạng “nửa trường, nửa chợ”, nghĩa là ở đó lộn xộn cả về cảnh quan lẫn học tập, sinh hoạt
Tôi có quan niệm:“Ra chợ, nhìn vào các sạp hàng thì biết được đời sống của nhân dân, còn nhìn vào cảnh quan, môi trường đại học thì biết được tương lai đất nước”. Chính vì vậy mà kinh tế nước ta đang phát triển với tốc độ khá cao, nhưng nhiều người không mấy lạc quan vì cảnh quan, môi trường giáo dục đại học Việt Nam đang rất tệ hại. Hầu như không có trường nào có diện tích đủ rộng để xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo cảnh quan sư phạm phù hợp.
 
Đại học Luật HN trên đường Nguyễn Chí Thanh
Khuôn viên của trường đại học như thế này đây
Thiền viện Tây Thiên - Một bài học về xây dựng
Căn cứ vào con số thống kê mới nhất, hiện nay Việt Nam có 406 trường đại học và cao đẳng (196 trường đại học, 210 trường cao đẳng), nhưng hầu như không có trường nào có cảnh quan, môi trường phù hợp với một cơ sở giáo dục đại học hiện đại. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM chiếm khoảng 1/3 số lượng trường và tình hình thuộc loại tồi tệ nhất. Các trường đại học nằm trên những đường phố đông đúc, ồn ào, bụi bặm,chật chội... Ví dụ, Đại học Luật TP HCM cộng cả hai cơ sở lại mới được 0,7 ha! Còn Đại học Luật Hà Nội, sau khi bán cơ sở ở Thường Tín cho hãng Coca Cola, về chen chúc trên đường Nguyễn Chí Thanh trong khoảnh đất bé tí. Với diện tích như vậy thì nói gì tới xây dựng cảnh quan, môi trường sư phạm rộng rãi, thoáng đãng để sinh viên bay bổng trong nhận thức và tư duy của mình!?

Hiện nay hầu hết các trường đại học vủa Việt Nam trong tình trạng “nửa trường, nửa chợ”, nghĩa là ở đó lộn xộn cả về cảnh quan lẫn học tập, sinh hoạt... Chữ “chợ" ở đây còn nói lên cả chuyện “mua bán” nữa.

Đừng đổ lỗi cho tiền nhân! Lúc sơ khai, các trường đại học của ta đâu chật chội như vậy. Khi thành lập, Đại học Bách khoa Hà Nội có diện tích lên tới hàng trăm ha và nằm ở một vị trí rất đẹp, cạnh công viên Thống Nhất. Nay khuôn viên của trường bị “chia năm, xẻ bảy” cho vài ba trường đại học khác nữa. Thậm chí có hẳn một đơn vị hành chính là phường Bách Khoa với hàng vạn nhân khẩu nằm gọn trong vùng đất mà trước kia là khuôn viên của trường.

Hà Nội đã từng có những “khu đô thị đại học” ở Cầu Giấy và Thanh Xuân. Vài chục năm về trước, ở đó chỉ có những khu giảng đường, ký túc xá và những cánh đồng rộng rãi. Ấy thế mà bây giờ nhà cửa như nêm, muốn tìm một chỗ yên tĩnh ở nơi này cũng khó. Vậy mà đây lại là nơi trú ngụ của các trường đại học trọng điểm của đất nước!

Hậu quả của tầm nhìn ngắn và tư duy “mặt tiền”

 


Rất nhiều trường đại học chen chúc ở nội thành Hà Nội hiện nay đã từng có cơ sở rộng rãi ở ngoại vi. Đó là Đại học Luật ở Thường Tín, Đại học Xây dựng ở Hương Canh, Đại học Cảnh sát ở Suối Hai, Đại học Kỹ thuật Quân sự ở Phúc Yên… Vì cho rằng ở những nơi đó là xa, không có điều kiện phát triển nên họ đã bỏ những nơi đó. Thật là đáng tiếc!

Bây giờ thậm chí phải đi xa hơn chưa chắc đã tìm ra đất. Chính Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã nói: “Nếu chúng ta không có một kế hoạch cụ thể thì rất có thể khoảng 5-10 năm nữa những khu vực có bán kính 50 km xung quanh Hà Nội cũng sẽ không còn quỹ đất dành cho giáo dục mà các lĩnh vực khác sẽ đến trước.”

Tại sao trong thời gian qua những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục đại học lại có thể tư duy và hành động như những chủ cửa hàng tạp hóa như vậy? Hơn ai hết, họ phải biết rằng, cảnh quan, môi trường là một trong những yếu tố quan trọng tác động tới chất lượng đào tạo chứ? Hàng trăm năm trước, người Mỹ đã chứng minh được cảnh quan, môi trường ảnh hưởng tới chất lượng học tập của sinh viên. Khuôn viên của trường càng rộng, thoáng, nhiều cây xanh càng có ảnh hưởng tốt tới tư duy của sinh viên. Vì vậy, đại đa số các trường đại học ở Mỹ đều nằm ở ngoại vi thành phố với diện tích hàng trăm ha trở lên. Ở đó có cây xanh, vườn hoa, bãi đỗ xe, sân vận động, những con đường để sinh viên đi dạo…

Đã có nhiều cán bộ của ta đi thăm quan, học hỏi nhưng họ chẳng thu hoạch được gì khi phát biểu: “Tưởng các trường đại học bên Mỹ thì oai lắm, ai ngờ hầu hết ở tít trên miền núi!”

