Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc tự chế hàng không mẫu hạm

Trung Quốc tự chế hàng không mẫu hạm PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Sáu, 24 Tháng 12 Năm 2010 17:55

Có thể đưa vào hoạt động năm 2011

BẮC KINH (Reuters) - Trung Quốc có thể sẵn sàng đưa hàng không mẫu hạm đầu tiên của mình vào hoạt động năm 2011, theo nguồn tin từ giới chức quân sự cũng như chính trị tại Trung Quốc hôm Thứ Năm, một năm sớm hơn thời điểm các phân tích gia quân sự Mỹ dự trù.

 Chiếc hàng không mẫu hạm Variag mua lại của Nga đang được tân tạo tại cảng Ðại Liên, Trung Quốc. (Hình: China-Defense-Mashup.com)
 
Các phân tích gia cho hay Trung Quốc sẽ dùng hàng không mẫu hạm này để “bảo đảm an ninh” cho nguồn cung cấp dầu thô qua vùng Ấn Ðộ Dương cũng như gần khu vực quần đảo Trường Sa hiện đang có tranh chấp.

 Nhưng nguồn tin này cũng cho rằng sẽ phải mất thêm mấy năm nữa hàng không mẫu hạm Trung Quốc mới đạt tới khả năng hoạt động đầy đủ.

“Giai đoạn khoảng 1 tháng 7 năm tới, thời gian chào mừng ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, là một thời điểm để hạ thủy chiếc tàu,” theo một nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc cho hãng thông tấn Reuters hay. Giới chức này yêu cầu được giữ kín danh tánh vì chương trình hàng không mẫu hạm được coi là một trong những bí mật quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc từ chối không bình luận gì.

Việc hạ thủy trong năm tới chiếc hàng không mẫu hạm đóng nửa chừng mang tên ‘Varyag’ của Liên Xô cũ để dùng vào việc huấn luyện và thử nghiệm các kỹ thuật mới, sẽ là một bước tiến tới việc xây dựng một hải đội hàng không mẫu hạm của Trung Quốc, theo các phân tích gia.

Phòng tình báo hải quân Hoa Kỳ ước tính rằng chiếc Varyag sẽ được hạ thủy để dùng vào việc huấn luyện năm 2012 và Trung Quốc sẽ tự mình đóng được một chiếc hàng không mẫu hạm sau năm 2015.

Andrew Erickson và Andrew Wilson thuộc Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ (U.S. Naval College) cho rằng “Trung Quốc có thể tiến hành việc nghiên cứu và phát triển, ngay cả sản xuất hàng không mẫu hạm nhanh hơn sự ước tính của các phân tích gia Tây phương.”

Trung Quốc sẽ là quốc gia thứ ba ở Á Châu có hàng không mẫu hạm, sau Ấn Ðộ và Thái Lan, hiện nay vẫn cần có thêm các dụng cụ máy móc, trang thiết bị điện tử và huấn luyện phi công.

“Có được một hàng không mẫu hạm không có nghĩa là có khả năng sử dụng hiệu quả loại tàu này -một tiến trình có thể cần đến mấy thập niên,” theo lời Robert Karniol, một chuyên gia quốc phòng Canada.

Chiếc Varyag, dài chừng 300m (khoảng 1,000 feet) với trọng tải tối đa khoảng 67,000 tấn, hiện đang trong thời kỳ tu bổ và trang bị tại một xưởng đóng tàu quốc doanh tại cảng Ðại Liên, Tây Bắc Trung Quốc.

Một công ty ‘tư nhân’ Trung Quốc mua chiếc Varyag, lúc đó hoàn tất khoảng 60%, không có động cơ hay các trang bị hải hành, với giá $20 triệu từ Ukraine năm 1998, nói rằng sẽ biến tàu này thành một sòng bài nổi ở Macau. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, hải quân Trung Quốc nhận lãnh tàu này.

Các phi công Trung Quốc hiện chưa có khả năng cất và hạ cánh trên hàng không mẫu hạm. Họ được huấn luyện vài năm nay nhưng có số giờ bay ít hơn các phi công hải quân Mỹ rất nhiều. “Họ phải nhận ra rằng để có được khả năng này sẽ phải trả giá cả về chi phí lẫn sinh mạng,” theo Erickson và Wilson.

“Chiếc Varyag sẽ cho chúng tôi tập làm quen với chiến thuật sử dụng hàng không mẫu hạm,” một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho hay.

Hoa Kỳ và các quốc gia láng giềng Trung Quốc hiện lo ngại về việc Bắc Kinh có thể dùng hải lực ngày càng gia tăng của mình trong các cuộc tranh chấp biển đảo và việc có hàng không mẫu hạm làm tăng thêm sự lo ngại này.

Trung Quốc đang thương lượng để mua phi cơ phản lực chiến đấu Su-33 dùng trên hàng không mẫu hạm Nga và cũng đang tìm cách biến cải loại J-10 của họ. Chiếc Varyag sẽ có bến nhà tại đảo Hải Nam.

Ở vùng Ðông Nam Á, chỉ hải quân Thái Lan là có hàng mẫu hạm.

Chiếc RTN (Royal Thai Navy) Chakri Naruebet được mua từ Tây Ban Nha và nhận lãnh năm 1997, dài 183m, trọng tải chừng 12,000 tấn, có khả năng chở theo từ 6 đến 8 chiếc phản lực chiến đấu AV-8S Matador cất cánh thẳng như trực thăng; cùng với tối đa là 20 chiếc phi cơ trực thăng S-70B Seahawk.

Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới có hải lực hàng không mẫu hạm thi hành được những nhiệm vụ chiến lược. Tất cả 11 hàng không mẫu hạm chiến đấu (không kể những mẫu hạm đổ bộ chở trực thăng và máy bay lên thẳng) của Hải Quân Hoa Kỳ hiện nay đều dùng động cơ nguyên tử.

Hải Quân Trung Quốc mỗi năm được tài trợ hàng tỷ dollars nhưng việc thành lập một hải đội hàng không mẫu hạm đòi hỏi những chi phí rất lớn. Giá đóng một mẫu hạm dùng động cơ cổ điển chạy bằng dầu khoảng $2 tỷ.

Nhưng một mẫu hạm còn có nhiều trang bị phòng thủ, phi đội trên mẫu hạm và để hoạt động cần có nhiều tàu phụ trợ bao gồm hộ tống, tiếp liệu... Toàn bộ lực lượng đặc nhiệm ấy trị giá khoảng $10 tỷ. Ngoài ra chi phí sử dụng, bảo trì, huấn luyện tốn kém khoảng $200 triệu một năm.