Home Tin Tức Thời Sự Tìm thấy đầu của vua Henri đệ tứ

Tìm thấy đầu của vua Henri đệ tứ PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Sáu, 24 Tháng 12 Năm 2010 12:04

Sau 400 năm.

Bốn trăm năm sau khi vua Henri đệ tứ bị ám sát, hai thế kỷ mất hút tông tích, sau hai năm phân tích xác minh, cái đầu người tìm thấy vào năm 2008 tại nhà một cặp vợ chồng người Pháp đã nghỉ hưu đúng là đầu của nhà vua.

Vua Henri đệ tứ (Reuters)

Một công trình nghiên cứu được đăng trên báo khoa học British Medical Journal, BMJ, ngày 14/12 vừa qua cho biết khá chi tiết các công việc xác minh di hài.

Nhóm chuyên gia bao gồm 19 nhà khoa học, dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Philippe Charlier, 33 tuổi, chuyên gia pháp y nổi tiếng. Một sử gia chuyên nghiên cứu Henri đệ tứ cũng được mời cộng tác.

Phương pháp tính niên đại bằng carbone phóng xạ cho phép xác định di hài nằm trong khoảng thời gian từ 1450 đến 1650.

Hình ảnh được tái tạo qua máy tính trên cơ sở hộp sọ trùng khớp với những khuôn thạch cao hình đầu Henri đệ tứ được thực hiện sau khi nhà vua qua đời. Tuy nhiên, các phân tích về gen không thể thực hiện được vì không còn các mẩu ADN thuần khiết, không bị hư nhiễm.

Đầu của vua Henri đệ tứ được bảo quản tốt, vẫn có tóc và phần còn lại của bộ râu. Chiếc đầu hơi bị nâu xỉn chút ít, mắt khép hờ và há miệng. Bên cạnh đó, còn có một số dấu hiệu rõ nét như một vết đen tối dài khoảng 11 mm ở phía trên bên lỗ mũi phải, một lỗ nhỏ dấu vết của việc đeo vòng tai bên phải, đúng như mốt của triều đình Valois và một vết tổn thương xương phía trên bên trái môi trên. Đây là vết tích vụ ám sát hụt vua Henri đệ tứ ngày 27/12/1594.

Ngày 14/05/1610, Henri đệ tứ bị một kẻ cuồng tín sát hại và nhà vua được an táng vào ngày mồng một tháng bẩy, tại nhà thờ Saint –Denis, nơi chôn cất tất cả các vị vua Pháp.

Theo giải thích của một sử gia với AFP thì vào năm 1793, trong không khí cách mạng, người ta muốn xóa bỏ tất cả những biểu tượng của hoàng gia và bực tức là tại sao các ngôi mộ, lăng tẩm của các nhà vua vẫn còn nguyên vẹn. Cần phải kiếm một cái cớ nào đó. Các quan tài của nhà vua đều được bọc chì. Nước Pháp đang trong thời chiến. Chính thể cộng hòa thời đó đã ra lệnh đào các quan tài đó lên để lấy chì, đúc súng.

Khi mở quan tài Henri đệ tứ, mọi người đều kinh ngạc vì xác của nhà vua được bảo quản rất tốt. Lúc đó, người ta vẫn tin rằng chỉ có thi thể của các vị thánh thì mới không bị tan rữa. Xác của Henri đệ tứ được dựng lên trước một đám đông, người ta xô vào giằng xé các bộ phận trên thi thể nhà vua, người thì giật ngón tay, người thì cắt bộ râu, nắm tóc … Rất có thể vào thời điểm này mà đầu của nhà vua lìa rời thân xác. Điều này giải thích vì sao sau Cách mạng, nhiều bộ phận di hài Henri đệ tứ nằm trong các bộ sưu tập cá nhân. Phần còn lại của thi thể bị ném xuống hố chôn tập thể.

Vào thế kỷ 19, người ta tìm thấy vết tích cái đầu nổi tiếng này trong bộ sưu tập tư nhân của một công tước Đức. Đến năm 1919, trong một cuộc bán đấu giá tại văn phòng Drouot, ở Paris, đầu vua Henri đệ tứ tái xuất hiện và được một thợ chụp ảnh mua với giá 3 quan Pháp. Người này đã hoài công thuyết phục viện bảo tàng Louvre, Carnavalet rằng đó là đầu của nhà vua, nhưng chẳng ai tin ông ta. Năm 1955, đầu Henri đệ tứ lại được văn phòng Drouot đem ra bán đấu giá và một cặp vợ chồng người Pháp ở Paris đã mua và giữ kín tung tích cho đến 2008.

Toàn bộ quá trình nghiên cứu, xác minh đầu vua Henri đệ tứ được quay thành phim tài liệu và sẽ được chiếu trên truyền hình Pháp vào tháng hai năm 2011.