Tệ nạn tham nhũng tại Cam Bốt |
Tác Giả: Phạm Phan / Đức Tâm |
Thứ Ba, 21 Tháng 12 Năm 2010 10:25 |
Hồi đầu tháng này, cảnh sát đã bắt giữ công tố viên tại tòa án tỉnh Pursat, lý do bắt chưa được xác định, tuy nhiên sau này theo nguồn tin của Đơn Vị Chống Tham Nhũng thì can phạm Top Chan Sereivuth mắc tội tham nhũng tại địa phương. Theo ông Om Yentieng, người đứng đầu Đơn Vị Chống Tham Nhũng thì công tố viên Top Chan Sereivuth mang các tội danh như hối lộ, tạm giam người bất hợp pháp, tống tiền và lạm dụng quyền hành. Hai nhân viên bảo vệ của viên công tố cũng bị bắt vì các tố cáo tống tiền và tạm giam bất hợp pháp hai người đàn ông để đòi số tiền mấy ngàn Mỹ Kim. Ông Om Yentieng nói cảnh sát đang truy tầm nhân vật thứ tư, ông ta là thân nhân của viên công tố và cũng đóng vai chính trong vụ án này. Theo các nhà hoạt động nhân quyền ở tỉnh Pursat, công tố viên Sereivuth có lần nhậu say đã dùng súng bắn vào nhà hàng. Top Chan Sereivuth từng điều hành nhiều vụ kinh doanh bất hợp pháp và nhận hối lộ khét tiếng. Pursat là một tỉnh cách Phnom Penh khoảng 100 cây số về hướng Tây Bắc. Ông Keo Remy, người phát ngôn của Đơn Vị Chống Tham Nhũng cho biết sự kiện lần đầu tiên bắt giữ một giới chức nổi tiếng tham nhũng mang dấu hiệu tích cực trong công tác chống tội phạm. Ông cũng nói sau vụ bắt giữ đã có nhiều lời khen từ người dân, công chức, quân cảnh tại Phnom Penh cũng như ở nhiều địa phương khác ngay cả Văn Phòng Hội Đồng Chính Phủ cũng tỏ lời khen ngợi. Sự ra đời của cơ quan chống tham nhũng và luật chống tham nhũng Vào tháng 3 năm nay Quốc Hội Cam Bốt cho thông qua Đạo Luật Chống Tham Nhũng đã kéo dài 15 năm và từng bị than phiền rất nhiều về các điều khoản trong bộ luật. Được biết khi đang tiến hành bỏ phiếu thông qua thì các thành viên đảng đối lập bày tỏ nỗi bất bình bằng cách bỏ phòng họp rồi kéo nhau đi trên đường phố hô hào công chúng không chấp thuận đạo luật vì nó sẽ dập tắt tiếng nói chỉ trích cũng như tạo điều kiện cho căn bịnh tham nhũng tiếp tục hoành hành xã hội. Theo đạo luật này một Đơn Vị Chống Tham Nhũng sẽ được thành lập để giám sát các cuộc điều tra và cơ quan này đã ra đời cách đây 3 tháng và người đứng đầu là viên cố vấn thân cận với thủ tướng Hun Sen. Tuy thế khi Đơn Vị Chống Tham Nhũng mới ra đời đã bị phê bình vì chính bản thân nó khó có thể thi hành được nhiệm vụ do vì hoạt động thiếu độc lập. Các tổ chức phi chính phủ lo ngại Đạo Luật Chống Tham Nhũng có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt bằng án tù những ai tố giác tham nhũng cũng như luật không đòi hỏi các giới chức chính quyền công khai tài sản của họ. Đầu tuần rồi Đơn Vị Chống Tham Nhũng đã tiến hành kiểm tra tài sản các giới chức cao cấp trong chính quyền sau đó sẽ lan rộng trong mọi ban ngành của hệ thống công quyền. Thủ Tướng Hun Sen sẽ phải công khai tài sản vào đầu tháng 1/2011. Tuy nhiên phe đối lập lại nghi ngờ hiệu quả của vụ kiểm tra tài sản này bởi vì các thông tin liên hệ đến tài khoản ngân hàng của những quan chức tai to mặt bự sẽ không được đụng đến. Như vậy khi kiểm tra tài sản tại nhà, Đơn Vị Chống Tham Nhũng có thể thấy được căn nhà họ lớn đến cở nào, có bao nhiêu chiếc xe hơi đời mới, nhưng sẽ không thể nào biết họ có mấy trăm ngàn Mỹ Kim hay nhiều hơn nữa được cất giữ ở ngân hàng trong nước hay hải ngoại, đó là chưa tính tới số đất đẹp có giá trị cao mà họ đang làm chủ và nhà cửa họ mua