Christian Marchant: Người Mỹ không im lặng ở Việt Nam được giải Nhân Quyền |
Tác Giả: Bill Robinson - Chuyển ngữ: Đinh Từ Thức |
Thứ Sáu, 07 Tháng 1 Năm 2011 21:27 |
Trước đó 2 ngày, báo Richmond Register tại Kentucky đã có một bài dài về ông Christian Marchant, về việc ông vừa được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ quyết định tặng giải Tự Do Dân Chủ
Lời người dịch: Sáng ngày 05 tháng 01, 2011, ông Christian Marchant, tham vụ chính trị tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội bay vào Huế thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý, nhưng bị lực lượng Công an đợi sẵn, ngăn cản không cho gặp. Theo nhân chứng là LM Lý kể lại cho phái viên Đỗ Hiếu đài RFA, ông Marchant đã phản ứng dữ dội, bị xô đẩy, có lúc bị ngã xuống đất. Cuối cùng, đã bị công an khiêng vào xe, chở đi. Cùng ngày 5 tháng 1, tại Washington, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối về vụ này. Trước đó 2 ngày, báo Richmond Register tại Kentucky đã có một bài dài về ông Christian Marchant, về việc ông vừa được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ quyết định tặng giải Tự Do Dân Chủ, về những việc ông đã làm tại Việt Nam. Qua bài này, bạn đọc có thể thấy được những việc làm hậu trường của các nhân viên phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ trong cố gắng thăng tiến tự do dân chủ tại Việt Nam.
Tham vụ Chính trị Christian Marchant và bà Trần Khải Thanh Thủy Từ khi nhậm chức tham vụ chính trị tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, Việt Nam, vào tháng Chín năm 2007, ông Christian Marchant đã bênh vực không mệt mỏi và thuyết phục trong việc thay mặt những người chống đối về chính trị và về tự do tư hữu cùng tự do tôn giáo và chống lại việc tra tấn trong một nước cộng sản mà Hoa Kỳ đã có chiến tranh với họ trong một cuộc chiến lâu hàng chục năm. Công việc của ông đã được sự chú ý của các thượng cấp tại Washington, và vào cuối tháng Hai này, ngừơi thanh niên tốt nghiệp năm 1992 từ Model Laboratory School, [một ngôi trường kiểu mẫu nổi tiếng ở vùng Richmond, tiểu bang Kentucky], sẽ chia sẻ giải Nhân Quyền và Dân Chủ do bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thưởng cho một viên chức Đại sứ quán. Là con trai của Bác sĩ Marlow và bà Kristy, có lần ông Marchant đã đứng chắn giữa một người phản kháng chính trị và viên cảnh sát ông sợ sắp sửa đánh hay bắt giữ bà. Ông Marchant tiếp tực thăm viếng các linh mục và giáo dân, ngay cả sau khi công an ra lệnh cho ông đừng làm như vậy, để ông có thể nhìn tận mắt đáp ứng của chính quyền về việc tranh chấp đất đai tại Hà Nội. Ông còn tham dự phiên tòa xử 8 giáo dân đã bị kêu án về tội “phá rối trật tự công cộng” vì đã dựng một “Linh đài” tạm trên khu đất tranh chấp sau đó đã bị nhà cầm quyền phá bỏ. Nhà ngoại giao khiêm tốn nói qua cuộc phỏng vấn bằng điện thoại từ nhà ông ở Hà Nội, nơi ông sống với vợ và 3 con, rằng: Những hành động đó chỉ là một phần công việc của ông. Bản tin của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: Ông Marchant đã được “vinh danh về công việc làm nổi bật để can dự sâu đậm vào công cuộc hợp tác chống