Home Tin Tức Thời Sự Một Hiệp hội Tin Lành Việt Nam yêu cầu được chính quyền tôn trọng và đối xử minh bạch

Một Hiệp hội Tin Lành Việt Nam yêu cầu được chính quyền tôn trọng và đối xử minh bạch PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Tư, 22 Tháng 12 Năm 2010 22:29

Chiều ngày chủ nhật (19/12),tại Hà Nội, một biến cố đặc biệt đã xảy ra trước cửa Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Theo một số báo mạng Việt Nam, nhiều tín đồ theo đạo Tin Lành đã tập hợp cầu nguyện trước cửa Trung tâm đã bị công an tới giải tán, và một số người đã bị bắt đi, với lý do làm rối loạn trật tự công cộng.

Một buổi hòa nhạc của Hiệp hội Thông công Cơ Đốc Hà Nội (7/2010)
Ảnh của Hiệp hội Thông công Cơ Đốc Hà Nội
 

Cho đến nay, theo một số nguồn tin, tất cả những người bị bắt đã được thả.

 Để biết rõ hơn về sự việc này, Ban Việt ngữ RFI đã phỏng vấn mục sư Phạm Tuấn Nhượng, thành viên Ban Liên lạc của Hiệp hội Thông công Cơ Đốc Hà Nội.

RFI : Mục sư có thế cho biết những người Tin Lành trong thời gian bị giam giữ được đối xử như thế nào ?

Ông Phạm Tuấn Nhượng : Chắc là chúng tôi sẽ đợi bản tường trình của từng anh em để xem xem trong quá trình từ lúc bắt đến khi thả. Chúng tôi muốn có thông tin chính xác.

Chúng tôi chỉ biết một điều là : khi bắt, chúng tôi nghe được một cái lệnh là ký tạm giam anh em 24 giờ, thì đúng trước 24 tiếng họ thả ra, với biên bản phạt hành chính, mỗi người bị phạt 100 nghìn đồng vì tội gây rối trật tự công cộng.

 Nhưng chúng tôi cũng không đồng ý với điều này, và chúng tôi sẽ làm bản kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền.

Thực sự chúng tôi không gây rối trật tự công cộng. Chúng tôi không chấp nhận hình phạt này.

Ngay cả hành động của chúng tôi là nhóm buổi thờ phượng ngay trước cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đó cũng là vì bắt buộc, vì chúng tôi bị đẩy vào tình thế đó, chứ không phải do chúng tôi chủ động gây nên.

Nguyên cớ là : cơ sở cho chúng tôi thuê địa điểm đã hủy hợp đồng một cách đơn phương, với lý do không chính đáng ; tiếp theo đó, là do thời gian quá gấp và vì thế chúng tôi không thể rút lại các giấy mời được.

RFI : Thưa mục sư, việc nơi tổ chức cho thuê họ đơn phương cắt bỏ hợp đồng, thì mục sư có nghĩ đến nguyên nhân gì đằng sau chuyện này không ?

Ông Phạm Tuấn Nhượng : Tất nhiên là chúng tôi khẳng định 100% là có nguyên nhân.

Bởi vì nòng cốt chúng tôi là những người đã từng du học và làm việc tại Liên bang Nga về. Hai năm trước đây, chúng tôi đã có buổi gặp mặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Theo tinh thần, khi gặp mặt, chúng tôi có thể chia sẻ về tất cả những gì mà chúng tôi cùng quan tâm, ngay cả niềm tin của chúng tôi vào Chúa.

 Hai năm trước chúng tôi đến đây, thì họ biết chúng tôi rồi. Bởi vì chúng tôi rất đàng hoàng, chúng tôi đưa chương trình và nội dung cho họ.

Mục đích của chúng tôi là gặp nhau để mừng Chúa giáng sinh. Năm nay chúng tôi cũng đến với mục đích như vậy, và gặp người đại diện lần trước đã biết chúng tôi rồi. Nên nếu bảo rằng, họ không biết chúng tôi, và chúng tôi mập mờ thì không phải.

