Home Tin Tức Thời Sự Texas có tân giám sát viên quận hạt gốc Việt

Texas có tân giám sát viên quận hạt gốc Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Bảy, 01 Tháng 1 Năm 2011 21:03

'Hội nhập cuộc sống mới ở Hoa Kỳ không dễ dàng tí nào.'

 

ARLINGTON, Texas (Star-Telegram) - Hôm nay, ngày Tết Dương lịch 2011, là một ngày lịch sử của ông Hùng Nguyễn, và của cộng đồng Việt Nam tại Arlington, Texas, sau khi ông tuyên thệ trở thành giám sát viên gốc Việt đầu tiên trong lịch sử Tarrant County, một quận hạt có khoảng 1.7 triệu dân, nằm phía Bắc tiểu bang Texas.

 
Ông Hùng Nguyễn, tân giám sát viên Tarrant County, Texas. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
 
Ông Hùng, tên Mỹ là Andy Nguyễn, từng là chủ tịch cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Tarrant County và hiện là phó chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ, nói với báo Star-Telegram rằng “đây là sự ra đời lần thứ hai” của ông.

Hơn thế nữa, vị tân giám sát viên Tarrant County từng là thuyền nhân, gặp khó khăn hội nhập xã hội Mỹ, đi lính, bị án treo, lập gia đình, kinh doanh và bây giờ là giám sát viên quận hạt.

“Ðiều này chỉ xảy ra tại nước Mỹ,” ông Hùng nói. “Ðây là quốc gia tuyệt vời nhất. Không nơi đâu trên thế giới mà một đứa trẻ 14 tuổi không nói được tiếng Anh, dám điều hành một công ty trị giá hàng triệu đô la, rồi trở thành giám sát viên, và có thể còn đi xa hơn nữa.”

Ðể trở thành người Mỹ gốc Châu Á đầu tiên đắc cử vào Hội Ðồng Giám Sát Tarrant County, ông Hùng Nguyễn, 44 tuổi, đúng là người xuất hiện đúng chỗ, đúng lúc, ông Craig Ownby, một nhà vận động chính trị đảng Cộng Hòa, nói.

“Tôi nghĩ ông có khả năng trở thành một ngôi sao chính trị,” ông Ownby nói.

Ông Tom Hà, một ủng hộ viên của ông Hùng, nói vị tân giám sát viên này là một “trailblazer” (chiếc xe ủi).

“Cộng đồng Việt Nam rất tự hào về ông,” ông Tom nói. “Ông là một sự khích lệ và họ nhận ra rằng ông có thể làm được nhiều việc lớn hơn nữa.”

Chuyến vượt biển đáng nhớ

Cả hai sự ra đời của ông Hùng Nguyễn đều rơi vào tháng 8.

Ông sinh ngày 15 tháng 8, 1966 tại Vũng Tàu, một thành phố có nhiều bãi biển nổi tiếng đối với binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Cha của ông là chủ tịch một ngân hàng. Nhưng cuộc đời ông Hùng thay đổi hoàn toàn ngày 30 tháng 4, 1975 khi Cộng Sản xâm chiếm miền Nam.

Lúc đó, dù mới được 8 tuổi, cậu bé Hùng Nguyễn chứng kiến binh sĩ Cộng Sản vào khám nhà để tìm vàng, sau khi người cha bị tố cáo tài trợ cho cuộc chiến và làm việc cho CIA. Họ không tìm thấy gì, nhưng vẫn bắt người cha đi tù.

Ba năm sau, người cha được thả và gia đình bắt đầu một cuộc vượt biên tìm tự do.

Một năm sau, hai người anh lớn nhất của Hùng Nguyễn vượt biên bằng đường biển và được bạn của cha bảo lãnh sang sống ở Covington, Kentucky.

Sau 10 lần không thành công, cuối cùng, ông Hùng cùng với cha và bốn anh chị em vượt biên năm 1981, ông Hùng kể. Nhưng người mẹ ở lại với người con trai út.

“Bà ở lại để không bị chú ý trong khi chúng tôi trốn lên thuyền phía sau nhà,” ông Hùng kể.

Tám mươi mốt người ém chặt trên con thuyền lênh đênh trên biển trong 10 ngày, và “sự ra đời” lần thứ nhì của ông Hùng đến vào ngày 26 tháng 8, 1981, sau khi tất cả đoàn tụ với hai người anh ở Kentucky.

Phải đến năm 1992 toàn bộ gia đình ông Hùng Nguyễn mới đoàn tụ sau khi người mẹ và người em út đến Mỹ.

“Hội nhập khó khăn”

Hội nhập cuộc sống mới ở Hoa Kỳ không dễ dàng tí nào.

Chỉ có mình cha của ông Hùng biết nói tiếng Anh, và tất cả các con phải học lại từ đầu, ông Hùng Nguyễn kể.

Lúc đó, chỉ có ít người Việt Nam sống ở Covington, và gia đình ông Hùng sống trong căn nhà chỉ có hai phòng.

“Cuộc sống lúc đó rất khó khăn,” ông Hùng nói. Ông rớt tất cả các lớp học, ngoại trừ lớp đại số trong năm học đầu tiên.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân điện toán, người anh lớn nhất tìm được việc làm và giúp gia đình trong khi người cha làm công nhân lắp ráp trong một xưởng sản xuất và trở thành “người mẹ” nuôi nấng các con, ông Hùng kể.

