Home Tin Tức Thời Sự WikiLeaks đáng khen hay đáng phạt

WikiLeaks đáng khen hay đáng phạt PDF Print E-mail
Tác Giả: Đinh Từ Thức   
Thứ Bảy, 08 Tháng 1 Năm 2011 05:31

WikiLeaks đã làm sôi động cuộc thảo luận về tự do thông tin ngay tại những nơi vẫn tưởng là có tự do thông tin ở mức độ cao nhất.

 

 

Julian Assange Press Conference Foto

Julian Assange, người chủ trương WikiLeaks, giơ cao trang chính nhật báo The Guardian loan chuyện WikiLeaks phổ biến những tài liệu bí mật chống lại chiến tranh ở Afghanistan. Assange đứng trước bức ảnh nổi tiếng của Don McCullin chụp chân dung người lính Mỹ trong chiến tranh Việt nam  ở cuộc họp báo ngày 26 tháng 7, 2010, tại The Front Line Club, Luân Đôn, Anh. (Nguồn: Getty Images)

 

Năm 1971, cuộc đấu lực giữa nhà cầm quyền Hoa Kỳ và giới truyền thông trong vụ tiết lộ tài liệu mật Bộ Quốc Phòng đã khẩn cấp cần tới phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, với phần thắng về phía truyền thông.

So với bốn ngàn trang tài liệu (Pentagon Papers) do Daniel Ellsberg tung ra trước kia, những tài liệu trong tay Julian Assange ngày nay là con số khổng lồ, và khác với trước kia, nhân viên công lực không thể ngăn chặn được việc phát tán, cho dù “thủ phạm” bị bắt giam trước khi “được” quản thúc tại một dinh thự sang trọng bên Anh, sau khi nạp gần 400 ngàn tiền thế chân.

Có thể nói WikiLeaks là tiếng chuông báo thức cho một thời đại mới của lãnh vực truyền thông. Nhưng chuông báo thức thường gặp phản ứng trái ngược. Người muốn thức mừng rỡ biết ơn, người muốn ngủ bực bội cằn nhằn. Sau đây là thí dụ điển hình:

Nhờ WikiLeaks trong đợt tiết lộ mới nhất, dư luận biết được Hoa Kỳ đã thỏa thuận với Tổng Thống Yemen, để Hoa Kỳ bỏ bom giết bọn khủng bố đặt căn cứ tại đây, rồi Yemen nhận đó là thành tích của mình.

Cùng một sự việc này đã được phê phán trái ngược giữa hai nhà báo trên hai tờ báo hàng đầu của Mỹ:

Trên báo Washington Post ngày 3 tháng 12, trong bài Throw the WikiBook at Them, nhà báo Charles Krauthammer cho rằng WikiLeaks làm lộ bí mật ở Yemen khiến Hoa Kỳ gặp khó khăn trong việc đánh phá al-Qaeda tại đây để tiêu diệt một kẻ thù mà theo CIA, đe dọa nhiều nhất cho an ninh Hoa Kỳ. Ông viết: WikiLeaks tung tài liệu lên mạng là phá hoại….Franklin Roosevelt đã đem bọn phá hoại ra tòa án quân sự và xử tử. Assange đã gây thiệt hại cho Hoa Kỳ hơn cả sáu người Đức cộng lại. Đưa bí mật của Hoa Kỳ lên Internet, một phương tiện phổ biến toàn cầu mới mẻ trong lịch sử nhân loại, cần phải tái quan niệm việc phá hoại và gián điệp – và luật pháp để phòng ngừa. Bộ Tư Pháp ở đâu?