ở ngoại quốc… Đánh giá của các tổ chức quốc tế về nạn tham nhũng tại Cam Bốt Năm nay tổ chức chống tham nhũng có tên Quốc Tế Minh Bạch xếp tệ nạn tham nhũng ở Cam Bốt đứng hàng thứ 154 trong 178 quốc gia trên thế giới. Và tại Châu Á, Cam Bốt là nước tham nhũng tệ hại đứng hàng thứ hai chỉ sau Indonesia theo cuộc điều tra mỗi năm của tổ chức Tư Vấn Về Rủi Ro Kinh Tế và Chính Trị trưng ra đầu năm nay. Theo cuộc điều tra của tổ chức Quốc Tế Minh Bạch về tệ tham nhũng trên toàn cầu được tiến hành năm 2007 thì ngành tư pháp Cam Bốt được coi là một môi trường dung chứa tệ tham nhũng nhất trong quốc gia. Cuộc điều tra cũng nêu lên nhận xét đồng ý của công chúng Cam Bốt về vấn đề này. Trong thang điểm từ 1 đến 5 thì ngành tư pháp đạt điểm 3,6 về hoạt động hối lộ, tống tiền, đòi tiền bị cáo hay nguyên cáo. Tất cả quan tòa và công tố viên đều do đảng cầm quyền bổ nhiệm và có nhiều trường hợp chứng minh có sự can thiệp của hành pháp, các thẩm phán đe dọa bị cáo một cách công khai bằng cách sử dụng lực lượng an ninh của chính quyền. Và không thiếu trường hợp phiên tòa diễn ra theo định kiến của thẩm phán một khi chính quyền can thiệp. Cũng theo Quốc Tế Minh Bạch ảnh hưởng của can thiệp chính trị trong các hồ sơ tại tòa án Phnom Penh chiếm đến 30%. Các trường hợp liên hệ đến chính trị bao gồm cả tham nhũng liên quan đến những cá nhân thân cận với nhóm cầm quyền ít khi bị truy tố. Cũng theo Quốc Tế Minh Bạch không những không có một giới chức cao cấp nào bị truy tố về tội lạm dụng quyền hành trái lại những kẻ đó một khi đã lạm dụng quyền để củng cố sự cầm quyền của đảng Nhân Dân Cam Bốt lại nhận được biệt đãi và đề bạt. Nhận định của giới quan sát nhận định Theo các cuộc điều tra của nhiều tổ chức nhân quyền địa phương và quốc tế, các tổ chức Phi Chính Phủ, các phúc trình của phe đối lập, những ghi nhận của báo chí trong và ngoài nước thì sau nhiều thập niên nội chiến và bạo lực chính trị, tệ trạng tham nhũng đã tràn lan trong hầu hết mọi lĩnh vực của hoạt động guồng máy công quyền với một hệ thống bảo trợ đã đào hào đắp lũy vững chắc trong xã hội. Tham nhũng cả ở hình thức nhỏ và qui mô. Các cơ quan thực thi luật pháp lại được biết là tham nhũng nhất và thiếu hiệu quả, thiếu độc lập, thiếu phương tiện, khả năng để tiến hành điều tra tích cực cũng như truy tố các vụ tham nhũng. Hệ thống kiểm tra thì yếu kém, cơ chế trách nhiệm hoạt động không hiệu quả và lại lo sợ các cơ hội dành cho công chúng tham gia đóng góp khiến cho tệ tham nhũng ngày càng tệ hại hơn nữa. Khả năng chống của chính quyền Người đứng đầu Đơn Vị Chống Tham Nhũng ông Om Yentieng nói cho đến lúc này có 42 hồ sơ được xem xét và một số cuộc điều tra được tiến hành, ông cũng nói nhiều trường hợp bắt giữ nữa sẽ xảy ra một khi có đủ chứng cớ. Trong Đạo Luật Chống Tham Nhũng có quy định án tù giam 15 năm bất cứ viên chức nào bị kết tội có nhận hối lộ. Đạo Luật cũng cho phép thành lập Hội Đồng Chống Tham Nhũng, và Hội Đồng này đề ra kế hoạch 5 năm giải quyết nạn tham nhũng gồm cả việc bắt buộc công bố tài sản của hơn 100.000 công chức. Tuy nhiên cũng có nhiều hoài nghi về kết quả của cơ chế này vì nó cũng bị chính quyền kiểm soát. Tổ chức Quốc Tế Minh Bạch đưa ra nhận xét các định chế chống tham nhũng không có thể ngăn chận hay chống lại tham nhũng, cạnh đó cũng có rất ít chứng cứ là giới cầm đầu quốc gia có thiện chí tiêu diệt vấn nạn tham nhũng.
|