“Chúng tôi cứ thay phiên nhau như vậy và cuối cùng mọi anh chị em chúng tôi đều hoàn tất ít nhất là bậc cử nhân,” ông Hùng kể. “Chúng tôi biết giáo dục là yếu tố giúp chúng tôi thành công.”

Ông Hùng Nguyễn tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh tại đại học University of Kentucky. Ông cũng tham gia chương trình quân sự trừ bị, vào công dân Mỹ và trở thành sĩ quan lục quân năm 1990.

“Tôi đặt ra mục tiêu trở thành tướng lãnh gốc Châu Á đầu tiên trong quân đội Mỹ. Tôi rất háo hức về chuyện này,” ông Hùng nói.

Khi cuộc chiến vùng Vịnh bắt đầu tháng 1, 1991, ông Hùng đóng tại Fort Sill, Oklahoma, với nhiệm vụ huấn luyện pháo binh.

Sau khi cuộc chiến chấm dứt, sự nghiệp của ông Hùng rẽ sang một hướng khác vì quân đội giảm quân số.

“Một sự bẽ mặt”

Rồi ông về vùng Dallas-Fort Worth sống với bà con và làm việc cho một công ty viễn thông do người anh họ làm chủ.

Khi doanh nghiệp bị đóng cửa, ông liều mạng bỏ vốn mua một cửa tiệm bán hàng ở Fort Worth.

Trong một lần vật lộn với kẻ cướp, ông Hùng bắn trúng vào chân mình. Ông cũng từng bị bắt vì đổi phiếu trợ cấp thực phẩm trị giá $250 để lấy $150 tiền mặt.

“Vụ đó là một sự bẽ mặt,” ông nói. “Ý định của tôi là giúp người ta, nhưng sự việc đó là sai trái, và chính nó thay đổi cuộc đời tôi, đưa tôi sang một hướng mới, dạy cho tôi một bài học là không bao giờ được làm sai nguyên tắc.”

Ông Hùng nhận tội vào năm 1994 và bị án treo bốn năm.

Sau đó, theo lời khuyên của vợ, bà Julie Vũ, người mà ông gặp tại một nhà thờ địa phương (ông Hùng có hai người anh làm linh mục), ông bắt đầu một công ty dịch vụ truyền thông, tên là AIT Technologies, với số vốn “sơ khởi $100” vào năm 1998.

Ông nói bây giờ công ty này có doanh thu hàng triệu đô la và có tám nhân viên.

Vận động thắng cử

Kể từ năm 1992, khi đã có ba đứa con, ông Hùng tham gia tích cực vào sinh hoạt cộng đồng Việt Nam ở Arlington. Thành phố có khoảng 11,000 người Việt Nam, theo thống kê năm 2009.

Rồi ông trở thành chủ tịch cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Tarrant County.

“Nhưng tôi muốn làm nhiều hơn,” ông Hùng nói, trước khi “xem xét tình hình chính trị” tại địa phương và quyết định tranh cử với GSV đương nhiệm, bà Marti VanRavenswaay, một người thuộc đảng Cộng Hòa nắm giữ chức vụ này trong 20 năm.

“Bề dày kinh nghiệm của bà Marti VanRavenswaay làm tôi lo ngại, thật sự mà nói như vậy,” ông Hùng nói. “Nhân vật này đương nhiệm 20 năm, làm sao mà tôi thắng được? Tôi họp ban vận động lại và thảo luận thẳng thắn với nhau rằng nếu tôi thắng thì tốt, mà nếu thua thì cũng tốt. Ðây là dịp để học hỏi kinh nghiệm cho sau này. Chẳng có gì để mất cả.”

Trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi tháng 3, ông Hùng được 43% số phiếu trong số ba ứng cử viên Cộng Hòa. Hai ứng cử viên kia là bà Marti VanRavenswaay và ông Joe McHaney. Sau đó một tháng, ông Hùng thắng bà Marti VanRavenswaay trong cuộc bầu cử vòng hai, đạt được 62% số phiếu. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 11, không có đối thủ nào của đảng Dân Chủ ra ứng cử với ông Hùng.

Bà Marti VanRavenswaay từ chối trả lời phỏng vấn của báo Star-Telegram.

Ông Hùng thắng một phần là nhờ sự ủng hộ của cộng đồng Việt Nam và cử tri đảng Cộng Hòa cũng như đảng Tea Party, ông Ownby nói.

Ông Allan Saxe, giáo sư chính trị học tại đại học University of Texas ở Arlington, nói rằng ông Hùng thắng cũng một phần vì làn sóng chống đối dân cử đương nhiệm khắp Hoa Kỳ.

“Nếu đang đương nhiệm, quý vị dễ bị mất ghế,” ông Saxe nói. “Bà Marti VanRavenswaay cũng là nạn nhân của làn sóng này. Tôi nghĩ bà là một giám sát viên tuyệt vời.”

“Nhưng ông Hùng là một người gây ấn tượng. Ông là một thế hệ chính trị gia mới,” ông Saxe nói tiếp.

Ông Tom Hà đồng ý.

“Ông Hùng được mọi người mến mộ. Khi nói chuyện, ông không phân biệt chủng tộc. Ông là một người thẳng thắn, chân thật và lương thiện,” ông Tom Hà nói.

Ông Tom Hà nói tiếp: “Ông sẽ là một giám sát viên công bằng, biết lắng nghe người dân. Ông không bị áp lực chính trị ảnh hưởng. Ông sẽ đại diện người dân và giúp cho cộng đồng chúng ta tốt hơn.” (Ð.D.)