Cũng đan cử tiết lộ bí mật ở Yemen, qua bài Julian Assange: Neocon Tool? trên New York Times ngày 7 tháng 12, nhà báo Robert Wright viết: Tôi nghĩ WikiLeaks đang làm việc theo thiên chức. Tôi thấy có sự hợp lý về mặt chiến thuật trong vụ dối trá này, nhưng tôi không thấy họ theo đúng cái quyền căn bản của người dân một nước dân chủ là được biết tiền thuế của mình chi dùng vào việc giết người – nhất là khi những người đó sống ở những nước không tuyên chiến với mình. Vì thế, nếu chúng ta xét tới cái nghiệp của Julian Assange thì tôi đặt việc làm của anh vào phía tích cực.

Nhà báo đánh giá trái ngược nhau về việc làm của WikiLeaks, nhưng giới làm chính trị Hoa Kỳ, cả Dân Chủ, Cộng Hòa và độc lập đều có cái nhìn giống nhau: Bà Sarah Palin (Cộng Hòa) muốn săn Julian Assange như săn al-Qaeda; Tổng Thống Obama (Dân Chủ) tuyên bố việc làm của WikiLeaks là đáng tiếc và vô trách nhiệm; Nghị sĩ Dianne Feinstein (Dân Chủ) nói rằng việc làm của Assange vi phạm Espionage Act (Luật Gián điệp) được làm ra vào thời Đệ Nhất Thế Chiến để trừng phạt những cá nhân làm gián điệp trong thời chiến; Nghị sĩ Joseph Lieberman (độc lập) chủ trương truy tố cả những tờ báo đăng tài liệu do WikiLeaks tiết lộ.

Trước hết, nói về thái độ của nhà báo: So sánh việc làm của Julian Assange ngày nay với kế hoạch phá hoại của nhóm khủng bố 6 người được tầu ngầm Đức cho đổ bộ lên Long Island, New York, sáng sớm 13 tháng 6, 1942, là quá gò ép và cường điệu.

Mở đầu bài bình luận Don’t Charge WikiLeaks ngày 12 tháng 12, 2010, báo Washington Post viết: “Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã vô trách nhiệm phổ biến cả ngàn tài liệu nhậy cảm liên hệ tới an ninh quốc gia, kể cả một số mà giới chức bộ Quốc Phòng nói là có thể nguy hại cho những người Afghanistan đã cộng tác với nỗ lực của Hoa Kỳ. Nhưng điều này không có nghĩa là ông ta đã phạm tội”.

Ít nhất, Washington Post cũng nói được là Assange không hề phạm tội. Nhưng có lẽ báo này không nên nói WikiLeaks vô trách nhiệm. Bởi vì, hơn 39 năm trước, Washington Post đã cùng với New York Times đăng tài liệu mật bộ Quốc Phòng do Daniel Ellsberg tiết lộ. Năm 1971 Mỹ đang tham chiến ở Việt Nam, giống như ngày nay Mỹ đánh nhau ở Afghanistan. Ngoài ra, nếu ngày nay Assange vô trách nhiệm và đáng bị truy tố, thì Bob Woodward, người đã tiết lộ tin mật của FBI trên Washington Post về vụ Watergate khởi đầu từ 1972, cũng đáng bị truy tố.

Còn những người có quyền, dù Dân Chủ, Cộng Hòa hay độc lập, dù hành pháp hay lập pháp, và mặc dầu là đại diện dân một nước dân chủ, họ đều có chung khuynh hướng là giấu dân để có lợi cho mình. Nghị sĩ Lieberman nói chắc Assange phạm Espionage Act, và ông đòi điều tra cả New York Times đã đăng tài liệu mật, vì có tội là “công dân xấu”. Nếu phanh phui bí mật của người cầm quyền là công dân xấu, vậy người cầm quyền nói dối dân có phải là người cầm quyền xấu? Phải chăng cần trừng phạt công dân xấu để bảo vệ người cầm quyền xấu?