Theo hợp đồng đã ký, chúng tôi có thể gặp gỡ bạn bè thân, những người quen mà chúng tôi có thể mời đến, với những nội dung mà chúng tôi cùng quan tâm mà Nhà nước không cấm.

Lúc đầu thì mọi chuyện rất suôn sẻ. Nhưng vào những ngày cuối, họ bắt đầu mời chúng tôi lên gặp, và họ nói là họ muốn hủy hợp đồng.

Trước đó, họ nói với chúng tôi chuyển cho họ chương trình. Chúng tôi ký với họ hợp đồng vào ngày 30/11. Đến khoảng ngày 16, chúng tôi đưa nội dung chương trình lên. Khi nhận được nội dung này, họ bắt đầu nói là : nội dung chương trình đưa ra này không phù hợp với nội dung đã đăng ký.

 Chúng tôi đã phản bác lại điều này trong một bức thư gửi đến nơi cho thuê hội trường, trong đó chúng tôi nói lên bốn ý.

Chúng tôi trình bày rằng, thực sự chúng tôi đã tổ chức một sự kiện tương tự như ở đây rồi, và chúng tôi là những người mà quí vị đã biết, và chúng tôi có nhu cầu gặp mặt nhau vào dịp Noel cuối năm như vậy. Và chúng tôi nói rằng, nếu quí vị muốn hủy hợp đồng, thì chúng tôi có bốn ý thế này:

(1) Trước hết là nội dung đưa ra bây giờ không phù hợp với nội dung đăng ký vì vậy quí vị hủy, thì cái đó không có cơ sở. Khi chúng tôi ký hợp đồng thuê nơi này, thì quí vị không hề đòi hỏi nội dung, chúng tôi chỉ đưa ra tiêu đề nội dung là một buổi gặp mặt thôi. Nên nếu nói rằng, nội dung đưa ra và nội dung đăng ký không tương hợp với nhau là hoàn toàn không có cơ sở.

(2) Điều thứ hai mà chúng tôi nêu ra là, trong bất cứ một buổi gặp mặt nào, người ta cũng có thể nói về bất cứ đề tài nào mà người ta quan tâm, cho dù là thương mại, hay là niềm tin, miễn đó là điều mà Nhà nước không cấm. Vì vậy chúng tôi nói là, nếu chỉ vì lý do là chúng tôi chia sẻ niềm tin, mà chúng tôi không được phép tổ chức ở đây, thì như vậy, có sự phân biệt đối xử. Bởi vì chúng tôi là một bộ phận của người dân, mà Hiến pháp Việt Nam nói là tôn trọng tự do tín ngưỡng, và không phân biệt đối xử.

Bởi vì cơ sở này, đám cưới người ta cũng có thể thuê được, và một cá nhân cũng có thể thuê được để mà tổ chức thương mại hay thảo luận về bất cứ điều gì. Nếu chỉ vì niềm tin, mà chúng tôi không được phép tổ chức tại đây, thì thực sự phân biệt đối xử rất nặng nề.

 Đối với chúng tôi, những người tin Chúa, dịp Noel Giáng sinh là dịp lễ trọng, có một cái gì đó giống như Tết của chúng tôi. Vì thế, Nhà nước nên tạo điều kiện, và thậm chí Nhà nước rất nên tạo điều kiện, vì một năm chúng tôi chỉ có một cái ngày như vậy thôi.

(3) Điều thứ ba chúng tôi cũng nêu ra trong cái đơn đó, chúng tôi nói, nếu quý vị ra quyết định hủy hợp đồng, thì quí vị phải trả lời bằng văn bản, với lý do rất rõ ràng. Vì khi chúng tôi mời người ta, bây giờ lại bảo hủy, thì chúng tôi không thể nói chung chung là hủy như vậy mà thôi.

