Lễ bế mạc Năm Thánh 2010 của GHVN tại Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang |
Tác Giả: www.conggiaovietnam.net |
Thứ Năm, 06 Tháng 1 Năm 2011 08:40 |
Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới.
Ngày 6-1-2011, Lễ Hiển Linh Đức Hồng y Ivan Dias giảng lễ Thánh lễ do Đức Hồng y Ivan Dias – Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, Đặc sứ của Đức Thánh Cha, chủ tế cùng với 35 giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, 7 giám mục thuộc các Hội đồng Giám mục anh em và khoảng 1200 linh mục. Hơn 500.000 tu sĩ và giáo dân khắp nơi trong nước và ngoài nước đã tham dự Thánh lễ đặc biệt long trọng này. Lúc 7g30 đoàn rước bắt đầu tiến ra Lễ đài trong tiết trời khá đẹp. Thánh lễ khởi sự lúc 8g. Mở đầu bài giảng, ĐHY Dias chúc mừng Giáo Hội Việt Nam nhân dịp kỷ niệm hai đại lễ: 350 năm thành lập hai giáo phận Tông tòa đầu tiên và Kim Khánh thành lập hàng giáo phẩm Công giáo tại Việt Nam. Ngài điểm qua các cử hành chính trong Năm Thánh và nêu bật ý nghĩa của việc bế mạc Năm Thánh vào ngày Lễ Hiển linh hôm nay, ngày lễ ý nghĩa nhất của sứ mệnh Giáo Hội: đó là sự tỏ mình của Chúa Giêsu cho các Dân các Nước. ĐHY mời gọi mọi người cảm tạ Chúa về mọi hồng ân đã lãnh nhận trong quá khứ và trong Năm Thánh này, nhờ sự hy sinh quảng đại của các nhà truyền giáo. Kết thúc bài giảng, ngài nguyện xin cho mọi người noi gương 3 nhân đức của Đức Mẹ: Fiat, vâng theo ý Chúa – Magnificat, ca ngợi cảm tạ Chúa và Stabat, nhẫn nại và bền đỗ. Thánh lễ kết thúc lúc 10g40. Lúc này trời đã đổ mưa như hồng ân Chúa tuôn đổ trên Giáo Hội Việt Nam. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Hồng y Ivan Dias. Bài giảng của ĐHY Ivan Dias, Đặc sứ của Đức Thánh Cha “Đây là ngày Thiên Chúa đã dựng nên, Anh chị em thân mến trong Chúa Giêsu Kitô, 1. Chúng ta họp nhau đây để cử hành Năm Thánh của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, kỷ niệm 350 năm thành lập hai địa phận tông tòa đầu tiên “Đàng Trong và Đàng Ngoài” và Kim Khánh thành lập hàng giáo phẩm Công giáo tại Việt Nam. Tôi hết lòng chúc mừng hai đại lễ kỷ niệm này. Phụng vụ Thánh Thể hôm nay muốn là một cử hành tạ ơn trọng thể của toàn Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam. 2. Sau những chuẩn bị lâu dài và các lễ nghi khai mạc trọng thể tại Sở Kiện trong Tổng giáo phận Hà Nội ngày 24 tháng 11 năm 2009, Giáo Hội Việt Nam đã phát động ở cấp giáo phận và cấp giáo xứ nhiều cử hành, hành hương, sáng kiến mục vụ và đạo đức, và sau cùng là Đại hội Dân Chúa diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 11 vừa qua. Năm Thánh đến hồi kết thúc và đạt đỉnh cao nhất trong đại lễ Hiển Linh, dưới cái nhìn âu yếm hiền mẫu của Đức Trinh Nữ rất thánh Maria, Đức Bà La Vang , Mẹ của chúng ta ở trên trời. Giáo Hội Việt Nam, dưới sự dẫn dắt khôn ngoan của Hội đồng Giám mục, đã muốn bế mạc Năm Thánh trong ngày lễ ý nghĩa nhất của sứ mệnh Giáo Hội: đó là sự tỏ mình của Chúa Giêsu cho các Dân các Nước. Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1Ga 4,8) đã tỏ mình trong người Con duy nhất của mình, ở Bêlem cách đây hai ngàn năm và còn tiếp tục tỏ mình cho chúng ta và cho tất cả những ai biết nhận ra Người trong đời sống hằng ngày. Thật vậy, “những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). 3. Hiệp nhau quanh bàn thánh này được dựng lên giữa trời và đất, chúng ta tiến dâng Thiên Chúa “hy lễ ca tụng” (x. Dt 13,15), để cảm tạ Người về mọi hồng ân đã lãnh nhận trong quá khứ và trong Năm Thánh này. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, Cha nhân hậu của chúng ta, về tình yêu vô biên đối với chúng ta, vì Người đã chọn chúng ta, không do công nghiệp gì của chúng ta, giữa gần 7 tỉ người sống trên trái đất này. Nhờ sự giảng dạy quảng đại và can đảm của các thừa sai đến từ các nước xa xôi, chúng ta được biết Tin Mừng của Chúa Kitô, Đấng Cứu thế duy nhất của thế giới, và trong Người chúng ta tuyên xưng đức tin với lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Chúa Giêsu là quà tặng lớn nhất và quý nhất mà Thiên Chúa, Cha chúng ta ở trên trời, đã ban cho mỗi người chúng ta và cho toàn thể nhân loại.Vì thế lễ Hiển Linh phải khơi động trong chúng ta và trong mọi tín hữu, tâm tình ngợi khen và cảm tạ về hồng ân đức tin, và mời gọi chúng ta chia sẻ món quà vô giá này cho các anh chị em ngoài Kitô giáo, cầu nguyện và làm việc “ngõ hầu mọi người trong vũ trụ trở thành Dân Chúa, Thân thể Đức Kitô và Đền thờ Chúa Thánh Thần” (LG, 17). 4. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì các ân phúc dồi dào đã đổ xuống trên Giáo Hội tại Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua, từ ngày Tin Mừng được rao giảng trên Đất nước này. Với lòng tri ân thẳm sâu chúng ta nhớ lại tất cả những người đã góp phần xây dựng và làm phát triển Giáo Hội này bằng chính mồ hôi và xương máu của họ. Đồng thời chúng ta cũng nắm bắt cơ hội đặc biệt mà Năm Thánh cống hiến, để tự vấn lương tâm - trong tư cách cộng đồng Giáo Hội cũng như trong tư cách cá nhân – chúng ta có thể sống đức tin thế nào cho tốt hơn và có thể thực hành khá hơn sứ mệnh chúng ta đã nhận lãnh từ Chúa Giêsu Chúa chúng ta: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20). Huấn lệnh nây ngày nay rất khẩn trương và nghiêm khắc hạch hỏi lương tâm chúng ta, khi chúng ta nghĩ đến 94% người Việt chưa biết Chúa Giêsu. 5. Việc cử hành Năm Thánh mời gọi chúng ta nghe lại lời Đức Gioan Phaolô II: “Tôi khuyến khích các mục tử Giáo Hội địa phương, được hỗ trợ và tham dự của các thành phần Dân Chúa khác nhau, tin tưởng vạch ra các giai đoạn cho con đường tương lai, hòa hợp với các lựa chọn của các cộng đoàn giáo phận, với các lựa chọn của các Giáo Hội láng giềng và của Giáo Hội toàn cầu” (NMI, 29). Vì thế, cần phải “bắt đầu lại từ Chúa Kitô”, một Chúa Kitô cần được biết, yêu mến, bắt chước, loan báo, để sống trong Người đời sống ba ngôi và để nâng cao với Người, lịch sử Đất nước này (x. Nt). Tôi chắc rằng các đề nghị của Đại hội Dân Chúa đã diễn ra