2010 : Năm đồng euro suýt chết |
Tác Giả: Thụy My |
Thứ Bảy, 01 Tháng 1 Năm 2011 22:10 |
Do không phải là một thực thể đồng nhất về chính trị, kinh tế, chế độ thuế khóa, xã hội cũng như văn hóa, khu vực đồng euro sẽ bị đe dọa nghiêm trọng ngay từ khi có những dấu hiệu suy thoái đầu tiên ; vì những lợi ích cục bộ, những bất đồng có mầm mống xưa nay sẽ nổi lên cùng một lúc. Đó cũng là những gì đã xảy ra trong năm 2010, năm mà đồng euro đã suýt phải nói lời vĩnh biệt. Hồ sơ của nhật báo Le Monde điểm lại một năm mà đồng tiền châu Âu có lúc tưởng đã đến hồi cáo chung. Như trong trò chơi domino, bắt đầu là nguy cơ phá sản của Hy Lạp, sau đó cả khu vực đồng euro đã chao đảo. Thành viên mới của đồng tiền chung : đồng euro Estonia, lưu hành kể từ ngày 01/01/2011 / Reuters Tờ báo nhắc lại những nghi ngờ trước đây trước dự án cho ra đời đồng euro của cựu lục địa, và nhắc lại lời của nhà kinh tế Mỹ Milton Friedman vào năm 1996, không tin sẽ gầy dựng được một đồng tiền duy nhất cho châu Âu trong những thời điểm dự kiến lần lượt là 1997, rồi 1999. Nhưng đồng euro đã được khai sinh. Những lời chỉ trích tạm lắng dịu trong vòng mười năm. Có điều, ông Friedman, vốn là một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhiều nhất trong thế kỷ 20 đã không sai. Ông lý giải, do không phải là một thực thể đồng nhất về chính trị, kinh tế, chế độ thuế khóa, xã hội cũng như văn hóa, khu vực đồng euro sẽ bị đe dọa nghiêm trọng ngay từ khi có những dấu hiệu suy thoái đầu tiên ; vì những lợi ích cục bộ, những bất đồng có mầm mống xưa nay sẽ nổi lên cùng một lúc. Đó cũng là những gì đã xảy ra trong năm 2010, năm mà đồng euro đã suýt phải nói lời vĩnh biệt. Le Monde điểm qua những mốc thời gian lớn. Trước hết là ngày 4/10/2009, khi tân Thủ tướng Hy Lạp Georges Papandréou bắt tay vào thực hiện lời hứa lúc tranh cử là tiến hành chương trình tái thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng chưa đầy hai tuần lễ sau, ê-kíp của ông khi kiểm tra lại kỹ càng đã sửng sốt nhận ra, thâm hụt ngân sách không phải ở mức 6% tổng sản phẩm nội địa như chính phủ tiền nhiệm đã loan báo. Bruxelles và các thị trường tài chính kinh ngạc khi biểt rằng thật ra tỉ lệ này lên đến 12,7%, và đến cuối năm 2010 mới có được con số chính xác là 15,4%. Đây vốn là thói quen che giấu số liệu thực tế của Hy Lạp. Để được kết nạp vào khu vực đồng euro năm 2001, chính phủ đảng Xã hội thời đó đã cậy nhờ ngân hàng Goldman Sachs dùng thủ thuật che giấu một phần thâm hụt ngân sách. Bỗng chốc bao nhiêu khuyết điểm của Athènes đều bị phơi bày : công nghiệp nghèo nàn, chính quyền tham nhũng, hoạt động kinh tế ngầm chiếm đến 35% tổng sản phẩm nội địa, một đất nước 11 triệu dân mà chỉ có 5.000 người kê khai thu nhập thường niên trên 100.000 euro…Một ví dụ về nạn trốn thuế : trong các khu phố sang trọng ở thủ đô Hy Lạp, chỉ có 300 gia đình khai là nhà có hồ bơi, trong khi hình ảnh vệ tinh cho thấy có đến 17.000 hồ bơi riêng. Hy Lạp đã mất hoàn toàn uy tín trong mắt các nhà đầu tư tài chính, lâu nay vẫn mua trái phiếu của các nước mà không phân biệt. Từ lúc đó, Athènes đã phải đi vay với tỉ lệ lãi ngày càng cao, lại bị các