Home Tin Tức Thời Sự Châu Âu muốn kiểm soát đầu tư của các công ty Trung Quốc

Châu Âu muốn kiểm soát đầu tư của các công ty Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Ba, 28 Tháng 12 Năm 2010 19:16

Bruxelles muốn ngăn chặn việc Trung Quốc mua các công ty Châu Âu

Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay, chạy tựa trên trang nhất “Bruxelles muốn ngăn chặn việc Trung Quốc mua các công ty Châu Âu”.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Handelsbaltt của Đức, Ủy viên Châu Âu về Công nghiệp Antonio Tajani đã cho biết nỗi lo ngại về của ông trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Ủy viên Châu Âu về Công nghiệp Antonio Tajani (Reuters)

Cụ thể là các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng có khả năng mua được “các doanh nghiệp Châu Âu sở hữu các công nghệ then chốt trong các lĩnh vực quan trọng”.

Theo Ủy viên công nghiệp Châu Âu, tuy đây là một hoạt động đầu tư kinh tế, nhưng “ẩn đằng sau đó là một chiến lược chính trị”, chính vì thế “Châu Âu cũng cần phải phản ứng lại về mặt chính trị”.

Dựa trên mô hình của Ủy ban phụ trách các đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ, ông Antonio Tajani dự kiến thành lập một cơ quan kiểm soát các đầu tư tại Châu Âu.

Mặc dù hiện tại, Ủy ban Châu Âu chưa nhận được các đề xuất lập pháp mới, làm cơ sở cho sự ra đời của một cơ quan như vậy, nhưng, theo một chuyên gia Châu Âu am hiểu về tình hình, chắc chắn Ủy viên Châu Âu về Công nghiệp đã phải có lý do mới đưa ra một đề xuất như vậy.

Trong một số biến cố mới đây, như vụ công ty Trung Quốc Xinmao muốn mua lại công ty Hà Lan Draka, thuộc ngành công nghiệp dây cáp viễn thông, các nhân vật chủ chốt trong ngành muốn giới chính trị Châu Âu gây áp lực chống lại dự án này. Một số vụ mua bán gần đây càng làm tăng thêm mối lo ngại tại khu vực này, như vụ Geely mua lại công ty Volvo Thụy Điển, hay vụ công ty vận tải Cosco Trung Quốc mua quyền sử dụng một số khu vực chứa hàng của cảng biển Le Piree (Hy Lạp) trong vòng 35 năm.

Theo giám đốc Trung tâm Á Châu của Học viện Quan hệ Quốc tế Pháp, mục tiêu của Trung Quốc là thâm nhập vào thị trường Châu Âu, chiếm lĩnh một nhãn hiệu, một công nghệ hay một mạng lưới phân phối sản phẩm.

Sau khi rụt rè tiếp nhận sự ủng hộ của Trung Quốc đối với khu vực euro, Châu Âu hiện nay đang muốn thay đổi thái độ. Les Echos đặt câu hỏi, đến bao giờ Bruxelles mới chuyển lời nói thành hành động, bởi với khoản dự trữ 2 600 tỷ đô la, khả năng tấn công của Bắc Kinh vào Châu Âu là không thể xem thường.

Về khả năng Trung Quốc hỗ trợ trong việc giải quyết các món nợ của các quốc gia Châu Âu, Les Echos dẫn lời một chuyên gia thuộc một ngân hàng hàng đầu của Đức, Commerzbank, để lưu ý : nếu như sự trợ giúp của Bắc Kinh có thể có ích trong thời gian trước mắt, thì nó không thể nào thay thể cho một giải pháp dài hạn.

Các nước Châu Âu đang lâm vào cảnh nợ nần cần phải thuyết phục được thị trường vốn về năng lực tài chính của bản thân mình và tính hiệu quả của các kế hoạch giải cứu, chứ không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của một quốc gia khác. Bằng chứng là sau chuyến công du Athenes hồi tháng 10 vừa qua, bất chấp tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc ủng hộ đồng euro bền vững, và lời hứa của Trung Quốc mua lại các công phiếu Châu Âu, Aixơlen vẫn tiếp tục lao nhanh hơn đến bờ vực sụp đổ.