trong tháng 11 vừa qua, sẽ vạch ra những hướng đi mục vụ và truyền giáo cụ thể cho Giáo Hội này trong những năm sắp đến, làm nổi bật bản tính của Giáo Hội, đời sống cầu nguyện cá nhân được nuôi dưỡng bởi sự tham dự hiệu quả phụng vụ và các bí tích, nhất là Thánh Thể, bởi việc đọc, suy niệm Lời Chúa; việc nên thánh, đức ái, việc thăng tiến con người toàn diện, các công tác bác ái xã hội, thánh hóa gia đình, giáo dục giới trẻ, hội nhập văn hóa, cổ võ khắp nơi lòng sùng kính Thánh Thể và Đức Mẹ Maria, và truyền giáo trong ý nghĩa rộng rãi nhất của nó. 6. Tôi cầu nguyện để sau các cử hành đẹp đẽ này, mỗi người trong anh chị em đang làm thành 6 triệu người công giáo Việt Nam, từ các giám mục, linh mục, đến người giáo dân sau cùng, quyết định dấn thân cách nghiêm túc để hoán cải và thánh hóa bản thân, cho vinh quang Chúa, cho việc truyền bá đức tin và cho hương thơm Chúa Giêsu Kitô tỏa lan qua công việc làm và qua chứng tá đời sống cá nhân. Thực vậy, nếu Giáo Hội Việt Nam hãnh diện có 117 Thánh tử đạo được phong hiển thánh, cầu bầu cho mình cạnh tòa Chúa, Giáo Hội Việt Nam hơn bao giờ hết cần sự thánh thiện của con trai con gái mình, vốn sống bình thường nhưng can đảm bên cạnh những người anh em đồng bào trong xã hội, trong môi trường làm việc, trong hãng xưởng, ở học đường, nơi bàn giấy, trong nhà máy, ngoài đường phố, trên xe buýt, giữa chợ đời. “Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13-14). Dù ở bất cứ nơi đâu, chúng ta phải thánh hóa bản thân, thánh hóa việc làm hoàn hảo hóa nó để dâng lên Chúa, thánh hóa môi trường làm cho nó lành mạnh hơn, nhân bản hơn, liêm chính hơn, công bằng hơn. Chính nhờ sống yêu thương nhau mà người ta nhận ra chúng ta là môn đệ Đức Kitô (x. Ga 13,35). Chúa Kitô đã thắng thế gian, Người cũng muốn chúng ta cùng thắng với Người, với Người và trong Người. Chúng ta nhớ lại với lòng biết ơn Đức Trinh Nữ đã hiện ra nơi đây năm 1798 để an ủi những tín hữu dầu tiên lánh nạn trong rừng, chịu đau khổ vì bách hại, vì đói khát, vì thời tiết khắc nghiệt. Đức Mẹ đã nói với những người công giáo bị lùng bắt bấy giờ rằng: “Các con hãy vững tâm, hãy cam lòng chịu đau khổ: Mẹ đã nghe lời cầu các con. Từ nay về sau tất cả những ai đến đây cầu nguyện, sẽ thấy ước nguyện của họ được khấng nhậm”. Tôi xin phó thác Nước Việt Nam thân yêu này cho Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ La Vang , và tôi cầu nguyện với anh chị em, cho sự phồn thịnh vật chất và thiêng liêng của dân tộc Việt Nam . Nguyện cầu Đức Trinh Nữ Maria thương cho anh chị em biết sống gương mẫu đời sống Kitô và biết bắt chước ba nhân đức lớn của Mẹ, đó là: FIAT - MAGNIFICAT - STABAT. FIAT bằng cách chấp nhận luôn luôn và không dè dặt ý muốn của Thiên Chúa. MAGNIFICAT bằng cách ca ngợi và cảm tạ Chúa về các ân sủng và ơn lành lớn nhỏ mà Người ban cho. STABAT bằng cách sống nhẫn nại và bền đỗ những thách đố và khó khăn của cuộc sống hằng ngày cho hơi thở cuối cùng. “Lạy Đức Mẹ La Vang , xin cầu cho chúng con. Amen.” |