Một người biểu tình ủng hộ Julian Assange đã đeo mặt nạ có hình Assange bị bịt miệng bởi lá cờ Mỹ
trước  tòa Đại sứ Thụy Điển ở  Luân Đôn ngày 13 tháng 12 năm 2010

Ngoài Nghị Sĩ Lieberman, bà Nghị Feinstein, Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, giống như Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Eric Holder, đều muốn truy tố Julian Assange về tội gián điệp theo Espionage Act. Đây là đạo luật Quốc Hội đã thông qua ngày 15 tháng Sáu 1917 thời Đệ Nhất Thế Chiến, quy định trừng phạt 10 ngàn đô la và 20 năm tù những ai vi phạm một số tội, trong đó có tội “tiết lộ thông tin liên hệ tới an ninh quốc phòng”. Chỉ trong vòng vài tháng sau khi luật này ban hành, khoảng 900 người, trong số có nhiều nhân vật nổi tiếng đã bị bắt bỏ tù. Rồi năm sau, 1918, thêm bộ luật khác ra đời là Sedition Act (Luật chống nổi loạn) trừng phạt những ai chỉ trích chính quyền hoặc Hiến Pháp. (Nội dung luật này có vẻ giống với điều 88 trong hình luật Việt Nam hiện nay). Hai bộ luật này đã bỏ tù khoảng 1500 người, và để lại nhiều tai tiếng. Ngày nay mà còn dùng Espionage Act để trừng phạt Assange là Hoa Kỳ đi thụt lùi gần một thế kỷ. Thật đáng xấu hổ.

Có lẽ cũng cảm thấy việc dùng Espionage Act đề đối phó Assange là quá lạc hậu, cả hai viện Quốc Hội Mỹ đã đề xuất dự luật mới, tu chính Espionage Act of 1917, được gọi là “Shield Bill” (luật che chở), dự trù trừng phạt những ai cố ý phổ biến bằng mọi cách những gì phương hai tới sự an toàn hay quyền lợi của Hoa Kỳ, bất cứ thông tin mật nào liên hệ tới hoạt động tình báo nhân sự của Hoa Kỳ.

Theo Geoffrey R. Stone, giáo sư luật tại Đại học Chicago và chủ tịch Ban quản trị của American Constitution Society, viết trong bài bình luận A Clear Danger to Free Speech trên New York Times ngày 3 tháng 1, 2011, dự luật này, nếu trở thành luật, tuy có thể hợp hiến đối với nhân viên công quyền tiết lộ tài liệu mật cho những người không được phép biết, nếu phạt những người phổ biến hay lưu hành những tài liệu mật đã bị tiết lộ là phạm vào Tu chính Thứ nhất (Tự Do Ngôn Luận) của Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Hiện nay chỉ có Assange bị săn đuổi, còn các báo lớn cùng đăng tài liệu của WikiLeaks là New York Times với ba báo khác là The Guardian của Anh, El Pais ở Tây Ban Nha và Der Spiegel ở Đức, không hề bị làm khó, không phải vì các báo này có thế lực lớn, mà vì đụng tới họ, là đụng tới tự do ngôn luận. Nhưng tách rời Assange để trừng phạt kiểu sư tử săn mồi trong rừng hoang cũng không phải dễ, giản dị là “đồng loại” của Assange không phải là thú rừng chỉ giương mắt nhìn khi một trong bọn bị xé thịt. Hơn nữa, về mặt pháp luật, truy tố Assange theo Espionage Act cũng khó. Anh ta không làm gián điệp, không ăn cắp tài liệu mật (tài liệu chính vẫn còn trong tay sở hữu chủ), anh cũng không vận chuyển đồ ăn cắp.

Về phần chính quyền Thụy Điển, không hiểu có chịu áp lực nào từ phía Mỹ không, nhưng việc vội vàng ra lệnh truy nã, bỏ truy nã rồi lại tái truy nã Assange về tội “hiếp dâm” trong khi “nạn nhân” đồng tình và không muốn truy tố, khiến dư luận cảm thấy Thụy Điển, nước đã bỏ nhiều công của giúp Việt Nam đối phó với tệ đoan xã hội, có vẻ đi vào đường mòn in vết chân công an Việt Cộng trong vụ Cù Huy Hà Vũ.

