Bên lề giải Nobel Hòa Bình 2010 |
Tác Giả: Người Oslo | |
Thứ Ba, 21 Tháng 12 Năm 2010 13:14 | |
Vì Trung Cộng chống đối, giải Nobel Hoà Bình trở nênn hàng đầu thế giới
Năm nay, sự phản đối kịch liệt và hung hãn của chính quyền Trung Cộng từ khi ông Lưu Hiểu Ba được công bố là người được nhận giải Nobel Hòa Bình 2010 đã đưa tên Oslo lên tít đầu của các nguồn tin quan trọng trên thế giới. Na Uy hân hạnh được trao trách nhiệm chọn và trao giải Nobel Hòa Bình: Nhờ đó mà thủ đô Oslo được thế giới nhắc đến hàng năm, nếu không thì có lẽ ít người biết cái vương quốc nhỏ bé miền bắc Âu này. Năm nay, sự phản đối kịch liệt và hung hãn của chính quyền Trung Cộng từ khi ông Lưu Hiểu Ba được công bố là người được nhận giải Nobel Hòa Bình 2010 đã đưa tên Oslo lên tít đầu của các nguồn tin quan trọng trên thế giới. Thông thường, giải Nobel Hòa Bình năm nào cũng gặp một số phản ứng tiêu cực. Lớn thì ở tầm vóc quốc gia như Carl von Ossietzky của Đức, Andrej Sakharov của Nga, Lech Walesa của Ba Lan, Aung San Suu Kyi của Mã Lai, Shirin Ebadi của Ả Rập… Nhỏ thì phát xuất từ những quan điểm chính trị, nhân sinh đối lập. Ngay sau khi tên ông Lưu Hiểu Ba nằm trong danh sách đề nghị được nhận giải Nobel Hòa Bình 2010, bộ trưởng bộ ngoại giao Na Uy Jonas Gahr Støre nhận được lời cảnh cáo từ chính quyền Trung Cộng về một viễn ảnh không tốt cho sự giao lưu giữa hai nước: ”nếu… nếu...” Bộ trưởng bộ ngoại giao Jonas Gahr Støre và chủ tịch ủy ban Nobel Hòa Bình Thorbjørn Jagland vừa là bạn thân vừa cùng là trong ban lãnh đạo đảng Lao Động, là đảng đang nắm quyền tại Na Uy. Giới truyền thông Na Uy phản ứng mạnh và đặt nhiều câu hỏi khi tin hàng lang cho biết bộ trưởng bộ ngoại giao Na Uy ”vô tình” kể sơ lời cảnh cáo ấy với chủ tịch ủy ban Nobel Hòa Bình Thorbjørn Jagland qua một lần ”tình cờ trò chuyện” trong một phiên họp có tầm vóc quốc tế ở New York. Vậy là bộ trưởng bộ ngoại giao Na Uy phải phân trần rằng ông không cố tình chuyển lời cảnh cáo của chính quyền Trung Cộng, rằng ông không dùng thế lực chính trị của mình để gây ảnh hưởng trong những quyết định của ủy ban Giải Nobel Hòa Bình, rằng đó chỉ là tâm tình giữa hai người bạn thân. Đúng ra thì, Thorbjørn Jagland, đã từng là thủ lãnh đảng Lao Động, từng là thủ tướng Na Uy và bộ trưởng bộ ngoại giao, dễ gì bị xiêu lạc bởi những dọa dẵm hay cảnh cáo. Ông có thừa khả năng, kinh nghiệm cũng như bản lãnh trong nhiệm vụ là chủ tịch ủy ban Nobel Hòa Bình. Thế là để chứng tỏ rằng đó không chỉ là lời cảnh cáo suông, chính quyền Trung Cộng ra tay: Chận đứng các thỏa hiệp giao thương đang gần đến giai đoạn cuối giữa hai nước. Hủy bỏ những chương trình thăm viếng giao lưu ở cấp quốc gia lẫn cấp ban ngành xuất nhập cảng. Các công ty Na Uy làm ăn với Trung Cộng méo mặt nhức đầu mà không dám than thở vì không muốn mang tiếng vì quyền lợi riêng tư. Thủ tướng, bộ trưởng bộ ngoại giao, bộ công nghiệp và thương mại, bộ ngư nghiệp và duyên hải đều là đảng Lao Động chỉ biết nhắn nhẹ với