Home Tin Tức Thời Sự Nạn ‘cẩu tặc’ lộng hành, nỗi lo của người nuôi chó

Nạn ‘cẩu tặc’ lộng hành, nỗi lo của người nuôi chó PDF Print E-mail
Tác Giả: Liêu Thái/Người Việt   
Chúa Nhật, 26 Tháng 12 Năm 2010 13:33

QUẢNG NAM - Việt Nam chưa có một bộ luật bảo vệ động vật và cũng chưa có một điều luật nào bảo vệ chó.

 Trong trường hợp bị mất chó, nếu đi báo chính quyền thì công an địa phương sẽ xem đó là trò hề, họ mặc sức cười cợt.

 Một quán thịt chó ở vùng quê, Quảng Nam. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
 Rắc rối hơn nữa là nạn bắt chó trộm ở Việt Nam bây giờ đã phát triển lên mức lộng hành, kẻ bắt chó trộm không còn trốn tránh, lén lút như trước đây nữa mà công khai “hành nghề” ngay trước mắt mọi người, thậm chí ngay trước cơ quan công an mà chẳng hề hấn gì.

Chuyện dân bắt chó hành hung, hù dọa người nuôi chó diễn ra hằng ngày như cơm bữa.

Chính quyền không lên tiếng, người dân đâm ra sợ và im lặng đứng nhìn “cẩu tặc” bắt chó của mình ngay trước nhà mình một cách lạnh lùng.

Trước đây vài năm, dân bắt trộm chó cũng nhiều, nhưng không bạo động và lộng hành như bây giờ. Hồi đó kẻ trộm dùng bả chó là thịt nướng, xương sườn nướng, bánh mì... có trộn một ít xê-a-nua. Chừng 6 giờ chiều là dân trộm chó đến ngồi ở những đầu hẻm và các cổng làng, các đường vắng trong xóm, rải thức ăn quanh mình và chờ.

Chó chỉ cần nếm thức ăn vào là bị tê liệt ngay tức khắc, vì xê-a-nua là chất độc cực mạnh. Lúc này, kẻ trộm chỉ cần túm con chó mềm oặt bỏ vào bao tải và ung dung đi về.

Còn một cách bắt chó khác là dùng thòng lọng, kẻ bắt chó trộm buộc dây thòng lọng vào cây gậy dài chừng 2 mét, ngồi sau xe, bóp còi chọc chó rượt theo mình. Tay ngồi sau đợi cho con chó đuổi thật gần, tung thòng lọng, siết chặt, kéo đi một đoạn và túm bỏ bao. Một cách khác là dùng kìm dài (tự chế) kẹp cổ chó để bắt.

Có nhà cột chó bên cạnh chậu cây cảnh để giữ cây, sáng ra thấy cây mất, chó thì bị giết chết, kẻ trộm còn chừa lại chiếc đầu chó và một ít đất, rễ cây. Xem như thông điệp đe dọa hoặc cười cợt, đùa chơi.

Một thời gian, nạn mất chó gia tăng, người dân quê nổi giận, họ rủ nhau phục kích, bắt quả tang một số tay bắt chó trộm. Nghiệt nỗi, cũng có nhiều gương mặt quen thuộc với bà con lối xóm làm nghề này, phần đông bọn họ là dân nghiện rượu, nghiện cờ bạc, thất nghiệp, đói khổ. Bà con bắt được rồi cũng tha. Vì nếu đưa họ lên công an xã thì giỏi lắm họ cũng bị nện một trận vô nghĩa. Không có điều luật cụ thể để răn đe.

 Một người mua chó kẹp cổ chó và bắt bỏ giỏ, động tác rất nhanh, gọn... (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
  
Trước đây, có một số nơi, dân làng bắt được kẻ trộm chó, họ đánh tập thể cho đến chết và châm xăng đốt xác.

Ðã có mấy vụ như vậy ở một số tỉnh phía Bắc. Vẫn không có gì thay đổi, chó vẫn bị bắt, người nuôi chó trở thành kẻ thù của dân bắt trộm chó.

Cũng có một số vụ người đi đường bị đánh nhầm vì lỡ chọc chó sủa, dân làng tưởng bắt chó trộm, xông ra bắt trói và đánh đập, khi vỡ lẽ thì chuyện đã rồi.

Chính nạn bắt chó trộm lan tràn khiến cho bất kỳ người lạ nào đi rảo vào xóm tìm nhà bà con, người quen đều có thể bị dân làng để ý, nghi ngờ.