Cách đối xử tiền hậu bất nhất của Thụy Điển đối với Assange đã gây chia rẽ trong dư luận.

Phe bênh cho rằng Assange là nạn nhân của một âm mưu hạ nhục anh mà hai cô là đồng lõa; một mưu kế có Hoa Kỳ đằng sau để trả đũa việc anh tung lên mạng hàng trăm ngàn văn kiện mật. Lập luận này dựa trên các sự kiện sau:

- Assange bị tố cáo đúng lúc anh đương đầu với chính quyền Hoa Kỳ, một sự trùng hợp khó tin là “ngẫu nhiên”.

- Biện lý cuộc Thụy Điển lúc đầu đã bác bỏ việc tố cáo Assange về tội hiếp dâm, rồi lại tố cáo, sau khi có sự can thiệp của một luật sư danh tiếng, đồng thời cũng là khuôn mặt quen thuộc trong chính giới.

- Thụy Điển sau khi lấy lời khai của Assange, đã đồng ý để anh sang Anh, rồi lại làm thủ tục yêu cầu dẫn độ từ Anh.

- Bàn tường trình mật 68 trang của cảnh sát Thụy Điển về nội vụ đã được rò rỉ cho báo chí biết để bêu xấu Assange, và cố chứng tỏ với dư luận việc truy tố anh là đúng luật.

Phía chống cho rằng Assange có phạm tội, và anh bị truy tố là có cơ sở. Theo bản tường trình chi tiết được báo Guardian của Anh tung ra ngày 18 tháng 12, và báo New York Times thuật lại ngày hôm sau, Assange đã phạm tội hiếp dâm mức độ nhẹ nhất theo luật Thụy Điển, mà “nạn nhân” là hai cô trong hai vụ khác nhau:

- Cô A. thuộc lứa tuổi 30, hoạt động cho cánh tả (cấp tiến), là người đón Assange khi anh đến Stockholm từ London ngày 11 tháng 8 để diễn tuyết tại Hội Dân chủ Xã hội Thiên chúa giáo (Association of Christian Social Democrats) vào ngày 14 tháng 8. Anh được xếp đặt ở tại nhà cô, đi đến chỗ chủ khách đồng ý “thân mật”. Cô muốn có condom, tuy anh không muốn, nó vẫn được dùng. Nhưng theo lời khai của cô, có một lúc, anh “làm cái gì đó”, khiến condom bị rách. Anh vẫn tiếp tục, khiến cô không yên lòng. Cô không muốn anh ở nhà mình nữa. Anh ra đi, ít hôm sau trở lại, cọ sát vào người cô trong khi anh ở truồng, là lý do để bị truy tố về tội “xàm xỡ tính dục” (xàm dục – sexual molestation).

- Cô W. 25 tuổi, làm bán thời gian cho viện bảo tàng Stockholm, hậu thuẫn mạnh mẽ WikiLeaks. Chính cô tìm cách tới gần Assange, cuối cùng tự trả tiền vé xe lửa giá 16 đô la mời anh về nhà, cách Stockholm 30 dặm. Buổi tối hai người làm tình có condom. Sáng sau, cô tỉnh thức khi bị xâm nhập, không có condom. Coi như trái ý muốn của cô, và đây là lý do truy tố anh tội “hiếp dâm – bậc nhẹ nhất”. Tuy vậy, cô vẫn mua vé xe lửa cho anh trở về.

Tóm lại, đầu đuôi chỉ vì chuyện condom. Có thể, đối với Assange, truyền thông cũng như sex, anh chỉ ưa tiếp cận với sự thật, như các điện văn mật. Làm tình mà đeo condom, khác gì đọc các bản tin chính thức trên báo lề phải.