ông bạn Trung Cộng rằng thì là hoạt động của Ủy Ban Nobel Hòa Bình hoàn toàn biệt lập, không liên quan và không bị ảnh hưởng bởi guồng máy chính trị Na Uy. Nói chung, chính quyền Na Uy vừa giơ tay phải xiết mạnh tay chủ tịch ủy ban Nobel Hòa Bình Thorbjørn Jagland, vừa giơ tay trái vuốt ve ông bạn Trung Cộng. Vuốt vì ngoại giao chứ người dân Na Uy ai cũng hiểu là …nước tui giàu mạnh từ gốc rễ, có mất mối làm ăn với các ông thì chúng tôi cũng chẳng sứt mẻ chi cho lắm, nước tui cũng chẳng nợ nần, chẳng nhờ vả các ông, hàng hóa các ông rẻ thiệt nhưng phải xem phải xét trước kỹ lưỡng khi xài nên… chẳng ham… và rồi cười ruồi! Tưởng là chương trình xuất khẩu cá hồi tươi sang Trung Cộng, rất qui mô, rất thân thiệt mà trước đó vài tuần, đài truyền hình Na Uy đã hân hoan tường trình, sẽ bị hủy bỏ. Nhưng, khoảng một tuần sau ngày tuyên bố giải Nobel Hòa Bình 2010, trong hội chợ Expo 2010 ở Shanghai, gian hàng Na Uy giới thiệu các món ăn làm từ cá hồi Na Uy vẫn được thăm viếng đông đảo và được người dân vô tư khen ngợi, ủng hộ. Và mới đây, chính quyền Trung Cộng ra lệnh cho cơ quan kiểm soát thực phẩm rằng bắt đầu từ 13.12. 2010 cơ quan này phải tìm cách gây khó khăn để cá hồi nhập cảng từ Na Uy bị ứ đọng trong kho, không đủ tiêu chuẩn tươi. Thế là cơ quan kiểm soát thực phảm có cớ cấm đưa cá hồi ra chợ. Nhưng người viết tin rằng, với tình trạng tham nhũng tinh vi từ gốc rễ của xã hội Trung Cộng, vì quyền lợi, các tay buôn dễ gì chịu thua chính quyền và dĩ nhiên người dân vẫn sẽ có cá hồi tươi và bảo đảm chất lượng trong bữa ăn. Thông thường mọi năm thì vợ chồng thái tử Håkon – Mette Marit đại diện hoàng cung tham dự buổi lễ phát giải Nobel Hòa Bình. Nhưng năm nay, gia đình thái tử đang trong chương trình du lịch hai tháng ở ngoại quốc nên chắc chắn sẽ vắng mặt. Thế là giới truyền thông đặt câu hỏi về sự có mặt của vua Harald và hoàng hậu Sonja trong buổi lễ phát giải Nobel Hòa Bình 10. 12.2010 tại tòa đô chánh Oslo. Với vai trò đại diện tối cao nhân dân Na Uy nhưng hoàn toàn đứng ngoài chính trường, hoàng cung Na Uy cẩn thận không trả lời. Nhưng dân chúng an tâm vì dân chúng hiểu vua và hoàng hậu của mình sẽ không bao giờ làm điều gì gây tổn thương cho danh dự quốc gia. Sau khi bị cấp lãnh đạo mắng chưởi vì không gây được ảnh hưởng với ủy ban Nobel Hòa Bình, tòa đại sứ Trung Cộng tại Na Uy gởi công văn đến các tòa đại sứ đang có văn phòng tại Na Uy, cảnh cáo rằng nếu các đại sứ tham gia buổi lễ phát giải ngày 10.12.2010 thì hậu quả giao thương giữa các nước này và Trung Cộng sẽ thất lợi cho quốc gia họ. Thế là giới truyền thông bắt đầu nhấp nhó quanh các tòa đại sứ. Và danh sách dự đoán từ phía truyền thông, danh sách chưa trả lời, danh sách từ chối, danh sách nhận lời thay đổi từng ngày. Description: Description: http://www.khoahoc.net/photo/benlegianobelhoabinh.gif Cuối cùng đến ngày 10.12 thì văn phòng ủy ban Nobel Hòa Bình cho biết có 42 tòa đại sứ đại diện quốc gia tham gia,15 tòa đại sứ (Kina, Russland, Kasakhstan, Tunis, Saudi-Arabia, Pakistan, Irak, Iran, Vietnam, Afghanistan, Venezuela, Egypt, Sudan, Cuba og Marokko) viện nhiều lý do để từ chối. Thí dụ như nước Phi Luật Tân không tham dự với hy vọng Trung Cộng mũi lòng mà tha cho 5 người Phi Luật Tân đang bị án tử hình. Theo giám đốc cơ quan Nobel Hòa Bình, Geir Lundestad, thì con số này cao hơn bình thường nhưng không là 100 quốc gia như phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Cộng Jiang Ju tuyên bố. Chính quyền Trung Cộng dọa dẫm các quốc gia gởi đại biểu đến tham dự buổi lễ trao giải Nobel Hòa Bình là một điều chưa từng thấy trong lịch sử, theo lời ông Geir Lundestad. Thái độ trịch thượng làm dân Na Uy nhăn mặt khi bà Jiang Ju, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung quốc trong buổi họp báo vài ngày trước đã hung hăng gọi hội đồng giải Nobel Hòa Bình là một đám hề đang tìm cách gây rối hướng đi mà Trung Học đã vạch ra cho mình. Và lời nói hỗ láo làm dân Na Uy nhíu mày khi bà là đại diện cho một quốc gia mà lại không dùng từ ”Quí Ngài” để nói về hay với vị vua của một quốc gia khác mà lại dùng đại danh từ ”họ”, ở ngôi thứ ba như đối với người ngang hàng. Lời bà: ”Nếu họ tham dự buổi phát giải là họ ủng hộ cho một kẻ tội phạm.” Từ xưa đến nay, Trung Cộng vẫn muốn mình nhất ở rất nhiều mặt, thì lần này, Trung Cộng cũng muốn lãnh giải nhất về mặt hỗn láo. Khoảng hai tuần sau, hệ thống data của cơ sở Nobel Hòa Bình bị vi khuẩn phá rối liên tục. Giới truyền thông Na Uy đặt câu hỏi: ”Trung Cộng?” Và ông Lundestad, giám đốc trung tâm Nobel Hòa Bình trả lời lưng lửng: ”Cũng không lạ lắm! Nhưng cảnh sát sẽ điều tra.” Và, trước ngày phát giải, nhân viên bảo an phát hiện có nhiều chuột trong tòa đô chánh Oslo. ”Một hiện tượng chưa từng có ở tòa đô chánh”, nhân viên bảo an giải thích và nhếch miệng cười mỉa. Tưởng tượng nhá! Buổi lễ phát giải đang nghiêm trọng thì người này rút chân, người kia nhẩy nhỏm, các bà các cô la hét… còn gì là buổi lễ… tan hàng! Ai vỗ tay? Ai sẽ nhanh tay tung tin này lên màn ảnh truyền hình quốc gia của mình? Đây cũng là thông lệ, trước buổi phát giải vài ngày đài truyền hình quốc gia NRK, TV2 cho chiếu một số phim tài liệu mô tả đời sống người dân cũng như xã hội của quê hương người lãnh giải năm đó. Năm nay, bên cạnh sự phát triển nhanh và mạnh của Trung Cộng về mặt kinh tế được coi như trọng điểm thì hình ảnh sinh hoạt của các nhà tranh đấu dân chủ, sự chênh lệch nghiêm trọng trong đời sống hàng ngày và giữa phố thị với nông thôn. Dĩ nhiên những ngày sôi sục và đẵm máu ở quảng trường Thiên An Môn tháng 6 năm 1989 được nhắc lại, những người bạn của ông Lưu Hiểu Ba từ thời ấy được phỏng vấn. Bên cạnh đó, cho công bằng, giới truyền thông cũng có những cuộc phỏng vấn dành cho những người Trung Cộng đang sống tại Na Uy có cơ hội nói lên quan điểm chống đối giải Nobel Hòa Bình 2010, luận điệu thì rập khuông từ chính quyền Trung Cộng. Đồng thời, một số người Na Uy gốc Trung Cộng cho giới báo