Home Tin Tức Thời Sự Một phóng viên điều tra Trung Quốc bị đánh chết

Một phóng viên điều tra Trung Quốc bị đánh chết PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Tư, 29 Tháng 12 Năm 2010 09:03


Phóng viên Tôn Hồng Kiệt vừa bị thiệt mạng đã làm việc về một chủ đề nhạy cảm.

Cách đây hơn một tuần, tại khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), đã xảy ra vụ án phóng viên Tôn Hồng Kiệt, làm việc cho một tờ báo địa phương, bị đánh trọng thương, rồi tử vong mấy ngày sau đó.

 Cái chết của Tôn Hồng Kiệt trong lúc đang điều tra về cưỡng chế giải tỏa đã gây ra một làn sóng phản đối trên internet.

Nguyên nhân thực sự của vụ đả thương này thoạt tiên đã được cảnh sát địa phương tường thuật lại như một vụ xung đột thuần túy mang tính cá nhân. Tuy nhiên, cái chết của phóng viên Tôn Hồng Kiệt (Sun Hongjie) đã phơi bày một thực tế tại Trung Quốc : các quan chức và các doanh nghiệp, có những quan hệ mờ ám, sẵn sàng dùng các biện pháp cực đoan nhất để ngăn chặn tác nghiệp của các phóng viên.

Thông tín viên của RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh.

Nhà báo Tôn Hồng Kiệt lúc được đưa vào bệnh viện (DR)

"Lúc mới đầu Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, đã tường thuật lại vụ việc theo lời kể chính thức của cảnh sát địa phương.

 Vào lúc 23h ngày thứ sáu tuần trước nữa (17/12), nhà báo Tôn Hồng Kiệt đã yêu cầu một người bạn cùng đi uống nước. Người này đã đến cùng với năm người lực lưỡng khác. Họ đã đánh đập nhà báo này, vì tội đã bêu riếu người khác trên internet. Tuy nhiên, lời kể này không đứng vững được lâu.

Hôn mê vài ngày, nạn nhân sau đó đã chết tại bệnh viện vì vết thương quá nặng.

 Cả một biển thư điện tử và những lời bình tràn lên internet. Các đồng nghiệp của nhà báo bị đánh chết, cùng làm việc cho tờ Beijiang Chenbao (Bắc cương thần báo), một tờ báo của khu tự trị Tân Cương, đã cho biết thực tế là vụ đánh chết người này đã xảy ra không phải trong phố, mà là trên một công trường ở huyện lỵ Kuytun, thuộc khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ.

Phóng viên Tôn Hồng Kiệt vừa bị thiệt mạng đã làm việc về một chủ đề nhạy cảm. Tham nhũng, phá nhà và trục xuất cư dân.

Kể từ sau Đại hội Olympic năm 2008, các nhà báo tại Trung Quốc có quyền tự do phỏng vấn bất cứ ai và ở bất cứ đâu, chỉ cần người được hỏi đồng ý. Quy tắc mới này, tuy nhiên, không phải được tất cả đồng tình, đặc biệt là ở các tỉnh lẻ.

Gây ô nhiễm, cho xây dựng phép, sử dụng nhân công bất hợp pháp, trong những vụ việc như vậy, các quan chức và các chủ doanh nghiệp đã không ngần ngại dùng đến mafia để thanh toán những người nào quan tâm quá mức đến công việc của họ.

Chính là như vậy, mà ngày 23 tháng 12 vừa qua, nhà báo Qiu Ziming (Cừu Tử Minh) thấy mình có tên trong danh sách bị truy nã của công an tỉnh Triết Giang. Vụ việc này đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội trên internet.

 Sự thực là, phóng viên này là người đã tố cáo bị chủ doanh nghiệp hối lộ một chiếc máy tính cầm tay, để đổi lấy sự im lặng".