Với tầm nhìn và tư duy như vậy nên các trường đại học của Việt Nam hiện nay mới ở trong tình trạng “nửa trường, nửa chợ”. Người ta lấy cái gần về khoảng cách để định hình lối sống, cách sống, cách nghĩ.

Ngày nay nên đo khoảng cách bằng thời gian chứ không phải bằng km. Ví dụ, người ta hỏi nhau: “Đi từ Mỹ Đình lên Hòa Lạc mất bao nhiêu phút?” “Chỉ mất 20 phút!”; “Còn đi từ Bờ Hồ đến Hà Đông mất bao lâu?”, “Có khi phải hàng tiếng đồng hồ”. Thực tế là có khi đi 30 km chỉ mất 20 phút, trong khi đi 10 km mất 60 phút.

Đây chính là một gợi ý về quan niệm xa gần.

Có vẻ như người ta muốn giáo dục đại học phải “chết”

  Thật ra, trong số những người lãnh đạo cũng có người nhìn ra việc phải chuyển các trường đại học đến nơi rộng rãi và trong trẻo hơn. Bằng chứng là hàng chục năm trước, Chính phủ đã quyết định cấp cho Đại học Quốc gia Hà Nội một khu đất rộng mênh mông, ở Hòa Lạc (cách trung tâm Hà Nội trên 30 km). Việc di dời các trường đại học đến chỗ rộng rãi và yên tĩnh hơn đã được nghĩ tới từ lâu, được khẳng định đi, khẳng định lại là rất quan trọng. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nói: “Quyết định di dời các trường ra ngoại thành không phải vì quá tải cơ sở hạ tầng ở thành phố mà là sự sống còn của ngành giáo dục…”. Nói như vậy là đã rất quyết liệt và đúng với đòi hỏi hiện nay. Nếu không di dời các trường đại học đến nơi rộng rãi, thoáng đãng hơn, ngành giáo dục sẽ “chết”.

Căn cứ vào tiến độ, cách thức xây dựng ĐHQG Hà Nội ở Hòa Lạc và ý kiến của những người lãnh đạo các trường đại học hiện nay thì thấy có vẻ như ngành giáo dục sẽ phải “chết”. Hàng chục năm đã trôi qua, thậm chí đã làm lễ động thổ, nhưng trên khu đất rộng và đẹp của ĐHQG Hà Nội vẫn trống không, thậm chí đã bị người ta xâu xé, sử dụng vào mục đích khác. Còn lãnh đạo các trường, ai cũng kêu di dời là cần thiết, nhưng rất khó vì không có đất “sạch” và tiền. Có người còn không ngần ngại nêu ý kiến: Nhất trí di dời, nhưng vẫn giữ cơ sở ở nội thành.

Nếu nói về tiền để xây dựng các trường đại học, xin đưa ra một gợi ý: Thiền viện Tây Thiên ở Tam Đảo vào năm 2004 với số tiền khoảng 30 tỷ đồng đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang ở một nơi rộng rãi và yên tĩnh. Mùa hè, có hàng nghìn học sinh xin được đến đây để rèn luyện và học tập.

Một bộ phận lãnh đạo, giáo viên các trường đại học có nhà cửa đàng hoàng ở nội thành, nay ngại đi xa. Một trong những lý do mà ĐHQG Hà Nội chưa dám di dời là vì nhiều giáo viên giỏi “bóng gió” nếu phải lên Hòa Lạc, họ sẽ bỏ trường. Giáo viên giỏi chưa bỏ vì trường chưa di dời, nhưng nhiều lãnh đạo nòng cốt đã bỏ trường để ngồi vào những vị trí “ngon lành” hơn, gần hồ Gươm hơn.

Phải quyết liệt như hồi chiến tranh

 
Tổng hợp các ý kiến của lãnh đạo các trường đại học ở Hà Nội và TP HCM trong hai cuộc gặp gỡ, làm việc vừa qua, có thể thấy việc di dời các trường đại học ra ngoại thành là việc rất khó thực hiện. Cái khó nằm ngay trong cách nghĩ và cách tiếp cận vấn đề của những người lãnh đạo các trường. Đại đa số lãnh đạo các trường đều kêu khó vì không có đất “sạch” và thiếu kinh phí, thủ tục rườm rà… Thoạt nghe thì tất cả đều có lý, nhưng thực chất vẫn chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của cảnh quan, môi trường đối với chất lượng giáo dục đại học.

Nếu chiều theo ý kiến của đa số lãnh đạo các trường đại học phải di dời thì việc di dời có lẽ chẳng bao giờ diễn ra. Do đó, Bộ GD-ĐT, Chính phủ thực sự cần một nền giáo dục đại học đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, cần phải làm thật rốt ráo. Nay là thời bình nhưng nên tư duy và hành động ít quyết liệt và dứt khoát như thời chiến tranh. Trong những năm đó, hầu hết các trường đại học ở Hà Nội đều sơ tán về nông thôn; nhận lệnh buổi sáng, buổi chiều tiến hành ngay. Thế mà ở nơi mới, thầy và trò với nhà tranh, vách đất vẫn dạy và học bình thường.

Nay điều kiện của chúng ta khác xưa, tốt hơn rất nhiều nhưng chúng ta lại chần chừ, cân nhắc, ngụy biện, chấp nhận các trường đại học trong cảnh “nửa trường, nửa chợ”. Để “cứu” giáo dục đại học Việt Nam, xin những người có trách nhiệm hãy làm quyết liệt như tinh thần của hồi đi sơ tán.

Hồ Bất Khuất