lại tra tấn và đáp ứng các vấn đề về đất đai, thêm sức cho việc Đối thoại Song phương về Nhân quyền, phác họa một lộ trình về Tự do Internet, và bảo vệ quyền của những người Việt chống đối giữa cuộc đàn áp kéo dài trên Tự do Phát biểu”. Bản tuyên dương nói rằng ông Marchant đã là một người bênh vực thuyết phục cho cộng đồng người Việt chống đối bị vây khốn, không mệt mỏi phục vụ như là một mối liên lạc cho những người tù chống đối và gia đình họ với thế giới bên ngoài. Được hỏi liệu giải thưởng cho ông có thể bị coi là phản ngoại giao đối với nước chủ nhà, ông Marchant trả lời rằng việc làm của ông là một phần của phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ “đối thoại thường xuyên và lâu dài với nhà cầm quyền Việt Nam về nhân quyền”. Cuộc đối thoại này bao gồm cả những thảo luận với Ngoại trưởng Hillary Clinton, người đã hai lần thăm viếng Việt Nam năm ngoái, cũng như các giới chức tòa đại sứ có thể can thiệp từng ngày với chính quyền sở tại. Bà Clinton sẽ trao giải thưởng cho ông Marchant trong một buổi lễ tại Washington. Giải thưởng của ông là một trong ba giải được bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao tặng hàng năm: Một giải dành cho một tổ chức ngoài chính phủ (NGO), một giải cho một đại sứ, và giải thứ ba dành cho một viên chức tòa đại sứ. Ông Marchant chia sẻ giải dành cho viên chức này với Holly Lindquist Thomas của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Uzbekistan. Về những công việc của ông tại Việt Nam, ông Marchant nói: “Chúng tôi thường xuyên nói một cách mạnh mẽ về các vấn đề chúng tôi không đồng ý, nhưng chúng tôi cũng cố gắng tìm ra những lãnh vực trên đó chúng tôi có thể đồng ý và hợp tác”. Giáo Hội Công Giáo đã bắt rễ tại Việt Nam khi nơi này là một thuộc địa của Pháp. Nhưng từ khi người Pháp rời nơi vốn được gọi là Đông Dương, sau khi bị đánh bại tại Điện Biên Phủ vào năm 1954, Giáo Hội đã trải qua nhiều tranh chấp với nhà cầm quyền mà, sau vài cải tổ, vẫn còn theo chủ nghĩa Marxist là nhà nước làm chủ tất cả đất đai. Ông Marchant nói rằng nhà cầm quyền chỉ cấp chứng chỉ xử dụng đất, chứ không cấp văn tự công nhận quyền sở hữu. Ông Marchant cho biết: không bao lâu sau khi ông đến Việt Nam, đã có hàng loạt những cuộc biểu tình lớn chống việc chính quyền lấy lại quyền sở hữu của Giáo Hội trên các tài sản mà họ đã làm chủ gần một thế kỷ. Theo ông Marchant, đối thoại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu từ năm 1993, hai năm trước khi hai nước cựu thù thiết lập liên lạc ngoại giao. Gần 55.000 (đúng ra là trên 58.000) người Mỹ và có lẽ hơn một triệu người Việt đã chết trong cuộc chiến giữa hai nước kéo dài hơn tám năm. Những thảo luận đầu tiên là về các nhân viên Mỹ vẫn còn trong danh sách tù nhân hay mất tích trong chiến tranh. Tiếp theo là những thảo luận về nhân quyền tại một nơi mà ông Marchant cho rằng vẫn còn là một nước toàn trị. Ông nói rằng những ngôn ngữ thẳng thừng như vậy không ngoài lãnh vực ngoại giao. Ông Marchant cho biết mỗi năm hai nước mở một cuộc đối thoại chính thức về nhân quyền. Lần mới nhất diễn ra vào ngày 13 tháng 12 vừa qua. Một phần trong phận