Hồi tháng 3 năm nay, người trong xóm bị mất chó, lên báo công an xã và cho họ biết là anh còn hai con nữa, rất có thể kẻ trộm sẽ vào bắt tiếp. đại diện công an xã yêu cầu ghi số điện thoại của anh ta, và cố gắng bắt cho được kẻ trộm chó rồi gọi công an đến xử lý. Anh này nghe vậy, thấy buồn cười, nói thẳng: “Nếu sắm công an ra để khi hữu sự các ông nói vậy thì thôi nuôi các ông để lấy phân chứ làm gì nữa!” Hai bên lớn tiếng, cuối cùng người trong xóm bỏ về.

Trường hợp người dân bắt được kẻ trộm chó giải lên công an, thì nhân viên công an sẽ qui số cân nặng của con chó bị bắt, tính ra tiền và phạt dựa trên mức tiền giá trị con chó.

Giá thịt chó ở Việt Nam rất rẻ, giá chưa thành phẩm là 25,000 đồng/kg (tương đương $1.3). Giá thịt thành phẩm là 40,000 đồng/kg (gần $2). Như vậy kẻ trộm bắt một con chó nặng chừng 10kg thì mức phạt cũng chẳng bao nhiêu. Và thậm chí kẻ trộm chó có thể dùng tiền mua chuộc công an viên để trắng “án.”

Theo các chủ quán thịt chó, khách hàng chủ yếu của họ vẫn là cán bộ nhà nước vì họ rất ưa thịt chó. Bởi vậy các quán thịt chó hầu như có mặt trên khắp ba miền Việt Nam. Không những cầy bảy món, pín cầy, dương vật cầy, cầy hấp, cầy nướng... Mà còn có thêm món “lòng cầy lai láng tình yêu.”

Món “lòng cầy lai láng tình yêu” có giá tiền cao ngất, không phải ai cũng có thể dùng được. Cũng theo các chủ quán thì chỉ có cán bộ cấp cao hoặc nhà giàu mới xơi nổi món này.

Hỏi ra mới biết “lòng cầy lai láng tình yêu” là một dịch cụ “cầy tươi mát.” Trong đó, về món ăn thì có cầy hấp, giò cầy nướng, lòng cầy nhồi thuốc bắc và một ít sâm, pín cầy, dương vật cầy... Và đặc biệt là lúc ăn, có em út mặc váy ngắn ngồi đút cho khách...

 Hàng đổi chó, giỏ đựng chó và kềm kẹp cổ chó. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
 
Ði khắp Việt Nam, trừ Long Khánh là tỉnh có ít quán thịt chó nhất, đặc biệt Lái Thiêu không có quán thịt chó nào (chuyện trước đây một năm, bây giờ thì không rõ).

Còn lại, không có tỉnh nào, huyện nào mà không có quán thịt chó. Nhất là Hà Nội và Sài Gòn, quán thịt chó đủ hạng, từ vỉa hè, gầm cầu cho đến quán chó “VIP,” quán chó ba “sao,” bốn “sao,” năm “sao.”

Nguồn cung cấp thịt chó vẫn là chó giữ nhà bị bắt trộm, một số khác được dân đổi chó (người chở chiếc giỏ, tay mang thòng lọng và một ít nồi, niêu, xoong, chảo, chạy xe khắp xóm rao đổi chó lấy những thứ này...).

Nhưng chuyện đổi chó rất hạn chế, vì không mấy ai nỡ nhìn chó mình nuôi bị thắt thòng lọng vào cổ, đau đớn kêu gào để mà lấy mấy cái xoong, nồi...

Chính vì vậy mà nguồn thịt chó ở Việt Nam, chủ yếu vẫn là nguồn chó bị bắt trộm, bị đập lúc đang chạy chơi ngoài đường.

Với một đất nước mà con người vẫn còn sống trong nhiều nỗi bất an, vẫn chưa có niềm tin vào bộ máy chính quyền, thì niềm tin của họ sẽ gửi gắm vào chó. Vì chó là vật nuôi thân thiết, khôn ngoan và trung thành của họ.

Con chó là vật giữ nhà, là vật đảm bảo an toàn cho người dân trong đêm hôm khuya khoắt. Nhưng một khi chó không được bảo vệ, nạn trộm chó, nạn đập chó để bán thịt diễn ra công khai trước mắt người dân thì nỗi bất an ấy lại càng tăng cao.