chí biết là tòa đại sứ Trung Cộng tại Na Uy ép buộc các đoàn thể người Hoa tham gia biểu tình chống giải Nobel Hòa Bình 2010 và họ than là muốn ủng hộ ông Lưu Hiểu Ba nhưng không dám. Sáng thứ năm, 09.10.2010 khoảng một trăm người Trung Hoa Tự Do từ khắp nơi trên thế giới, nhiều người đã từng chung vai với ông Lưu Hiểu Ba trong phong trào sinh viên xuống đường ở Thiên An Môn hè 1989, biểu tình trước tòa đại sứ Trung Cộng tại Na Uy để đòi hỏi tự do cho Lưu Hiểu Ba. Hình ảnh này làm chúng tôi nhớ đến lần hội Người Việt Tị Nạn tại Na Uy cũng biểu tình trước tòa đại sứ Trung Cộng đòi trả tự do cho 9 ngư phủ Việt Nam bị bắt, lần biểu tình chống đối Trung Cộng chiếm hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều thật vui là trong khi tòa đại sứ Việt Nam tại Na Uy theo đuôi đàn anh Trung Cộng từ chối tham dự buổi phát giải Nobel Hòa Bình 2010 tại tòa đô chánh Oslo sáng ngày 10 tháng 12 năm 2010 thì Hội Người Việt Tị Nạn tại Oslo được 2 ghế . Anh hội trưởng Nguyễn Đức Hóa và chị trưởng ban ngoại giao Nguyệt Minh hân hoan tham dự(*). Hội Người Việt Tị Nạn tại Na Uy hài lòng quá sức và lo tổ chức tham gia buổi diễn hành cùng với Tổ Chức Nhân Quyền Quốc Tế Amnesty chi nhánh Na Uy. Trước và ngay sau lễ trao giải Nobel Hòa Bình 2010 (*) đường phố Oslo thấp thoáng khắp nơi hình ảnh những người Trung Hoa Tự Do cầm biểu ngữ có nội dung ủng hộ hay hình ông Lưu Hiểu Ba. Họ tụ tập trước tòa nhà quốc hội, tiến dần quanh tòa đô chánh Oslo. Cách tòa đô chánh khoảng 100 mét, khoảng 60 người Trung Cộng cầm biểu ngữ màu vàng với những hàng chữ: ”Lưu Hiểu Ba là một tội phạm”, ”Tội phạm = công cụ hòa bình”, ” Giải Nobel Hòa Bình là công cụ chính trị”, ”Hãy trao giải Hòa Bình cho Trung Quốc”… Và một tấm băng rô trắng với hàng chữ tiếng Tàu và tiếng Anh: ”Phản đối giải Nobel Hòa Bình cho Lưu Hiểu Ba”. Khi 2 nhóm biểu tình với 2 mục đích đối lập, khoảng cánh không xa nhau mấy và nhất là người Á Đông thì sự xung đột khó tránh được. Giằng xé biểu ngữ, sừng sộ, suýt ấu đả, khiến cảnh sát phải ra tay giảng hòa. Nếu là nhóm Việt Cộng và nhóm hội Người Việt Tị nạn thì chắc tôi cũng một trong những người sừng sộ không kém gì họ mấy. Oslo lắng dịu lại. Đường phố nhộn nhịp hơn sau giờ tan sở và nhất là trong những ngày trước Giáng Sinh. Trời tháng 12 tối nhanh và tối nhất trong năm. Đường phố vắng dần trong khi từng nhóm, từng nhóm vài ba người thông thả trên các con đường hướng về quảng trường Youngstorge trong cái giá lạnh -10 độ celcius. Hai mươi chín hội đoàn tại Na Uy, người dân Na Uy, những người Trung Hoa tự do, người Tây Tạng, Mông Cổ từ khắp nơi trên thế giới, ký giả quốc tế… hàng ngàn người đã tập trung tại quảng trường Youngtorget tối thứ sáu, 10.12, dưới sự điều hành của tổ chức Quốc Tế Nhân Quyền Amnesty, để cùng nhau bày tỏ sự ủng hộ giải Nobel Hòa Bình cho Lưu Hiểu Ba và đòi hỏi chính quyền Trung Cộng trao trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba. Lời mở đầu của đâi diện Amnesty: Chúng ta