(4) Điều thứ tư chúng tôi nói là với thời gian gấp như vậy, thì thật sự chúng tôi không thể kịp thông báo cho tất cả mọi người, bởi cái số lượng người mời khá lớn, nên chúng tôi không chịu trách nhiệm, nếu có chuyện gì phát sinh sau này.

Đến trưa ngày 18, trước ngày tổ chức một hôm, người đại diện của chúng tôi mới chính thức nhận được thông báo hủy hợp đồng.

Theo nguyên tắc, để hủy hợp đồng, phải có sự thương lượng thỏa thuậncủa hai bên, mà thực sự điều này là không có, chúng tôi chưa hề ký vào văn bản nào chấp nhận điều này. Như vậy, đây là một quyết định đơn phương, với lý do vẫn như điều mà họ đã từng nêu ra, trước khi họ nhận được lá thư phản bác của chúng tôi, mà trên thực tế là họ đã không trả lời.

 Mặt khác, chúng tôi không có thể nào trong thời gian gấp như vậy mà xoay chuyển được tình thế, những người được mời vẫn đến ngày hôm đó. Khi mà đến, tất nhiên chúng tôi và bạn bè là những người tin Chúa, thì khi nhóm lại, chắc chắn chúng tôi hát tôn vinh Chúa thờ phượng, và sau đó có những đụng độ nhất định xảy ra. Tiến trình sự việc là như vậy.

RFI : Theo mục sư, vụ việc này sẽ được tiếp tục như thế nào ?

Ông Phạm Tuấn Nhượng : Thứ nhất, chúng tôi dựa trên Hiến pháp của Việt Nam, và cũng là những điều mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.

 Chúng tôi là những người tin Chúa, chắc chắn chúng tôi phải giữ những quyền lợi đó. Thậm chí phải trả giá nào đi chăng nữa, chúng tôi cũng sẽ giữ quyền tự do tín ngưỡng của chúng tôi, tự do thờ phượng Chúa. Đó cũng là điều được quy định trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.

 Những điều được đưa ra công khai đều nói như vậy. Chắc chắn đây là quyền của chúng tôi, và chúng tôi sẽ đứng trên những quyền này. Đối với chúng tôi là những người tin Chúa, thì thậm chí trả giả bằng sự chết chúng tôi cũng sẵn sàng.

Tất nhiên là những người anh em chúng tôi, những người bị trả giá bởi niềm tin, đối với chúng tôi là một vinh hạnh. Tất nhiên chúng tôi không hề thù hằn cay độc những người bắt bớ đánh đập anh em chúng tôi. Chúng tôi tha thứ cho họ. Nhưng chắc chắn là chúng tôi cũng sẽ có những biện pháp thích hợp trong vấn đề này.

RFI : Thưa mục sư, nhớ lại hồi năm ngoái, cách đây một năm, cũng vào dịp lễ Giáng sinh như thế này, nhiều nơi tại Việt Nam, có những cuộc gặp đông đảo, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương khác nhau. Rõ ràng so với năm nay, dường như có sự thay đổi rất đặc biệt, vậy xin mục sư cho nhận định về thực trạng này !

Ông Phạm Tuấn Nhượng : Đúng là năm trước, có sự cởi mở nhất định nào đó, nên trong miền Nam, ngoài Bắc và nhiều nơi, chúng tôi có thể rất vui mừng tổ chức sự kiện chúa Giáng sinh với đông đảo người tham dự.

Nhưng năm nay, trước sự kiện này, chúng tôi cũng nghe qua những cán bộ liên quan làm công tác này, họ đều nói có một chỉ thị, một công văn ngầm nào đó, nói về việc năm nay có sự thắt chặt hơn năm trước. Ngay cả khi chúng tôi ở tại chỗ Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 19 vừa rồi, thì lúc đầu buổi, tôi cũng trò chuyện với một số anh an ninh ở đó.

Họ cũng nói điều này, nhưng chúng tôi cũng trao đổi lại là chúng tôi không nhận được cái thông tư đó bằng văn bản. Nếu Nhà nước nêu ra cái này bằng văn bản để phổ biến cho chúng tôi, có thể chúng tôi sẽ phải chấp hành, nhưng rõ ràng chúng tôi không nhận được thông tin.

