Home Tin Tức Thời Sự Ðại sứ Mỹ tiếc 'chưa có đại học kiểu Mỹ' ở Việt Nam

Ðại sứ Mỹ tiếc 'chưa có đại học kiểu Mỹ' ở Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 07 Tháng 1 Năm 2011 15:04

* Sinh viên trong nước chê giáo trình... dổm.

HÀ NỘI (TH) - Trong buổi họp báo chiều 6 tháng 1 tại Hà Nội trước khi mãn nhiệm kỳ, Ðại Sứ Mỹ Michael Michalak cho rằng thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là vấn đề giáo dục.

 Sinh viên trường Cao Ðẳng FPT Polytechnic. (Hình: Tin Nhanh)
 Câu nói của ông được các ký giả trong nước ghi nhận: “Chúng ta đang đi vào kỷ nguyên của kinh tế tri thức cho nên chúng ta cần một nền giáo dục tốt.” Ông cũng tỏ ý hối tiếc “chưa kịp trợ giúp để thành lập một trường đại học kiểu Mỹ tại Việt Nam.”

Nhận định của ông Michael Michalak khái quát được thực trạng nền giáo dục Việt Nam hiện nay, mà từ 20 năm trước, nguyên bộ trưởng Giáo Dục cộng sản Việt Nam thời đó là ông Trần Hồng Quân đã lớn tiếng báo động: “Ngành giáo dục Việt Nam đang đứng trên bờ vực phá sản.” Nhưng lời tự thú chân thành này đã không đánh động được ai.

Ngày 13 tháng 9, 2010, Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội khánh thành Trung Tâm Tư Vấn Giáo Dục Hoa Kỳ, giúp các du sinh muốn đến Hoa Kỳ du học các hướng dẫn để họ lựa chọn.

Con số sinh viên Việt Nam đến Hoa Kỳ du học ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, và Hoa Kỳ nằm trong số 10 nước dẫn đầu có sinh viên Việt Nam du hoạc đông nhất. Những con số thống kê mới nhất hồi năm ngoái nói tổng số sinh viên Việt Nam du học Hoa Kỳ là hơn 13,000 người.

Ðối chiếu thực tế nền giáo dục Việt Nam hiện nay với lời phát biểu của ông Trần Hồng Quân hai thập niên trước, giới sinh viên trong nước nhìn thấy điều ông cảnh báo đó rõ như ban ngày.

 Sinh viên trường Cao Ðẳng Thực Hành FPT Polytechnic cho biết: “Chúng tôi mua giáo trình ngoại quốc về dịch sang tiếng Việt để học vì giáo trình bậc đại học-cao đẳng ở Việt Nam quá thấp so với thế giới, nhất là về công nghệ thông tin.” Ðó là những sinh viên có khát vọng tiến thân. Ðại đa số còn lại đành “ôm” những giáo trình của thầy dạy trước kỳ thi một cách miễn cưỡng cho “hợp gu” thầy, để được điểm cao.

 Ðại Sứ Michalak vỗ tay sau khi cắt băng khánh thành trung tâm tư vấn về giáo dục Hoa Kỳ ở Hà Nội ngày 13 tháng 9, 2010. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


 Mai Hương, sinh viên trường Ðại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn ở Saigon tâm sự: “Chúng tôi mượn hoặc sao chụp giáo trình để ôn thi cho qua chuyện chứ không coi đó là tài liệu nghiên cứu giúp tăng kiến thức lâu dài.”

Chê giáo trình trong nước, các sinh viên trường Cao Ðẳng FPT Polytechnic dựa vào giáo trình của các nhà xuất bản McGraw Hill, Pearson, Wiley... để “tiếp cận” với kiến thức thời đại.

Một thực trạng đáng tiếc khác kéo dài từ khi chế độ cộng sản bành trướng tại Việt Nam cho đến nay là nạn viết luận án tốt nghiệp thuê. Hiện nay, viết thuê luận án tốt nghiệp cho các sinh viên lười đã là một nghề được quảng bá công khai trên mạng, với giá công từ 200,000 đến nửa triệu đồng.

Các tiệm photocopy bày bán các bài luận án viết sẵn với giá rẻ và được viết lại liên tục để bài sau hơi khác bài trước, để làm hài lòng sinh viên học kiểu “ký gửi,” đặc biệt là các môn kinh tế-chính trị học, triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học... Nhu cầu của họ đã tạo nên nghề “bán chữ” ở trong nước: viết thuê luận án thi tốt nghiệp cho sinh viên lười.

Báo chí Việt Nam hồi năm ngoái còn phanh phui cho thấy nhiều quan chức của chế độ bỏ tiền ra mua xài các văn bàng dỏm, mua từ những tổ chức bán bằng tiến sĩ, cao đẳng dỏm ở Hoa Kỳ. Dù vậy, họ vẫn được cắt đặt vào các chức vụ quan trọng.