có mặt hôm nay để một ngày nào đó, ông Lưu Hiểu Ba và vợ ông thấy được tấm lòng ngưỡng mộ và sự ủng hộ lý tưởng đấu tranh của ông, mà chúng ta dành cho ông. Cuộc diễn hành được bắt đầu bằng hợp ca: ”Din tanke er fri” Đây là một bài hát tiêu biểu của Amnesty tại Na Uy, được nhạc sĩ Alt Cranner dịch từ dân ca Đức ”Dei Gedabken Sind Frei”. Sau đó là lời phát biểu của hai người Trung Hoa, từng là bạn của ông Lưu Hiểu Ba từ thời ”Công trường đẫm máu” hè 1989. Trước khi đoàn diễn hành bắt đầu, Shetty lại nhấm mạnh lần nữa: “Chúng ta đi diễn hành ngày hôm nay cho ông Liu vì ông không thể có mặt ở đây, cho vợ ông đang bị quản thúc tại gia ở Trung Cộng. Nhưng cũng cho hàng trăm sinh viên đã bị bắn gục ở quảng trường Thiên An Môn, cho hàng ngàn người đang ngồi tù vì đã bày tỏ quan điểm của mình.” Một ngàn hai trăm ngọn đuốc hướng niềm ngưỡng mộ dành cho Lưu Hiểu Ba đến nhà tù miền đông bắc Trung Hoa, cùng hô to: ”Tự do cho Lưu Hiểu Ba” Và, với tâm tư hướng về các nhà tranh đấu dân chủ ở Việt Nam, hoặc trong cùng hoàn cảnh tù tội như ông Lưu Hiểu Ba, hoặc đang bị khủng bố hăm dọa ngày đêm; chúng tôi, một số người của hội Người Việt Tị Nạn tại Na Uy cũng tham gia đêm diễn hành này. Đoàn diễn hành đi dọc các con đường phố chính của Oslo, về tập trung trước khách sạn Grand Holel, nơi các nhân vật được giải Nobel Hòa Bình mỗi năm đều xuất hiện để chào công chúng. Năm nay, chỉ có tấm hình ông Lưu Hiểu Ba được chiếu bên cạnh balcon mà đáng lẽ ra là nơi ông và vợ ông hân hoan, tay trong tay chào đón tiếng hoan hô từ công chúng ở công trường phía dưới. Đêm hòa nhạc Nobel Hòa Bình (*), 11. 12. 2010, thính đường Spektrum chật cứng, sáu ngàn ghế bán hết từ lâu. Không biết sao đài truyền hình cứ quay ống kính về phía vua Harald đang ngồi. Đúng ra, theo mọi năm thì chỉ có gia đình thái tử Håkon và công chúa Martha Louise tham dự đêm hòa nhạc này. Năm nay có vua Harald tham dự là một điều đặc biệt. Chắc để chọc tức chính quyền Trung Cộng rằng thì là: ”Không những nhà vua tham dự lễ phát giải mà còn tham dự đêm hòa nhạc nữa đó, thấy không?” Đã thế, ống kính cũng quay chậm lại, quay trở lại khi khám phá ra 2 em bé kéo vĩ cầm trong ban nhạc nhi đồng Na Uy được mời chơi theo yêu cầu của ông Lưu Hiểu Ba đã nhắn với vợ ông, có nét Á Đông. Ai cũng biết, trẻ em người Hoa thường chơi giỏi môn dương cầm và vĩ cầm. Vậy thì chắc đài truyền hình NRK muốn nhắn rằng: ”Đó… trẻ em nước ông còn ủng hộ nữa là…” Tôi dùng lời của chủ tịch ủy ban Nobel Hòa Bình Thorbjørn Jagland thay cho đoạn kết: ”Cách phản ứng của Trung Cộng, tự nó xác nhận giá trị của giải này, đối với đa phần trên thế giới. Khi con người bị kết án tù 11 năm chỉ vì dám nói lên sự suy nghĩ của mình cũng đủ tăng ý nghĩa của giải này.”
(*) Bài hồi ký của chị Nguyệt Minh, người đã cùng anh Nguyễn Đức Hóa đại diện hội Người Việt Tị Nạn tại Na Uy tham dự lễ phát giải Nobel Hòa Bình ngày 10. 12. 2010 tại tòa đô chánh Oslo (*) Phim chiếu toàn bộ lễ phát giải Nobel Hòa Bình 2010
|