Và điều thứ hai, nếu Nhà nước đưa ra thông tư bằng văn bản, nếu cái này trái với Hiến pháp, với các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, thì chúng tôi cũng có thể khiếu nại. Chúng tôi cũng biết, ngay trong Quốc hội, bây giờ người ta cũng bàn về việc nhiều nghị định trái với Hiến pháp, và kiến nghị hủy bỏ những điều như vậy. Cộng đồng Tin Lành chúng tôi cũng cần các văn bản, chứ không thể chấp hành lệnh bằng miệng.

Ngay cả vấn đề tại sao chúng tôi không đăng ký tổ chức tại các Hội thánh Tin Lành như những người tin Chúa trong các tổ chức như vậy.

 Chúng tôi nói là « buổi gặp mặt » thì cũng là vì vấn đề này. Chúng tôi biết là có những văn bản, thông tư của Nhà nước không còn phù hợp với tình hình thực tế, với tinh thần chung của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, với các cam kết của Việt Nam với thế giới.

Một mặt nào đó, chúng tôi rất tôn trọng chính quyền, tôn trọng những người trong chính quyền, mà bản thân họ cũng bị những văn bản nhất định ràng buộc, nên chúng tôi mới đi theo cách như vậy. Mặc dù, về một khía cạnh nào đấy, có thể gọi việc này là lách luật, nhưng việc làm của chúng tôi hoàn toàn không trái với sự thật, không trái với pháp luật. Nhưng, khi chúng tôi làm như vậy mà vẫn có những sự cố này xảy ra thì thật đáng tiếc, và chúng tôi rất thất vọng về điều này.

RFI : Xin mục sư nói rõ thêm về điểm này. Không biết tôi có hiểu chính xác không, có nghĩa là bình thường ra, nếu tổ chức các hoạt động như của Hiệp hội tại một thánh đường, hoặc nhà thờ Tin Lành nào đó, thì nó có thể gây ra một số khó khăn về thủ tục, có đúng không ạ ?

Ông Phạm Tuấn Nhượng : Chúng tôi là những người đa số thuộc về các hội thánh tư gia, hội thánh thầm lặng hiện nay.

Như vậy, về một khía cạnh nào đó, chúng tôi chưa được công nhận « tư cách pháp nhân ». Nhưng chúng tôi cũng nói với những người làm công tác này là : cũng giống như một đứa trẻ sinh ra, dù nó có được cấp hay chưa chưa cấp giấy khai sinh hay chứng sinh, thì nó vẫn là một đứa nhỏ.

Thực sự không thể phủ nhận nó là một con người được. Mặc dù chúng tôi là một hội thánh, nhưng theo văn bản pháp luật thì phải đủ 20 năm, thì mới có thể được cấp tư cách pháp nhân, vậy thật sự là chúng tôi chưa đủ điều kiện đó.

 Nhưng nếu như vậy, thì trong quá trình 20 năm ấy, chúng tôi hoạt động bất hợp pháp à ? Có một cái gì đó rất mâu thuẫn trong vấn đề này. Chính vì vậy, những hội như chúng tôi, một khía cạnh nào đó gọi là chưa được tư cách pháp nhân, mà để đăng ký như vậy, thì chúng tôi không có con dấu. Không có tư cách pháp nhân, để thuê mướn các địa điểm, thì đa phần là không được.

Nhưng dù cho chúng tôi không có tư cách pháp nhân như vậy, chính quyền không thể nào không nhìn nhận sự hiện diện của chúng tôi.

 Chúng tôi là một bộ phận của dân tộc, chúng tôi có tín ngưỡng như vậy, thì thực sự Nhà nước, nếu vì dân, thì cũng phải tạo điều kiện cho vấn đề này.

RFI : Xin trân trọng cảm ơn mục sư Phạm Tuấn Nhượng.