Như đã trình bầy, lúc đầu, sau khi lấy lời khai của Assange, biện lý Thụy Điển thấy không phải là chuyện lớn, đã để anh ra đi, và muốn dẹp nội vụ. Nhưng khi có ông luật sư cỡ lớn Claes Borgstrom nhảy vào đại diện cho các cô, nội vụ bỗng thành lớn. Ông là phát ngôn viên về các vấn đề bình đẳng phái tính cho Đảng Xã Hội Dân Chủ, nhóm đối lập chính tại Quốc Hội Thụy Điển. Ông đã yêu cầu lập lại lệnh truy nã Assange, và Chánh Biện Lý là bà Marianne Ny đã đồng ý lật ngược quyết định của cấp dưới.

Chánh Biện Lý Thụy Điển Marianne Ny phủ nhận sự liên hệ giữa việc điều tra
Julian Assange về tội hiếp dâm và những sinh hoạt của WikiLeaks

Hoa Kỳ không thể chơi chuyện sex như Thụy Điển. Tin cho biết, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đang cố ghép Assange vào tội “đồng lõa” với người đã tiết lộ tin mật, là anh binh nhì chuyên viên phân tích tin học Bradley Manning mới 22 tuổi. Anh này đã bị bắt, sẽ phải ra tòa án quân sự Mỹ; nếu bị kết án có tội, có thể ở tù tới 52 năm.

Tại sao Thụy Điển đã tung chưởng sex, rồi được Anh tiếp tay, mà Hoa Kỳ vẫn còn cần “ra oai”? Mặc dầu trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã dùng nhiều luật lệ, kể cả Computer Fraud and Abuse Act năm 1986 để truy tố các vụ tiết lộ và chống tin tặc, tuy chưa vụ nào thành công. Nhưng trong vụ WikiLeaks, Bộ Tư Pháp bị áp lực mạnh từ mọi phía phải làm cái gì đó để “răn đe”, nếu không, mọi bí mật đều bị tung hết trên mạng. Lúc đó, không phải riêng nhà vua, mà cả hoàng hậu, hoàng gia, cùng văn võ bá quan đều trần truồng tồng ngồng trước mắt thế giới, việc cai trị thật khó khăn.

Truy tố Julian Assange về tội đồng lõa với Bradley Manning, nếu đủ bằng chứng, có điểm thuận tiện là không phải đụng đến các báo như New York Times, đã cùng đăng tin như WikiLeaks.

Nói đến “răn đe”, chưa biết ai đã răn đe ai. Ngày xưa, chỉ có những tay anh hùng hảo hán, đánh đông dẹp bắc như vào chỗ không người, mới có khả năng khuấy động một vùng. Bây giờ, một cá nhân như Assange, bỗng chốc khuấy động cả thế giới. Chính anh đã có khả năng răn đe toàn cầu, không loại trừ Hoa Kỳ. Trước đe dọa của WikiLeaks, thay vì tìm cách buộc tội Assange, các nước nên thức tỉnh, sớm thay đổi cùng với đà tiến của kỹ thuật thông tin, đổi mới hoàn toàn thói quen cũ. Thế giới ngày nay, việc bưng bít sự thật không còn dễ dàng như xưa. Vậy tốt nhất, hãy để mọi người biết sự thật đến mức tối đa; đó cũng là một quyền căn bản của dân.

Tất nhiên, nơi nào, thời nào cũng có những sự thật liên hệ trực tiếp tới an ninh quốc gia cần phải giữ kín. Tuy vậy, chính quyền không được lạm dụng quyền hạn của mình, xếp loại bừa bãi những tin không đáng mật thành tin mật để che mắt người dân, nhiều khi về những lầm lỗi của mình. Chỉ những tin thực sự nguy hại cho an ninh quốc gia và an toàn của người dân, mới được coi là tin mật. Trong trường hợp này, việc bảo mật là trách nhiệm của chính quyền, không phải là nhiệm vụ của giới truyền thông tư nhân. Một khi tin mật hệ trọng bị tiết lộ, kẻ có tội đáng bị truy tố không phải là người loan tin.