vụ của ông là làm việc với cấp trên ở Washington để đặt kế hoạch cho những vấn đề sẽ nêu ra tại các cuộc đối thoại này. Ông Marchant cho biết: “Trong quá khứ, những cuộc đối thoại này không có mấy kết quả, nhưng chúng tôi đã cố gắng nâng chúng lên khỏi tầm mức chỉ chống đối lẫn nhau, và tiến tới việc tìm một địa hạt rõ ràng, cụ thể mà chúng tôi có thể hợp tác được, như: Thực thi Công ước chống tra tấn, làm việc trên tranh chấp chủ quyền đất đai, cùng nhau làm việc về cải tổ lao động, để chắc chắn rằng luật của Việt Nam phù hợp với chuẩn mực quốc tế”. Về phía họ, Việt Nam đã nêu ra việc Hoa Kỳ đối xử với các phần tử bị nghi là khủng bố tại nhà tù ở Vịnh Guantanamo, lên án nhân viên quân sự Hoa Kỳ đã tra tấn tại trại giam Abu Ghraib ở Iraq, và những vụ cảnh sát bạo hành tại Hoa Kỳ. Ông Marchant nói: “Chúng tôi là người đầu tiên nhận rằng chúng tôi không hoàn hảo”, và chỉ ra cho phía Việt Nam biết rằng chính quyền Hoa Kỳ đã bỏ tù những quân nhân bị xử là có tội trong vụ Abu Ghraib. Nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói rõ: “Khác biệt lớn giữa hai nước là nếu người có thẩm quyền tại Hoa Kỳ lạm dụng một cá nhân, thì họ phải đi tù”. Ông Marchant nói: Trong năm qua, 25 công dân Việt Nam đã phải vào tù vì chỉ trích chính quyền của họ, và các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nói rõ rằng cách đối xử như vậy là không chấp nhận được, nếu hai nước muốn cải thiện liên lạc. Ông Marchant cho biết ông gặp gia đình những người tù đối kháng, và phản đối về cách đối xử với tù nhân. Ông nói: “Thỉnh thoảng chúng tôi thành công qua việc có người được thả”. Trong thời gian có những cuộc thăm viếng của bà Ngoại trưởng, ông Marchant cho biết Bà đã nói với Việt Nam rằng Hoa Kỳ muốn nâng liên lạc song phương, kể cả thương mại, lên tầm mức cao hơn. Tuy nhiên, thành tích nhân quyền [của VN] là một trở ngại cho điều đó. Ông nói những trao đổi như vậy đem lại nhiều tiến bộ quan trọng. Trong cuộc viếng thăm hồi tháng Mười vừa qua, Bà đã chứng kiến việc ký kết thỏa hiệp với Bộ Công an Việt Nam trong việc nhận trợ giúp từ Hoa Kỳ để thực thi việc cấm tra tấn. Chính quyền Hoa Kỳ cũng đề nghị làm việc với Việt Nam trong việc phát triển một hệ thống toàn diện về quản trị đất đai có thể giúp cho việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền đất đai. Ông Marchant cho biết, trước khi rời Việt Nam, ông hy vọng hai chính quyền sẽ kết thúc một bản ghi nhớ thỏa thuận về vấn đề này. Tiến bộ cũng đã đạt được về phương diện tự do tôn giáo – như việc chấp thuận bản in Thánh Kinh bằng tiếng H’mong, và số lượng đăng ký các cộng đoàn thiểu số đã tăng lên tại Cao Nguyên Tây Bắc. Sự cống hiến của ông cho những thành quả như vậy nằm trong số các lý do khiến ông Marchant, từng tốt nghiệp Đại học Brigham Young, nhận được giải Nhân quyền và Dân chủ. Cuối năm nay, ông Marchant, người trước đây đã làm việc với tư cách tham vụ chính trị tại Cộng Hòa Czech, tại Trung Quốc và nhiều nước khác, sẽ đảm nhận nhiệm vụ tại Washington, ông sẽ điều khiển một nhóm năm người đặc trách về Trung Quốc và Mông Cổ tại bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. |