cơ quan thẩm định tài chính đánh tụt hạng. Các nước khác như Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha cũng bị vạ lây, những nhà đầu cơ tầm cỡ thế giới họp lại với âm mưu đánh tụt đồng euro xuống mức có tỉ giá hối đoái ngang với đồng đô la. Ngày 23/4/2010, Thủ tướng Hy Lạp chính thức kêu gọi các quốc gia châu Âu khác giúp đỡ. Nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel kiên quyết không muốn ra tay hỗ trợ, bên cạnh đó là sức ép từ cử tri, dư luận và báo chí Đức. Đến đầu tháng 5 thì bà nhượng bộ đôi chút và đòi hỏi phải có sự tham gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, một điều mà các nước châu Âu khác không hề muốn. Cuối cùng, một ngân khoản 110 tỉ euro được dành cho Hy Lạp với các điều kiện thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt, dẫn đến một loạt các vụ biểu tình dữ dội của dân chúng. Nhưng khủng hoảng đã lan đến các nước Nam Âu khác. Ngày 10/5/2010, các Bộ trưởng Tài chính châu Âu họp tại Bruxelles như ngồi trên đống lửa, khi thị trường bên ngoài có nguy cơ bùng nổ vì lo sợ khủng hoảng lây lan sang các nước châu Âu khác, thậm chí toàn cầu. Châu Âu đã quá chậm chạp khi ra tay cứu vớt Hy Lạp ! Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đích thân gọi điện thoại cho Thủ tướng Đức, và số tiền dành cho Quỹ Ôn định Tài chính châu Âu nhằm hỗ trợ các nước gặp khó khăn ban đầu chỉ có 60 tỉ euro, vào phút cuối của hội nghị lúc hai giờ sáng, đã lên đến 750 tỉ euro. Thị trường chứng khoán mở cửa sau đó đầy phấn khởi. Đồng euro trước mắt đã được cứu thoát. Ngày 30/9/2010, đến lượt chính phủ Ireland công bố cái giá phải trả để cứu vãn ngân hàng Anglo-Irish Bank cùng với một số ngân hàng khác, lên đến 50 tỉ euro. Người dân công kích Thủ tướng Brian Cowen đã bảo lãnh cho các ngân hàng, không hạn chế tình trạng vay nợ tín dụng bừa bãi dù không đủ khả năng chi trả, không ngăn chận quả bóng địa ốc… Thâm hụt ngân sách lên đến 32% tổng sản phẩm nội địa, còn nợ công thì đến 100%, với những con số đáng sợ này, không thể nào ngăn được thị trường tài chính nổi sóng. Bộ ba đã từng trợ giúp Hy Lạp là Ủy ban châu Âu, Ngân hàng châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế phải họp khẩn cấp. Ban đầu từ chối, nhưng cuối cùng Ireland phải chấp nhận kế hoạch hỗ trợ 85 tỉ euro, và phải áp dụng chính sách khắc khổ. Đến ngày 18/10, thỏa thuận ngầm giữa Pháp và Đức tại Deauville lại đổ dầu vào lửa, khi bà Merkel chấp nhận không trừng phạt các nước không tuân thủ được những điều kiện của hiệp ước ổn định châu Âu, nhưng đổi lại, các nhà đầu tư tư nhân cũng phải chia sẻ một phần thiệt hại trong trường hợp phá sản. Hậu quả là trái phiếu của các nước có nền kinh tế yếu kém hơn liền bị bán tống bán tháo ra thị trường. Cuối tháng 11, các nước châu Âu đành phải cam kết sau 2013, phần chia sẻ của lãnh vực tư nhân nếu phá sản sẽ được cân nhắc từng trường hợp cụ thể, và nhờ đó, đồng euro đã được vực dậy. Và ngày đầu năm mới 2011, nếu nhiều người dân Estonia đã vui mừng khi nước mình chính thức gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu, thì một số tự hỏi, liệu có phải họ đang bước chân lên con tàu Titanic hay không.
|