Nga - Belarus: nguy cơ tranh chấp nếu Lukachenko tái đắc cử tổng thống |
Tác Giả: Tú Anh |
Thứ Bảy, 18 Tháng 12 Năm 2010 19:57 |
Theo giới phân tích, Matxcơva có khả năng phát động một cuộc "chiến tranh kinh tế" để gây khó khăn cho Belarus, một đồng minh dám đối đầu với quyền lợi của Nga. Trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày mai mà phe đối lập tố cáo là thiếu minh bạch, nhà độc tài Lukachenko nắm chắc phần thắng trong tay. Từ một người hùng Belarus, nay ông Lukachenko bị xem như là một nhà độc tài tham quyền cố vị (Reuters) Cũng như trong ba lần trước tức là vào năm 1994, 2001 và 2006, ông Lukachenko có nhiều triển vọng tái đắc cử. Chính quyền Nga chờ bầu cử xong, rồi mới ra tay với mục đích là kiểm soát lãnh vực năng lượng của nước láng giềng mà Matxcơva cho là cứng đầu, cứng cổ. Lãnh đạo Belarus suốt 16 năm qua nhân cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trong bối cảnh Liên Xô sụp đổ, tổng thống Alexender Lukachenko có nhiều xác xuất tái đắc cử lần thứ tư ngay vòng một vào ngày mai. Theo AFP, không ít cử tri cho rằng nếu tổng thống đương nhiệm về đầu với 35% phiếu trước 9 đối thủ khác, kết quả này hợp với thực tế.Còn nếu ông tái đắc cử ngay thì chắc hẳn là có gian lận. Trong cuộc bầu cử năm 2006, trước ngày bỏ phiếu, hàng trăm nhà đối lập bị công an câu lưu hoặc bỏ tù. Từ một người hùng đem lại độc lập cho Belarus sau 70 năm bị Matxcơva kềm tỏa, ông Lukachenko biến thành một nhà độc tài tham quyền cố vị. Lần này thì không khí tranh cử có vẽ thông thoáng hơn. Hai ứng cử viên đối lập chính, nhà thơ Vladimir Nekliakev và nhà tranh đấu dân chủ Nikolai Statkevitch, cả hai đều là cựu tù chính trị của Lukachenko, có thể tổ chức diễn thuyết mà không bị khó khăn. Tuy nhiên, kết quả bầu cử "tùy thuộc" vào việc kiểm phiếu. Đối lập tố cáo phe chính quyền có kế hoạch gian lận vì trong các ủy ban bầu cử địa phương, 99,75% là người của nhà nước. Những biến chuyển gần đây cho thấy Nga không còn muốn thấy ông Lukachenko tiếp tục lãnh đạo Belarus. Tổng thống Nga Dmitri Medvedev gọi đồng sự Belarus là một người bị "rối loạn thần kinh" và có tư tưởng bài Nga. Tổng thống Alexender Lukachenko tố cáo lại là Nga tài trợ cho phe đối lập Belarus. Quan hệ đôi bên xấu đi từ sau vụ tranh chấp trên giá khí đốt. Nga buộc Belarus trả theo giá thị trường và bắt chẹt bằng biện pháp cắt khí đốt . Đáp lại, Belarus phong tỏa đường ống dẫn khí trung chuyển sang châu Âu. Truyền thông hai nước cũng lao vào cuộc chiến. Trong một phóng sự nói về xu hướng độc đoán của lãnh đạo Belarus, một đài truyền hình Nga thân cận với điện Kremlin không ngần ngại gọi ông Lukachenko là một kẻ mang bệnh "tâm thần". Trong bối cảnh này, nếu chính quyền Minks không có nỗ lực gì để cải thiện quan hệ với Nga, thì sẽ khó tránh được một cuộc "chiến tranh kinh tế" với những thiệt hại to lớn cho phía Belarus. Chuyên gia Fedor Lukianov, tổng biên tập tạp chí "Nước Nga trong chính trị thế giới" dự báo ngành xuất khẩu nông phẩm và khí cụ nông nghiệp của Belarus sẽ bị tác động to lớn nếu Nga đóng cửa thị trường. Một dấu hiệu khác cho thấy quan hệ đôi bên suy thoái trầm trọng là lần đầu tiên Nga không ủng hộ ông Lukachenko trong cuộc bầu cử tổng thống. Trong năm 2001 và 2006, mặc dù Liên Hiệp Châu Âu lên án bầu cử thiếu dân chủ nhưng Lukachenko luôn được Nga chúc mừng. Theo nhà phân tích chính trị độc lập Ales Lagvinets tại Minks, thái độ của lãnh đạo Nga sau cuộc bầu cử mà ai cũng thấy là thiếu minh bạch sẽ cho biết rõ là Nga có chấp nhận tiếp tục làm việc với Lukachenko hay không ? Hiện nay, điện Kremlin đang gây sức ép để bắt chính quyền Minks nhượng bộ cho Nga kiểm soát lãnh vực năng lượng qua trung gian tập đoàn Gazprom của nhà nước Nga. Nhìn thấy thế kẹt của Lukachenko, Liên Hiệp Châu Âu chìa bàn tay cứu nguy cho Belarus. Bruxelles ngưng lệnh trừng phạt Belarus và khuyến khích chính quyền Minks cải cách dân chủ. Là một đồng minh thân thiết của Matxcơva và bị Tây Âu tẩy chay, Belarus từ bỏ Nga quay sang Liên Hiệp Châu Âu. Hành động này không làm Nga hài lòng chút nào. Đã vậy, ông Lukachenko còn "nuốt lời hứa" không công nhận "độc lập" của hai vùng đất của Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia thân Nga sau cuộc chiến chớp nhoáng vào mùa hè 2008.
|